Để đạt được mục tiêu xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, một trong những động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ vào năm 2030, thời gian qua tỉnh Bình Phước đã tập trung đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài.
Lễ bế giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước. Ảnh minh hoạ: Internet. |
Chính sách bồi dưỡng, đào tạo cán bộ theo hướng đổi mới
Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới, tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Lần đầu tiên việc tuyển chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh (Kế hoạch số 134-KH/TU) được thực hiện quy trình 04 bước gồm: đánh giá, lấy phiếu giới thiệu, đề xuất cán bộ tạo nguồn; sơ tuyển, lập danh sách đủ điều kiện; tổ chức sát hạch (thực hiện qua viết bài luận, phỏng vấn, chấm điểm đánh giá); căn cứ kết quả sát hạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định danh sách cụ thể.
Việc tổ chức sát hạch chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, thể hiện tinh thần dân chủ, đổi mới, minh bạch và khoa học nhằm mục đích tạo ra thế hệ cán bộ có tinh thần và tư duy đổi mới, sáng tạo để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Kết quả sát hạch: năm 2023, Bình Phước đã tổ chức sát hạch, tuyển chọn được một lớp đối tượng 1 với 23 đồng chí; một lớp đối tượng 2 với 25 đồng chí. Song song với quy trình tuyển chọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước thành lập và giao Ban Chỉ đạo tổ chức lớp bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh xây dựng chương trình đào tạo, khung đánh giá quá trình đào tạo để việc triển khai, tổ chức thực hiện bảo đảm theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Về đào tạo lý luận chính trị: năm 2023 tỉnh đã xét, chọn và cử 73 đồng chí tham gia các lớp cao cấp lý luận chính trị theo kế hoạch của Ban Tổ chức Trung ương; tổ chức 07 lớp trung cấp lý luận chính trị với 358 học viên tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm chính trị cấp huyện. Về đào tạo sau đại học: có 08 đồng chí đăng ký dự tuyển, trong đó đào tạo thạc sỹ đối với 02 đồng chí, đào tạo trình độ tiến sỹ đối với 06 đồng chí.
Đối với công tác bồi dưỡng cán bộ: cử 05 cán bộ tham gia bồi dưỡng ở nước ngoài theo chương trình của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ; bồi dưỡng theo chức danh đối với 59 đồng chí; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng I cho 04 đồng chí, đối tượng II cho 46 đồng chí; mở lớp 13 bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW cho 1.039 cán bộ; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho 2.000 lượt cán bọ, coogn chức, viên chức; tổ chức 02 lớp bồi dưỡng theo Kế hoạch số 134-KH/TU cho 48 học viên (trong đó, lớp đối tượng 1 có 23 đồng chí, lớp đối tượng 2 có 25 đồng chí tham gia). Ngoài ra, Trường Chính trị tỉnh phối hợp mở được 17 lớp với tổng số 1.273 học viên theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Hiệu quả triển khai tại địa phương
Tại huyện Phú Riềng, công tác cán bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy xác định là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Ðảng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, đổi mới, tăng dần về số lượng, chất lượng, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ, góp phần tăng hiệu quả thực thi công vụ.
Tính đến ngày 30/9/2024, Phú Riềng đã tổ chức 97 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 10.796 lượt cán bộ, đảng viên về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ; cử 182 đồng chí đào tạo lý luận chính trị, 326 lượt cán bộ tham gia lớp cập nhật kiến thức, 183 đồng chí tham gia lớp bồi dưỡng nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp. Song song với công tác đào tạo cán bộ, Phú Riềng quan tâm đến việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý; thực hiện kịp thời, đúng quy trình, quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan, có sự bàn bạc thống nhất cao của tập thể.
Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Riềng đã luân chuyển 07 cán bộ về cơ sở. Việc luân chuyển cán bộ đã rèn luyện, thử thách và khảo nghiệm cán bộ để làm căn cứ cho việc bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch; tạo điều kiện cho cán bộ khi hết hai nhiệm kỳ làm lãnh đạo, quản lý được chuyển sang một vị trí công tác mới phù hợp với năng lực và sở trường của cán bộ; khắc phục tình trạng tư tưởng chây ỳ. Các cán bộ luân chuyển về cơ sở đều phát huy được năng lực, sở trường và cùng với địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Còn tại huyện Lộc Ninh có 16 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có đến 07 xã có đường biên giới với nước bạn Campuchia. Do đặc thù một số cán bộ của huyện Lộc Ninh giai đoạn trước đây là trưởng thành từ cơ sở cho nên chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và để khắc phục, Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Ninh đã ban hành 04 kế hoạch phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Bình Phước để mở 04 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại huyện; cử 251 đảng viên đi đào tạo sơ cấp lý luận chính trị; cử 300 cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị; đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy cử 16 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Nhờ đó, đến nay 100% cán bộ trên địa bàn huyện Lộc Ninh đều đạt yêu cầu về trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số
Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh Bình Phước có 22.811 người, trong đó số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là 1.647 người, chiếm 7,22% so với tổng số biên chế trên địa bàn tỉnh. Số lượng, tỷ lệ này so với chỉ tiêu mà tỉnh đề ra vẫn chưa đạt.
Cụ thể, tại cấp tỉnh có 15 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trên tổng số 247 công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (chiếm 6,07%, trong khi chỉ tiêu được giao là 10%). Cấp huyện có 10 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trên tổng số 1.179 công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (chiếm 0,85%, trong khi chỉ tiêu được giao là 20%). Cấp xã có 28 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trên tổng số 203 cán bộ, công chức dân tộc thiểu số (chiếm 13,79%, trong khi chỉ tiêu được giao là 30%).
Để hoàn thành các chỉ tiêu về số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, thời gian tới tỉnh Bình Phước cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Trong đó tiếp tục thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; tập trung đảm bảo số lượng, chất lượng, chỉ tiêu nhân lực cho Đại hội Đảng và Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số./.
Phương Thảo
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục