Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Thực hiện phân cấp, phân quyền và việc lựa chọn nhân sự

Ngày đăng: 01/11/2024   13:07
Mặc định Cỡ chữ

Ngoài các vấn đề liên quan tới cơ chế, chính sách, một trong những yếu tố quan trọng trong thực hiện phân cấp, phân quyền là nhân lực. Theo chuyên gia, cần áp dụng công cụ quản trị nguồn nhân lực khoa học, để họ không né tránh, chây ì mà quyết tâm thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền; không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin - cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết. 

Tinh thần phân cấp, phân quyền "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" đã được hiện thực hóa trong Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Báo cáo Quốc hội trong phiên họp sáng 29/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ 5 nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Theo đó, phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng; phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương, các khoản vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý; phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn nước ngoài… đang được Quốc hội thảo luận, xem xét cho ý kiến, sau khi được thông qua, Luật Đầu tư công sửa đổi mang kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực đầu tư công, hoàn thành các mục tiêu lớn của đất nước.

Những cải cách, thay đổi mang tính chất đột phá như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII ngày 18/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tổ chức vài ngày sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ tinh thần trong Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; lưu ý phải tránh việc bất cứ việc gì cấp dưới cũng lên "xin" cấp trên mà phải căn cứ vào quy định; không thể bất cứ vấn đề gì dù nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương quyết. Quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" một lần nữa lại được đề cập tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, trực tuyến với 63 địa phương tổ chức ngày 07/10/2024. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền; không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin - cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết.

Bày tỏ sự ủng hộ, đánh giá cao quan điểm chỉ đạo cũng như những động thái thực hiện việc phân cấp, phân quyền nêu trên, chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa, thành viên Hội đồng cố vấn Harvard Business Review đưa ra một cách tiếp cận khác từ góc độ khoa học quản trị. Nghĩa là, để thực hiện phân cấp, phân quyền hiệu quả, địa phương phải quyết, phải làm, phải chịu trách nhiệm, các cá nhân có trách nhiệm không né tránh, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trong thẩm quyền được giao, cần áp dụng và phát huy các chính sách và công cụ quản trị nguồn nhân lực đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng thành công.

"Đầu tiên, mô tả chức năng nhiệm vụ của từng vị trí, phân công, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, để người chịu trách nhiệm không vượt quá thẩm quyền, cũng không né tránh không quyết, không chịu trách nhiệm.

Thứ hai, cần bảng tiêu chuẩn năng lực với các tiêu chuẩn chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm, năng lực cần phải có để đáp ứng nhiệm vụ được giao, tuyển chọn và bồi dưỡng đúng người đúng việc.

Thứ ba, xây dựng thang lương theo năng lực, phản ánh trình độ, năng lực và trách nhiệm đối với vị trí công tác, thu nhập và quyền lợi phản ánh chất lượng công việc và công đóng góp của từng cá nhân.

Thứ tư, mô tả công việc rõ ràng phải đi cùng với thước đo đánh giá công việc, để mỗi cá nhân nhận thức và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng theo yêu cầu.

Cuối cùng, khi chất lượng thực hiện công việc của công chức được đánh giá một cách khoa học và công minh, đó là căn cứ để đưa ra các hình thức khen thưởng, kỷ luật, là tiêu chí để đề bạt, bổ nhiệm, thăng tiến", ông Đỗ Hòa phân tích.

Trên thực tế, trong vấn đề đầu tư công, theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương 11 bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt được kết quả giải ngân kế hoạch 7 tháng năm 2024 trên mức trung bình của cả nước; đồng thời nghiêm khắc phê bình 33 bộ, cơ quan Trung ương và 25 địa phương có tỉ lệ giải ngân kế hoạch 7 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước.

Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo số lượng nhân lực, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm để phân công thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Ghi nhận sự quyết liệu này, chuyên gia Đỗ Hòa bổ sung, điểm mấu chốt để quản trị nguồn nhân lực một cách khoa học là vấn đề thành tích. Khi kết quả điều hành, xử lý công việc của một công chức, không phân biệt ở vị trí được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí đã xây dựng và công khai, năng lực làm việc của họ sẽ được minh bạch. Ai làm tốt sẽ được giữ lại, nhận mức lương tương xứng, ai không làm tốt sẽ bị nhắc nhở, sắp xếp lại vị trí công tác, thậm chí, cho thôi việc. Thành tích là một trong những điều kiện để được xem xét giới thiệu đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo phù hợp với năng lực, cùng với các điều kiện quan trọng khác.

"Trung Quốc và Singapore đều áp dụng cách quản trị nhân lực khoa học, chú trọng vào thành tích công tác và họ đã đạt được những thành tựu đáng kể. Muốn lựa chọn được cán bộ, công chức có năng lực, đồng thời, để họ phát huy được năng lực đó cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam tương lai, chúng ta cũng nên làm như vậy", thành viên Hội đồng cố vấn Harvard Business Review nhấn mạnh./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát triển cán bộ dân tộc thiểu số tại Lào Cai: Sự khác biệt trong chiến lược nhân lực

Ngày đăng 05/12/2024
Lào Cai, một tỉnh biên giới phía Bắc, nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa và dân tộc - đã ghi dấu ấn mạnh mẽ không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong công tác cán bộ. Đặc biệt, tỉnh đã đặt trọng tâm vào việc phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược nhân lực. Chính sự khác biệt này đã góp phần tạo nên sức bật cho vùng đất vốn gặp nhiều thách thức về địa lý và kinh tế.

Quản trị đô thị phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 05/12/2024
Tóm tắt: Phát triển đô thị bền vững là quá trình phát triển đô thị dựa trên nguyên lý phát triển cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị nhằm mục tiêu vì cư dân đô thị trong hiện tại và tương lai. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu quản trị đô thị phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị; cung ứng các dịch vụ công,... Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị đô thị phát triển bền vững có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết đối với công tác quản trị nhà nước tại các đô thị ở nước ta. Từ khóa: Đô thị; quản trị đô thị; phát triển bền vững.

Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm và yếu tố quyết định thành công trong kỷ nguyên mới

Ngày đăng 01/12/2024
Cả nước đang phấn đấu thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và chuẩn bị cho năm mới 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình hành động của Chính phủ. Trong niềm vui chung đó, toàn Đảng, toàn dân ta đang rất hào hứng và phấn khởi đón nhận những thông điệp hết sức quan trọng từ Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó, trước hết là những nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương

Ngày đăng 26/11/2024
Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, trên cơ sở đó đưa ra định hướng hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong thời gian tới. Từ khóa: Phân cấp; phân quyền; chính quyền trung ương; chính quyền địa phương.  

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng 19/11/2024
Tóm tắt: Nâng cao năng lực quản trị truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết ở các cấp, các ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Bài viết phân tích thực trạng, yêu cầu đặt ra và những nội dung cần quan tâm để nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Từ khóa: công chức lãnh đạo, quản lý; năng lực; truyền thông chính sách.