Tóm tắt: Cải cách tinh gọn bộ máy hành chính tại Úc được thực hiện thường xuyên, bao gồm các đợt cải cách quy mô lớn khi chính phủ mới bắt đầu nhiệm kỳ. Việc cải cách được thực hiện với mục tiêu, nguyên tắc rõ ràng, tuân thủ các bước được tính toán kỹ lưỡng, minh bạch thông tin và chú trọng tính nhân văn. Việt Nam đang quyết liệt triển khai cải cách tinh gọn bộ máy hành chính, với tinh thần nhanh và hiệu quả, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Vì vậy, việc tham khảo các kinh nghiệm quốc tế sẽ góp phần triển khai quá trình cải cách tinh gọn bộ máy suôn sẻ, hiệu quả, hướng đến xây dựng một hệ thống hành chính hiện đại và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Từ khóa: cải cách; tinh gọn bộ máy; kinh nghiệm Úc.
Abstract: Machinery of Government changes in Australia are routinely undertaken, often involving substantial reforms coinciding with the commencement of a new government’s term. These reforms are guided by well-defined objectives and principles, executed through meticulously planned steps, ensuring transparency and prioritizing a human-centered approach. Vietnam is vigorously pursuing administrative streamlining reforms, driven by a strong commitment to achieving both speed and efficiency, encapsulated in the motto “building the ship while sailing it”. Drawing on international experiences is therefore essential to facilitating the smooth and effective implementation of these ongoing reforms, with the ultimate aim of establishing a modern administrative system that aligns with the nation’s sustainable development objectives.
Keywords: administrative streamlining reforms; Machinery of Government changes; experience from Australia.
Thành phố Sydney, Úc. Ảnh minh họa: Abroad |
Cải cách bộ máy hành chính là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chính phủ, đảm bảo thích ứng hiệu quả với sự thay đổi kinh tế, xã hội và toàn cầu hóa. Nhiều quốc gia, trong đó có Úc, đã thường xuyên tiến hành cải cách bộ máy nhằm tối ưu hóa cơ cấu tổ chức, giảm thiểu quan liêu, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý và cung cấp dịch vụ công. Thay đổi bộ máy chính phủ (Machinery of Government changes) tại Úc được triển khai thường xuyên, trung bình hơn 10 thay đổi mỗi năm. Tại một số thời điểm như sau khi thủ tướng mới nhậm chức, cải cách bộ máy được triển khai với quy mô lớn và phức tạp hơn. Các cuộc cải cách mạnh nhất diễn ra vào các năm 2013, 2019 và 2022. Thay đổi về bộ máy tạo cơ hội cho chính phủ mới thực hiện các ưu tiên chính sách và giải quyết các thách thức về quản trị công trong nhiệm kỳ của mình.
Tinh gọn bộ máy: sáp nhập các bộ có chức năng liên quan, thành lập các bộ đa chức năng
Việc cải cách có thể bao gồm việc giải thể hoặc thành lập các cơ quan chính phủ mới, sáp nhập hoặc tiếp nhận các cơ quan liên quan, tái cấu trúc về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Một trong những đợt cải cách mạnh nhất do chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott tiến hành năm 2013, ảnh hưởng đến hầu hết các bộ và hơn 12.000 nhân viên thuộc Dịch vụ Công Úc (APS). Cuộc cải cách này dẫn đến 03 bộ bị bãi bỏ và các chức năng được chuyển sang các bộ khác, (Bộ Giáo dục, Việc làm và Quan hệ Lao động; Bộ Vùng, Chính quyền Địa phương, Nghệ thuật và Thể thao; và Bộ Tài nguyên, Năng lượng và Du lịch), 02 bộ mới được thành lập để thay thế cho các cơ quan bị bãi bỏ (Bộ Giáo dục và Bộ việc làm), sáp nhập một số cơ quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) vào Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT), tích hợp chính sách đối ngoại và viện trợ quốc tế. Đợt cải cách gần đây nhất là vào năm 2022 do chính phủ của thủ tướng Anthony Albanese tiến hành, với hơn 30 sự thay đổi trong các bộ ngành của chính phủ. Việc cải cách bao gồm thành lập mới Bộ Việc làm và Quan hệ nơi làm việc và Bộ Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước; sáp nhập và đổi tên một số bộ như Bộ Y tế và Chăm sóc Người cao tuổi, Bộ Cơ sở hạ tầng, Giao thông, Phát triển Khu vực, Truyền thông và Nghệ thuật… Các đợt cải cách này đều theo xu hướng sáp nhập các bộ có chức năng liên quan, thành lập các bộ đa chức năng, giảm thiểu các đầu mối.
Việc cải cách, tinh gọn bộ máy cũng diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ ở cấp bang. Ví dụ năm 2017, bang Tây Úc tiến hành cải cách bộ máy với quy mô lớn. Tháng 4/2017, Thủ hiến bang Mark McGowan thông báo việc cải cách nhằm tinh gọn bộ máy hành chính. Đến tháng 7/2017, cải cách đã giảm 40% số lượng sở, ban, ngành, từ 41 xuống còn 25 cơ quan. Đồng thời hình thành một số “siêu sở” trên cơ sở sáp nhập các đơn vị liên quan. Ví dụ, Sở Khai thác và Dầu mỏ và Sở Thương mại được sáp nhập để thành lập Sở Khai thác, Quy định Công nghiệp và An toàn; Sở Việc làm, Du lịch, Khoa học và Đổi mới được thành lập sau khi sáp nhập Sở Phát triển Nhà nước với một số bộ phận của Sở Thương mại và Ủy ban Du lịch Tây Úc; Sở Công nghiệp Chính và Phát triển Khu vực được thành lập bằng cách sáp nhập Sở Nông nghiệp và Lương thực, Sở Thủy sản và Sở Phát triển Khu vực; Sở Quy hoạch, Đất đai và Di sản được thành lập khi sáp nhập Sở Quy hoạch, Sở Đất đai và Văn phòng Di sản Nhà nước… Việc sáp nhập đã giảm 20% số lượng các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Mục tiêu, nguyên tắc cải cách bộ máy
Việc triển khai cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức ở Úc được thực hiện nhằm đạt được ba mục tiêu cơ bản sau. Một là tăng cường hiệu quả và tính minh bạch của bộ máy hành chính. Chính phủ xác định sự phân tán và trùng lặp trong nhiệm vụ giữa các bộ gây khó khăn trong phối hợp và làm giảm hiệu quả hoạt động. Hai là tiết kiệm ngân sách. Chính phủ xác định rõ việc duy trì một bộ máy hành chính cồng kềnh tiêu tốn nguồn lực tài chính đáng kể. Ba là thích ứng với các ưu tiên chính sách mới trong nhiệm kỳ. Chính phủ mới với chương trình nghị sự của mình cần có bộ máy phù hợp để thực thi hiệu quả các chính sách đã đề ra.
Chính phủ Úc xác định ba nguyên tắc cơ bản khi tiến hành cải cách. Nguyên tắc đầu tiên là áp dụng cách tiếp cận “toàn chính phủ” (a whole-of-government approach), trong đó các cơ quan chính phủ thảo luận trên tinh thần thiện chí, xác định một cách trung thực các nguồn lực liên quan, trao đổi thông tin với nhau kịp thời và chính xác, và phối hợp hiệu quả.
Nguyên tắc thứ hai là trao đổi cởi mở trên tinh thần xây dựng với toàn bộ công chức. Các cơ quan có trách nhiệm thông báo kịp thời, hướng dẫn, tham vấn và hỗ trợ cho các công chức bị ảnh hưởng, đảm bảo liêm chính và minh bạch. Nguyên tắc thứ ba là đảm bảo trách nhiệm giải trình và tuân thủ quy định của pháp luật và các chính sách liên quan. Các cơ quan luôn đảm bảo nguyên tắc tính toán và bố trí con người, ngân sách, và thẩm quyền đều dựa trên yêu cầu chức năng, nhiệm vụ (staff follow function, finances follow function, obligations follow function).
Ngoài ra, tùy tình hình, điều kiện của địa phương, quá trình cải cách được yêu cầu phải đảm bảo các nguyên tắc cụ thể để đạt kết quả thành công. Trong đó, chính phủ yêu cầu các cơ quan hiểu rõ lý do và tầm nhìn của việc cải cách; các bên liên quan được lấy ý kiến và có đầy đủ thông tin về cải cách; quy trình các bước tiến hành rõ ràng, minh bạch; đề cao sự hợp tác và tinh thần tập thể; chú trọng yếu tố con người; và điều chỉnh kế hoạch cải cách một cách có hệ thống.
Bên cạnh việc khẳng định các lợi ích từ việc cải cách, các nhà lãnh đạo Úc cũng cân nhắc các thách thức và chi phí chuyển tiếp sang bộ máy mới, đồng thời có kế hoạch giảm thiểu các thách thức và chi phí liên quan. Việc cải cách được tính toán cụ thể, trong đó chú trọng việc chuyển giao các chức năng cũng như nhân sự giữa các cơ quan, tích hợp các hệ thống quản lý, bao gồm hệ thống công nghệ thông tin, chuyển giao ngân sách, tài sản và hồ sơ. Việc tính toán này nhằm đảm bảo quá trình cải cách không làm ảnh hưởng đến việc hoạt động của các cơ quan và việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân.
Các bước triển khai và vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan
Ở cấp quốc gia, cải cách được khởi xướng bởi Thủ tướng. Văn phòngThủ tướng và Nội các chịu trách nhiệm tư vấn cho Thủ tướng về kế hoạch cải cách, bao gồm cả việc sửa đổi Sắc lệnh Hành chính (Administrative Arrangement Orders -AAO). Các cơ quan bị ảnh hưởng có trách nhiệm thực hiện các thay đổi, trong đó Văn phòng Thủ tướng và Nội các, Bộ Tài chính, Ủy ban Công vụ (APSC) và Cục Lưu trữ Quốc gia Úc (Archives) đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ và tư vấn để tạo điều kiện cho các cơ quan triển khai. Trong đó, APSC chịu trách nhiệm chuyển giao nhân viên và tham mưu chính sách tiền lương, điều kiện làm việc và các thỏa thuận lao động. Bộ Tài chính tư vấn về ngân sách, trợ cấp hưu trí, nghỉ việc, quản lý tài chính, cơ sở vật chất… Cục Lưu trữ Quốc gia tư vấn về chính sách, tiêu chuẩn và cơ chế chuyển giao thông tin, hồ sơ và dữ liệu giữa các cơ quan.
Cải cách bộ máy được thực hiện theo lộ trình 4 bước rõ ràng. Chính phủ triển khai việc đánh giá ban ban đầu, xem xét các nhiệm vụ chồng chéo và xác định các cơ quan cần sáp nhập hoặc tái cơ cấu. Tiếp theo, Chính phủ ban hành Sắc lệnh hành chính sửa đổi (AAO) để xác định lại tên, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan thuộc chính phủ theo cơ cấu mới. Việc triển khai sáp nhập và chuyển giao được thực hiện với sự hướng dẫn chi tiết của Ủy ban Dịch vụ Công vụ (APSC) và Bộ Tài chính về việc chuyển giao nhân sự, ngân sách, và nhiệm vụ. Cuối cùng, Chính phủ giám sát việc triển khai và điều chỉnh nếu cần thiết để đảm bảo hiệu quả cải cách, đánh giá quá trình và hiệu quả của cải cách.
Bộ Tài chính và Ủy ban Dịch vụ Công vụ (APSC) đóng vai trò trung tâm trong quá trình thực hiện cải cách. Hai cơ quan này xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về các quy trình chi tiết và yêu cầu cải cách, đồng thời hỗ trợ và tham vấn cho các cơ quan bị ảnh hưởng. Bộ tài liệu bao gồm thông tin tổng quan về quy trình cải cách, các bước tiến hành, phương pháp tiếp cận và lập kế hoạch, các quy trình để giải quyết việc chuyển giao con người và nguồn lực, hướng dẫn quản lý tài chính, nhân sự, hồ sơ…, bao gồm các danh sách kiểm tra (check lists) để các cơ quan dễ dàng thực hiện. Nguyên tắc tài chính trong việc chuyển giao cũng được nêu rõ trong các hướng dẫn, trong đó xác định: 1) các cơ quan chuyển giao chức năng chịu chi phí di chuyển nhân viên, đồ đạc, thiết bị và hồ sơ; 2) các cơ quan tiếp nhận chịu chi phí tiếp nhận lập các nhân viên chuyển giao tại cơ sở mới của mình. Ở cấp bang, cải cách do Thủ hiến bang khởi xướng. Ủy ban Công vụ (Public Sector Commission) và Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ. Ủy ban Công vụ cũng ban hành bộ hướng dẫn tương tự, bao gồm nguyên tắc, các bước thực hiện, và cả những vấn đề thách thức và hướng xử lý.
Giải quyết vấn đề nhân sự dôi dư
Một trong những vấn đề quan tâm khi tiến hành cải cách đó là vấn đề nhân sự, đặc biệt là xử lý nhân sự dôi dư sau sáp nhập, giải thể. Chính phủ Úc đã áp dụng nhiều biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Việc đầu tiên là Chính phủ Úc thực hiện đối thoại trực tiếp với công chức để giải thích rõ lý do và lộ trình cải cách, từ đó giảm căng thẳng và tạo tâm lý yên tâm. Chính phủ cũng thực hiện các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các công chức bị ảnh hưởng. Về cơ bản, chính phủ Úc xử lý nhân sự dôi dư với 3 cách làm như sau:
(1) Chuyển giao nhân sự giữa các cơ quan: Trong quá trình sáp nhập hoặc tái cơ cấu, nhân sự từ các cơ quan bị giải thể hoặc tái cơ cấu được chuyển giao sang các cơ quan tiếp nhận. Quá trình chuyển giao này được thực hiện có kế hoạch để tránh sự gián đoạn và đảm bảo sự liên tục trong công việc. Tổ chức đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho công chức nhằm giúp họ thích nghi với các vai trò mới trong cơ quan tiếp nhận.
(2) Thực hiện chương trình tự nguyện nghỉ việc (Voluntary Redundancy Programs): Đối với những vị trí bị dư thừa mà không thể chuyển giao hoặc tái đào tạo, chính phủ triển khai các chương trình nghỉ việc tự nguyện. Công chức được khuyến khích nghỉ việc với gói trợ cấp nghỉ việc hấp dẫn (Redundancy benefit), bao gồm tiền đền bù và hỗ trợ tìm việc làm mới. Người tự nguyện nghỉ việc sẽ nhận được khoản thanh toán nghỉ việc tính theo số năm công tác và mức lương, cộng thêm các quyền lợi như nghỉ phép hàng năm và nghỉ phép thâm niên, khoản khuyến khích hỗ trợ một lần, quyền lợi hưu trí, và hỗ trợ chuyển tiếp nghề nghiệp, bao gồm hỗ trợ tìm việc mới. Để nhận được gói trợ cấp nghỉ việc, các công chức phải đáp ứng các tiêu chí như độ tuổi, thời gian công tác và loại công việc. Trong đợt cải cách năm 2017, Bang Tây Úc thực hiện Chương trình tự nguyện nghỉ việc (Voluntary Targeted Separation Scheme ) có hiệu lực từ ngày 01/7/2017 đến ngày 30/6/2018 giúp giải quyết hơn 3000 lao động dôi dư sau tinh gọn bộ máy.
(3) Thực hiện cắt giảm tự nhiên (Natural attrition): Úc cũng áp dụng phương pháp cắt giảm tự nhiên, nghĩa là các vị trí bị bỏ trống do nhân viên nghỉ hưu hoặc nghỉ việc tự nguyện sẽ không được tuyển lại. Điều này giúp giảm số lượng nhân viên mà không cần phải thực hiện sa thải.
Với các cách làm trên, Úc hướng đến việc hạn chế tối đa việc sa thải bắt buộc (nhờ các biện pháp như chuyển giao, đào tạo lại, và tự nguyện nghỉ việc), giảm chi phí dài hạn (gói trợ cấp tự nguyện giúp giảm nhanh chi phí nhân sự trong thời gian ngắn mà vẫn đảm bảo tính nhân văn) và đảm bảo quá trình cải cách diễn ra suôn sẻ, không làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan chính phủ.
Thời gian thực hiện và đánh giá hiệu quả cải cách
Do việc cải cách bộ máy được thực hiện để hỗ trợ các chính phủ mới thực hiện chương trình nghị sự và chính sách ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, tinh thần của cải cách luôn được xác định là “thực hiện nhanh nhất có thể” đồng thời “đảm bảo kết quả tốt nhất cho người dân”. Đợt cải cách cấp liên bang năm 2013 kéo dài từ bốn tháng đến hơn một năm để hoàn thành. Việc chuyển giao hồ sơ là một trong những dự án hoàn thành cuối cùng, với thời gian lên tới 16 tháng. Cải cách cấp bang năm 2017 tại Tây Úc triển khai trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 7.
Với các cách làm trên đây, báo cáo đánh giá của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Úc cho thấy quá trình cải cách đã đạt hiệu quả mong đợi. Quá trình sắp xếp lại các cơ quan không có tác động lớn đến việc cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Một trong những nguyên nhân đó là trong quá trình sắp xếp, các cơ quan bị ảnh hưởng đã thỏa thuận về việc tiếp tục sử dụng hệ thống và nhân viên tại các cơ quan bị sáp nhập, giúp giảm thiểu tác động đối với việc cung cấp dịch vụ công.
Chi phí cải cách cũng được đánh giá cụ thể. Ví dụ, trong đợt cải cách cấp liên bang năm 2013, chi phí nhân sự trực tiếp chiếm 37% tổng chi phí triển khai, trong đó 34% là chi phí sa thải nhân viên; chi phí thay đổi về công nghệ thông tin như mua phần cứng, tích hợp hệ thống ICT, vấn đề tương thích và phát triển trang web chiếm 35%; chi phí phát sinh từ việc mua sắm bất động sản/thuê văn phòng và cải tạo/tân trang văn phòng để phù hợp với các thay đổi nhân sự thiết yếu chiếm 21%.
Đánh giá quá tình cải cách cho thấy sự phức tạp của cải cách chủ yếu do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cơ quan. Quá trình đàm phán về việc phân bổ, tiếp nhận nguồn lực bị kéo dài do một số cơ quan không chuẩn bị chia sẻ thông tin chính xác và nhất quán. Vì vậy, một trong những kinh nghiệm rút ra là các cơ quan phải hợp tác với nhau để đạt được các mục tiêu chung, chia sẻ và thảo luận thông tin càng công khai càng tốt để thúc đẩy việc triển khai nhanh. Một trong những kinh nghiệm nữa đó là việc lãnh đạo các cơ quan ra các quyết định sớm, tạo sự an tâm cho công chức và sự minh bạch đối với các bên liên quan. Bên cạnh đó, việc đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu hoạt động thông suốt trong quá trình triển khai cải cách đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Việc đảm bảo tiếp tục truy cập vào dữ liệu và thông tin, cũng như bảo mật của dữ liệu, là những rủi ro chính cần được ban lãnh đạo quan tâm.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ tham khảo cải cách bộ máy của Úc có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình triển khai cải cách tinh gọn bộ máy hiện nay.
Một là, xác định mục tiêu và nguyên tắc cải cách rõ ràng. Việc tinh gọn đi đôi với tích hợp chức năng, nhiệm vụ. Sáp nhập các cơ quan có chức năng tương tự hoặc chồng chéo để giảm chi phí và tăng hiệu quả quản lý, tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách hiệu quả hơn và phục vụ người dân tốt hơn.
Hai là, việc cải cách cần có lộ trình rõ ràng. Cải cách thực hiện theo từng bước cụ thể, từ đánh giá ban đầu, ban hành, sửa đổi văn bản luật, đến triển khai, giám sát và đánh giá. Việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cải cách cần rõ ràng, minh bạch, có sự tham gia của các chuyên gia và cơ quan thực thi để đảm bảo tính khoa học và hiệu quả. Có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan tham mưu chính như Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để các đơn vị triển khai nhất quán, đúng quy định.
Ba là, đảm bảo minh bạch và đồng thuận. Việc công khai thông tin cải cách, minh bạch hóa quy trình ra quyết định và khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp, là vô cùng quan trọng. Các cơ quan liên quan cần tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp nhịp nhàng trong từng bước triển khai. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hợp tác giữa các cơ quan là yếu tố quan trọng giúp cải cách diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
Bốn là, tính toán kỹ các chi phí và giải quyết các thách thức trong quá trình cải cách. Chú trọng đến việc giảm thiểu các chi phí chuyển giao như chi phí nhân sự, tài sản, và hệ thống công nghệ thông tin. Điều này giúp đảm bảo rằng quá trình cải cách không gây tổn thất lớn về tài chính và không làm gián đoạn các dịch vụ công.
Năm là, chú trọng đến công nghệ thông tin và bảo mật dữ liệu. Việc duy trì hệ thống công nghệ thông tin hoạt động suôn sẻ trong suốt quá trình cải cách giúp hỗ trợ quá trình chuyển giao nhiệm vụ, giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện, đảm bảo hoạt động thông suốt của các cơ quan, hạn chế sự gián đoạn và ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Đảm bảo sự bảo mật của dữ liệu và sự liên tục truy cập vào thông tin là điều cần thiết để tránh gián đoạn và rủi ro về bảo mật thông tin.
Sáu là, có kế hoạch và lộ trình rõ ràng giải quyết vấn đề nhân sự dôi dư. Lãnh đạo các cơ quan đưa ra quyết định kịp thời và tạo ra sự minh bạch về tiêu chí, quy trình xử lý công tác nhân sự và trao đổi thông tin kịp thời đến cán bộ, công chức, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng. Điều này không những giảm căng thẳng cho nhân viên mà còn giúp tạo ra sự tin tưởng và hỗ trợ từ các bên liên quan. Ngoài việc tái bố trí nhân lực vào các cơ quan tiếp nhận, việc thực hiện chính sách nghỉ việc tự nguyện cần thực hiện minh bạch và có nguyên tắc, vừa đảm bảo chế độ cho người bị ảnh hưởng, vừa không làm cháy máu chất xám do người giỏi xin nghỉ tự nguyện.
Cải cách bộ máy tại Úc được đánh giá là một trong những mô hình thành công trong việc tinh gọn tổ chức, tăng hiệu quả và giảm chi phí quản lý. Việt Nam trong bối cảnh cần đổi mới hệ thống hành chính để thích ứng với yêu cầu phát triển, có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của Úc. Việc linh hoạt áp dụng các bài học này sẽ giúp Việt Nam triển khai quá trình cải cách tinh gọn bộ máy suôn sẻ, hiệu quả và nhân văn, hướng đến xây dựng một hệ thống hành chính hiện đại, hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước./.
---------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.anao.gov.au/work/performance-audit/machinery-government-changes
2. https://www.themandarin.com.au/255434-interactive-ten-years-of-machinery-of-government-changes/
3. https://www.apsc.gov.au/employment-data/aps-employment-data-31-december-2022/appendix-2-machinery-government-changes
4. https://www.finance.gov.au/government/machinery-government-changes-guide
5. https://www.wa.gov.au/government/media-statements/McGowan%20Labor%20Government/Major-changes-introduced-to-create-a-more-efficient-public-sector-20170428
6. https://audit.wa.gov.au/reports-and-publications/reports/audit-results-report-annual-2016-17-financial-audits/financial-reporting-accountability-audit-issues/table-6-machinery-of-government-changes-to-departments-and-statutory-authorities/
7. https://www.wa.gov.au/government/media-statements/McGowan%20Labor%20Government/Major-changes-introduced-to-create-a-more-efficient-public-sector-20170428?utm_source=chatgpt.com
8. https://www.parliament.wa.gov.au/publications/tabledpapers.nsf/displaypaper/4010884a281bc64152508e26482581 be00070b3b/$file/884.pdf
9. https://www.parliament.wa.gov.au/publications/tabledpapers.nsf/displaypaper/4010884a281bc64152508e26482581 be00070b3b/$file/884.pdf
10. https://www.wa.gov.au/government/media-statements/McGowan%20Labor%20Government/Exit-date-extended-for-voluntary-separations-20180228
11. https://www.parliament.wa.gov.au/publications/tabledpapers.nsf/displaypaper/4011795c9611fb9e6fb809514825 83080009aac9/%24file/tp-1795.pdf
TS Dương Thúy Hằng - Giảng viên Chính sách công, Đại học Tây Úc
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục