Công tác đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến lược dài hạn để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả. Tại tỉnh Bến Tre, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đã trở thành yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre. |
Những con số ấn tượng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Theo Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh có 23 tiến sĩ, 899 thạc sĩ, 3.923 cử nhân; cấp huyện có 02 tiến sĩ, 88 thạc sĩ, 726 cử nhân; cấp xã có 35 thạc sĩ, 2.945 cử nhân. Trong 4 năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2026, Bến Tre tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và thực hiện chế độ bồi dưỡng chức danh lãnh đạo quản lý theo Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ lãnh đạo cấp phòng, cấp sở và tương đương. Trong giai đoạn 2021-2023, Bến Tre đã tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cho hơn 40.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong số đó, tỉnh đã cử đi đào tạo 673 cán bộ ở các lĩnh vực như quản lý nhà nước, lý luận chính trị và kỹ năng lãnh đạo. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho 1.542 người, đồng thời thu hút 131 nhân sự có trình độ cao về công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Nói về ý nghĩa và kết quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre nhận định: những chính sách phát triển nguồn nhân lực không chỉ mang lại hiệu quả rõ rệt mà còn đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là tiền đề để Bến Tre xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng: Từ lý thuyết đến thực hành
Một trong những điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Bến Tre là việc đổi mới phương pháp, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Đơn cử như trong công tác đào tạo đội ngũ truyền thông công đoàn, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh tập huấn, đào tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác truyền thông công đoàn trong hoạt động phong trào tại đơn vị. Là người được tham gia đào tạo, bôi dưỡng, ông Trần Thái Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện Giồng Trôm cho bết, thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn đã giúp ông trang bị thêm kiến thức về công tác kiểm tra, giám sát về việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công đoàn, phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Đồng thời, thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn còn trang bị thêm các kỹ năng viết tin bài và công tác truyền thông để sau này sẽ áp dụng vào công việc để cung cấp thông tin và kịp thời nhanh chóng đến với đoàn viên, người lao động
Theo ông Nguyễn Phúc Linh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre, công tác bồi dưỡng không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn trang bị cho cán bộ kỹ năng xử lý các tình huống thực tiễn: “Các lớp bồi dưỡng, tập huấn giúp cán bộ tự tin hơn khi đối mặt với các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, dân chủ ở cơ sở và truyền thông công đoàn”, ông Linh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính… cũng được tỉnh Bến Tre chú trọng tổ chức thực hiện hằng năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng; lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.
Tỉnh cũng đã mở gần 50 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại các huyện; đang thực hiện các thủ tục để tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng đối tượng là lãnh đạo, quản lý cấp phòng; lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính; các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở các lĩnh vực: Nội vụ, thông tin và truyền thông (chuyển đổi số), văn hóa - du lịch…
Thu hút nhân tài: Thách thức và giải pháp
Mặc dù đạt được nhiều thành công trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, song Bến Tre vẫn đối mặt với khó khăn của bài toán thu hút nhân tài. Tỉnh đã dành hơn 100 tỷ đồng để triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, số lượng nhân tài về công tác tại địa phương vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các lĩnh vực như y tế, công nghệ thông tin và quản lý đô thị.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Để khắc phục hạn chế, tỉnh đang nghiên cứu ban hành các chính sách đãi ngộ hấp dẫn hơn, bao gồm hỗ trợ tài chính, cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng thu hút nhân lực trẻ, có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ và cán bộ nữ
Nhằm đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững, tỉnh đã triển khai các chương trình đào tạo dành riêng cho cán bộ trẻ và nữ. Từ năm 2022, Bến Tre đã thực hiện Đề án thí điểm tạo nguồn cán bộ từ học sinh, sinh viên xuất sắc và cán bộ đoàn ưu tú. Chương trình này đã tạo cơ hội cho hàng chục nhân sự trẻ được đào tạo bài bản và bổ sung vào bộ máy lãnh đạo của tỉnh. Tỉnh Bến Tre luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ và nữ, không chỉ để đảm bảo tính liên tục mà còn đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đổi mới và sáng tạo.
Tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ
Nhận thức rõ vai trò của hội nhập quốc tế, tỉnh Bến Tre đã cử nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa học ở nước ngoài thông qua các chương trình học bổng quốc tế. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo cũng được đẩy mạnh. Các lớp học trực tuyến và nền tảng học tập điện tử đã giúp hàng nghìn cán bộ tiếp cận kiến thức mới mà không làm gián đoạn công việc.
Ông Trần Văn Minh, Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh: “Việc áp dụng công nghệ không chỉ tăng hiệu quả đào tạo mà còn giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, tạo điều kiện để cán bộ nâng cao trình độ một cách linh hoạt”.
Đánh giá thực chất và công khai kết quả
Một điểm nhấn quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Bến Tre là việc gắn đào tạo với đánh giá thực chất. Tỉnh đã áp dụng phương pháp đánh giá đa chiều, xuyên suốt và dựa trên sản phẩm cụ thể. Kết quả đánh giá được công khai để người dân giám sát, đảm bảo tính minh bạch và khách quan. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhận định: “Đánh giá đúng năng lực của cán bộ không chỉ giúp phát hiện những cá nhân xuất sắc mà còn là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo và sử dụng nhân sự hiệu quả hơn”.
Với những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tỉnh Bến Tre đã từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. Những nỗ lực này không chỉ giúp Bến Tre xây dựng một đội ngũ cán bộ vững mạnh mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh, đưa Bến Tre trở thành hình mẫu trong công tác cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đột phá, từ thu hút nhân tài đến ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ./.
An Huy
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục