Ngày 11/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030”, trong đó nhấn mạnh cần dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Lớp bồi dưỡng về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho cán bộ phụ nữ người dân tộc Thái ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh: xaydungdang.org.vn |
Từ chính sách đến thực tiễn
Là huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, thuộc vùng cao biên giới và có diện tích rộng nhất cả nước, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Chính vì vậy, trong những năm qua Ban Thường vụ Huyện ủy luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cấp cơ sở (thôn, bản) và người có uy tín; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương.
Huyện ưu tiên tuyển dụng sinh viên diện cử tuyển, sinh viên có học lực khá về công tác tại địa phương và các xã khó khăn. Thời gian qua, huyện đã cử hơn 3.571 lượt cán bộ các cấp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiều cán bộ dân tộc thiểu số được cử đi học các lớp trung cấp, cao cấp lý luận, hoặc bồi dưỡng lý luận chính trị để kết nạp Đảng. Huyện mở nhiều lớp bồi dưỡng cho hàng nghìn lượt cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản về lý luận chính trị và xây dựng Đảng, đoàn thể; quản lý thôn, bản; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; phát triển kinh tế, xóa nghèo…
Tương tự, tại huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn (cũng thuộc diện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP), công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Trong 03 năm qua, huyện đã cử hơn 1.446 lượt cán bộ các cấp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Số cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản này trở thành cầu nối giúp ban quản lý thôn, bản nâng cao năng lực mọi mặt hay cầm tay chỉ việc trong công tác điều hành, quản lý thôn, bản, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo...
Cùng với Tương Dương và Kỳ Sơn, 09 huyện miền núi còn lại của Nghệ An đều được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cùng cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vùng dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Nghệ An, từ năm 2020 đến nay, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên.
Cụ thể, từ tháng 01/2020 đến 30/6/2023, số công chức viên chức người dân tộc thiểu số toàn tỉnh được tuyển dụng là 272/1.288 công chức viên chức được tuyển dụng, chiếm 20,9%. Toàn tỉnh có 9.159 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tổng số 83.894 cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (chiếm 13,3%).
Nghệ An đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 4.372 lượt cán bộ người dân tộc thiểu số về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, kiến thức quản lý nhà nước. Các huyện miền núi cũng lên kế hoạch, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản về công tác xây dựng đảng, đoàn thể; “cầm tay chỉ việc” trong điều hành, quản lý thôn, bản; chỉ đạo người dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giữ bình yên biên giới.
Những khó khăn, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số tại Nghệ An vẫn còn một số hạn chế. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số hiện nay trên địa bàn tỉnh nhìn chung cơ bản bảo đảm quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên có sự phân bố chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, vùng miền; một số cơ quan cấp tỉnh chưa có cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số trong cấp ủy tỉnh chưa tương quan với dân số, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng vùng dân tộc thiểu số.
Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đồng đều, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện còn ít; nguồn cán bộ kế cận người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tinh thần, trách nhiệm của một số cán bộ người dân tộc thiểu số chưa cao, chưa có nhiều sáng tạo, đột phá trong công tác tham mưu nên việc triển khai thực hiện một số chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Một số chính sách về tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chưa ban hành thống nhất, đồng bộ như: Chính sách thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ vùng dân tộc thiểu số; chính sách tuyển dụng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số; hướng dẫn về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số làm việc trong cơ quan hành chính các cấp,...
Những giải pháp trong thời gian tới
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp cơ bản sau sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương khóa IX về công tác dân tộc; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, chú trọng cả số lượng hợp lý (theo tỷ lệ dân số) và bảo đảm chất lượng, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và đặc điểm xã hội của địa phương; rà soát lại một số văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến nội dung thực hiện công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số để tiếp tục đôn đốc, triển khai thực hiện.
Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết để kịp thời đề ra các giải pháp không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc cho cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn.
Thứ tư, nghiên cứu ban hành thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong công tác và trong học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt.
Thứ năm, Trung ương nghiên cứu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để con em đồng bào dân tộc thiểu số được tuyển dụng vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn./.
Anh Minh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục