Chiều 28/11/2024, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với Chính phủ về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2023”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dự và giải trình tại buổi làm việc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QH |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Thời gian qua, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng chủ yếu của Đoàn giám sát lần này là đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan những giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế, trước mắt là công tác cán bộ nhiệm kỳ tiếp theo của cả hệ thống chính trị.
Qua giám sát báo cáo và trực tiếp tại các địa phương, bộ, ngành, nhìn chung, công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS đã được các cấp các ngành, từ trung ương tới địa phương quan tâm, hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng.
Tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. |
Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo các chế độ, chính sách, quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công bằng, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ DTTS được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, quy hoạch và sử dụng cán bộ.
Ở địa phương, nhiều tỉnh có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đạt mức yêu cầu theo Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ được bộ, ngành và các địa phương quan tâm, có cơ cấu, tính đến nguồn cán bộ DTTS. Một số địa phương có thêm chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã vùng đặc biệt khó khăn và cán bộ DTTS rất ít người.
Tuy nhiên, qua giám sát trực tiếp và xem xét các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, công tác cán bộ dân tộc thiểu số còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc cần được nghiên cứu, làm rõ và đưa ra phương án giải quyết.
Tại buổi làm việc, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry - Phó Trưởng Đoàn giám sát báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023”. Tiếp đó, các đại biểu phát biểu ý kiến, đặt vấn đề những nội dung cần làm rõ thêm trong Báo cáo của Chính phủ. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát./.
Duy Thái
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục