Trong tháng 10/2024, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với 36 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 địa phương kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức với 2.390.142 hồ sơ. Đối khớp 1.091.481 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tháng 10/2024: Đối khớp 1.091.481 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. |
Về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số
Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung xây dựng, ban hành thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; trong tháng 10/2024, đã ban hành thêm: 03 Nghị định, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nổi bật là: Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; Quyết định số 1087/QĐ-TTg ngày 02/10/2024 phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”; Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 09/10/2024 phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;...
Về hạ tầng số
Đã có 06 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Long An, Kon Tum, Đắk Nông, Bến Tre, Lạng Sơn.
Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 88,7%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 82,3%.
Tính đến hết tháng 9/2024, toàn quốc còn 761 thôn lõm sóng. Trong đó có 637 thôn đã có điện; 124 thôn chưa có điện.
Về triển khai hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định, hiện còn 3.551 thôn chưa có cáp quang đến thôn.
Ngày 15/10/2024, Tập đoàn Viettel đã chính thức khai trương mạng 5G, với 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Có 83/83 bộ, tỉnh/thành phố đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Đến hết ngày 19/10/2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43,8%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 61,1%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 18,2%.
Toàn quốc có 63/63 địa phương ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 tỉnh/thành phố đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thành phố Hà Nội ban hành chính sách quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Từ ngày 01/10/2024, mở rộng thí điểm trên toàn quốc, người dân cả nước có thể đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cấp cho công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 mà không phải đến trực tiếp Sở Tư pháp để làm các thủ tục, hồ sơ đến việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Về các nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan nhà nước trên môi trường số
Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước: 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Về phát triển dữ liệu số, đến nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung với tổng số gần 3.000 cơ sở dữ liệu. Triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia, đến thời điểm tháng 9/2024 đã có 10 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh: Hải Dương, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Hà Nam, Đắk Lắk.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ số; đã kết nối với 103 bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở Trung ương (cơ bản hết cơ quan cấp I); đã kết nối 10 cơ sở dữ liệu, 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP.
Đối với dữ liệu hộ tịch, theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến hết tháng 9/2024, đã có 14 địa phương hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch với 111,5 triệu dữ liệu, trong đó có 17,1 triệu dữ liệu được số hóa trên nền dân cư (chiếm 15,39%). 20 địa phương cơ bản hoàn thành, đang hoàn tất việc đẩy dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; 19 địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự kiến hoàn thành trước ngày 01/01/2025.
Đối với kết quả số hóa dữ liệu đất đai: Đã hoàn thành số hóa trên 46 triệu thửa đất tại 461/705 huyện trên toàn quốc.
Đối với dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức: Trong tháng 10/2024, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với 36 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 địa phương kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức với 2.390.142 hồ sơ. Đối khớp 1.091.481 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tổ chức thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia: Đến thời điểm tháng 10/2024, đã có 12 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Hà Nam, Đắk Lắk, Cao Bằng, Cà Mau.
Trục liên thông văn bản quốc gia: Trong tháng 10/2024, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục là 1.078.654 văn bản (302.765 văn bản gửi và 775.889 văn bản nhận). Từ ngày 01/01/2024 đến 20/10/2024 số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục là trên 9 triệu văn bản. Lũy kế đến nay đã có hơn 44,2 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Cổng Dịch vụ công quốc gia: Trong tháng (từ ngày 20/9 đến 23/10), Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 11,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 2,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 982,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 994 tỷ đồng. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.522 dịch vụ công trực tuyến; hơn 373 triệu hồ sơ đồng bộ; 63,3 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng; hơn 37,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 18.383 tỷ đồng; hơn 565 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Có 63/63 địa phương, 14/20 bộ, ngành đã hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 52,57%, tại các địa phương đạt 65,70%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 53,42%, tại các địa phương đạt 67,39%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành đạt 1,28%, tại các địa phương đạt 13,74%.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ: Trong tháng 10/2024, Hệ thống đã phục vụ 03 phiên họp và xử lý 135 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 40,2 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Trong 10 tháng của năm 2024 vừa qua, Hệ thống đã phục vụ 21 phiên họp và xử lý 577 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 207,6 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Lũy kế đến nay, Hệ thống đã phục vụ 108 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 2.578 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế khoảng 893,5 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy.
Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng, đã cập nhật 292 file dữ liệu lên kho dữ liệu nội dung; tiếp tục xây dựng và cập nhật kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu với 38 chỉ tiêu thông tin trực tuyến; hình thành 04 bộ chỉ số điều hành, thống kê, theo dõi, giám sát kinh tế - xã hội địa phương.
Về phát triển công dân số, theo thống kê của Bộ Công an, đến nay, toàn quốc đã cấp 9,8 triệu thẻ Căn cước cho công dân dưới 16 tuổi.
Về y tế số, đến nay, đã có 14.878.055 công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, chiếm tỷ lệ 18,46% công dân thường trú trên địa bàn.
Về An toàn thông tin
Số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý trong tháng 10/2024 có 204 cuộc, giảm 18,4% so với tháng 9/2024 (250 cuộc), giảm 79,8% so với cùng kỳ tháng 10/2023 (1.010 cuộc). Trong 10 tháng của năm 2024 vừa qua, có 4.483 cuộc, giảm 57,4% so với cùng kỳ 2023 (10.513 cuộc).
Tình hình phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đến tháng 10/2024, tổng số hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước là 8.790 hệ thống, trong đó số hệ thống thông tin được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ là 7.802 hệ thống, đạt tỷ lệ 88,8%, tăng 26,3% so với cùng kỳ tháng năm 2023./.
Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục