Sáng 10/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 -2025 với 100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết tán thành.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VGP. |
Tại Phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Ninh Bình có 01/08 ĐVHC cấp huyện (huyện Hoa Lư) và 34/143 ĐVHC cấp xã (29 xã, 02 phường và 03 thị trấn) thuộc diện bắt buộc sắp xếp.
Đối với cấp huyện, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 02 đơn vị (01 đơn vị thuộc diện bắt buộc, 01 đơn vị thuộc diện liền kề).
Đối với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 34 đơn vị (gồm 22/34 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 10 đơn vị liền kề có liên quan, 02 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp); không thực hiện sắp xếp đối với 12/34 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Cụ thể:
Huyện Nho Quan:
Thành lập xã Phúc Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ xã Sơn Hà và xã Sơn Lai.
Thành lập xã Thanh Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ xã Sơn Thành và xã Thanh Lạc.
Nhập toàn bộ xã Lạng Phong, xã Văn Phong vào thị trấn Nho Quan.
Huyện Gia Viễn:
Thành lập xã Tiến Thắng trên cơ sở nhập toàn bộ xã Gia Thắng và xã Gia Tiến.
Thành lập thị trấn Thịnh Vượng trên cơ sở nhập toàn bộ xã Gia Vượng, xã Gia Thịnh và thị trấn Me.
Huyện Yên Khánh: Nhập toàn bộ xã Khánh Tiên vào xã Khánh Thiện.
Huyện Yên Mô:
Nhập toàn bộ xã Khánh Thịnh, xã Yên Hưng vào thị trấn Yên Thịnh.
Nhập toàn bộ xã Mai Sơn vào xã Khánh Thượng.
Huyện Kim Sơn:
Nhập toàn bộ xã Kim Hải và toàn bộ diện tích tự nhiên đất bãi bồi ven biển là 2,79 km2 của khu vực đơn vị 1080 thuộc Quân đoàn 12 vào thị trấn Bình Minh.
Nhập toàn bộ xã Lưu Phương vào thị trấn Phát Diệm.
Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, được thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức chính trị - xã hội và của pháp luật hiện hành (không có vướng mắc). Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, được thực hiện theo quy định của Đảng, điều lệ của tổ chức chính trị - xã hội và của pháp luật hiện hành (không có vướng mắc).
Liên quan tới các đơn vị sự nghiệp, đối với cấp huyện đề nghị giữ nguyên hiện trạng các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế của thành phố Hoa Lư; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác (ngoài giáo dục, y tế) thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng với chức năng, nhiệm vụ của huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình.
Đối với cấp xã, giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) tại các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp để bảo đảm đủ trường, lớp cho học tập của học sinh; nhập nguyên trạng các trạm y tế trên địa bàn của các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp nhưng vẫn giữ lại các điểm trạm (trạm y tế cấp xã cũ) để phục vụ việc khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, tại Đề án và dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ và có phương án giải quyết cụ thể đối với cán bộ, trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2025. Sau sắp xếp, tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 huyện và 2 thành phố; 125 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 101 xã, 18 phường và 6 thị trấn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn chỉnh thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành theo quy định./.
Nhật Vy
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục