Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 08/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về Đề án đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, uy tín nổi trội gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, trong đó xác định, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp tục là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ. Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ của tỉnh Hưng Yên luôn được quan tâm chú trọng; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp được bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và cập nhật kiến thức mới... cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bế giảng Lớp bồi dưỡng đối với cán bộ trẻ được quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên quản lý năm 2023. Ảnh nguồn: Tỉnh ủy Hưng Yên. |
Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đến năm 2025
Tại Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 17/11/2023 của UBND tỉnh Hưng Yên về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh; nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng tiêu chuẩn về khung năng lực theo vị trí việc làm và yêu cầu về cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng về công tác lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong lãnh đạo, quản lý và thực thi công vụ để nâng cao năng lực đối với các đối tượng trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Cụ thể, về đào tạo đến năm 2025, phấn đấu cử khoảng 2.800 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, trong đó cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện theo nhu cầu nâng cao trình độ của cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã nâng chuẩn theo quy định khoảng 160 lượt người; viên chức nâng chuẩn theo quy định và nâng cao trình độ theo nhu cầu khoảng 2.550 lượt người. Về mục tiêu bồi dưỡng đến năm 2025, phấn đấu cử 37.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng, trong đó cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện có 1.236 lượt người; cán bộ, công chức cấp xã có 300 lượt người; viên chức có 35.074 lượt người.
Trọng tâm của nhiệm vụ ĐTBD là nhằm đạt chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu khung năng lực của vị trí việc làm; khuyến khích việc đào tạo lại trình độ chuyên môn theo hình thức văn bằng hai đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm, đặc biệt là các đối tượng dôi dư trong trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo sau đại học, nhất là các đối tượng thực hiện theo quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học, thu hút nhân tài và khuyến khích tài năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tại Nghị quyết số 168/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, tập trung các ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục và một số ngành khác theo nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.
Hàng năm, tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số cho 100% cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm các vị trí việc làm về công nghệ thông tin và an toàn thông tin trong cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, khuyến kích cán bộ, công chức, viên chức thuộc các vị trí việc làm khác tham gia bồi dưỡng nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia ĐTBD ở nước ngoài theo các chương trình, đề án của các bộ, ngành Trung ương.
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng
Một là, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm theo đúng mục tiêu, yêu cầu, chương trình, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Thống nhất bằng văn bản về đối tượng, thời gian, nội dung, tài liệu bồi dưỡng, danh sách học viên; quản lý các lớp ĐTBD theo kế hoạch được UBND tỉnh giao theo quy định; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo trách nhiệm, thẩm quyền được giao; tổng hợp, đánh giá kết quả ĐTBD, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Nội vụ theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành kế hoạch chung về tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND tỉnh quản lý hàng năm theo quy định.
Hai là, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí để thực hiện kế hoạch theo quy định và các văn bản khác có liên quan. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức kịp thời, theo quy định của pháp luật và theo kế hoạch.
Ba là, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu ĐTBD, cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo thực hiện hiệu quả kế hoạch. Huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước phục vụ công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo quy định của pháp luật.
Bốn là, các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và các hội đặc thù được Đảng và Nhà nước tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của hoạt động ĐTBD; tinh thần học và tự học, về trách nhiệm học tập suốt đời của mỗi cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng, hoàn thiện đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị làm căn cứ ĐTBD, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo vị trí việc làm đã được phê duyệt. Rà soát, xét cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo để đảm bảo mục tiêu đào tạo nâng chuẩn về trình độ chuyên môn theo các quy định mới của Trung ương.
Năm là, các cơ sở ĐTBD chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giảng viên và các điều kiện khác để đảm bảo chất lượng và đúng thời gian theo kế hoạch. Có văn bản đề nghị Sở Nội vụ thống nhất trước khi tổ chức các lớp ĐTBD theo kế hoạch về đối tượng, thời gian, nội dung bồi dưỡng, tài liệu bồi dưỡng, danh sách học viên của từng lớp; triệu tập cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp ĐTBD theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin, tuyên truyền của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về tầm quan trọng của hoạt động ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Tỉnh ủy Hưng Yên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hoàng Văn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục