Trong bài viết “Chống lãng phí”, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”.
Tổng Bí thư Tô Lâm. |
Tổng Bí thư Tô Lâm đã phân tích và khẳng định, một số các dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm…
Bày tỏ sự đánh giá rất cao những phân tích sâu sắc, thấu đáo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, theo Tiến sĩ Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, lãng phí tồn tại ở nhiều dạng thức mà mỗi dạng thức lại có những nguyên nhân khác nhau, gây ra những hậu quả không giống nhau. Thứ lãng phí chúng ta dễ nhìn nhận ra rõ nét nhất chính là lãng phí về tài sản, vật chất, tiền bạc - những thứ có thể định lượng được.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nhị Lê, có những thứ lãng phí không thể đong đếm hay quy đổi ra được bằng vật chất mà thiệt hại của nó có khi còn đặc biệt nghiêm trọng như lãng phí thể chế, lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực con người, lãng phí thời gian, lãng phí niềm tin… và rất nhiều những dạng thức lãng phí “tai hại” khác...
“Lãng phí thể chế” - “Điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”
Phát biểu tại phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
Theo Tổng Bí thư, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.
“Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ nêu rõ: Trước yêu cầu tình hình mới, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập: việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm vẫn còn, với thời hạn yêu cầu soạn thảo, ban hành trong thời gian ngắn; việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo đủ thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định; việc tiếp thu và giải trình ý kiến thẩm định, ý kiến Thành viên Chính phủ chưa đầy đủ, rõ ràng, có trường hợp không tiếp thu, cũng không giải trình rõ lý do. Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến pháp luật chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”. |
Trong thực tế, lâu nay, vẫn đang còn tồn tại tình trạng “lãng phí thể chế”. Theo đó, để một dự án luật được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành, các cấp, các ngành đã phải dành nhiều công sức, thời gian, dành nguồn lực con người để xây dựng, dự thảo, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện theo quy trình. Tuy nhiên, khi luật có hiệu lực mà khâu tổ chức thực hiện, áp dụng không tốt, thì không những luật không giải quyết được những vấn đề bức xúc của thực tiễn đặt ra, mà việc này còn gây lãng phí toàn bộ công sức, trí tuệ tập thể trong quá trình làm luật.
Bên cạnh đó, “lãng phí thể chế” còn được hiểu theo nghĩa, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật chưa tốt, chưa thể chế được hết những quan điểm, đường lối, chỉ đạo sáng suốt của Đảng vào pháp luật; chưa tối ưu hóa được các chính sách, quy định trong luật để xử lý kịp thời những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Vì vậy, “lãng phí thể chế” là một trong những dạng thức nguy hiểm hàng đầu của lãng phí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cho thấy, cử tri và Nhân dân vui mừng khi Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 với nhiều quy định mới, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, mặc dù nghị định, thông tư hướng dẫn đã được ban hành, song sau 2 tháng triển khai cho thấy công tác thi hành 3 đạo luật này vẫn còn một số vướng mắc, nhiều chính quyền địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.
Mặt khác, ông Chiến cho biết, công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn về các quy định mới của 3 luật này cũng chưa được triển khai đồng bộ, khiến cả chính quyền và người dân, doanh nghiệp còn lúng túng khi áp dụng.
“Vì vậy, cử tri và Nhân dân mong muốn các cơ quan Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai thực hiện 3 đạo luật rất quan trọng, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, bảo đảm đúng quy định của luật và thuận lợi cho người dân” - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Lãng phí cơ hội có thể làm bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước
Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta”.
Thời cơ, cơ hội là những thứ chỉ đến và tồn tại trong một thời điểm nhất định. Nó có thể mất đi và vĩnh viễn không quay trở lại. Lãng phí cơ hội, bỏ lỡ thời cơ có thể khiến một đất nước mất đi cơ hội tăng tốc, bứt phá, đi tắt, đón đầu phát triển.
Bài học về chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay và mãi mãi về sau.
Cụ thể, ở thời điểm sau khi phát xít Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương, trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), Trung ương Đảng đã nhận định sáng suốt rằng, bây giờ tình hình đã có nhiều thuận lợi mới, nhưng “điều kiện khởi nghĩa… hiện nay chưa thực chín muồi”.
Thời cơ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ xuất hiện khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Đồng thời, thời cơ cách mạng xuất hiện cũng là lúc mọi chuẩn bị của Đảng ta về lực lượng, đường lối, phương châm tác chiến đã hoàn thiện, khi mà cao trào cứu nước của toàn dân đã dâng lên tới đỉnh cao nhất.
Theo đó, thời cơ này không tồn tại vĩnh viễn mà sẽ biến mất khi quân Đồng minh tiến vào nước ta để tước vũ khí của phát xít Nhật. Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam nhanh chóng chuyển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng lúc, đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”.
Đây là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, nhận định chính xác thời cơ; đồng thời, kiên quyết chớp thời cơ, phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Thành quả sau gần 80 năm dựng nước và phát triển không ngừng, đến nay, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang ra sức phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII; đồng thời ra sức chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV của Đảng. Cùng với đó, đội ngũ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cũng vừa được kiện toàn với sự thống nhất rất cao, được Nhân dân ủng hộ, vui mừng, phấn khởi.
Vì vậy, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt khắc phục những khó khăn, khơi thông những điểm nghẽn cản trở sự phát triển, đất nước chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời cơ này nhất định chúng ta phải nắm lấy và hiện thực hóa, đúng như tầm nhìn, dự báo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định.
Lãng phí nguồn lực con người - bài học về việc trọng dụng nhân tài của Bác Hồ
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) chia sẻ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm, trọng dụng nhân tài. Ngay từ trước khi chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc), với đối tượng là những thanh niên ưu tú, rồi sau đó đưa về nước hoạt động tuyên truyền, tổ chức quần chúng, làm hạt nhân cho phong trào cách mạng.
Theo tập 4 Hồ Chí Minh Toàn tập (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011), ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Đặc biệt, Người đã chỉ thị cho các địa phương trong cả nước phải kịp thời báo cáo cho Chính phủ về người tài ở địa phương mình.
Bài học của lịch sử đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc trọng dụng nhân tài. Bên cạnh nhiều bậc trí thức, học giả nổi tiếng, chức sắc tôn giáo đã nhiệt tình tham gia cách mạng, ngay cả những quan lại bậc cao của chế độ cũ (Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn...) cũng đã được Bác Hồ cảm hóa và vận động tham gia chính quyền cách mạng.
Cụ thể, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều trí thức nổi tiếng trên mọi lĩnh vực, như Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Võ Quý Huân, Vũ Trọng Khánh, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum... đã mang hết tài năng phục vụ đất nước.
Soi chiếu vấn đề này vào thực tiễn cho thấy, hiện chúng ta vẫn còn để lãng phí nguồn lực con người, trong đó có lãng phí nhân tài, lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao... Nhiều người có tài, người có năng lực, trình độ cao nhưng chưa được trọng dụng, sử dụng đúng cách để phát huy hết khả năng của họ thay vì những cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Nhiều người giỏi, đi học ở nước ngoài rồi ở lại luôn nước đó làm việc, không quay về nước cống hiến…
Thí dụ, ngay như vấn đề xuất khẩu lao động, chúng ta đã đưa rất nhiều lao động trình độ cao, những điều dưỡng, kỹ sư… sang làm việc ở các nước phát triển. Tại sao cũng cùng con người đó nhưng khi làm việc ở trong nước thì khác, khi đi ra nước ngoài làm việc thì lại khác. Vì vậy, thiết nghĩ, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận, suy nghĩ để có giải pháp không làm lãng phí nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để khơi thông điểm nghẽn; có chế độ, chính sách phù hợp để họ yên tâm ở trong nước làm việc, ra sức phấn đấu, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của đất nước./.
Theo: nhandan.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục