Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An.
Nghị quyết quyết nghị nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 29,09 km2, quy mô dân số 77.813 người của thị xã Cửa Lò và toàn bộ diện tích tự nhiên 6,17 km2, quy mô dân số 11.884 người của xã Nghi Xuân; toàn bộ diện tích tự nhiên 6,12 km2, quy mô dân số 10.409 người của xã Phúc Thọ; toàn bộ diện tích tự nhiên 9,50 km2, quy mô dân số 11.006 người của xã Nghi Thái và toàn bộ diện tích tự nhiên 10,35 km2, quy mô dân số 11.831 người của xã Nghi Phong thuộc huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh. Theo đó, kể từ ngày 01/12/2024, toàn bộ thị xã Cửa Lò và 4 xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong của huyện Nghi Lộc sẽ sáp nhập vào thành phố Vinh.
Sau khi sắp xếp, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên là 166,22 km2 và quy mô dân số là 580.669 người; có 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường: Bến Thủy, Cửa Nam, Đông Vĩnh, Hà Huy Tập, Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Đông, Hưng Lộc, Hưng Phúc, Lê Lợi, Nghi Đức, Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Phú, Nghi Thu, Nghi Thủy, Nghi Tân, Quán Bàu, Quang Trung, Thu Thủy, Trung Đô, Trường Thi, Vinh Tân và 09 xã: Hưng Chính, Hưng Hòa, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Xuân, Phúc Thọ.
Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Vinh, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới (giảm được đầu mối cơ quan hành chính Nhà nước, cụ thể là cấp huyện). Sau khi sắp xếp, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần phục vụ Nhân dân tốt hơn. Bộ máy hành chính nhà nước mới có thể đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Một góc của TP Vinh hiện tại, tháng 11/2024. Ảnh: vnexpress.net |
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Vinh, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được củng cố, việc ứng dụng công nghệ thông tỉnh, bộ phận tiếp nhận và lựa chọn được đội ngũ làm việc có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, tạo điều kiện phục vụ Nhân dân tốt hơn. Đồng thời việc tuyên truyền, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến được thực hiện đồng bộ hơn dẫn đến việc triển khai dịch vụ được thống nhất.
Tuy nhiên, sau thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh, dân số đông, dẫn đến nhu cầu chuyển đổi giấy tờ của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng lên, khối lượng công việc về thủ tục hành chính, nhu cầu về dịch vụ công sẽ tăng mạnh trong khi số lượng nhân sự giảm, thời gian đầu sẽ khó đáp ứng ngay nhu cầu của người dân, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục. Bên cạnh đó, phần lớn người dân lớn tuổi chưa tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ thông tin, dẫn đến khả năng tiếp cận và sử dụng internet còn thấp, đây là khó khăn, trở ngại khi sự dụng dịch vụ công trực tuyến..
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, Ủy ban nhân dân thành phố cần thực hiện tốt nhiệm vụ với những giải pháp cơ bản sau:
Xác định việc khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong cải cách hành chính, phải được quan tâm sâu sát và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến, xem đây là dịch vụ đem lại lợi ích thiết thực nhằm giảm thời gian, chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần chung tay cải cách hành chính.
Thực hiện đồng bộ các nội dung của nhiệm vụ cải cách hành chính với triển khai cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người làm việc tại bộ phận này; có cơ chế về biên chế, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật... để thu hút những người làm việc có trách nhiệm, có trình độ chuyên môn, am hiểu công việc thuộc lĩnh vực được giao đảm nhiệm. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Định kỳ hàng tháng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ./.
Khánh An
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục