Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Quản lý nhà nước về nhà giáo phải thay đổi

Ngày đăng: 06/11/2024   09:59
Mặc định Cỡ chữ

TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo...

TS Nguyễn Vinh Hiển. 

Chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng những quy định này cần phải thay đổi để khắc phục những hạn chế hiện nay; đồng thời tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo phát triển, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

Nhiều bất cập

Ông nhận định thế nào đối với quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay?

Các quy định cụ thể để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo được thể hiện trong nhiều văn bản khác nhau, từ nhiều cơ quan có thẩm quyền, lại được ban hành vào các thời điểm khác nhau nên thiếu tính hệ thống, đồng bộ. Điều này gây hệ quả là cùng một vấn đề nhưng có thể được quy định khác nhau trong các văn bản pháp luật.

Ví dụ: Luật Thể dục, thể thao quy định giáo viên, giảng viên thể dục thể thao là nhóm giáo viên đặc thù, nhưng trong Luật Giáo dục lại không quy định về nhóm nhà giáo này. Luật Giáo dục nghề nghiệp có một số quy định riêng về chính sách không dựa trên khung chung về giáo viên của Luật Giáo dục.

Một số quy định liên quan đến nhà giáo chưa thật sự hợp lý nên khó triển khai trên thực tế. Ví dụ: Luật Giáo dục 2019 quy định cơ sở giáo dục công lập có quyền “tham gia tuyển dụng nhà giáo, người lao động trong trường công lập”. Nhưng thực tế, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hầu như không thể thực hiện được do thiếu quy định cụ thể và cơ sở giáo dục chưa có quyền tự chủ để thực hiện.

Cũng vì chưa có quy định thống nhất nên thẩm quyền tuyển dụng, điều chuyển giáo viên tại địa phương đang được thực hiện khác nhau. Nhà giáo cơ sở giáo dục công lập được tuyển dụng, sử dụng theo quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều địa phương, ngành Giáo dục không được chủ động tuyển dụng, quản lý, sử dụng giáo viên vì địa phương giao cơ quan chuyên môn về nội vụ thực hiện, không thực sự phù hợp với yêu cầu, đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo, gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy - học, không khắc phục được tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Việc địa phương đặt hàng đào tạo hay cử tuyển đào tạo giáo viên cũng không thực hiện hiệu quả vì quy định về vấn đề này không đồng bộ với hướng dẫn về tuyển dụng viên chức giáo viên.

Hiện cũng chưa có quy định pháp luật về quyền, trách nhiệm tự chủ trong hoạt động chuyên môn của nhà giáo, làm nhà giáo hạn chế tính chủ động, sáng tạo. Cũng vì thiếu quy định này mà nhiều cơ sở giáo dục tùy tiện đặt ra yêu cầu nặng về thủ tục hành chính, khiến nhà giáo mệt mỏi, ức chế tâm lý, mất quá nhiều công sức để đối phó với các loại hồ sơ, thủ tục không đáng có, không dành đủ thời gian cho hoạt động chuyên môn, làm hạn chế kết quả giáo dục.

Các văn bản pháp luật hiện nay hầu như không có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, hình thức tuyển dụng riêng với nhà giáo. Cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo được tuyển dụng theo quy định của pháp luật về viên chức, khá nặng nề với nhiều nội dung thi không phù hợp với yêu cầu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; cách thức tiến hành cũng chưa hoàn toàn phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo được tuyển dụng theo quy định của pháp luật lao động, hoặc được ký hợp đồng theo từng công việc cụ thể theo quy định pháp luật dân sự lại quá đơn giản. Nhiều cơ sở thực hiện sơ sài, chỉ xét trên hồ sơ, không bảo đảm chắc chắn về chất lượng người được tuyển dụng.

Quy định về nguồn kinh phí chi cho hoạt động của đội ngũ nhà giáo, như trả lương dạy thêm giờ, bồi dưỡng viết chương trình khung, chi cho hoạt động ra đề, coi thi, chấm thi,... có rải rác trong các văn bản, chủ yếu là các thông tư của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT. Mỗi văn bản điều chỉnh một hoặc một vài đối tượng khác nhau nên thiếu đồng bộ, không toàn diện. Ví dụ, có trường không có kinh phí để trả cho giáo viên dạy thêm giờ vì ngành Tài chính viện lý do trường đã đủ biên chế giáo viên.

Điểm chung của các văn bản loại này là quy định chỉ hướng đến nhà giáo công lập, chủ yếu cấp học mầm non, phổ thông, không có quy định cho nhà giáo ngoài công lập. Nguồn chi cho nhà giáo cũng chỉ đến từ ngân sách Nhà nước, chưa có quy chế thu hút nguồn lực từ khu vực khác để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Pháp luật hiện hành quy định về thẩm quyền của các cơ quan quản lý giáo dục, trong đó có thẩm quyền quản lý nhà giáo. Chưa có đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm chuyên môn quản lý nhà nước đối với nhà giáo. Việc phân công cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh, huyện quản lý nhà giáo được thực hiện khác nhau giữa các địa phương. Có địa phương giao ngành Nội vụ, dẫn đến chồng chéo chức năng giữa ngành Giáo dục, Nội vụ.

Nhiều nơi cắt giảm biên chế giáo viên máy móc, dẫn đến tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy. Ngành Giáo dục khó phát huy đầy đủ vai trò quản lý, chỉ đạo trong tuyển dụng, quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đánh giá giáo viên.

Nhà giáo phải tham gia nhiều hoạt động chung với công chức, viên chức tại địa phương mà không được chú ý đến các yếu tố đặc thù nghề nghiệp. Với nhà giáo ngoài công lập, cơ quan quản lý nhà nước hầu như không thực hiện tác động quản lý mà chỉ nắm bắt qua cung cấp thông tin của cơ sở giáo dục…

Ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà giáo

Ông nói đến hệ quả của việc chưa có đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm chuyên môn quản lý nhà nước đối với nhà giáo. Vậy điều này cần quy định ra sao trong luật?

Để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác, Luật Nhà giáo cần quy định rõ việc phân công, phân cấp quản lý nhà giáo, bảo đảm các cơ quan của ngành Giáo dục được chịu trách nhiệm chính; chủ động tham mưu với Chính phủ, UBND các cấp và tổ chức thực hiện toàn bộ các khâu về công tác quản lý nhà giáo; đồng bộ từ quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng.

Phân định trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan trong xây dựng, chỉ đạo thực hiện quy hoạch đội ngũ nhà giáo, xây dựng cơ sở dữ liệu đội ngũ nhà giáo trong toàn quốc. Quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong xây dựng, thực hiện đề án/kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo của địa phương, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng của mọi trẻ em. Có chính sách tạo nguồn, thu hút nhà giáo của địa phương, khắc phục kịp thời tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Luật Nhà giáo cũng cần quy định rõ nội dung quản lý nhà giáo và cơ chế tự chủ trong quản lý nhà giáo của các cơ sở giáo dục như là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; quy định rõ quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của nhà trường và nhà giáo.

Gắn quyền, trách nhiệm tự chủ với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục, nhà giáo, cùng trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nhà giáo và sự giám sát của cộng đồng, xã hội.

Cần rõ đặc trưng nghề dạy học trong giai đoạn mới

Đặc trưng về vai trò, vị trí và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cần được lưu ý thế nào trong luật, theo ông?

Tôi cho rằng, cần định danh rõ khái niệm nhà giáo trong Luật Nhà giáo; đặc biệt, xác định rõ đặc trưng nổi bật về vai trò, vị trí, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, làm cơ sở cho quy định các yêu cầu về quản lý nhà giáo phù hợp đặc trưng của nghề dạy học - giáo dục trong giai đoạn mới.

Nhà giáo không chỉ là người “biết mười dạy một” để truyền thụ kiến thức cho người học; không chỉ là viên chức, lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục. Quan trọng hơn, nhà giáo là nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước. Nhà giáo có vai trò quyết định trong bảo đảm chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần quan trọng xây dựng con người Việt Nam, xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là hoạt động đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách, năng lực của người học; đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao; tính gương mẫu, kỷ luật, chủ động, tự chủ, linh hoạt và sáng tạo cao để thực hiện chức năng tổ chức, hướng dẫn, tư vấn; giúp người học chủ động tìm kiếm, lĩnh hội và vận dụng tri thức, rèn luyện phẩm chất, kỹ năng và sản sinh tri thức.

Điều đó đặt ra yêu cầu mới, cần phải được ghi nhận trong Luật Nhà giáo về tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ và chính sách đãi ngộ nhà giáo.

Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, Luật Nhà giáo cần quy định thống nhất các yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục; bao gồm toàn bộ các yêu cầu (tiêu chí) mà mỗi nhà giáo cần bảo đảm để hoạt động nghề nghiệp: Tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, trình độ đào tạo, năng lực giáo dục, kỹ năng nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ và phát triển chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động phát triển cộng đồng. Ngoài những yêu cầu đó, chuẩn của người đứng đầu cơ sở giáo dục còn có yêu cầu về năng lực quản trị cơ sở giáo dục.

Chuẩn cần có quy định mức độ từ thấp (tối thiểu) đến cao; áp dụng cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập. Cũng cần quy định cơ quan có thẩm quyền căn cứ tiêu chí chung của chuẩn nhà giáo trong Luật Nhà giáo để ban hành các chuẩn phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.

Từ đó, xác lập, nâng cao tính chuyên nghiệp và yêu cầu phát triển liên tục, suốt đời của nghề dạy học; làm cơ sở pháp lý cho thiết kế đầu ra các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; làm căn cứ pháp lý thống nhất để cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, tuyển dụng nhà giáo theo vị trí việc làm; đánh giá, công nhận chức danh, quy hoạch, bổ nhiệm; tạo cơ sở cho việc luân chuyển nhà giáo giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập./.

Quy định mới quản lý nhà giáo cần được quán triệt trong toàn bộ nội dung của Luật Nhà giáo, dựa trên việc kế thừa các thành tựu đã đạt được. Đồng thời, xem xét cẩn trọng các vấn đề được đặt ra trong quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý, tổ chức, động viên đội ngũ nhà giáo. Việc này đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ đặc trưng nổi bật về vị trí, vai trò, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. 

TS Nguyễn Vinh Hiển

 

Theo: giaoducthoidai.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát triển cán bộ dân tộc thiểu số tại Lào Cai: Sự khác biệt trong chiến lược nhân lực

Ngày đăng 05/12/2024
Lào Cai, một tỉnh biên giới phía Bắc, nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa và dân tộc - đã ghi dấu ấn mạnh mẽ không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong công tác cán bộ. Đặc biệt, tỉnh đã đặt trọng tâm vào việc phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược nhân lực. Chính sự khác biệt này đã góp phần tạo nên sức bật cho vùng đất vốn gặp nhiều thách thức về địa lý và kinh tế.

Quản trị đô thị phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 05/12/2024
Tóm tắt: Phát triển đô thị bền vững là quá trình phát triển đô thị dựa trên nguyên lý phát triển cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị nhằm mục tiêu vì cư dân đô thị trong hiện tại và tương lai. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu quản trị đô thị phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị; cung ứng các dịch vụ công,... Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị đô thị phát triển bền vững có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết đối với công tác quản trị nhà nước tại các đô thị ở nước ta. Từ khóa: Đô thị; quản trị đô thị; phát triển bền vững.

Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm và yếu tố quyết định thành công trong kỷ nguyên mới

Ngày đăng 01/12/2024
Cả nước đang phấn đấu thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và chuẩn bị cho năm mới 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình hành động của Chính phủ. Trong niềm vui chung đó, toàn Đảng, toàn dân ta đang rất hào hứng và phấn khởi đón nhận những thông điệp hết sức quan trọng từ Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó, trước hết là những nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương

Ngày đăng 26/11/2024
Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, trên cơ sở đó đưa ra định hướng hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong thời gian tới. Từ khóa: Phân cấp; phân quyền; chính quyền trung ương; chính quyền địa phương.  

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng 19/11/2024
Tóm tắt: Nâng cao năng lực quản trị truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết ở các cấp, các ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Bài viết phân tích thực trạng, yêu cầu đặt ra và những nội dung cần quan tâm để nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Từ khóa: công chức lãnh đạo, quản lý; năng lực; truyền thông chính sách.