Xác định đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, những năm qua Tỉnh ủy Cao Bằng đã quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng gắn liền với yêu cầu sử dụng và công tác quy hoạch. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đủ năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Ảnh minh hoạ: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng |
Thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tỉnh Cao Bằng đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án như: Chương trình số 08-CTr/TU ngày 16/7/2021 của Tỉnh ủy về “Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025”… Các chương trình, đề án này đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện, cụ thể hóa bằng đề án, kế hoạch phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực.
Đơn cử, từ năm 2021 đến nay, thành phố Cao Bằng đã chọn cử 2.400 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; trong đó cử đi đào tạo đại học và sau đại học cho 13 đồng chí; đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 25 đồng chí; đào tạo trung cấp lý luận cho 128 đồng chí; sơ cấp lý luận chính trị cho 60 cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và chuyên viên cho 25 đồng chí; hơn 2.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng khác.
Thành phố Cao Bằng cũng đã mở được 19 lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã theo phân cấp quản lý với tổng số gần 1.200 lượt học viên; mở 07 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ đoàn thể và tổ chức hội cơ sở các xã. phường với 530 học viên. Mở 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận, kiểm tra giám sát cho đội ngũ bí thư chi bộ và cấp uỷ viên ở cơ sở với tổng số 220 học viên...
Tại huyện Hà Quảng, đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030; tiến hành rà soát, phê duyệt, xây dựng kế hoạch, cử cán bộ đi đào tạo sau đại học và các lớp bồi dưỡng theo đề án, chỉ tiêu của tỉnh giao; tiến hành luân chuyển, điều động 16 đồng chí. Năm 2022, huyện tiếp tục điều động, luân chuyển vị trí công tác đối với 07 cán bộ chủ chốt cấp xã. Trung tâm Chính trị huyện mở nhiều lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho quần chúng ưu tú, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng trăm cán bộ đang công tác tại các cơ quan, đoàn thể…
Đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và sự chỉ đạo về chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng với nhiều loại hình, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Trong quá trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường đã tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các địa phương, đơn vị; căn cứ nhu cầu thực tế của tỉnh để xác định đối tượng và khoảng trống kiến thức, kỹ năng cần đào tạo, bồi dưỡng, gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm, đặc thù ngành, nghề, lĩnh vực… để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.
Hằng năm, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tham mưu xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng theo kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để đào tạ, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch, vị trí việc làm sát với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Năm 2021, Nhà trường duy trì 13 lớp chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021 với 933 học viên; phối hợp mở mới 33 lớp với 2.011 học viên học các hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính…
Năm 2023, Tỉnh ủy Cao Bằng đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 02 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ quy hoạch tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025-2030 và quy hoạch chức danh chủ chốt các sở, ban, ngành địa phương của tỉnh với mỗi lớp có 90 học viên là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; cán bộ được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, cán bộ chủ chốt quy hoạch lãnh đạo các sở, ban, ngành giai đoạn 2026-2021…
Thách thức và giải pháp
Bên cạnh kết quả đạt được, sau 02 năm thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU cho thấy vẫn còn những hạn chế nhất định, như tình trạng cử cán bộ đi đào tạo sau đại học chưa thực sự sát với vị trí việc làm, kết quả đào tạo sau đại học còn tập trung vào một số ngành nghề, các ngành nghề lĩnh vực đột phá của tỉnh gần như chưa thực hiện được...
Đối với Đề án số 06-ĐA/TU, việc triển khai thực hiện còn chậm so với lộ trình. Cụ thể, việc cử cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở một số cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc chuyên môn nhiều, khó bố trí nhân lực thay thế; chất lượng hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng chưa cao, chưa sát với nhu cầu người học, chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ thực tế của từng giai đoạn. Vẫn còn hiện tượng người học chạy theo bằng cấp nhằm đủ điều kiện để giữ vị trí; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; một số cán bộ, công chức chưa coi việc học tập là công việc thường xuyên, là nghĩa vụ của cán bộ, công chức.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những khâu quan trọng trong công tác cán bộ, do vậy cần phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Các cấp ủy và chính quyền các cấp, các địa phương cần chú trọng chỉ đạo xây dụng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của từng giai đoạn; chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng, tránh tràn lan, gây tốn kém, lãng phí.
Thứ hai, đổi mới, ban hành cơ chế, chính sách tạo động lực để cán bộ, công chức tự giác, chủ động, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; cùng với đó, xây dụng chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức trong và sau quá trình tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ ba, chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở phải đảm bảo tính hệ thống, tính cơ bản, tính hiện đại và tính thực tiễn, sát hợp với từng đối tượng, từng loại chức danh cán bộ; chú trọng hơn nữa về kỹ năng, bồi dưỡng kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Thứ tư, đa dạng và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các loại hình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng để phù họp với điều kiện thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số; đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá, trong đó chú trọng đánh giá năng lực, kỹ năng vận dụng những kiến thức từ các khóa đào tạo, bồi dưỡng để giải quyết những vấn đề cụ thể đặt ra trong thực tiễn./.
Anh Minh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục