Tóm tắt: Tổ chức công không chỉ là người dùng với nhiều cơ hội khi ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động và điều hành quốc gia, địa phương, mà còn cần là chủ thể quản trị quá trình thiết kế và tổ chức ứng dụng công nghệ số này. Để chủ động vượt qua các thách thức về nhận thức, về năng lực quản trị, về văn hóa tổ chức và năng lực đội ngũ, về chất lượng dữ liệu, về hạ tầng, năng lực công nghệ, nguồn lực tài chính, về nhân lực số, và làm chủ trong lĩnh vực này, các tổ chức công cần tạo ra nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn; xây dựng tầm nhìn và chiến lược phù hợp; thiết kế khung năng lực số và phát triển năng lực số; thực hiện hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, cải thiện hạ tầng số và chất lượng dữ liệu; đưa nôi doanh nghiệp công nghệ, trong đó có doanh nghiệp công nghệ số; và xây dựng lộ trình phù hợp với ứng dụng công nghệ AI vào từng cơ quan, đơn vị.
Từ khóa: công nghệ số; tổ chức công; ứng dụng công nghệ AI; quản trị công nghệ AI.
Abstract: Public organisations are not merely the AI technology users in governing nationally and locally with obvious opportunities but also should be the capable subject to manage the designing and application of this digital technology. In order to proactively overcome the challenges in terms of awareness, management capacity, organisational culture and digital competence, data quality, technology infrastructure, financial resource, the public organisations need to establish an adequate awareness in stakeholders; setting up sound vision and strategies; designing a digital competency framework and developing digital competencies; effectively implement national digital transformation while improving the digital infrastructure and data quality in the public sector; nurturing and encouraging the technology enterprises including those of digital technology; and designing a feasible roadmap for each agency and unit.
Keywords: digital technology; public organisations; application AI technology; governing AI technology.
Ảnh minh hoạ: Internet |
Các lợi ích đầy hứa hẹn từ ứng dụng công nghệ AI trong quá trình phát triển
Tốc độ và cách thức phát triển luôn là một thách thức đối với nhân loại. Tiến trình phát triển của nhân loại cũng đồng thời làm nảy sinh những vấn đề có tính sống - còn; như khan hiếm nguồn lực, sự mất công bằng, sự độc quyền hay cản trở tính đa dạng bao trùm xã hội; trách nhiệm giải trình; và năng lực phản ứng nhanh để hoan nghênh thay đổi và thúc đẩy đổi mới,... Trong bối cảnh đó, đổi mới sáng tạo (innovation) - mô thức đổi mới đột phá, sáng tạo có tính bước ngoặt dựa trên nền công nghệ hiện đại - đang được xem là một trong những chuyển động mang tính thời đại, một từ khóa cho phát triển ở mọi cấp độ.
Những tiến bộ đột phá của công nghệ thông tin với các công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI), Internet vạn vật (Internet of things - IoT), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing)... trở thành nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không đơn thuần chỉ góp phần mở rộng khả năng tư duy và hành động của con người, mà tác động toàn diện, sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tham gia tái tạo dạng xã hội và cách thức xã hội được vận hành; chuyển đời sống nhân loại sang một trang mới.
Nhìn từ khía cạnh xã hội, công nghệ AI có thể được xem như một bộ não thứ hai, một cánh tay nối dài của con người, thúc đẩy tư duy mở (con người có thể biết rộng và nghĩ nhanh hơn rất nhiều), giúp mở rộng tầm hạn của con người (con người có thể làm được những việc mà trước đây không thể do các giới hạn về thể chất và tốc độ); góp phần gia tăng sự tự do của con người, cả về tinh thần và vật chất, có thêm dữ liệu và thời gian để ra quyết định (con người có thể bỏ sang một bên một số loại việc nhất định để tập trung vào một số ưu tiên). Nhờ ứng dụng AI, các cá nhân và nhóm tự do hơn trong tiếp cận, khám phá và thể hiện bản thân, thể hiện suy nghĩ theo những cách mà trước đó, những giới hạn trong tiếp cận nguồn thông tin, tri thức làm người ta không thể thực hiện(1).
Mọi thành tựu của loài người đều đến từ trí tuệ, tư duy, khả năng đặt ra khát vọng và từng bước biến chúng thành hiện thực. Công nghệ AI đang và sẽ liên tục học hỏi, trưởng thành, để:
(i) Cung cấp thông tin đáp ứng theo nhu cầu cá nhân riêng biệt, theo cách từng cá nhân mong muốn (cá nhân hóa): Các ứng dụng công nghệ AI sử dụng nhiều loại ngôn ngữ, có thể đáp ứng không chỉ nhiều loại thông tin mà còn đa dạng về chi tiết, cung cấp các trải nghiệm được cá nhân hóa, theo nhu cầu cá nhân. Bên cạnh đó, các ứng dụng này còn cung cấp các gợi ý, dự thảo các ý tưởng cho một số loại công việc liên quan đến thông tin như sáng tạo, sáng tác như xây dựng kịch bản, sáng tác nhạc, thiết kế đồ họa, hay làm slide trình chiếu cho các bài thuyết trình.
(ii) Hỗ trợ hoặc thay thế con người nhận diện vấn đề hoặc xu hướng: Như một máy trộn thông tin, dữ liệu khổng lồ và càng ngày càng cố gắng hiểu nhu cầu người dùng, công nghệ AI tạo ra sự biến đổi sâu sắc hình thức khai thác, sử dụng thông tin, giải thoát con người khỏi thời gian cơ học để tổng hợp, phân tích và nhận diện các xu hướng hay đi sâu vào một số chi tiết nào đó; các mô hình, đặc tính mà có thể con người không làm được hoặc làm được với mức chi phí vô cùng lớn về sức người, về thời gian, mà có thể không đồng bộ về cách thức và kết quả trong cùng một thời điểm (như: đánh giá toàn cảnh giao thông và nhận diện các hiện tượng lệch chuẩn trong tham gia giao thông; dự đoán và quản lý lượng mưa; tối ưu hóa năng suất trong một số hoạt động nông nghiệp; phát hiện và chẩn đoán bệnh; nghiên cứu và đào tạo;…).
(iii) Thay thế con người trong một số hoạt động như ra quyết định điều chỉnh, điều khiển tự động một số loại hoạt động kỹ thuật nhất định như điều khiển tín hiệu giao thông; dịch thuật, dịch vụ y tế, giải trí,.. Chính vì vậy, AI hiện đang được ứng dụng, và vẫn đang tiếp tục khám phá các tiềm năng ứng dụng, ở nhiều cấp độ, nhiều phương diện, dần trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia.
Nhìn từ khía cạnh kinh tế, ở mức độ nhất định, có thể coi AI nói riêng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung đang tham gia định dạng lại bản đồ kinh tế trên thế giới, chuyển nền kinh tế tri thức lên một trình độ mới khi chuyển dịch nền tảng cho sản xuất, kinh doanh từ tài nguyên và năng lượng tự nhiên sang tri thức và năng lượng thay thế, đến kết hợp các nguồn đó với công nghệ và đặc biệt là tri thức dựa trên nền tảng dữ liệu thông minh. Khi dữ liệu trở thành một loại tài nguyên mới, một loại nguồn lực mới, thì sử dụng công nghệ AI là chìa khóa để các tổ chức và quốc gia vừa sáng chế, vừa tạo tác, vừa thụ hưởng tài nguyên đó.
Sức hấp dẫn của AI nằm ở chỗ nó cung cấp nền tảng quan trọng cho giao diện, tương tác, tích hợp, làm thay đổi một cách đột phá mối quan hệ trong lực lượng lao động, quá trình sản xuất, lưu thông và năng suất lao động; và về căn bản, tạo ra cú hích cho sự dịch chuyển từ sản xuất tự động sang sản xuất thông minh. Trong phát kiến, sáng chế, thiết kế và ứng dụng AI nói riêng và trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, mối quan hệ của doanh nghiệp với AI có tính sống - còn, trong đó, doanh nghiệp: (i) là chủ thể tích cực sáng chế ra công nghệ AI; (ii) là khu vực có động lực mạnh mẽ trong ứng dụng AI trong phát triển doanh nghiệp, tổ chức hoạt động điều hành cũng như sản suất, kinh doanh; (iii) là một tác nhân tích cực thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ AI.
Với nhiều lợi ích hứa hẹn như vậy, xét về phương diện quản trị và điều hành tổ chức cũng như phương thức và năng suất hoạt động, có thể nói, quốc gia, khu vực nào tiên phong, nắm giữ và làm chủ công nghệ mũi nhọn này của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Do vậy, việc chủ động ứng dụng và dẫn dắt quá trình quản trị công nghệ AI cũng là một phần tất yếu của các tổ chức công.
Các thách thức đối với các tổ chức công trong ứng dụng công nghệ AI
Với đặc tính và sứ mệnh không thể thay thế, các tổ chức công không ngừng tìm kiếm lối đi, giải pháp mới để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Để ứng dụng công nghệ AI một cách chủ động và tạo ra được các kết quả như trông đợi, tổ chức công đứng trước rất nhiều thách thức, đòi hỏi các quyết định có tính chiến lược, một lộ trình bài bản để vượt qua, để chuyển các thách thức đó thành động lực sáng tạo, đổi mới. Các thách thức đó rất đa dạng, bao gồm:
(1) Thách thức về nhận thức
Một là, nhận thức chưa đầy đủ về đặc tính, tác động đa chiều của công nghệ AI (sẽ bàn ở mục sau). Tuy nhiên, một trong những sai lệch quan trọng trong nhận thức là về giá trị của AI, khi cho là AI sẽ mang đến câu trả lời, thực ra, công nghệ số này chỉ mang đến các gợi ý.
Hai là, thách thức về tính “công” của quá trình công vụ: Đặc thù về trách nhiệm, cách thức, mục tiêu hoạt động của tổ chức công sẽ là một căn cứ quan trọng trong cân nhắc về quy mô ứng dụng loại công nghệ số AI. Sản phẩm chính sách, pháp luật, thể chế của tổ chức công hay hệ thống lãnh đạo nói chung có một phạm vi hiệu lực, tác động về không gian, thời gian rất rộng lớn và lâu dài, ảnh hưởng lan tỏa không chỉ ở một lĩnh vực mà kéo theo các dịch chuyển và tác động ở nhiều lĩnh vực khác, địa phương, thời gian khác, thì việc ứng dụng mọi tiến bộ đều cần thận trọng.
Bên cạnh đó, AI cần một nguồn mở của thông tin. Tuy nhiên, một phần vì nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu từ khu vực công không mở hoàn toàn với xã hội để cân bằng giữa công khai, minh bạch với tính chính trị trong tổ chức. Ngoài ra, các tổ chức công cũng có những thận trọng nhất định khi cung cấp toàn bộ thông tin về các quá trình hoạt động, để khỏi vi phạm vào tính bảo mật với một số loại thông tin nhất định hoặc để tránh bị can thiệp vào hoạt động của tổ chức vào những thời điểm không phù hợp.
Ba là, sự mơ hồ trong nhận thức về phạm vi ứng dụng công nghệ số này vào khu vực công. Công nghệ AI hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích khi được ứng dụng vào nhiều phương diện trong hoạt động của khu vực công. Đã có nhiều bằng chứng về các lợi ích, các tác động tích cực của việc ứng dụng công nghệ AI vào cung ứng dịch vụ công, xét về mức độ sát với thời gian thực (real-time), chất lượng tổng hợp thông tin, độ phủ của thông tin thu thập và khái quát xu hướng. Tuy nhiên, ứng dụng vào quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật, ra các quyết định quản lý nhà nước thì cần nhiều cân nhắc hơn do tính phức tạp của nhiệm vụ công.
Khi hệ thống công nghệ thông tin, trong đó có công nghệ số AI có tính kết nối, tích hợp xuyên địa phương, quốc gia,.. và việc kiểm soát loại công nghệ này có thể vượt tầm kiểm soát của một địa phương hay quốc gia riêng lẻ, thì việc hăm hở ứng dụng các công nghệ xuyên biên giới sẽ mang đến nhiều hệ lụy, không chỉ phá vỡ tính bảo mật thông tin, kéo theo nhiễu dư luận, làm cho cộng đồng hiểu sai về động lực chính sách, quyết định quản lý nhà nước…, dẫn tới sự bất tín.
Bên cạnh đó, các quyết định quản lý nhà nước luôn gắn với việc lựa chọn nhân sự, mà việc đánh giá năng lực, thái độ làm việc, cũng như các tiềm năng phát triển con người, nhất là người lao động với văn hóa, lối sống phương Đông, luôn là một bài toán khó giải đối với các nhà lãnh đạo.
(2) Thách thức về năng lực quản trị
Những thách thức về năng lực quản trị AI bao gồm hai khía cạnh, tổ chức công hay nhà nước quản trị AI và quản trị tổ chức công trong bối cảnh có AI.
Một số thách thức chính liên quan đến thiếu tầm nhìn, các giải pháp chính sách và kế hoạch rõ ràng. Cái khó đối với AI và các công nghệ là các tiềm năng ứng dụng cũng như tác động của nó vẫn đang để ngỏ cho các phát kiến mới hay sự trưởng thành dần từng ngày của chính đột phá công nghệ này; và một số trong số đó là giả định về tương lai. Chính vì vậy, việc đưa ra một tầm nhìn về ứng dụng AI vào hoạt động và điều hành trong tổ chức lại càng không dễ dàng.
(3) Thách thức về chất lượng dữ liệu
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, các công nghệ số nói chung, hay quá trình chuyển đổi số và AI nói riêng sẽ thành trống rỗng nếu không có dữ liệu và tạo ra dữ liệu. Nói cách khác, số lượng và chất lượng dữ liệu đầu vào có ý nghĩa sống còn đối với việc AI thực hiện các vai trò, sứ mệnh của nó. Điều này không dễ dàng trên thực tế khi gắn với các dữ liệu về tổ chức công.
Về số lượng dữ liệu đầu vào cho AI: AI cần một lượng dữ liệu khổng lồ, được cập nhật liên tục, bao gồm cả phản hồi của người dùng, vì nó phục vụ đa đối tượng, đa ngôn ngữ, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, dù tài nguyên dữ liệu từ xã hội thì dồi dào, hệ thống thông tin của khu vực công nói chung và ở một số tổ chức công nói riêng chưa đáp ứng điều này, một phần vì thông tin, dữ liệu chưa đồng bộ, chưa được đồng bộ hóa (đây cũng là nút thắt đối với quá trình chuyển đổi số để xây dựng chính phủ số). Bên cạnh đó, dữ liệu đầu vào của AI cũng chưa chắc đã được cập nhật theo thời gian thực, nên đầu ra của nó cũng vậy.
Về chất lượng dữ liệu đầu vào cho AI: Thông tin cho lãnh đạo, quản lý, nhất là trong khu vực công cần đáng tin cậy và cần có giá trị. AI cần một hệ thống dữ liệu có tính khách quan, chính xác để cung cấp các gợi ý thông minh cho người dùng ra quyết định. Tuy nhiên, công nghệ AI là một cơ chế thông qua các thuật toán để học, bắt chước cách bộ não con người hoạt động để xử lý dữ liệu, tạo ra các mẫu, rồi lại tự cải thiện chính nó. Mà dù với rất nhiều nỗ lực khái quát hóa, khách quan hóa, phổ biến hóa,… cách tư duy của con người vẫn luôn mang dấu ấn cá nhân; bản thân thông tin, dữ liệu khi được chia sẻ đã mang những mục tiêu nhất định, theo những cách, những sắc thái nhất định, gắn với chức năng, nhiệm vụ, hay đặc thù hoạt động ngành, cơ quan, đơn vị, vào những thời điểm, ở những địa phương nhất định. Bên cạnh đó, chất lượng câu hỏi của người dùng cũng là một nguồn dữ liệu được công nghệ AI tích hợp đầu vào; các nguồn tin khác cũng đa dạng, phức tạp, có thể chưa được kiểm chứng chặt chẽ, có thể bị xuyên tạc, bóp méo, hay chưa được cập nhật. Nói cách khác, AI cũng có thể là một nguồn phát tán các thông tin sai lệch. Ngoài ra, AI học hỏi từ nhiều nguồn trên online, rồi pha trộn, nên vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trở thành một vấn đề đáng báo động.
(4) Thách thức về hạ tầng, năng lực công nghệ, nguồn lực tài chính
AI được phát kiến và thúc đẩy mạnh mẽ bởi các công ty công nghệ thuộc khu vực tư nhân nên điều này giải thích về những thách thức ở khía cạnh hạ tầng công nghệ, nền tảng số hóa, hạ tầng điện toán; hạ tầng xử lý dữ liệu; hạ tầng phục vụ khai thác, chia sẻ dữ liệu.
Thách thức về nguồn lực tài chính vốn luôn thường trực với khu vực công vì các mục tiêu phát triển tham vọng và trông đợi ngày càng tăng của công dân, cộng đồng, lại một lần nữa sâu sắc hơn do nhu cầu đầu tư mới cho hạ tầng công nghệ AI. Tuy nhiên, đầu tư ngân sách và xã hội cho khoa học công nghệ và AI còn thấp; trong khi nếu AI được xem là một hạng mục đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp, thì các thủ tục đầu tư công và quản trị tài chính, vật chất mà các tổ chức công phải tuân thủ cho việc đấu thầu, đầu tư,... cũng vẫn có thể là một thách thức lớn.
Ngoài ra, đối với công nghệ AI, cán bộ, công chức sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu thời gian vì khi họ còn đang tìm hiểu về AI thì các công nghệ hoặc kỹ thuật AI mới đã được phát kiến.
(5) Thách thức về việc làm và văn hóa làm việc
Về việc làm, ngoài những tiềm năng tác động tích cực đến nhiều phương diện của đời sống xã hội như đã phân tích ở trên, các hệ lụy mà công nghệ AI kéo theo cũng không ít và dẫn đến một quan niệm là AI có thể được xem là một đe dọa đến đời sống xã hội. Công nghệ AI sẽ dần thay thế con người ở một số loại việc nhất định trong có thể tạo lập sẵn nhiều thông điệp, văn bản như kịch bản sự kiện,.. cho người dùng điều chỉnh và sử dụng. Vì vậy, cho dù có lập luận rằng AI không lấy đi việc làm của con người mà chỉ là những người có năng lực AI sẽ thay thế những người không có năng lực đó, nhưng về bản chất, số lượng công việc do con người trực tiếp thực hiện theo cách thủ công truyền thống sẽ được thay thế bằng AI; tuy nhiên, do công nghệ này xuất hiện gần như đột ngột với xã hội, hệ lụy này có thể là yêu cầu điều chỉnh đột ngột đối với lực lượng lao động. Trong khi, một bộ phận nhất định trong xã hội vốn được đào tạo và đang làm việc với các kỹ năng và kinh nghiệm thủ công trong thu thập, xử lý thông tin và thực hiện một số loại thủ tục nhất định sẽ không kịp chuyển đổi tư duy, tác phong, tốc độ làm việc(2).
Về văn hóa làm việc, các chiến lược, kế hoạch ứng dụng công nghệ AI vào tổ chức công có thể vấp phải hai loại khó khăn: Ở cấp độ hệ thống, cách thức tư duy và tổ chức hoạt động dựa trên lối hình thành và chia sẻ thông tin cũ có thể phần nào không tương thích với tốc độ giải quyết công việc mà ứng dụng công nghệ AI mang đến. Ở cấp độ cá nhân, những kháng cự đối với thay đổi cũng có thể xuất hiện đối với công nghệ số này, tương tự với những thay đổi khác. Sự lo ngại về việc mất cơ hội việc làm, mất đi sự thoải mái với những gì quen thuộc, sự quá gắn kết với những gì đang có, đang làm cũng có thể dẫn tới tình trạng khó buông bỏ trong các tổ chức công; hay những mối giao kết giữa con người trong môi trường công sở cũng là một phần khó từ bỏ để đổi lấy năng suất lao động. Một số ứng dụng phổ biến của AI cho phép sử dụng miễn phí như ChatGPT và các biến thể của nó,… có thể dẫn đến thói quen ỷ lại, lệ thuộc trong tư duy, thói lười học hỏi, lười động não - vốn là kẻ thù của tư duy và sáng tạo.
Việc sử dụng phổ biến công nghệ AI còn đặt ra một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đạo đức trong sở hữu trí tuệ, trong sử dụng tài sản trí tuệ khi loại công nghệ số này thu thập, trộn lẫn dữ liệu, thông tin từ nhiều nguồn mở để đáp ứng yêu cầu cụ thể của người dùng chứ bản thân nó không phải là sáng tạo nguồn.
Khuyến nghị chính sách
1) Thay đổi nhận thức về tiềm năng của công nghệ số đối với tổ chức công
Cải thiện những hạn chế trong nhận thức như đã phân tích ở trên thông qua hàng loạt biện pháp, trong đó trước nhất là chuyển đổi số thành công một cách thông thái- tức là cốt lõi, tiên quyết phải là cải cách hành chính ở mọi loại tổ chức, mọi cấp độ; một cách thực chất - tức là không mang tính phong trào hay thành tích; một cách chân thành - tức là “dám thử, dám sai”, không né tránh; một cách sâu sắc- tức là mọi cấp độ đều phải tham gia.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hay công nghệ AI nói riêng đang tạo dạng lại thế giới, không chỉ ở chiều cạnh kinh tế mà còn ở cách thức hoạt động và tổ chức vận hành của các tổ chức trong khu vực công (bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước); ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức quản trị quốc gia và địa phương.
Các tổ chức công có sứ mệnh tạo lập khuôn khổ thể chế cho phát triển xã hội, bao gồm cả sự sáng tạo, ứng dụng, phòng và giải quyết các vấn đề của công nghệ AI, cần có nhận thức về khả năng làm chủ loại công nghệ mới này. Khu vực công không nhất thiết phải biết mọi thứ chi tiết và cập nhật về AI, mà cần hiểu nguyên lý sáng tạo, cập nhật và động lực thúc đẩy loại công nghệ này. Tuy nhiên, công nghệ AI còn đang quá mới, lại đang liên tục học hỏi và trưởng thành, nên nhận thức về nó vừa chưa đầy đủ, và phản ứng về nó cũng có thể chưa đầy đủ hoặc có phần thái quá.
Đối với các tổ chức công, ba lợi ích tiềm năng ứng dụng công nghệ AI có thể mang đến, bao gồm:
Một là, hỗ trợ quá trình ra quyết định. Các vấn đề hiện đại mà nhân loại đang phải đối mặt đang ngày càng trở nên nan giải, cả về quy mô tác động lẫn tính chất phức tạp, mà trí tuệ con người đơn thuần hoặc trí tuệ của cá nhân, nhóm riêng lẻ có thể không đủ để giải quyết hoặc giải quyết nhưng kèm theo nhiều hệ lụy, thậm chí trong ngắn hạn. Điều này cũng tương tự ở cấp độ quốc gia, địa phương hay cơ quan, đơn vị. Để đối mặt hoặc phòng trừ chủ động, các quyết định hành động đòi hỏi một hệ thống thông tin đầu vào tích hợp cao và có tính khuyến nghị sáng suốt. Dựa trên những thông tin về quá khứ, thông tin về hiện trạng, công nghệ AI hứa hẹn đánh giá xu hướng và gợi ý các dự báo về hiện tượng hoặc xu hướng một cách cập nhật, phong phú, và khách quan. Lấy ví dụ, trong quản lý nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ AI có thể hỗ trợ các nhà quản lý trong việc ra các quyết định nhân sự như: Phân tích dữ liệu, dự đoán xu hướng và hành vi nhân sự; đánh giá hiệu suất làm việc; đưa ra một số phản hồi và hướng dẫn cá nhân hóa; đưa ra các đề xuất về đãi ngộ và phát triển; và đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quy trình nhân sự.
Hai là, giúp tiết kiệm và tối đa hóa nguồn lực. Công nghệ AI có lợi thế cao trong tự động hóa một số công việc liên quan đến thông tin, giao tiếp, đối thoại; công việc đơn giản, có tính lặp đi, lặp lại; hay những quy trình gồm các hoạt động có tính nhất quán và lặp đi lặp lại, đã được chuẩn hóa với thông tin đầu vào đạt chuẩn (như ghi biên bản các cuộc họp, tóm lược văn bản, trích xuất thông tin, tìm kiếm thông tin) nhằm giảm thiểu sự can thiệp của con người, tăng hiệu quả và giảm sai sót. Lấy ví dụ, các ứng dụng như Chatbot có thể đối thoại liên tục với con người, trả lời những câu hỏi đơn giản trong khuôn khổ dữ liệu và thông tin đầu vào đạt chuẩn; trong khi ChatGPT liên tục học hỏi, tìm kiếm và nâng cấp dần tính phức tạp của thông tin thông qua đối thoại với người dùng. Nhờ đó, các tổ chức có thể tiết kiệm một khoản thời gian, nhân lực và kinh phí nhất định.
Ba là, góp phần cải thiện hiệu suất hoạt động và vận hành tổ chức thông qua việc thúc đẩy tối ưu hóa quy trình, thủ tục, chuẩn hóa từng khâu; giảm thiểu các nỗ lực cơ học, thủ công và cải thiện hiệu suất ở một số loại công việc nhất định. Nó có thể tạo nền tối thiểu nhất định để con người tinh chọn và nâng cấp,..
Bốn là, tăng cường mức độ đổi mới và linh hoạt của tổ chức. Công nghệ AI xuất hiện và có thể đóng vai một cú hích thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo - những đổi mới, phát kiến dựa trên công nghệ. AI được xem như một bộ não mở rộng của tổ chức, có thể góp phần đánh thức thói quen học hỏi và đổi mới để cả tổ chức làm quen dần với tính linh hoạt, các áp lực và nhu cầu thích ứng.
Tuy nhiên, công nghệ AI - ngoài giống như mọi phát kiến khác của loài người thì cũng có đầy đủ hai mặt của một đồng xu, hoặc do bản thân nó, hoặc do cách con người sử dụng nó. Do đó, cần tránh phiến diện trong nhận thức về công nghệ số này để tránh dẫn tới các phản ứng thái quá - bao gồm quá nhiều hy vọng, tôn vinh hoặc quá cẩn trọng. Không nên chỉ xúc động về những lợi ích mà việc ứng dụng mang đến cho tổ chức, mà còn cần nhận thức rõ các nguy cơ của nó.
Trong rất nhiều bình luận, truyền thông, AI thường được nhìn nhận như một chiếc đũa thần, tạo ra mọi thứ thông tin cần thiết và đang dần thay thế hoàn toàn con người. Tuy nhiên, cho đến nay, AI mới thực hiện tốt vai trò với tư cách là một siêu máy trộn dữ liệu, thông tin, chứ không suy luận logic được như con người. Trí tuệ nhân loại theo cách truyền thống, cho dù đã đúc rút thành rất nhiều mô hình tư duy, công thức tư duy,… nhưng vẫn còn rất nhiều tri thức còn chưa hoặc không dễ quy trình hóa để chuyển giao, nhất là những suy luận dựa trên các dữ kiện gắn với tâm lý con người, văn hóa và lối sống của con người. Điều này cũng tương tự về tính người, tính nhân văn trong nhìn nhận, đánh giá con người và các hành vi liên quan của con người. Chính vì vậy, cần cân bằng trong sử dụng trí tuệ nhân tạo với trí tuệ con người.
Bên cạnh đó, công nghệ số tạo ra nhiều gợi mở trong cách làm, nhưng cách nghĩ của khu vực công vụ cần tỉnh táo để không bị những hấp dẫn của công nghệ làm mờ đi các triết lý, mục tiêu chính trị vốn gắn với sứ mệnh của khu vực công.
Có thể tăng cường tổ chức các sự kiện công cộng về chủ đề này; công bố các ấn phẩm mini dạng online hoặc in về cách thức ứng dụng một cách thông thái; tổ chức các buổi nói chuyện hoặc tập huấn về kỹ năng số. Quan trọng nhất là hiểu và truyền thông hiệu quả về các động lực và các tác nhân đứng đằng sau công nghệ. Nói cách khác, một câu hỏi mà lãnh đạo các cấp cần luôn tỉnh táo trả lời là AI ở phía sau con người, vậy ai đứng sau công nghệ AI?
Nhiều quốc gia trên thế giới chủ động xây dựng và hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số nói chung hay về AI nói riêng. Lấy ví dụ, cơ quan về chuyển đổi số của Chính phủ Úc (DTA) cũng soi chiếu, xem xét AI thông qua lăng kính của quản trị rủi ro, chỉ ra một ma trận vấn đề liên quan, bao gồm: các tác động của nó đến công bằng xã hội (như khả năng tiếp cận và tính bao trùm); sự xâm phạm sở hữu trí tuệ; nguy cơ tạo ra nguy hại đối với cá nhân và cộng đồng do những vi phạm quyền riêng tư; tạo ra những rủi ro tiềm tàng về danh tiếng, uy tín của tổ chức công hay chính phủ nói chung; gây ra những quan ngại về an ninh.
2) Thiết lập tầm nhìn, các chiến lược và giải pháp chính sách về ứng dụng công nghệ AI
Để quản trị số nói chung và quản trị các công nghệ AI nói riêng, cần thiết kế được một khung quản trị AI một cách hiệu quả và có tính đạo đức.
Một tầm nhìn và các chiến lược phát triển và ứng dụng AI và các công nghệ cụ thể của nó cần lưu ý rằng AI không phải là mục tiêu để hướng đến mà chỉ là một công nghệ hỗ trợ các phương pháp, biện pháp làm việc mới giúp cá nhân và tổ chức đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tầm nhìn và chiến lược ứng dụng đương nhiên phải là một phần và có tính hệ thống với các nỗ lực chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; với tầm nhìn và các chiến lược phát triển các công nghệ lõi nói chung hay công nghệ AI nói riêng; phù hợp với tầm nhìn phát triển quốc gia, hệ thống và phương pháp nhân sự và phát triển ứng dụng chiến lược tổng thể(3).
Đồng thời, cần xác định rõ ràng, hợp lý các rõ mục tiêu; kết quả đầu ra; tiêu chuẩn quản trị; cơ chế vận hành; quy tắc ứng xử; cơ chế bảo mật và xử lý các vấn đề an ninh dữ liệu, an ninh mạng… để đảm bảo thực hành AI một cách có đạo đức.
Việc thiết lập và vận hành hiệu quả hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong tổ chức, để kết nối và hỗ trợ các cá nhân, đơn vị trong chia sẻ và phát huy các lợi ích của AI không chỉ giúp kết nối và chia sẻ dữ liệu tốt hơn, mà còn là một cơ chế để chuyển giao tri thức, chính sách từ các cơ quan, địa phương khác, từ khu vực doanh nghiệp, hay nước ngoài(4).
Một số quốc gia trên thế giới cũng đang có nhiều nỗ lực thể chế và kỹ thuật trong phát triển và ứng dụng AI trong xã hội và chính phủ. Trong tổng thể nỗ lực xây dựng Singapore thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới vào năm 2020 (theo sáng kiến Smart Nation Initiative) được khởi xướng năm 2014, Chính phủ nước này đã thiết lập một hệ thống văn bản chính sách, pháp luật, trong đó có Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia (năm 2019); thiết lập một khuôn khổ nhất quán cho nhận thức và hành động trong lĩnh vực này, bao gồm việc xây dựng một “hệ sinh thái AI”; và triển khai ứng dụng AI trong 5 lĩnh vực dịch vụ công trọng tâm, gồm: hậu cần, dịch vụ hành chính công, chăm sóc sức khỏe dự phòng, giáo dục,…; và nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho công dân.
Chính phủ Úc(5) cũng xây dựng một khuôn khổ chính sách để ứng dụng AI trong chính phủ nhằm giúp chính phủ, các nhà lãnh đạo, quản lý của khu vực công sử dụng AI một cách an toàn, có trách nhiệm và có đạo đức; thúc đẩy sự tin cậy và giải quyết các rủi ro tiềm tàng trong việc ứng dụng này, vì lợi ích công.
3) Thiết kế khung năng lực số và phát triển nguồn nhân lực số
Để làm chủ công nghệ số, quản trị công nghệ AI cho xứng tầm với các tiềm năng của nó và với nhu cầu dùng của quốc gia và của tổ chức công, và để xây dựng văn hóa sẵn sàng đón nhận thay đổi và khuyến khích sáng tạo, đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp quốc gia và địa phương cần không chỉ không ngừng đổi mới cách thức quản trị, điều hành trong bối cảnh ngày càng nhiều các thách thức nan giải, mà còn cần có năng lực số một cách toàn diện.
Nhà nước cần chủ động thiết kế và phát triển khung năng lực số cho mọi cấp độ xã hội, cá nhân và tập thể, tổ chức công, tư và phi lợi nhuận; trung ương và địa phương; quốc gia và khu vực; khu vực và toàn cầu - tức là không chỉ trong mỗi địa phương, quốc gia, mà còn cả toàn cầu vì bản tính “số” xuyên biên giới, xuyên thời gian của loại công nghệ này. Việc trang bị năng lực số cho cộng đồng không chỉ có ý nghĩa giúp công dân và cộng đồng làm chủ công nghệ số và đời sống số, mà còn cải thiện cho họ tư duy và công cụ để đóng góp trí tuệ và giám sát quá trình quản trị quốc gia, địa phương.
Nguồn nhân lực liên quan đến ứng dụng công nghệ AI trong tổ chức công liên quan đến cả 3 nhóm nhân lực: của ngành công nghệ số, của tổ chức công và công dân- với tư cách là đối tượng phục vụ, thụ hưởng của các tổ chức công.
Nhóm 1 là nguồn nhân lực chuyên nghiệp về công nghệ thông tin nói chung và công nghệ số AI nói riêng cần có năng lực sáng tạo, phát triển công nghệ AI, phân tích dữ liệu, bảo mật số,… Cần xây dựng các chương trình đào tạo; tạo các cơ hội kết nối với cộng đồng khoa học, công nghệ trong nước với nước ngoài; nhóm này cần có tri thức nhất định về công vụ và các tổ chức công để tạo ra các ứng dụng phù hợp với khu vực công. Nhóm 2 là nguồn nhân lực công vụ có năng lực số. Nguồn nhân lực này cần có kiến thức về AI để hiểu, chủ động đặt hàng, dùng và làm chủ được việc ứng dụng đó. 3 nhóm này đều cần có năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và hành dộng phù hợp trong môi trường công nghệ liên tục thay đổi và có sự kết hợp ngày phức tạp giữa công nghệ - kinh tế và chính trị. Do đó, nhà nước cần xây dựng được một khung năng lược số cho cấp độ tổ chức và cá nhân.
Năng lực số bao gồm 5 yếu tố cơ bản là: Nhận thức (hay sự thông tuệ số); Kỹ năng; Bản lĩnh (giữ vững lập trường, kiên định với mục tiêu, kể cả trước các nghịch cảnh; dũng cảm đối mặt với nỗi sợ hãi và nỗ lực để vực dậy sau thất bại); tính Dẻo dai (khả năng duy trì sức bền và sự thích ứng trước thử thách; liên tục hỏi học để đồng hành chứ không phải là theo đuôi công nghệ số); và Đạo đức (sáng chế, sử dụng công nghệ số một cách có trách nhiệm, vì sự an toàn của xã hội; dự phòng và giảm thiểu những công cụ gây tổn thương đối với xã hội như tấn công mạng, vũ khí tự động).
5 yếu tố cấu thành năng lực số. |
Tuy nhiên, tư duy và hành động số có đạo đức không chỉ dựa vào sự tự giác và cần có khuôn khổ pháp lý nhất định để sự tự giác được đồng hành với sự tuân thủ pháp luật. Kinh nghiệm của Chính phủ Úc (6) là đưa ra một tập hợp các nguyên tắc đạo đức trong sáng tạo, ứng dụng công nghệ AI, liên quan đến: tính công bằng (các cơ quan phải xem xét các thành kiến tiềm ẩn có thể phát sinh khi dữ liệu có thể không đầy đủ, không mang tính đại diện hoặc phản ánh định kiến xã hội khi mà các mô hình AI có thể lặp lại hay phát tán những thành kiến này, có thể tạo ra những hiểu biết hoặc khuyến nghị gây hiểu lầm hoặc không công bằng); có độ tin cậy và an toàn,…
Năng lực số có thể được hình thành qua nhiều giai đoạn, thông qua phát triển ngành công nghiệp AI, nhiều biện pháp như giáo dục và đào tạo (xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu, về công nghệ AI); thu hút, giữ chân nhân lực công nghệ chất lượng cao; và phát huy vai trò của nhiều thành phần trong xã hội.
(4) Thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số và cải thiện chất lượng dữ liệu
Công nghệ AI và chuyển đổi số có mối quan hệ qua lại. Vì sự xuất hiện và tiềm năng tác động của AI mà cần thực hiện chuyển đổi số; và ngược lại, tiến hành chuyển đổi số để phát huy tốt hơn các phát kiến AI. Do đó, để ứng dụng công nghệ AI một cách sáng suốt và hiệu quả trong tổ chức công, điều kiện tiên quyết là chuyển đổi số thành công.
Bản chất của chuyển đổi số là quá trình tích hợp, phát huy các công nghệ số mới để thay đổi cách thức hoạt động, quản lý và cung cấp giá trị của tổ chức. Điều kiện của chuyển đổi số khu vực công, không kể các điều kiện về công nghệ, là tiến hành song song đổi mới tư duy quản trị, điểu hành với hoạt động với đồng bộ hóa, rồi số hóa quy trình làm việc với một tốc độ và chất lượng đáng kể để tránh tình trạng số hóa xong thì công nghệ số đã tiến bộ quá xa, dẫn tới lại phải tiếp tục số hóa lại để dữ liệu tương thích và hữu dụng hơn trong nền tảng công nghệ mới. Do đó, về tổng thể, việc tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước và cải cách hành chính ở mọi cấp độ sẽ là điều kiện sống còn để quá trình chuyển đổi số không phải là một quá trình kỹ thuật thuần túy và công vụ không theo đuôi kỹ thuật. Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về khoa học và công nghệ số; hoàn thiện quy trình, thủ tục chia sẻ và đồng bộ dữ liệu của các tổ chức công, đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền như đã đề cập ở trên,... vừa là điều kiện, vừa là kết quả của chuyển đổi số nói chung và ứng dụng công nghệ AI trong cơ quan công quyền nói riêng. Thêm vào đó, chuyển đổi số cần được thực hiện một cách thực chất - tức là không mang tính phong trào hay thành tích; “dám thử, dám sai”, không né tránh; một cách sâu sắc - tức là mọi cấp độ đều phải tham gia.
Thông tin được so sánh với huyết mạch hay năng lượng gốc trong quản trị tổ chức công; còn trong quản trị bằng số và chuyển đổi số, dữ liệu được coi là cốt lõi và một tài sản chiến lược. Do đó, xây dựng hạ tầng số hiện đại (như đầu tư hệ thống Internet tốc độ cao, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây); phát triển các khu công nghệ trong đó có công nghệ số; hoàn thiện các quy trình quản trị dữ liệu (như, về thiết lập, chia sẻ dữ liệu, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ, khuôn dạng chia sẻ dữ liệu, về giao dịch điện tử,...); ưu tiên đầu tư công để hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung; và đảm bảo rằng các các tổ chức có năng lực, thái độ phù hợp trong tuân thủ các tiêu chuẩn về dữ liệu, bảo mật dữ liệu; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin phù hợp giữa hệ thống công quyền với doanh nghiệp và các cá nhân; .. để tạo ra một ngân hàng, một đại hệ thống dữ liệu có tính chính xác; đáng tin cậy, đầy đủ, cập nhật, đồng bộ hóa, kết nối và tích hợp sẽ cần đến một Trung tâm dữ liệu quốc gia có năng lực.
(5) Đưa nôi doanh nghiệp công nghệ số
Một điều kiện nữa để ứng dụng công nghệ AI vào tổ chức công một cách hiệu quả là cần có những chủ thể sáng tạo và chuyển giao loại công nghệ này - đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số - một thành tố quan trọng trong hệ sinh thái số của quốc gia.
Đưa nôi doanh nghiệp số bao gồm cả 3 chiều cạnh chính. Một là, tiếp tục cải thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp đó phát triển, như: thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp (thúc đẩy vai trò của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; thiết lập các vườn ươm doanh nghiệp; tổ chức hiệu quả các diễn đàn để kết nối trong và ngoài lĩnh vực, trong và ngoài nước); Hỗ trợ về chính sách thuế (như đơn giản hóa quy trình cấp phép, cải thiện các thủ tục liên quan đến bảo vệ dữ liệu, bảo mật,...; đưa ra các ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; tạo quỹ khuyến khích và hỗ trợ các nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.
Hai là, phát triển thị trường công nghệ số lành mạnh, bài bản trong thị trường khoa học và công nghệ nói chung; hỗ trợ tiếp cận thị trường quốc tế, giúp các doanh nghiệp công nghệ dễ dàng mở rộng ra nước ngoài qua các hiệp định thương mại và chính sách xuất khẩu. Nghiên cứu và hoàn thiện các cơ chế hợp tác công tư trong thiết kế và chuyển giao sản phẩm công nghệ AI.
Ba là, khuyến khích, cung cấp các giải pháp công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi số trong quản trị, sản xuất và kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, cần tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh hiệu quả phù hợp với đặc điểm của công nghệ số.
(6) Thiết lập lộ trình phù hợp cho ứng dụng vào từng tổ chức công
Mỗi tổ chức công, trong đó tiên phong là các tổ chức cung ứng dịch vụ công, cần xây dựng lộ trình cụ thể cho việc ứng dụng. Trong đó, cần lưu ý một số vấn đề như xác định được mục tiêu rõ ràng về đầu ra của việc ứng dụng, của chất lượng dữ liệu; tích hợp dữ liệu nhanh, khách quan và có tính kinh tế; chọn công cụ AI phù hợp;.. Lộ trình đó nên bắt đầu khiêm tốn và thận trọng với các dự án thí điểm; đầu tư nghiêm túc vào đào tạo và quản lý thay đổi; giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm liên tục và thực chất.
Cuối cùng thì, hai vấn đề liên quan đến lãnh đạo lộ trình ứng dụng đó cần được nhấn mạnh, bao gồm: sự hợp tác giữa lãnh đạo của tổ chức công với lãnh đạo của các tổ chức công nghệ(7) ; và sự nhất quán giữa nhận thức và hành động, cùng với liêm chính trong hành động cũng là yếu tố quyết định sự thành công của lộ trình ứng dụng này. /.
---------------------------
Ghi chú:
1. Theo Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (2016), Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tại www.vista.vn, chỉ ra đặc trưng của cuộc Cách mạng này là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
2. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) (2016), The Future of Jobs: Employment, Skills and Workforce Strategy for the Fourth Industrial Revolution- Global Challenge Report, Jan. 2016; và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) (2016), ASEAN in Transformation: How Technology is Changing Jobs and Enterprises, đều đã dự báo một loạt loại công việc có nguy cơ mất việc làm do quá trình robot hóa.
3. Một cách tổng thể hơn, theo Tim Dutton (2018) “An Overview of National AI Strategies” (trích dẫn tại Thomas M. Siebel (2019), Chuyển đổi số: Sống sót và Bứt phá trong kỷ nguyên sụp đổ hàng loạt (bản dịch của Phạm Anh Tuấn), Nxb Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 192, coi AI là một công nghệ chiến lược, có đến 25 quốc gia đã công bố chiến lược AI cấp quốc gia (bao gồm chính sách AI trong nghiên cứu khoa học, phát triển tài năng, giáo dục, ứng dụng và hợp tác trong khu vực kinh tế tư nhân và quốc doanh, đạo đức, tiêu chuẩn và quy định về quyền riêng tư dữ liệu, cơ sở hạ tầng dữ liệu và kỹ thuật số.
4. Tham khảo 4 nguyên lý sẽ dẫn dắt các chính sách và thực tiễn Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có hoạt động lãnh đạo chiến lược tại Klaus Schwab (2016), Bốn nguyên lý lãnh đạo cho Cách mạng công nghiệp 4.0 (bản dịch của Nguyễn Thị Lan Hương), tại: www.giaoduc.vn.
5. www.dta.gov.au.
6. www.dta.gov.au.
7. Klaus Schwab (2016), Bốn nguyên lý lãnh đạo cho Cách mạng công nghiệp 4.0 (bản dịch của Nguyễn Thị Lan Hương), tại: www.giaoduc.vn, cho rằng cam kết hành động tích cực của chính phủ là rất quan trọng nhưng nếu không có cam kết hành động và hợp tác với những người đang lãnh đạo cuộc cách mạng công nghệ thì chính phủ sẽ luôn là người đi sau.
PGS.TS Trần Thị Thanh Thủy - Phó Viện trưởng, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục