Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương

Ngày đăng: 26/11/2024   15:20
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, trên cơ sở đó đưa ra định hướng hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong thời gian tới.

Từ khóa: Phân cấp; phân quyền; chính quyền trung ương; chính quyền địa phương.  

Abstract: The article focuses on analyzing and evaluating the decentralization and delegation of power between the central government and local governments. Based on this analysis, it provides recommendations for improving the principles of government organization and operation to enhance decentralization and delegation of power between the central and local governments in the future.

Keywords: Decentralization; administrative decentralization; central government; local government.

Hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Ảnh minh họa: VGP

Thực trạng triển khai nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương

Hiến pháp năm 2013 đặt nền tảng cho cơ chế phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, thông qua quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên”(1). Với quy định này, chính quyền địa phương (CQĐP) có trách nhiệm tự tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật và đảm bảo việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương bằng việc tạo ra các điều kiện, tiền đề về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, tổ chức - pháp lý, bằng khả năng của địa phương, theo phương thức, cách thức hợp pháp, hợp lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm ở địa phương; đồng thời có quyền tự quyết định các vấn đề của địa phương do luật định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước nhân dân, cơ quan nhà nước cấp trên. Những vấn đề được quy định bởi luật là những vấn đề có tính ổn định, lâu dài, những vấn đề của địa phương là những vấn đề có ý nghĩa địa phương, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của CQĐP, khi CQĐP quyết định các vấn đề của địa phương “chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên”. Việc cơ quan nhà nước cấp trên kiểm tra, giám sát đối với CQĐP nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà nước, bảo đảm pháp chế, kỷ luật trong quản lý, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, thống nhất. Kiểm tra, giám sát chứ không chỉ đạo, điều hành hay can thiệp vào việc giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, điều này nhằm tạo nên sự năng động, sáng tạo, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của CQĐP đối với nhân dân địa phương.

Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 có nhiều nội dung quy định theo tinh thần đổi mới. Tư tưởng chủ đạo của Luật là tiếp nối tinh thần đổi mới và cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Chính phủ, Thủ tướng và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải cách tổ chức và hoạt động của Chính phủ, tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động, linh hoạt và tính sáng tạo, nâng  cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ trong quản lý điều hành, phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

Là một trong những vấn đề cơ bản trong tổ chức và hoạt động Chính phủ và bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương, nội dung quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương được thể hiện ở bốn nội dung mới như sau:

Một là, khẳng định một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ là: “Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương”(2).

Hai là, trong quan hệ với chính quyền địa phương, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn: “Thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội”; “Trên cơ sở bảo đảm sự quản lý thống nhất của trung ương, Chính phủ phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện và khả năng của chính quyền địa phương”(3).

Ba là, một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ là: “Quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính của bộ máy nhà nước”(4).

Bốn là, với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ và quyền  hạn: “Quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo phạm vi lãnh thổ”(5).

Triển khai thực hiện các quy định về phân cấp quản lý trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị quyết đề ra một số định hướng cụ thể về phân cấp trong năm lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý doanh nghiệp nhà nước; quản lý đầu tư công; quản lý công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đất đai. 

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, một số quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền, gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của CQĐP các cấp. Luật chưa có quy định để tạo cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhằm tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước là “thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”(6).

Khắc phục những hạn chế trên, ngày 22/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật sửa đổi những quy định không còn phù hợp, vướng mắc, bất cập; bổ sung những vấn đề mới bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, đồng thời thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương với CQĐP; giữa các cấp CQĐP; đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, tập trung vào quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng và các quy định của Nhà nước, Nghị quyết số 99/2020/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành và lĩnh vực đã đề ra mục tiêu phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ. Việc phân định thẩm quyền giữa các cấp CQĐP đảm bảo phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa các tiềm năng của địa phương. Mỗi cấp CQĐP có thể thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước ở cấp trên, nhưng dựa trên cơ sở một việc không giao quá hai cấp hành chính quản lý dựa trên cơ sở những điều kiện thực hiện nhiệm vụ tương ứng, dựa trên sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước ở cấp trên đối với chính quyền địa phương.

Tiếp đến, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đã xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ Nhân dân.

Chính sách phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước qua các văn bản pháp luật nói trên thể hiện quan điểm, mục tiêu, nội dung và các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Các văn bản pháp luật này tạo nên chính sách khung về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Tinh thần của chế định các văn bản nói trên là đổi mới mạnh mẽ về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa trung ương và chính quyền địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trên cơ sở phân định rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền nhà nước; mặt khác, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền Trung ương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở từng địa phương phát triển, trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương trong một nhà nước thống nhất.

Tuy nhiên, cả về phương diện pháp luật và thực tiễn về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc cụ thể như sau:

Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật về phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, chưa có những cơ chế cụ thể, mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc, yêu cầu chung. Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định chung việc phân cấp của cơ quan cấp trên cho CQĐP trong một số trường hợp cần thiết(7). Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 khẳng định việc phân cấp, phân quyền phải theo quy định của Luật và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng đã quy định về các nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chưa xác định được nguyên tắc, phạm vi, giới hạn quyền được phân cấp; chưa phân định rõ đâu là nhiệm vụ của CQĐP và đâu là nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân (UBND) để phân cấp. 

Thứ hai, quy định về cách hiểu nguyên tắc phân cấp và nguyên tắc phân quyền chưa được phân tách và làm rõ. Sự khác nhau trong quản lý một công việc - giữa các cấp địa phương vẫn chưa được quy định rõ. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019), nếu so sánh thì nhiệm vụ của cấp xã (phường) hầu như không khác nhau. Sự không rành mạch này cũng thể hiện rõ trong các quy định về nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân (HĐND) với UBND, thẩm quyền của HĐND và UBND cũng không mấy khác biệt.

Thứ ba, pháp luật chưa xác lập đầy đủ cơ sở pháp lý để tạo bước chuyển căn bản và mạnh mẽ về phân quyền hợp lý giữa các chính quyền địa phương. Sau Hiến pháp năm 2013, khá nhiều lĩnh vực đã được phân cấp cho địa phương. Tuy nhiên, cơ chế trao quyền cũng còn có một số vấn đề như đa số việc trao quyền được thực hiện trong các đạo luật chuyên ngành; trao quyền được thực hiện bằng công cụ lập quy; phân cấp, phân quyền mới chỉ được triển khai mạnh giữa trung ương và cấp tỉnh mà chưa rõ ràng giữa các cấp địa phương. Luật Tổ chức chính quyền địa phương  (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chưa cụ thể hóa sự khác biệt trong quyền hạn của từng đơn vị hành chính lãnh thổ. Trong khi đó, các đạo luật chuyên ngành đã thể hiện tư duy phân cấp rành mạch hơn nhiều, như: Luật Phí và lệ phí, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Trợ giúp pháp lý,… Trong các đạo luật này, hoạt động thực thi hầu như đều thuộc về chính quyền cấp tỉnh; ở trung ương chỉ làm nhiệm vụ định hướng và giám sát.

Thứ tư, sự phân định trách nhiệm, quyền hạn của trung ương và địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực chưa hợp lý. Ví dụ, trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên cần có sự quản lý thống nhất cao của trung ương nhưng lại phân cấp quá nhiều, quá mạnh cho chính quyền địa phương, dẫn đến tình trạng sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch, nhượng bán, cho thuê tràn lan, tùy tiện tại các địa phương. Trong khi đó một số lĩnh vực như quản lý thị trường, quản lý một số dịch vụ công (một số bệnh viện công, một số công trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao công…) mặc dù gắn rất chặt với các hoạt động của người dân địa phương nhưng các bộ, ngành lại trực tiếp nắm giữ.

Thứ năm, nội dung phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công gần giống nhau theo từng cấp hành chính (tỉnh, huyện, xã), trong khi mỗi loại hình đơn vị hành chính cùng cấp có những khác biệt đáng kể về quy mô, đặc điểm, tính chất, đòi hỏi phải có chính sách, cơ chế phân cấp, phân quyền khác nhau, phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính. Chẳng hạn, thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số và thu ngân sách lớn hơn thành phố Đà Nẵng nhưng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như mức độ, phạm vi phân cấp, phần quyền cho chính quyền thành phố này cũng giống như của chính quyền quận là rất bất hợp lý. Hoặc ở thành phố Hà Nội, việc phân cấp, phân quyền cho thị xã Sơn Tây cũng giống như cho các quận nội thành, trong khi thị xã Sơn Tây là một đô thị tương đối độc lập về địa lý lãnh thổ, kết cấu hạ tầng, hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, còn các quận chỉ là các đơn vị hành chính nội bộ trong một đô thị thống nhất (khu vực nội thành), không có tính độc lập như thị xã Sơn Tây. Điều đó đã gây nên những hạn chế, khó khăn cho chính quyền thị xã  Sơn Tây cũng như cả cho chính quyền các quận trong các hoạt động quản lý đô thị và cung ứng dịch vụ công (vì có thể phù hợp với quận nhưng lại bất hợp lý với thị xã Sơn Tây)…

Thứ sáu, phân cấp, phân quyền gần giống nhau giữa chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn (tỉnh giống thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh, thị xã giống huyện, xã giống phường, thị trấn) trong khi giữa các loại hình đơn vị hành chính này có sự khác biệt rất lớn về các hoạt động kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, văn hóa, dân cư… Các hoạt động kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, đời sống dân cư ở đô thị có tính tập trung thống nhất cao, không bị chia cắt theo địa giới đơn vị hành chính nội bộ (quận, phường), nhưng cơ chế phân cấp, phân quyền giữa thành phố - quận - phường lại gần giống với giữa tỉnh - huyện - xã là chưa hợp lý.

Thứ bảy, chính sách phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước gắn rất chặt với yêu cầu kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, vẫn chưa có những hành lang pháp lý cụ thể về vấn đề này, nhất là những chế tài xử lý đối với các vi phạm về phân cấp, phân quyền. Chẳng hạn, việc buông lỏng trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước ở Trung ương và cấp trên đối với cấp dưới trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng “phình to” bộ máy tổ chức và biên chế ở cấp dưới. Việc kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của chính quyền trung ương đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình phân cấp, phân quyền chưa tốt dẫn đến nhiều địa phương lợi dụng việc phân cấp, phân quyền để đưa ra các quyết sách vì lợi ích cục bộ, hoặc thực hiện quyết sách theo hướng có lợi cho địa phương, thậm chí sẵn sàng vi phạm các quy định mà cơ quan trung ương ban hành.

Một số định hướng hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương

Văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng đã đưa ra phương hướng, giải pháp đối với phân cấp, phân quyền trong quản nhà nước như sau: “Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Củng cố, hoàn thiện hệ thống chính quyền địa phương; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương. Đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước, phân định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo của chính quyền địa phương”; “Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương” trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, xác định các nguyên tắc khi phân quyền, phân cấp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. 

Xác định phân quyền, phân cấp là nhiệm vụ quan trọng, hướng tới xây dựng CQĐP chủ động, tự chịu trách nhiệm, Trung ương không làm thay cho CQĐP, nhưng tính đến sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của chính quyền trung ương với CQĐP. Phân định rõ thẩm quyền các cấp CQĐP, chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, đặc thù khác nhau giữa đô thị và nông thôn để phân cấp, phân quyền cho phù hợp để bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, tự chủ của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Vì vậy, việc đổi mới phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cần đảm bảo một số nguyên tắc chủ yếu sau:

Thứ nhất, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thế chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.   

Thứ hai, phân quyền, phân cấp phải rành mạch, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, mỗi việc chỉ do một cấp, một cơ quan thực hiện chính, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền, mỗi cấp hành chính.

Thứ ba, phân định nhiệm vụ phải gắn với thẩm quyền và trách nhiệm tương ứng, phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, vùng núi, hải đảo và với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Thứ tư, phải gắn phân quyền, phân cấp với tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền trung ương và của người dân, xã hội.

Thứ năm, đảm bảo công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương đối với các nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp.  

Hai là, hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của Chính phủ tại Luật Tổ chức Chính phủ theo hướng:

Để không làm hạn chế chức năng, thẩm quyền của Chính phủ đã được Hiến pháp quy định; đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của Chính phủ, cần quy định khái quát, không quy định quá chi tiết, cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ như Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành.

Phân biệt rõ và gắn kết đồng bộ giữa phân cấp với phân quyền cho địa phương trong sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tạo cơ sở từng bước hình thành chế độ tự quản của địa phương, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền và của người dân địa phương trong giải quyết những công việc của địa phương, những nhiệm vụ được phân cấp, phù hợp với tính chất, đặc điểm, lợi thế của từng vùng miền.

Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi cần phải xác định rõ những ngành, lĩnh vực, những việc Chính phủ quản lý tập trung thống nhất, không phân cấp, nhưng có thể thực hiện ủy quyền; xác định những ngành, lĩnh vực, những công việc quản lý, về bản chất, là những việc của địa phương thì chính quyền địa phương và người dân địa phương quyết định, để thực hiện phân quyền cho địa phương.

Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Đề cao trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động trong khuôn khổ phù hợp với định hướng rộng lớn của chính sách quốc gia; bảo đảm tính thống nhất và thông suốt, kỷ luật, kỷ cương của nền hành chính. Tuy nhiên, cũng phải bảo đảm yêu cầu tôn trọng tính tự chủ, độc lập tương đối của mỗi cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật; cấp trên không được can thiệp cụ thể vào công tác chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.

Cần xác lập trong Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi cơ chế gắn phân cấp với việc giải quyết các vấn đề liên vùng, với vấn đề hợp tác, phối hợp giữa các địa phương, kể cả phối hợp giữa trung ương và địa phương. 

Ba là, xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát khi thực hiện phân cấp, phân quyền.

Trong bối cảnh phân quyền, phân cấp hiện nay, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ phải làm rõ nội dung: đối với các thẩm quyền chưa phân quyền cho địa phương, có nghĩa là những thẩm quyền mà địa phương thực hiện căn cứ vào văn bản pháp luật, sự chỉ đạo của cấp trên (ví dụ: trước khi quyết định phải được phê chuẩn, duyệt của cấp trên). Trong trường hợp này, cấp trên có quyền giám sát trực tiếp thông qua việc đình chỉ, bãi bỏ các văn bản của CQĐP nếu trái luật, trái văn bản cấp trên. Đối với những thẩm quyền đã phân quyền cho địa phương, có nghĩa là những thẩm quyền mà địa phương có toàn quyền tự quyết, thì các cơ quan hành chính cấp trên không có quyền giám sát, CQĐP chỉ chịu sự kiểm soát duy nhất của pháp luật - mà đại diện là cơ quan tư pháp./.

------------------------

Ghi chú:

(1) Điều 112 Hiến pháp năm 2013.

(2) Khoản 4 Điều 5 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ.

(3) Khoản 1 Điều 25 về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với chính quyền địa phương.

(4) Điểm đ khoản 2 Điều 28 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.

(5) Khoản 6 Điều 34 về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

(6) Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

(7) Khoản 3 Điều 112 Hiến pháp năm 2013.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, tập I.

2. Quốc hội, Hiến pháp năm 2013.

3. Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

4. Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

5. Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.

6. Bộ Nội vụ, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Định hướng hoàn thiện pháp luật về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và giải pháp tổ chức thực hiện; Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, do Bộ Tư pháp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì;

7. Trần Thị Diệu Oanh (2013), “Tác động của phân cấp quản lý đến địa vị pháp lý của chính quyền địa phương trong đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước”, Nxb CTQG, Hà Nội.

8. PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, “Phân cấp, phân quyền và thực tiễn triển khai theo Hiến pháp năm 2013”, Tạp chí khoa học ĐHQGHN (số 4/2018).

9. Võ Thị Thúy Kiều, Lê Thông Tiến, Nguyễn Thị Như Ý, “Đánh giá thực trạng phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TPHCM, (05/5/2020).

10. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/05/06/thuc-hien-phan-quyen-giua-trung-uong-va-chinh-quyen-dia-phuong-trong-dieu-kien-hien-nay/.

11. https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/11/03/hoan-thien-quy-dinh-ve-to-chuc-bo-may-hanh-chinh-phu-hop-voi-phan-cap-phan-quyen/.

12. https://tcnn.vn/news/detail/56885/Tiep-tuc-hoan-thien-quy-dinh-phap-luat-ve-phan-cap-phan-quyen-nham-bao-dam-quan-ly-nha-nuoc-thong-nhat-hieu-qua.html.

13. https://tcnn.vn/news/detail/41855/Danh-gia-chinh-sach-phan-cap-phan-quyen-hanh-chinh-nha-nuoc-o-Viet-Nam-hien-nay.html.

14. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/04/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-phan-cap-phan-quyen-trong-bo-may-nha-nuoc-o-viet-nam-hien-nay/.

15. https://www.moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/hoi-thao-ve-day-manh-phan-cap-quan-ly-nha-40846.html.

TS Lê Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát triển cán bộ dân tộc thiểu số tại Lào Cai: Sự khác biệt trong chiến lược nhân lực

Ngày đăng 05/12/2024
Lào Cai, một tỉnh biên giới phía Bắc, nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa và dân tộc - đã ghi dấu ấn mạnh mẽ không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong công tác cán bộ. Đặc biệt, tỉnh đã đặt trọng tâm vào việc phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược nhân lực. Chính sự khác biệt này đã góp phần tạo nên sức bật cho vùng đất vốn gặp nhiều thách thức về địa lý và kinh tế.

Quản trị đô thị phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 05/12/2024
Tóm tắt: Phát triển đô thị bền vững là quá trình phát triển đô thị dựa trên nguyên lý phát triển cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị nhằm mục tiêu vì cư dân đô thị trong hiện tại và tương lai. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu quản trị đô thị phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị; cung ứng các dịch vụ công,... Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị đô thị phát triển bền vững có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết đối với công tác quản trị nhà nước tại các đô thị ở nước ta. Từ khóa: Đô thị; quản trị đô thị; phát triển bền vững.

Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm và yếu tố quyết định thành công trong kỷ nguyên mới

Ngày đăng 01/12/2024
Cả nước đang phấn đấu thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và chuẩn bị cho năm mới 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình hành động của Chính phủ. Trong niềm vui chung đó, toàn Đảng, toàn dân ta đang rất hào hứng và phấn khởi đón nhận những thông điệp hết sức quan trọng từ Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó, trước hết là những nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng 19/11/2024
Tóm tắt: Nâng cao năng lực quản trị truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết ở các cấp, các ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Bài viết phân tích thực trạng, yêu cầu đặt ra và những nội dung cần quan tâm để nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Từ khóa: công chức lãnh đạo, quản lý; năng lực; truyền thông chính sách.

Quản lý nhà nước về nhà giáo phải thay đổi

Ngày đăng 06/11/2024
TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo...