Tóm tắt: Phát triển đô thị bền vững là quá trình phát triển đô thị dựa trên nguyên lý phát triển cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị nhằm mục tiêu vì cư dân đô thị trong hiện tại và tương lai. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu quản trị đô thị phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị; cung ứng các dịch vụ công,... Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị đô thị phát triển bền vững có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết đối với công tác quản trị nhà nước tại các đô thị ở nước ta.
Từ khóa: Đô thị; quản trị đô thị; phát triển bền vững.
Abstract: Sustainable urban development is a development process of the urban basing on the principle of balanced and harmonious development between factors: economy, society, environment, infrastructure, urban space, which aims at urban residents in the present and future. The rapid urbanization process in Vietnam today requires the urban governance ensuring the sustainable development in the fields of socio-economic and environmental protection; building social infrastructure and urban technical infrastructure; providing public services, etc. Therefore, researching to identify the current situation and propose solutions to improve the efficiency of urban governance has urgent theoretical and practical significance for urban areas in our country.
Keywords: Urban; urban governance; sustainable development.
Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ do việc di cư dân số từ khu vực nông thôn đến thành thị và việc mở rộng địa giới hành chính các khu vực thành thị. Quá trình đô thị hóa nhanh đặt ra nhiều vấn đề mới đối với quản trị đô thị (QTĐT) như: xây dựng và phát triển đô thị bền vững; liên kết theo mạng lưới, hình thành chuỗi đô thị thông minh kết nối với khu vực và thế giới; đô thị xanh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; phát triển kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường ở đô thị… Để giải quyết có hiệu quả những yêu cầu đó, cần có sự phối hợp, tương tác giữa các cấp chính quyền với các bên liên quan, gồm người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển, QTĐT phát triển bền vững và “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”(1), thì việc đổi mới nội dung, phương thức quản trị địa phương nói chung, trong đó có QTĐT nhằm thúc đẩy các đô thị phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay.
Những nội dung cơ bản của quản trị đô thị phát triển bền vững
“Quản trị đô thị là sự phối hợp giữa các chủ thể sử dụng quyền lực của Nhà nước (trung ương và địa phương) và các chủ thể ngoài nhà nước (công dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội) trong quá trình xây dựng, thực thi và giám sát, đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật và huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế, phát triển đô thị bền vững bảo đảm sự hài lòng của người dân trên địa bàn đô thị”(2). Quản trị đô thị phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu của “quản trị tốt” như: sự tham gia, đồng thuận xã hội, hài hòa lợi ích, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, bình đẳng, pháp quyền.
Quản trị đô thị phát triển bền vững là quá trình phát triển đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị ở hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó ở các thế hệ tương lai, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững gắn với đặc thù của đô thị dựa trên những yếu tố: kinh tế đô thị; xã hội đô thị; môi trường sinh thái đô thị; cơ sở hạ tầng đô thị; không gian đô thị. Quản trị đô thị bền vững phải chú ý đáp ứng cân bằng và hài hòa các nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của các thế hệ hiện tại và tương lai, do đó cần thực hiện tham vấn giữa các bên liên quan để thống nhất về sứ mệnh và tầm nhìn chiến lược dài hạn phát triển đô thị.
Trong QTĐT phát triển bền vững, mỗi chủ thể có vai trò, vị trí và phương thức quản trị khác nhau, tuy nhiên đều hướng đến mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người dân đô thị trên các mặt như: phân bổ các nguồn lực hợp lý hướng tới các giá trị đô thị bền vững; sử dụng hiệu quả các nguồn vật lực, nhân lực và tài nguyên đô thị; phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm cung ứng các dịch vụ công, tiện ích đô thị; ứng dụng công nghệ tin học vào QTĐT thông minh; tăng cường khả năng đáp ứng và trách nhiệm giải trình(3).
Chính quyền đô thị (CQĐT) có vai trò quan trọng trong việc định hướng, điều tiết và huy động sự tham gia của các chủ thể khác tham gia QTĐT phát triển bền vững; đồng thời, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khác tham gia phản biện, giám sát hiệu quả quá trình thực hiện. Chính quyền đô thị tập trung vào các nhiệm vụ: 1) Xây dựng, bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng thống nhất, đồng bộ; 2) Tiến hành các hoạt động tạo điều kiện cho các thị trường đô thị; 3) Xây dựng và thực hiện triệt để các biện pháp bảo vệ môi trường; 4) Cung ứng các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân, đặc biệt là đối tượng chính sách.
Người dân, cộng đồng dân cư đô thị tham gia QTĐT phát triển bền vững thông qua ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm và bổn phận công dân trong việc tích cực đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, quy hoạch phát triển đô thị; đồng thời tham gia tích cực các hoạt động tự quản của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường đô thị, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Doanh nghiệp tham gia QTĐT phát triển bền vững bằng phương thức thực hiện trách nhiệm xã hội đóng góp vào sự phát triển chung của đô thị; huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh để vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, vừa góp phần bảo đảm sự hài hòa với lợi ích của cộng đồng, người lao động vì sự tiến bộ, bền vững môi trường đô thị.
Các tổ chức xã hội tham gia QTĐT phát triển bền vững với phương thức là các tổ chức tự nguyện, đại diện cho các thành viên, hội viên trong cộng đồng cư dân đô thị, thực hiện vai trò giám sát, phản biện các chính sách của CQĐT và hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, các tổ chức xã hội huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực từ người dân và các tổ chức quốc tế vào QTĐT.
Hiệu quả QTĐT phát triển bền vững được xem xét bởi mối tương quan giữa sự phối hợp của các chủ thể tham gia QTĐT đạt tới tính bền vững trong phát triển đô thị ở hiện tại và khả năng đáp ứng nhu cầu đó ở các thế hệ tương lai. Quản trị đô thị phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm trên cơ sở nhận thức đầy đủ và toàn diện về tính hiệu quả của QTĐT theo hướng lấy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và sự hài lòng của công dân làm các tiêu chí cơ bản để đánh giá hiệu quả đích thực của QTĐT.
Khái quát thực trạng quản trị đô thị phát triển bền vững ở Việt Nam
Trong thời gian gần đây ở Việt Nam, QTĐT phát triển bền vững đã được chú trọng và đạt được những kết quả bước đầu. Hệ thống đô thị từng bước được quy hoạch phát triển theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền; kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước; các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng; phân cấp và phân quyền nhiều hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Tuy nhiên, QTĐT phát triển bền vững ở Việt Nam cũng còn một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, sự tham gia của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội vào hoạt động QTĐT phát triển bền vững còn hạn chế; chưa bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể QTĐT. Năng lực quản lý và QTĐT của các cấp CQĐT còn yếu, chậm được đổi mới. Các quy định pháp lý hiện nay chưa quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, giữa Chính phủ và CQĐT trong QTĐT phát triển bền vững.
Thứ hai, thể chế, mục tiêu, kế hoạch, chương trình QTĐT phát triển bền vững chậm đổi mới, thiếu đồng bộ, thiếu tính dự báo. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, các đô thị không ngừng mở rộng không gian; tốc độ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nhà máy, xí nghiệp, nhà ở,... dân nhập cư từ các địa phương khác chuyển về đô thị sinh sống, làm ăn, giao lưu,... đã tạo nên không ít những khó khăn, thách thức đối với quá trình QTĐT trên địa bàn.
Thứ ba, quản trị các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường đô thị chưa bảo đảm tính bền vững. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp: nguồn nước ô nhiễm do các hệ thống xử lý nước thải kém và việc xả thải trực tiếp từ hộ gia đình và các cơ sở công nghiệp vào các sông, hồ, cống rãnh và mạch nước; không khí ô nhiễm do các phương tiện giao thông và các nhà máy công nghiệp thải ra khí thải, bụi bẩn; ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, cây xanh,… do mật độ dân số đô thị cao, nhiều phương tiện giao thông, công trình xây dựng, hoạt động công nghiệp,... gây ra nhiều tác động tiêu cực và giảm chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.
Thứ tư, năng lực cung ứng các dịch vụ cơ bản và tiện ích công cộng chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng, phong phú của cư dân đô thị. Các cơ sở giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân, công trình văn hóa thể thao còn thiếu, chưa được dành quỹ đất xây dựng tương xứng. Hệ thống giao thông đô thị, công viên, cây xanh, cấp điện chiếu sáng công cộng, cấp nước sạch, thoát nước chưa được đầu tư tương xứng, ngày càng xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập.
Thứ năm, chuyển đổi số và QTĐT thông minh còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Nhận thức của một số cán bộ, công chức về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động QTĐT chưa được đầy đủ, sự tham gia của người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa đồng đều. Trình độ chuyên môn và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn còn hạn chế. Do vậy, một số đơn vị còn tình trạng thực hiện mang tính hình thức, đối phó, chưa phát huy được thế mạnh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nên hiệu quả mang lại rất hạn chế.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị đô thị phát triển bền vững ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia về tầm quan trọng của quản trị đô thị phát triển bền vững.
Nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của QTĐT đối với lãnh đạo CQĐT các cấp và người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trên địa bàn đô thị về các nội dung: 1) Quản trị đô thị bảo đảm sự phối hợp giữa các chủ thể quyền lực nhà nước với các bên liên quan một cách khoa học, hiện đại hướng tới đô thị thông minh, hiện đại; 2) Quản trị đô thị hướng tới sự thân thiện, tiện dụng mang lại sự hài lòng của dân cư đô thị; bảo đảm không gian, cơ sở hạ tầng- kỹ thuật đáp ứng đô thị phát triển bền vững, đô thị đáng sống; 3) Quản trị đời sống đô thị nhằm nâng cao an sinh đô thị hướng tới các giá trị tăng trưởng bền vững; 4) Quản trị đô thị nhằm đạt được những mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển đô thị bền vững và đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Nghiên cứu ban hành quy định về các nội dung, điều khoản, tiêu chí, nguyên tắc của phát triển đô thị bền vững theo hướng lồng ghép, tích hợp giữa phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng xã hội, phát triển hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị với bảo vệ môi trường và một số nội dung liên quan khác.
Đa dạng hóa các mô hình tổ chức CQĐT phù hợp với vai trò, đặc điểm, điều kiện phát triển của các đô thị. Đối với các đô thị lớn hoặc khu vực lõi đã phát triển thì phân cấp, phân quyền nhiều hơn về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính để CQĐT có khả năng và điều kiện giải quyết các vấn đề phát triển phức tạp như quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển xã hội. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn. Đối với các đô thị di sản, cần xây dựng cơ chế đặc thù, huy động sự tham gia của các bên liên quan nhằm giữ được bản sắc, hạn chế sự phát triển của đô thị nén và bê tông hóa, gây xung đột với giá trị di sản.
Thứ ba, tạo cơ chế để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia, giám sát, phản biện các hoạt động quản trị đô thị phát triển bền vững.
Quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung công việc của các chủ thể tham gia QTĐT phát triển bền vững. Trong đó, quy định đồng bộ và cụ thể các lĩnh vực tham gia, trình tự, hình thức tham gia và hiệu lực tham gia của các bên liên quan trong QTĐT phát triển bền vững. Theo đó, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội không chỉ được điều chỉnh bởi các luật cơ bản, mà còn được thể chế hóa một cách đầy đủ, cụ thể và thống nhất trong các luật chuyên ngành và các quy định hành chính. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Hoàn thiện thể chế về đánh giá sự hài lòng của người dân đô thị thông qua chỉ số liên quan QTĐT phát triển bền vững đối với các bên liên quan.
Thứ tư, phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng xanh và bền vững.
Phát triển kinh tế - xã hội đô thị bền vững hướng tới tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy các thế mạnh đặc thù của đô thị. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực xã hội cho phát triển đô thị. Tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị.
Thực hiện thông qua công cụ hướng dẫn thiết kế đô thị. Chính quyền đô thị tăng cường đầu tư các dự án có thể tạo ra lợi ích lan tỏa như: công viên, đường dành cho xe đạp được xây dựng,... một cách thống nhất và tích hợp từ quy mô đô thị đến quy mô một tuyến phố, một nhóm nhà. Trong tiêu chí phân loại, phân cấp đô thị ở nước ta hiện nay, bên cạnh thành tựu trong việc thúc đẩy phát triển đô thị, cần đề xuất bổ sung thêm tiêu chí “đô thị xanh”, đô thị có tầm nhìn “xanh”. Quy hoạch và quản trị đô thị cần phải có tầm nhìn dài hạn từ 10 đến 40 năm trở lên. Số hóa các thông tin về phương tiện giao thông và ứng dụng công nghệ cao để quản trị giao thông. Áp dụng các công nghệ hiện đại mới nhất để đem lại hiệu quả cao nhất đối với phát triển xanh. Xây dựng chính sách khuyến khích mang tính lâu dài để các công ty đầu tư thu hồi vốn, đồng thời tiếp cận được đến mọi người dân thông qua các chính sách bù giá dịch vụ hợp lý. Khen thưởng, động viên, khích lệ và trao thưởng cho các dự án phát triển xanh, thân thiện với môi trường.
Phát triển hạ tầng xã hội mang lại những giá trị con người mong muốn và hướng tới, lấy con người và chất lượng cuộc sống con người làm trung tâm; văn hóa, văn minh đô thị là nền tảng phát triển; chất lượng cuộc sống đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cơ bản về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, tiện ích cộng đồng đô thị đảm bảo đồng bộ, hiện đại, có môi trường và cuộc sống đô thị tốt. Ưu tiên nguồn lực phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản tại đô thị, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ. Hoàn thiện quy hoạch không gian văn hóa đô thị đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân, chú trọng tạo dựng nhiều không gian văn hóa công cộng.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị là bộ khung và động lực quan trọng cần phải đi trước một bước, tạo đà thúc đẩy phát triển bền vững đô thị. Do đó, cần đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Quy hoạch, quản lý sử dụng không gian nối, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về QTĐT thông minh.
Bảo vệ môi trường phát triển bền vững: Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, việc quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống đô thị không thể tách rời chiến lược tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Vì vậy, tăng trưởng xanh cần được tích hợp và lồng ghép vào trong chính sách bảo vệ môi trường. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại các đô thị; giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đô thị.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản trị đô thị phát triển bền vững.
Sự chuyển đổi từ mô hình đô thị truyền thống sang đô thị hiện đại, đô thị đáng sống, đô thị đổi mới, sáng tạo là chìa khóa để giải quyết các vấn đề đô thị hóa hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng QTĐT, nâng cao đời sống của người dân đặt ra yêu cầu lớn đối với vai trò của CQĐT. Để đáp ứng yêu cầu, CQĐT phải kiến tạo hệ sinh thái ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong QTĐT bảo đảm các chủ thể quản trị đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện đại hóa CQĐT, trong đó chú trọng việc lồng ghép, tích hợp hài hòa, có hiệu quả 3 nhóm trụ cột chính là công nghệ, con người và thể chế nhằm QTĐT thông minh bền vững, đồng thời hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, minh bạch trong phát triển đô thị. Chính quyền điện tử, chính quyền số là một thành tố quan trọng của QTĐT thông minh. Việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông tích hợp với các yếu tố môi trường vật lý, kỹ thuật số giúp chính quyền đáp ứng các nhu cầu của người dân một cách hiệu quả, sáng tạo. Dựa trên nền tảng trực tuyến, người dân truy cập các dịch vụ công, phản ánh các kiến nghị về chính sách, pháp luật, đề xuất, khiếu nại với cơ quan nhà nước. Đây là phương thức quản trị mới dựa trên thành tựu khoa học và công nghệ, lấy người dân làm trung tâm và nâng cao hiệu suất hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Thứ sáu, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức QTĐT theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng thực thi công vụ giỏi, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của CQĐT trong việc phối hợp với người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để định hướng, điều chỉnh, theo dõi, giám sát quá trình xây dựng, thực thi chính sách và các kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý ở đô thị.
Để QTĐT phát triển bền vững yêu cầu đặt ra là thực hiện đổi mới nhận thức tư duy của các cấp CQĐT và tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân, trong đó, nhấn mạnh vai trò của những công dân với tinh thần, trách nhiệm làm trung tâm tham gia công tác QTĐT cùng các cấp chính quyền địa phương. Huy động sự tham gia của các chủ thể ngoài Nhà nước vào quản trị nhà nước, cần thiết xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thành phố thông minh đề người dân nắm bắt thông tin, gửi ý kiến phản hồi nhanh chóng và thuận tiện, từ đó bồi dưỡng tinh thần và trách nhiệm công dân là một nội dung quan trọng trong QTĐT hiệu quả ở nước ta hiện nay./.
----------------------------
Ghi chú:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.CTQG-ST, H.2021, tr.203.
(2) Lê Thị Tươi, Nâng cao hiệu quả quản trị đô thị ở Việt Nam hiện nay, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2024, Bộ Nội vụ, mã số 14.23.
(3) Lê Thị Tươi, Thước đo tham chiếu hiệu quả quản trị đô thị ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Quản lý nhà nước số 332 (tháng 9/2023), tr.13.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Chính phủ, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
3. Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
TS Lê Thị Tươi - Học viện Hành chính Quốc gia
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục