Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước, chiếm khoảng 32% dân số toàn tỉnh. Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội hỗ trợ nâng cao mức sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Trà Vinh còn rất quan tâm chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Trà Vinh có 5.220 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 22,61% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và 18,53% tổng số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, tăng 481 người so với năm 2020. Trong số đó, cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Hoa là 125 người; dân tộc Mường là 01 người; dân tộc Khmer là 5.094 người.
Các chính sách của Trung ương và tỉnh Trà Vinh về công tác dân tộc đã góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng với trên 8.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho công tác quy hoạch, sử dụng và đảm bảo tiêu chuẩn quy định…
Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng Đề án đào tạo nhân lực có trình độ sau đại học giai đoạn 2024-2030, tập trung vào các nhóm ngành như y dược, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp và đào tạo giáo viên; trong đó, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia. Tỉnh cũng tăng cường quản lý nhà nước về công tác dân tộc, xây dựng và phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số.
Trong công tác quy hoạch cán bộ, Trà Vinh luôn chú trọng cơ cấu người dân tộc thiểu số. Kết quả phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 có 67 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 19,4%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 15 người, với 20% là dân tộc thiểu số. Cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các vị trí cấp trưởng, phó ngành tại tỉnh là 16 người, chiếm gần 6%; trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và tương đương là 19 người; trong Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã là 449 người, chiếm tương ứng 11,18% và 21,52%.
Bên cạnh việc triển khai các cơ chế, chính sách, đề án, dự án của Trung ương, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách về công tác dân tộc, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer… Đặc biệt, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; trong đó có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người Khmer như: ưu tiên hỗ trợ học phí cho cán bộ, học viên dân tộc thiểu số, cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số, ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số … đúng quy định. Đặc biệt, thực hiện tốt chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường dân tộc nội trú, góp phần đào tạo nhân lực dân tộc thiểu số đạt chất lượng, phát huy năng lực của học sinh dân tộc thiểu số.
Thách thức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Một là, một số cơ quan, đơn vị khi xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số chưa thật sự bám sát với thực trạng và các tiêu chuẩn theo quy định, để kịp thời đề xuất chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
Hai là, công tác phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đôi lúc chưa đồng bộ và chặt chẽ.
Ba là, việc đào tạo chuyên môn theo yêu cầu nhiệm vụ cho cán bộ nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng chưa không kịp thời, đáp ứng yêu cầu bố trí cán bộ của các cấp.
Bốn là, còn một bộ phận cán bộ người dân tộc thiểu số chưa nhận thức trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được đào tạo, bồi dưỡng, học và tự học, thực hiện học tập suốt đời chưa cao, còn tình trạng cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu cá nhân mà chưa căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm đang đảm nhận.
Phương hướng, giải pháp
Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, chỉ đạo thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định, bảo đảm tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số cả trước mắt và lâu dài. Giới thiệu những nhân tố mới là cán bộ người dân tộc thiểu số có triển vọng để xem xét bổ sung vào quy hoạch cán bộ đối với từng cấp.
Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức là cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là cán bộ trong quy hoạch đạt chuẩn cả về nghiệp vụ, chuyên môn và lý luận chính trị. Quan tâm đào tạo sau đại học đối với các cán bộ người dân tộc thiểu số được đánh giá có năng lực nổi trội, uy tín, triển vọng phát triển tốt.
Quan tâm đến chất lượng công tác giảng dạy của các trường dân tộc nội trú để tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện cho con em người dân tộc thiểu số, nhất là những sinh viên mới ra trường được tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị theo đúng chuyên ngành đào tạo nhằm phát huy tốt năng lực, trí tuệ của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ kế cận.
Hằng năm, khi tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức có quy định rõ tỷ lệ người dân tộc thiểu số. Phấn đấu từng bước tăng hợp lý tỷ lệ cán bộ người dân tộc trong cấp ủy, thường vụ cấp ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số ở các địa phương.
Đối với những cơ quan, đơn vị mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý không có cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số thì từ nay đến năm 2030, khi bố trí, bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý phải ưu tiên chọn cán bộ người dân tộc thiểu số bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nếu cơ quan, đơn vị không có nguồn để bố trí thì thực hiện quy hoạch tạo nguồn từ nơi khác đến để đến năm 2030 đạt chỉ tiêu theo quy định.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Trà Vinh. Những nỗ lực trong việc đào tạo và luân chuyển cán bộ không chỉ giúp nâng cao chất lượng công tác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của tỉnh./.
Anh Minh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục