Tóm tắt: Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay. Bài viết khái quát chủ trương của Đảng ta về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới thông minh ở nước ta, phản ánh thực trạng một số mô hình xã nông thôn mới thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong thời gian tới.
Từ khóa: Chuyển đổi số; nông thôn mới thông minh; xây dựng nông thôn mới; Việt Nam.
Abstract: Digital transformation has become a development trend for countries worldwide, including Vietnam. Building new rural areas is a major policy of the Vietnamese Communist Party and the State, and implementing digital transformation in rural construction is a key solution and central task in carrying out the National Target Program on New Rural Development today. This article outlines the Vietnamese Communist Party's policy on digital transformation in agriculture, rural areas, and the construction of smart rural areas in our country, reflecting the current situation of several smart new rural models, and proposes solutions to enhance digital transformation in new rural development, aiming toward smart rural areas in the future.
Keywords: Digital transformation; new smart rural areas; new rural construction; Vietnam.
Ảnh minh hoạ. |
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Nội dung chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới tập trung trên ba phương diện: “(i) Phát triển chính quyền số ở nông thôn; (ii) Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; (iii) Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn”(1).
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được coi là một bước ngoặt quan trọng trong việc xác định rõ hơn vị trí chiến lược và mối quan hệ gắn bó của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị... Huy động và phát triển các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(2). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc”(3).
Nhận thức được những lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản định hướng chủ trương và chiến lược nhằm khai thác các cơ hội do chuyển đổi số mang lại; đặt chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn trong cấu trúc chung của nền kinh tế số, bắt nhịp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có thể nêu một số văn bản quan trọng do Chính phủ ban hành để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, như: Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là một nội dung rất quan trọng; Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới văn minh giai đoạn 2021-2025 đã chỉ rõ: “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”(4).
Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn là những nội dung cần được áp dụng trong mô hình xây dựng nông thôn mới thông minh. Hiện nay, phát huy vai trò của nông dân Việt Nam không thể tách rời quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...(5).
Mô hình xã nông thôn mới thông minh ở Việt Nam hiện nay
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 969/QĐ-BNN-VPĐP ngày 16/3/2023 về phê duyệt danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 (đợt 1). Đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng thí điểm 09 mô hình xã nông thôn mới thông minh ứng dụng chuyển đổi số trên cả nước, gồm: Mô hình xã nông thôn mới thông minh Tức Tranh (địa điểm thực hiện xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên); Mô hình xã nông thôn mới thông minh Giao Phong (địa điểm thực hiện xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định); Mô hình xã nông thôn mới thông minh Quảng Thọ (địa điểm thực hiện xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế); Mô hình xã nông thôn mới thông minh Hòa Đồng (địa điểm thực hiện xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên); Mô hình xã nông thôn mới thông minh Thoại Giang (địa điểm thực hiện xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; Mô hình xã nông thôn mới thông minh Mỹ Lộc (địa điểm thực hiện xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long); Mô hình xã thương mại điện tử Phúc Hòa (địa điểm thực hiện xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); Mô hình xã thương mại điện tử Mỹ Xương (địa điểm thực hiện xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp); Mô hình xã thương mại điện tử Tân Mỹ Chánh (địa điểm thực hiện xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)(6).
Mô hình xã nông thôn mới thông minh ở Việt Nam đang có những tín hiệu khởi động tích cực cho giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 - 2045. Các xã nông thôn mới thông minh tuy ở vùng nông thôn, nhưng sẽ không thua kém đô thị về sức sản xuất, về năng suất lao động, về tính cạnh tranh, an sinh và hưởng các dịch vụ xã hội, góp phần tạo ra một không gian đáng sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị nếu được đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ kết nối. Đặc biệt, mô hình này còn tạo động lực cho các lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu... cùng phát triển. Sau hơn hai năm thực hiện mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh bước đầu đã gặt hái được những kết quả quan trọng, điển hình như:
Mô hình xã nông thôn mới thông minh Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, tiến hành nâng cấp khá toàn diện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại xã, đưa vào hoạt động phòng điều hành xã thông minh với diện tích hơn 40m2 với các trang thiết bị gồm 02 bộ máy vi tính, 06 màn hình hiển thị, 02 màn hình hiển thị 65 inch, 02 màn hình led phục vụ họp trực tuyến, hội thảo, quan sát, theo dõi qua hệ thống 31 camera đã được lắp phục vụ quan sát các điểm trọng yếu, hay ngập lụt trong mùa mưa bão, cũng như những điểm trung tâm tại các thôn nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ II đã xây dựng hệ thống hợp tác xã số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và hợp tác xã, theo đó đã xây dựng và hoạt động thử nghiệm website của Hợp tác xã nhằm quảng bá các sản phẩm mà hợp tác xã đang sản xuất, kinh doanh. Xây dựng phòng giám sát điều hành xã thông minh cấp xã tích hợp dữ liệu của các hệ thống xử lý dịch vụ công tập trung nhằm theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; hệ thống camera quan sát trên địa bàn xã để quan sát tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; triển khai các hệ thống phổ biến trong thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn xã(7). Mô hình làng thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, giúp người dân chủ động ứng phó với thiên tai, mưa bão; giám sát môi trường để phục vụ nuôi trồng thủy hải sản; quảng bá hệ thống du lịch bằng công nghệ thực tế ảo nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương; giúp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả;... Đặc biệt, sau khi đưa vào hoạt động mô hình xã thông minh, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm.
Mô hình xã nông thôn mới thông minh ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn tập trung xây dựng chính quyền xã thông minh, việc thực hiện chuyển đổi số đã được thực hiện nghiêm túc trong quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không gây tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản. Đến nay, đã tiếp nhận và giải quyết 692 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên hệ thống Một cửa điện tử. Trang điện tử của xã được huyện hỗ trợ, xây dựng từ năm 2012 và được nâng cấp trong năm 2023. Việc thực hiện mô hình đã thay đổi cách thức giao tiếp giữa chính quyền xã với nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh thông minh, giúp tuyên tuyền nhiều nội dung hơn, nhanh hơn và kịp thời hơn mà không phát sinh biên chế phát thanh viên. Thông tin của chính quyền xã được gửi đến nhân dân thông qua các nhóm zalo một cách nhanh chóng, giúp người dân nắm bắt kịp thời các nội dung, tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo xã, tăng cường sự tin tưởng, gần gũi hơn giữa chính quyền và nhân dân. Người dân được hỗ trợ sử dụng wifi, mạng internet công cộng miễn phí, được tập huấn, tiếp cận và sử dụng nhanh chóng hình thức tư vấn, bán hàng qua mạng. Các đơn vị tham gia xây dựng mô hình thí điểm đã hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên mạng internet; hướng dẫn người dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, sử dụng các phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hợp tác xã Thiên An được hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đã xây dựng website giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp. Trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ trang bị thiết bị y tế thông minh Telehealth và nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để truyền nhận âm thanh, hình ảnh kết nối với các bệnh viện trong cả nước. Trong lĩnh vực giáo dục, các trường học trên địa bàn đã được số hóa, sử dụng hồ sơ điện tử, cung cấp sổ liên lạc điện tử SMAS (SMS Parents, SParent), phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp cho các nhà trường; thực hiện nộp các khoản đóng góp của học sinh qua hệ thống tài khoản ngân hàng(8). Mô hình thí điểm làng thông minh tại xã Vi Hương đã mang lại một số kết quả tích cực, nổi bật trong lĩnh vực y tế, giáo dục thông minh và thương mại điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, mô hình còn gặp nhiều hạn chế trong quá trình triển khai vì Bắc Kạn là một tỉnh miền núi nên hạ tầng còn khá lạc hậu, nhiều cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương chưa được số hóa hoặc đã số hóa nhưng còn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu tính kết nối, liên thông. Một số người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích do chuyển đổi số mang lại; kiến thức, kỹ năng trong chuyển đổi số còn ở mức thấp, kể cả đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Mặc dù đã được triển khai thí điểm tại một số xã trên địa bàn cả nước và mang lại kết quả tích cực, nhưng có thể thấy, việc triển khai mô hình xã nông thôn mới thông minh tại Việt Nam còn một số khó khăn, vướng mắc. Việt Nam có hình dạng lãnh thổ kéo dài và hẹp ngang, các vùng sản xuất nông nghiệp phân bố trải dài theo các vùng khí hậu khác nhau. Với sự đa dạng về vùng miền, dân tộc và các sản phẩm nông nghiệp, vì vậy rất khó có thể áp dụng một mô hình xã nông thôn thông minh cụ thể mà cần linh hoạt theo điều kiện từng địa phương. Quy mô sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn nhỏ lẻ, không tập trung khiến cho việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số còn hạn chế. Sự đa dạng về văn hóa cũng gây ra nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Việc ứng dụng, chuyển đổi số cho cộng đồng nông thôn cần phù hợp với tập quán, đời sống văn hóa cộng đồng và sự phát triển các dịch vụ kinh tế - xã hội. Do đó, áp dụng cùng lúc nhiều nền tảng số trên các lĩnh vực chính phủ số, xã hội số và kinh tế số có thể dẫn đến việc quá tải cho chính quyền cấp xã cũng như chưa phù hợp với nếp sống nông thôn, điều kiện văn hóa, canh tác, sản xuất của nông dân. Người dân một số vùng còn chưa thay đổi được thói quen canh tác từ lâu đời, không có nguồn tài chính để cơ giới hóa, chuyển đổi canh tác sau khi dồn điền đổi thửa.
Chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn tương đối thấp, chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân ở nhiều vùng còn hạn chế, trình độ học vấn chưa cao nên việc tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chưa đạt yêu cầu; kiến thức, kỹ năng trong chuyển đổi số còn ở mức thấp. Đặc biệt, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Nhà nước chưa ban hành được văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ tiêu chí cụ thể, quy trình xây dựng xã nông thôn mới thông minh, do đó các địa phương thực hiện thí điểm chỉ đang lồng ghép vào các tiêu chí của chương trình nông thôn mới, vì vậy chưa khuyến khích, thúc đẩy nhân rộng các mô hình làng thông minh trên cả nước. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin còn lạc hậu, hạ tầng viễn thông băng rộng kém phát triển ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mức độ bảo mật và an toàn thông tin kém. Nhiều vùng còn khó khăn, chưa bảo đảm tiếp cận internet, chưa có nhiều thiết bị điện thoại thông minh. Trang thiết bị cho cán bộ, công chức xã còn hạn chế, cấu hình kỹ thuật thấp, lạc hậu, thời gian sử dụng quá lâu. Hệ thống logistic cho nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún, thiếu kết cấu hạ tầng mềm cho ứng dụng kỹ thuật số, thiếu các trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp. Nhiều cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương chưa được số hóa hoặc đã số hóa nhưng còn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu tính kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các cấp, các ngành.
Giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh ở Việt Nam
Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền và người dân. Để từ đó tích cực, chủ động học hỏi và mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào xây dựng chính quyền số, vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp số và phát triển xã hội số ở nông thôn. Để làm được điều này, cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ các cấp, hướng tới mức độ 3, mức độ 4 ở cấp xã. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cần phải tương thích với các trình duyệt web thông dụng; dễ dàng tìm thấy dịch vụ; có cơ chế hướng dẫn, tự động khai báo thông tin; có chức năng để người sử dụng đánh giá sự hài lòng đối với dịch vụ sau khi sử dụng; bảo đảm thời gian xử lý, trao đổi dữ liệu nhanh; hoạt động ổn định; có địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận góp ý của người sử dụng.
Ba là, nâng cao năng lực sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, hình thành đội ngũ nông dân số gắn liền với quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Hội Nông dân các cấp cần phối hợp với các tập đoàn, công ty viễn thông xây dựng các dự án nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên nông dân; nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đời sống của nông dân. Qua đó, nông dân được hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet; giới thiệu những gương hội viên có mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi làm ăn hiệu quả nhằm khích lệ các thành viên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ với nhiều hội viên khác; hướng dẫn cách khai thác, tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, địa chỉ tin cậy về giống, vốn, vật tư; giới thiệu và quảng bá nông sản...
Bốn là, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, nhờ đó các chất thải, phế, phụ phẩm được tái chế, làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.
Năm là, đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Bản đồ số nông nghiệp có vị trí quan trọng, bởi qua đó người dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khí hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, nguồn sản lượng ra sao... Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng, vật nuôi phù hợp. Xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam và coi đây là kênh thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương.
Sáu là, tăng cường chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tiêu thụ nông sản vùng trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Mỗi địa phương cần xây dựng các chợ thương mại điện tử với các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận phương thức mua bán nông sản an toàn, hiện đại dưới sự quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý. Phát triển công nghệ thông tin gắn với hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử như thiết lập, sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng, hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng những công cụ kinh doanh điện tử (e-business)... tập huấn cho các hộ nông dân thực hiện các kỹ năng livestream, họp nhóm, gửi hình ảnh hoặc video...; cùng nông dân đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm...
Bảy là, tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số.
---------------------------
Ghi chú:
(1), (4) Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
(2), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.166-167, tr.124-125.
(3) Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(6) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 969/QĐ-BNN-VPĐP ngày 16/3/2023 về phê duyệt danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 (đợt 1).
(7) Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo số 571/BC-UBND ngày 30/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế.
(8) Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, Thu Trang: Thành công bước đầu trong thí điểm chuyển đổi số ở xã Vi Hương, https://backan.gov.vn/Pages/thanh-cong-buoc-dau-trong-thi-diem-chuyen-doi-so-o-3304.aspx.
ThS Trương Thị Duyên - Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục