Chiều 21/11/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: QH |
Điều hành, phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Quốc hội đã thảo luận Tổ về dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với 103 lượt ý kiến. Trong đó, tuyệt đại đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và cho rằng việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Tại phiên thảo luận ở hội trường, các ý kiến ĐBQH đều thống nhất thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Đề án nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua đáp ứng đầy đủ, tiêu chuẩn theo quy định.
Các ĐBQH cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc kiện toàn tổ chức của chính quyền địa phương, quận khi thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với tình cảm sâu sắc dành cho Huế. Trong đó, nêu cụ thể đề xuất các nội dung kiến nghị trung ương và địa phương quan tâm tới sự phát triển của thành phố Huế trực thuộc Trung ương sau khi được thành lập, như: vấn đề đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển các ngành lĩnh vực Huế có lợi thế bảo đảm phát triển hài hòa phù hợp giữa bảo tồn và phát triển giá trị cố đô - di sản văn hóa với phát triển thành phố mới năng động; phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch với phát huy tiềm năng của địa phương,...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến cũng đề nghị cần rà soát, chú ý tới việc phát triển hạ tầng, vấn đề đất rừng, đất lúa; vấn đề trùng tu, tôn tạo các di tích cố đô; sắp xếp bố trí lại dân cư, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp; nghiên cứu có cơ chế chính sách đặc thù của trung ương cho Huế phát triển; đồng thời đề nghị địa phương có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi giấy tờ, các thủ tục hành chính. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung trong điều khoản chuyển tiếp để địa phương linh hoạt trong triển khai thực hiện;...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: QH |
Điều hành, kết luận nội dung phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Nghị quyết này đã có 79 lượt ý kiến của ĐBQH. Nhìn chung, ý kiến của các vị ĐBQH đều tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết.
Qua thảo luận ở hội trường, các ý kiến phát biểu của ĐBQH cơ bản nhất trí với mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như Chính phủ trình. Theo đó, cơ bản tán thàn quy định về cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên, Ủy ban nhân dân quận, phường và số lượng cấp phó; tuy nhiên một số ý kiến đề nghị sắp xếp lại về mặt số lượng, cơ cấu tương tự như đã áp dụng đối với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, đối với thành phố Thủy Nguyên, có ý kiến đề nghị áp dụng tương tự như đối với thành phố Thủ Đức, trong đó cân nhắc tới đặc thù của thành phố Thủy Nguyên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết để kịp thời trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 8./.
Duy Thái
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục