Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Cần Thơ hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao

Ngày đăng: 28/11/2024   09:11
Mặc định Cỡ chữ

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta khẳng định cần phải “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Để thực hiện được những yêu cầu này, Thành ủy Cần Thơ thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đã cơ bản được chuẩn hóa theo chức danh, ngạch, bậc; trình độ, năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt.

Thành ủy Cần Thơ luôn quan tâm chỉ đạo triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp đạt chuẩn. Ảnh minh họa: Internet

Chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ

Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2020 - 2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định 3 đột phá, trong đó vấn đề phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ được xác định là đột phá hàng đầu. 

Trên cơ sở đánh giá toàn diện nguồn nhân lực của thành phố và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 29/12/2021, Thành ủy Cần Thơ đã xây dựng, ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025. Ngày 01/4/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình hành động số 07/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy. Hàng năm, Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 07/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 217-KH/TU về đào tạo, bồi dưỡng nguồn quy hoạch cấp ủy và chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023-2025 và Kế hoạch số 218-KH/TU về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2023-2025. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Thành ủy luôn đảm bảo căn cứ vào quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị và yêu cầu của cấp ủy các cấp trên địa bàn thành phố.

Công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ được các cấp ủy đảng của thành phố quan tâm nhằm nắm bắt kịp thời tình hình đội ngũ cán bộ trước, trong và sau đào tạo, bồi dưỡng. Hầu hết cán bộ khi được đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đều đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn khác theo quy định.

Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/12/2021 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, đến hết năm 2023, Thành ủy Cần Thơ đã cử 43.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Trung ương và thành phố tổ chức.

Về đào tạo lý luận chính trị: thành phố đã tăng cường đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ dự nguồn; việc tuyển chọn, cử cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy trình, quy định của Trung ương và của thành phố. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/5/2012 đến hết năm 2023 đã có 1.621 người được cử đi học cao cấp lý luận chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã cử 6.559 người học chương trình trung cấp lý luận chính trị và 1.233 người học chương trình sơ cấp chính trị.

Về đào tạo chuyên môn: các cấp ủy, chính quyền và ban, ngành thành phố quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ để từng bước chuẩn hóa, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó chú trọng đào tạo chuyên môn cho cán bộ cấp xã; quan tâm thực hiện công tác đào tạo sau đại học ở một số ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2012 đến 2023, thành phố đã cử 8.777 lượt cán bộ đi đào tạo chuyên môn ở trong nước và nước ngoài; trong đó đào tạo sau đại học đối với 2.828 người (đạt 10,83%). Trong số này, có 392 người được cử đi đào tạo tiến sĩ và tương đương ở trong nước, ở nước ngoài là 45 người; đào tạo thạc sĩ và tương đương ở trong nước là 2.363 người, ở nước ngoài là 28 người.

Về bồi dưỡng chuyên môn đáp ứng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh, vị trí việc làm và cập nhật kiến thức mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm, đổi mới theo hướng đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng. Thành phố đã có 85.629 lượt người tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 7.930 lượt người tham gia bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch. Thành phố cũng đã chú trọng cử, tạo điều kiện để cán bộ đi bồi dưỡng ở nước ngoài, theo đó đã có 183 người được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình, đề án.

Năm 2023, thành phố đã cử 7.387 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, công tác đảng, đoàn thể, bồi dưỡng nguồn quy hoạch cấp ủy.

Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ chủ động phối hợp với Học viện Chính trị khu vực IV và các đơn vị liên quan mở 06 lớp bồi dưỡng cho 465 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố. Đa số cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện chức danh theo quy hoạch, tạo bước chuyển biến, đột phá trong công tác cán bộ và từng bước củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của thành phố đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hạn chế trong công tác đào tạo cán bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố Cần Thơ còn một số hạn chế nhất định, như: Việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Thành ủy thành các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, nhu cầu sử dụng cán bộ và vị trí việc làm; một số nơi chưa chú trọng việc tạo nguồn cán bộ lâu dài, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố Cần Thơ trong những năm qua được nâng lên, nhưng chưa đồng đều giữa các ngành, các lĩnh vực; vẫn còn tình trạng thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực; khả năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ thành phố còn nhiều hạn chế. Một bộ phận cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm và dành sự quan tâm đúng mức việc tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, có trường hợp được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn nhưng năng lực công tác, hiệu quả công việc chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phẩm chất, năng lực và uy tín chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ 

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy và trách nhiệm của hệ thống chính trị thành phố đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, của cán bộ, đảng viên về mục tiêu, yêu cầu và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới. 

Hai là, tăng cường công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho đội ngũ cán bộ. Tổ chức thực hiện tốt quy định của Đảng về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tăng cường trang bị, bổ sung kiến thức, kỹ năng mới phù hợp từng nhóm cán bộ và gắn với các tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm của cán bộ.

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án đó để có những quyết sách phù hợp, tổ chức thực hiện hiện quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt và chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Bốn là, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ theo quy định.

Năm là, cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ của đào tạo, bồi dưỡng với chất lượng, hiệu quả công tác. Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, để đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để cơ quan, tổ chức ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả hơn thì trước hết mỗi cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản. Đội ngũ cán bộ đạt chuẩn về trình độ, chuẩn chuyên môn sẽ là điều kiện quan trọng để cho ra đời những ý tưởng mới, cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả./.

Anh Minh

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Tỉnh Cao Bằng với việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao 

Ngày đăng 09/12/2024
Xác định đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, những năm qua Tỉnh ủy Cao Bằng đã quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng gắn liền với yêu cầu sử dụng và công tác quy hoạch. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đủ năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trà Vinh xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao người dân tộc thiểu số 

Ngày đăng 09/12/2024
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước, chiếm khoảng 32% dân số toàn tỉnh. Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội hỗ trợ nâng cao mức sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Trà Vinh còn rất quan tâm chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Quảng Bình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng tình hình mới

Ngày đăng 09/12/2024
Một trong bốn khâu đột phá được Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2020-2025 lựa chọn và xác định là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ chủ trương đúng đắn đó, thời gian qua, Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Nghệ An chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

Ngày đăng 09/12/2024
Ngày 11/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030”, trong đó nhấn mạnh cần dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Bến Tre: Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức

Ngày đăng 09/12/2024
Công tác đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến lược dài hạn để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả. Tại tỉnh Bến Tre, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đã trở thành yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.