Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong những năm qua, công tác ĐTBD cho cán bộ ở tỉnh Bắc Ninh luôn được chú trọng và đạt nhiều thành quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh về tư tưởng chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Hội thảo khoa học công tác ĐTBD và sử dụng cán bộ sau ĐTBD ở tỉnh Bắc Ninh giai đoạn hiện nay. Ảnh nguồn: Tỉnh ủy Bắc Ninh. |
Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2021-2025
Tại Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 07/01/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025. Yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động ĐTBD đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ mới; bảo đảm nâng cao năng lực, kỹ năng thực thi công vụ được giao; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Gắn ĐTBD với nhu cầu và quy hoạch sử dụng lâu dài; có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ; tăng cường trách nhiệm và tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ quan quản lý, người đứng đầu đơn vị sử dụng và bản thân cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động ĐTBD một cách tích cực; nâng cấp hệ thống cơ sở đào tạo có đủ năng lực, điều kiện tham gia ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, với mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Cụ thể, tập trung bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, quốc phòng - an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi được bổ nhiệm vào ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% cán bộ, công chức được bồi dưỡng kỹ năng và phương pháp thực thi công vụ; bảo đảm đến năm 2025, có khoảng 80% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, 70% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý… Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động; 100% đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng và phương pháp hoạt động trong nhiệm kỳ.
Thời gian qua, công tác ĐTBD cán bộ, công chức luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị và các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch nên đạt được những kết quả tích cực về cả trình độ và chất lượng. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức ĐTBD hàng năm được tiến hành khoa học, nghiêm túc và tiết kiệm dưới sự thẩm định của các cơ quan chức năng; chương trình, tài liệu phù hợp với chức danh vị trí việc làm; công tác quản lý học viên được rà soát chặt chẽ giúp cho học viên nâng cao ý thức trong quá trình học tập. Sau ĐTBD, các cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp, công tác phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí việc làm; bản lĩnh chính trị vững vàng, vận dụng kiến thức đã học trong quá trình thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, công tác ĐTBD cán bộ của tỉnh Bắc Ninh vẫn còn những hạn chế như một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ tự ý đi thi tuyển không báo cáo với cấp có thẩm quyền; công tác ĐTBD cán bộ có lúc, có nơi còn dàn trải, đào tạo trái với ngành, lĩnh vực chuyên môn công tác; nội dung chương trình thiếu đồng bộ, chưa cập nhật kiến thức mới trước những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Hình thức đào tạo trung cấp lý luận chính trị chưa hợp lý; có nhiều đầu mối cùng chỉ đạo, dẫn tới việc tổ chức ĐTBD chồng chéo, hiệu quả chưa cao, việc tổ chức đào tạo theo hình thức chính quy tập trung còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiệm vụ và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới
Một là, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả ĐTBD. Quan tâm đào tạo, phát triển nhân tài, phát hiện người có đạo đức, năng lực nhằm xây dựng đội ngũ kế thừa vững chắc, quan tâm đến việc ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức nữ. Quán triệt và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh “học để làm việc”, “làm việc gì thì học để làm việc ấy cho tốt”. Đề cao tinh thần tự giác học tập; tăng cường nhận thức về trách nhiệm học tập suốt đời, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, năng lực thực thi nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức được cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm làm việc để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Tăng cường phối hợp, liên kết với các trung tâm đào tạo, học viện, Trường Chính trị để đa dạng hóa loại hình ĐTBD. Kết hợp giữa đào tạo ngắn hạn với dài hạn, giữa đào tạo ở trường lớp với đào tạo qua thực tiễn.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách ĐTBD, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và xác định nhu cầu cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các khóa ĐTBD, đảo đảm hiệu quả gắn với yêu cầu công việc; cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học và tự học để đáp ứng yêu cầu trình độ theo quy định, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực làm việc.
Ba là, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các cơ sở ĐTBD; có kế hoạch thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Các cơ sở có đủ năng lực đều được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia tổ chức bồi dưỡng; cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn những chương trình bồi dưỡng cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng phù hợp với công việc, vị trí việc làm đang đảm nhận.
Bốn là, nâng cao năng lực quản lý, quán triệt nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đối với hoạt động ĐTBD. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp quản lý cho công chức, viên chức tham mưu về quản lý, cử đi tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý công tác ĐTBD do các cơ quan, đơn vị khác tổ chức.
Năm là, tăng cường hợp tác với các nước trong lĩnh vực ĐTBD nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có cơ chế huy động các tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín nước ngoài tham gia giảng dạy cho các khóa ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đối với các khóa cập nhật kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nâng cao năng lực hội nhập. Thu hút các nguồn tài trợ, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong lĩnh vực ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức như du học, kết hợp trong nước với học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
Sáu là, bố trí đủ kinh phí để thực hiện các mục tiêu và giải pháp của kế hoạch; tăng cường kinh phí cho hoạt động ĐTBD cán bộ, công chức ở nước ngoài. Thu hút nguồn kinh phí cho hoạt động ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý, sử dụng kinh phí phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sự chủ động của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ĐTBD; cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa ĐTBD ở trong nước và ngoài nước do các bộ, ngành Trung ương tổ chức./.
Quang Huy
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục