Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ trung ương đến địa phương. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”.
Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ảnh: QH |
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 04/11/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) bày tỏ tán thành với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồng thời, đồng tình với những giải pháp của Chính phủ đã nêu trong Báo cáo.
Về đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, đại biểu Nguyễn Thành Nam đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc xây dựng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công; việc thành lập và hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ trung ương đến địa phương. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”.
Đề án 06 đã giúp giảm các thủ tục hành chính, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu
Nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với nhiều thành tựu nổi bật, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) nhận thấy, công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, điều hành quyết liệt, linh hoạt, có định hướng giải quyết rõ ràng, chỉ rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân đã giúp cho công tác này đạt hiệu quả, phát triển kết cấu hạ tầng có đột phá rõ rệt.
“Tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước đến nay là hơn 2.000 km; rút ngắn thời gian hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sắp trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; chuyển đổi số trong đó có Đề án 06 đã giúp giảm các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu…”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cũng cơ bản đồng tình với các hạn chế đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, trong đó đại biểu quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền và nhấn mạnh tình trạng này có những nguyên nhân chủ yếu như: Còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội; Có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian; Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ; Chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao...
Từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết, Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18.9% trong tổng số các quy định được rà soát). Theo đại biểu, đây là một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. “Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, theo đại biểu, giải pháp hiệu quả nhất là tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp…./.
Duy Thái
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục