Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Đề xuất Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan Trung ương tại địa phương

Ngày đăng: 29/11/2024   15:22
Mặc định Cỡ chữ

Các đại biểu bày tỏ tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Các đại biểu bày tỏ tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành, đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Tăng trách nhiệm giải trình

Qua thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, Hội đồng nhân dân nhiều nơi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung mở rộng đối tượng giám sát tại Điều 5 của Luật hiện hành.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân được quyền giám sát hoạt động của các cơ quan Trung ương tại địa phương, đồng thời kiến nghị xem xét bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương.

Đại biểu phân tích, Điều 113 Hiến pháp quy định: Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân.

Tại khoản 2, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nêu rõ, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương.

Như vậy, phạm vi giám sát của Hội đồng nhân dân tại địa phương là rất rộng, bao quát tất cả các đối tượng, lĩnh vực trên địa bàn, kể cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Đại biểu nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, đều phải triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh do Hội đồng nhân dân quyết nghị.

Trong đó, các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương phải thực hiện việc như thu thuế, bảo hiểm xã hội; các biện pháp đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện các chính sách về tài chính, kinh tế, môi trường, xã hội do Hội đồng nhân dân ban hành.

Trong bối cảnh phân cấp, phân quyền mạnh như hiện nay, Hội đồng nhân dân được giao thẩm quyền nhiều hơn trong ban hành các chính sách, hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền công, phụ cấp cho các đối tượng xã hội, cho lực lượng quốc phòng, an ninh; hỗ trợ cấp ngân sách cho các ngân hàng chính sách xã hội; kinh phí đầu tư các dự án và hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan Trung ương tại địa phương.

"Quy định chính thức việc Hội đồng nhân dân được giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước cùng cấp thuộc Trung ương, đóng chân trên địa bàn, nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương.

Qua đó, giúp cho chính quyền Trung ương quản lý tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, đảm bảo các định hướng, mục tiêu Trung ương giao cho địa phương được thực thi hiệu quả.

Với cơ chế kiểm soát của Hội đồng nhân dân buộc các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm giải trình, cam kết hành động trước cơ quan đại diện của nhân dân," đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung thẩm quyền giám sát hoạt động các cơ quan Trung ương tại địa phương cho Hội đồng nhân dân cùng cấp và quy định quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân trong chất vấn người đứng đầu các cơ quan đó.

Nội dung này phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn, đảm bảo cho việc kiểm soát thực thi quyền lực Nhà nước theo đúng định hướng.

Xử lý trách nhiệm quan chịu sự giám sát

Quan tâm đến tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị cần xem xét, quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương, vấn đề nóng, vấn đề điểm của hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Góp ý về nguyên tắc hoạt động giám sát, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho biết, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là phù hợp.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.

Đồng thời, quy định cụ thể các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm, trình tự, thủ tục thực hiện đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử./.

Theo: baocaovien.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Ngày đăng 09/12/2024
“Bộ Nội vụ đang làm ngày làm đêm cùng các bộ, ngành để xây dựng các phương án sắp xếp với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất xong phương án, tới đây sẽ trình xin ý kiến và tiến hành phương án sắp xếp khi được phê duyệt” - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ chia sẻ.

TẬP TRUNG CAO ĐỘ SẮP XẾP BỘ MÁY, CÁC BỘ NGÀNH GIẢM ÍT NHẤT 15% ĐẦU MỐI BÊN TRONG

Ngày đăng 09/12/2024
Thủ tướng chỉ đạo tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạo sự thống nhất trong nội bộ, trong tư tưởng, thực hiện tốt kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; các bộ ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong.

Đổi tên "Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật" thành "Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật"

Ngày đăng 06/12/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1512/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.  

Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW: Những nội dung thực hiện ngay và những nội dung chuẩn bị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương

Ngày đăng 06/12/2024
Ngày 05/12/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã ban hành Công văn số 21-CV/BCĐ gửi các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn; các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương; các Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp ở Trung ương; Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Ngày đăng 04/12/2024
Ngày 04/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1507/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 1140/QĐ-TTg ngày 27/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc cử thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo).