Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Góp ý sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030

Ngày đăng: 08/11/2024   16:05
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 08/11/2024, tại tỉnh Hà Nam, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long dự, phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo và công chức làm công tác cải cách hành chính của 63 Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ trưởng Trương Hải Long phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, ngày 10/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-BNV phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030. Đây là công cụ quan trọng giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách định lượng, chính xác, khách quan tình hình triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; đối với địa phương, thông qua kết quả chỉ số cải cách hành chính, lãnh đạo các địa phương có cơ sở để tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính một cách thực chất, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ trưởng Trương Hải Long nhấn mạnh, thời gian qua đã có nhiều văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cải cách. Do vậy, cần phải rà soát lại để loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cả nội dung, thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho phù hợp với các quy định, chỉ tiêu mới. 

Ngoài ra, các phương thức đánh giá, điều tra xã hội học cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao hơn nữa tính khách quan, công khai, minh bạch và công bằng trong đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hằng năm của các bộ, tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) trình bày dự thảo Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030. 

Theo đó, đối tượng áp dụng là 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 02 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ còn lại; 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được cấu trúc thành 07 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần.

Thang điểm đánh giá của Chỉ số cải cách hành chính là 100. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 30,5/100.

Phương pháp đánh giá: Tự đánh giá của các bộ và Đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Về Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cấu trúc thành 08 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần.

Thang điểm đánh giá là 100. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 32/100.

Phương pháp đánh giá: Tự đánh giá của các tỉnh và đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Bên cạnh đó, dự thảo Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như: Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp đối với việc xác định Chỉ số cải cách hành chính; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số cải cách hành chính; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị hành chính; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kinh phí cho công tác xác định Chỉ số cải cách hành chính…

Trong phần góp ý dự thảo Đề án, Ban Tổ chức Hội thảo chia thành các nhóm thảo luận; trong đó, nhóm chỉ đạo, điều hành đồng thuận cao với các tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá; tuy nhiên, về thực hiện kế hoạch cải cách hành chính đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh tăng điểm và tiêu chí 1.3.1. Tỷ lệ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện được kiểm tra trong năm, đề nghị bổ sung kiểm tra đối tượng các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương có thực hiện thủ tục hành chính.

Nhóm cải cách thể chế thống nhất cao với các tiêu chí; tuy nhiên, đối với tiêu chí 2.2. Thực hiện công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực định kỳ hàng năm chuyển thành tiêu chí thành phần của tiêu chí 2.3. Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Nhóm cải cách thủ tục hành chính đề nghị không trừ điểm công bố, công khai thủ tục hành chính do lỗi chậm ban hành văn bản của Trung ương…

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn.

Tổng kết Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng ghi nhận và đánh giá cao các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến; Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi Đề án được ban hành, Bộ Nội vụ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương nắm vững và thống nhất triển khai./.

Lã Anh

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 60,69%

Ngày đăng 06/12/2024
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các bộ, ngành đạt 60,69%, tại các địa phương đạt 66,38%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 62,19%, tại các địa phương đạt 67,69%.

Thủ tướng: Thể chế là "đột phá của đột phá" để khơi thông mọi nguồn lực phát triển

Ngày đăng 05/12/2024
Ngày 04/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2024, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.

Kiến tạo một nền hành chính thông thoáng, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp

Ngày đăng 26/11/2024
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, địa phương phải bám sát hơn nữa chương trình, kế hoạch về cải cách thủ tục hành chính để triển khai nhiệm vụ được giao, góp phần tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước...

Bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ của chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng

Ngày đăng 22/11/2024
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ của chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng.

Thành phố Hà Nội tôn vinh những sáng kiến đổi mới, sáng tạo với nỗ lực không ngừng trong thực hiện cải cách hành chính

Ngày đăng 17/11/2024
Ngày 16/11/2024, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt giao diện Chuyên trang cải cách hành chính thành phố Hà Nội và chung khảo Cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính thành phố Hà Nội năm 2024".