Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Mối quan hệ giữa “Liêm” với “Chính”, và giữa “Liêm”, “Chính” với các phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 20/11/2024   15:33
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có quan tâm đặc biệt đến giáo dục, đào tạo, rèn luyện, phát triển con người Việt Nam toàn diện, đảm bảo vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong mối quan hệ giữa “hồng” và “chuyên” hay giữa “đức” với “tài”, Người luôn coi đức là “gốc” với những chuẩn mực đạo đức cụ thể, ở đó “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính” cùng với “chí công vô tư” là những phẩm chất đạo đức cơ bản, cốt yếu, cần thiết của người cán bộ, đảng viên.  Bài viết dưới đây luận giải về mối quan hệ giữa “Liêm” với “Chính” và giữa “Liêm”, “Chính” với các phẩm chất đạo đức khác, qua đó nâng cao nhận thức, định hướng công tác bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: mối quan hệ, “Liêm’, “Chính”, đạo đức, Hồ Chí Minh.

Summary: During his lifetime, President Ho Chi Minh always placed special emphasis on education, training, fostering, and developing the comprehensive qualities of the Vietnamese people, ensuring they are both “political loyalty” and “professional competence”. In the relationship between “loyalty” and “expert” or between “virtue” and “talent,” he consistently regarded virtue as the “root,” characterized by specific ethical standards. Among these, “diligence,” “frugality,” “integrity,” “righteousness,” and “selflessness” were considered the fundamental, essential ethical qualities required of officials and Party members. The following article explores the relationship between “integrity” and “righteousness,” as well as their connection with other ethical qualities, thereby enhancing awareness and guiding the cultivation of ethical qualities for our Party’s officials and members in the current period.

Keywords: relationship, “integrity,” “righteousness,” ethics, Ho Chi Minh.  

 

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất “Liêm”, “Chính” của người cán bộ, đảng viên

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất “Liêm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm của mình về phẩm chất “Liêm” của người cách mạng từ rất sớm. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Người đã chỉ ra những phẩm chất trong tư cách của người cách mạng, trong đó có: “Không hiếu danh, không kiêu ngạo… Ít lòng tham muốn về vật chất”(1). Sau này, Người nhiều lần đã đưa ra quan niệm về “Liêm” rất ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị, dễ hiểu. Theo Người, “liêm là trong sạch, không tham lam, là liêm khiết”(2), không vơ vét của công và của nhân dân; luôn tôn trọng giữ gìn của công và của nhân dân, dù đó chỉ là những thứ nhỏ nhất, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”(3). “Liêm” còn có nghĩa là “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình... Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(4)

Hồ Chí Minh quan niệm “Liêm” theo nghĩa rộng, để mở rộng đối tượng thực hành “Liêm”, tức là “Liêm” - phẩm chất đạo đức không thể thiếu, không phải chỉ của cán bộ, đảng viên, công chức, của một nhóm, một bộ phận nhỏ mà là của mọi người trong xã hội. Người viết: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Cũng như ngày xưa trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi. Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ LIÊM có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải LIÊM”(5).

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất “Chính” 

Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: “Chính” nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn, là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh. Con người nói chung và người cán bộ, đảng viên nói riêng có phẩm chất “Chính” là người chính trực, đúng mực, công tâm, họ luôn hành động theo lẽ phải, kiên quyết bảo vệ lẽ phải. Người viết: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”(6). Nội dung phẩm chất “Chính” trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm có cả những điều trong phẩm chất “Chính” của tinh hoa văn hóa nhân loại, đó là luôn có xu hướng hướng thiện, hướng tới cái chính nghĩa, cái “chân, thiện, mỹ”, không chấp nhận và kiên quyết lên án, đấu tranh loại trừ cái tà, cái ác. Thực hiện phẩm chất “Chính” theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi phải bắt đầu từ tâm và phải là sự tu dưỡng bền bỉ suốt đời. 

Không những đưa ra khái niệm “Chính” trong “tứ đức”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luận giải rõ ràng, sâu sắc về nội hàm phẩm chất “Chính” của người cán bộ, đảng viên, đó là phải công bình, chính trực, ngay thẳng, đứng đắn, “dĩ công vi thượng”, luôn vì dân, vì nước, vì Đảng để cống hiến và phục vụ. Trong tác phẩm Đời sống mới (1947), Người chỉ dạy: “Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”(7).

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa phẩm chất “Liêm” với phẩm chất “Chính”

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Liêm” và “Chính” của người cán bộ, đảng viên có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, cùng với “cần”, “kiệm”, “chí công vô tư” tạo nên sự hoàn chỉnh trong nhân cách người cách mạng. Trong đó, “liêm” là gốc của “chính”, “chính” là hệ quả của “liêm”. Theo Người, phẩm chất “Liêm” là cơ sở, là gốc, nền tảng để người cán bộ, đảng viên có phẩm chất “Chính”. Tức là khi người cán bộ, đảng viên trong sạch, không tham lam, ít lòng ham muốn về vật chất, không háo danh, không có tư tưởng trộm cắp của công, của nhân dân, không tư lợi cá nhân… thì họ sẽ rèn luyện được đức tính ngay thẳng, thật thà, chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái sai để bảo vệ lẽ phải; không có biểu hiện óc bè phái, óc hẹp hòi, tự cao, tự đại, xem khinh quần chúng... Khẳng định về vai trò của “Liêm” đối với “Chính”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính”(8).

Mặc dù “Chính” là hệ quả của “Liêm”, nhưng vẫn có tính độc lập tương đối, vị trí, vai trò riêng có, bởi không phải cứ thực hiện tốt “Liêm” là có “Chính”, vì nhiều khi người cách mạng có “Liêm”, mà vẫn không thể “Chính”. Thí dụ, một cán bộ, đảng viên trong cuộc sống sinh hoạt đời thường và quan hệ công tác luôn liêm khiết, trong sáng, không tham ô, lãng phí, không ham địa vị, công danh, không trục lợi cá nhân nhưng trước hành vi xấu, lũng đoạn, sa đọa của người khác lại không dám phê bình, không dám đấu tranh thì người đó chưa chính tâm, chưa chính ngôn, tức là chưa có phẩm chất “Chính”. Do đó, phẩm chất “Chính” mặc dù là hệ quả của “Liêm” được rèn luyện trên cơ sở của “Cần”, “Kiệm”, “Liêm” nhưng “Chính” lại là sự biểu hiện đầy đủ nhất của nhân cách con người và trở thành phẩm chất khó thực hiện nhất trong “tứ đức”, đòi hỏi sự tu dưỡng, nỗ lực rèn luyện bền bỉ, hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên mới có được “Chính”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải về mối quan hệ giữa “Liêm”, “Chính” với các phẩm chất đạo đức khác của cán bộ, đảng viên

Trong mối quan hệ giữa các thành tố hợp thành “tứ đức” của con người và với người cán bộ, đảng viên thì “Liêm”, “Chính” có quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết, không thể tách rời và là hệ quả của “Cần”, “Kiệm”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cần”, “Kiệm” phải đi đôi với “Liêm”, nghĩa là phải trong sạch, không tham lam, ngược lại “Liêm” cũng phải đi đôi với “Kiệm”. Người viết: “Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM. Cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN. Có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”(9). Do vậy, theo Người: “Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”(10).  

Coi “tứ đức” - “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính” là những phẩm chất căn cốt của người cách mạng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sắp xếp các phẩm chất đó theo một trật tự rất hợp lý, khoa học. Người đã đặt chữ “Cần” lên trên hết, điều này hoàn toàn đúng bởi có “Cần” mới có cái để “Kiệm” và có “Cần” mới biết “Kiệm”; có “Kiệm” mới có thể “Liêm”; có “Liêm” mới có thể “Chính”. Vì vậy, “Cần”, “Kiệm”, là gốc rễ, là nền tảng của “Liêm”, “Chính”; còn “Liêm”, “Chính” là kết quả tất yếu của “Cần”, “Kiệm”. Nhưng phải có “Liêm”, “Chính”, nhờ có “Liêm”, “Chính” thì con người mới hoàn chỉnh, thiếu “Liêm” hoặc “Chính” thì “không thể thành người”. Hồ Chí Minh giải thích: Có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên liêm, chính để cho người ngoài kính nể được, “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”(11)

“Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính” có mối quan hệ chặt chẽ với “chí công vô tư”, là cái khác biệt giữa đạo đức con người nói chung so với đạo đức người cán bộ, đảng viên của Đảng. Người cán bộ, đảng viên trong nhận thức và hành động phải luôn hướng lòng mình đến “chí công vô tư”, tận tâm vì dân, vì nước thì nhất định sẽ thực hiện được “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính”. Hơn nữa, thực tế cho thấy rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên - những người “có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính” thì dễ trở nên hủ bại, biến thành “sâu mọt của dân”, cho nên người cán bộ, đảng viên bên cạnh yêu cầu phải có “tứ đức” còn rất cần phải xây dựng đức tính “chí công vô tư”, để mình trở thành người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, luôn liêm, chính, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì thế, Hồ Chí Minh luôn gắn chặt “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính” với “chí công vô tư” thành chuẩn mực không thể thiếu trong đạo đức của người cách cách mạng. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt…, ngày càng thêm”(12).

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các phẩm chất đạo đức “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính” và “chí công vô tư” có mối quan hệ biện chứng. Trong nhận thức và thực tiễn tiến hành công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên phải chú trọng tính hệ thống, toàn diện, đặt trong mối quan hệ với nhau, chống tư tưởng tách rời, hoặc xem nhẹ, hoặc tuyệt đối hóa một phẩm chất nào./.

-------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG, Hà Nội.

2. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội.

3. Nguyễn Xuân Trung, Nguyễn Thị Huyền Trang (2023), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Liêm”, “Chính” và vận dụng trong công tác cán bộ hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 547 (9/2023), tr.39 - 43.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập (2011), tập 2, 5, 6, 9, 13, Nxb CTQGST, Hà Nội.

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.280.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.126.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.70.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.292.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.126.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.129.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.123.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.129.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.126.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.47.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.129.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.129.

Diệp Hồng Nhã - Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đưa việc học và làm theo Bác Hồ trở thành nhu cầu văn hoá tự thân của mỗi người

Ngày đăng 16/11/2024
Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024” - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.

Đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh        

Ngày đăng 12/11/2024
Tóm tắt: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác dạy học lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm làm cho cán bộ, đảng viên hiểu và tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Người cho rằng chất lượng của công tác này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề thuộc về phương pháp và đã có nhiều chỉ dẫn có liên quan. Bài viết luận giải về phương pháp dạy học lý luận chính trị, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viên trong Quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ khóa: đổi mới, Hồ Chí Minh, phương pháp, dạy học, lý luận chính trị.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu, động lực và các điều kiện bảo đảm xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam

Ngày đăng 28/10/2024
Tóm tắt: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội mới ở Việt Nam là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, kinh nghiệm thành công của quốc tế; kế thừa, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bài viết góp phần luận giải nội dung quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu, động lực và các điều kiện bảo đảm xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam, qua đó giúp người đọc hiểu và định hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội mới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: điều kiện, động lực, Hồ Chí Minh, mục tiêu, quan điểm, xã hội mới.

“Tư tưởng Dân” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng 28/10/2024
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và Nhân dân ta một di sản tư tưởng to lớn với giá trị vô cùng lớn lao - giá trị lý luận mà nhờ đó đã, đang và sẽ soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên. Trong những di sản tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có “Tư tưởng DÂN” rất đặc sắc của Người.

Tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng 09/09/2024
Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu, được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - sự nghiệp vĩ đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Từ khóa: Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc; nhân dân; sức mạnh; bảo vệ Tổ quốc.