Hà Nội, Ngày 02/11/2024

Hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử công vụ của cán bộ, công chức, viên chức - Nguyên nhân và biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi

Ngày đăng: 29/10/2024   09:43
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Trong thực thi công vụ, hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tốt công việc có kết quả, hiệu quả. Tuy nhiên, còn có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thể hiện những hành vi lệch chuẩn, không phù hợp với các quy định, chuẩn mực, quy tắc văn hóa, đạo đức, làm ảnh hưởng xấu đến kết quả, hiệu quả và làm xấu đi hình ảnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nền công vụ. Từ nhận diện hành vi lệch chuẩn đối với tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, chuẩn mực đạo đức, lối sống, bài viết đưa ra một số biện pháp hạn chế, ngăn chặn những hành vị lệch chuẩn như, hoàn thiện hệ thống các quy định, quy tắc chung và công tác kiểm tra, giám sát thực thi văn hóa, đạo đức công vụ. 

Từ khóa: Hành vi lệch chuẩn, giao tiếp ứng xử, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ.

Abstract: Civil servants and public employees carry out their job with good results and efficiency. However, there is a number of civil servants and public employees do not good their duties, still exhibit deviant behaviors that are not in accordance with regulations, standards and ethical rules. Their deviant behaviors  is negatively affecting to the civil service results and damaging the image of the civil service and civil servants. From identifying deviant behaviors in terms of working attitude, communication standards, conduct, ethical standards, lifestyle, in order to propose a number of solutions way to prevent deviant behaviors of civil servants and public employees, such as, building and perfecting the regulations and rules and the work of inspecting and supervising the implementation of public service culture and ethics.

Keywords: deviant behavior, communication standards, civil service culture, ethical standards of civil service.
 

Bộ Nội vụ tổ chức tập huấn đạo đức công vụ, văn hóa công sở và nâng cao kỹ năng lãnh đạo. Ảnh minh họa.

Chuẩn hành vi và sự lệch chuẩn hành vi

Hành vi của con người được xem là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể. Có người cho rằng hành vi bao gồm một hay nhiều hành động nối tiếp nhau một cách tương đối nhằm đạt được mục đích để thỏa mãn nhu cầu của con người. Con người là một chủ thể tích cực nên không chỉ là một cá thể thích nghi thụ động với môi trường, do đó hành vi của con người bao giờ cũng có mục đích, nhằm đảm bảo cho con người tồn tại và phát triển. Xem xét trong môi trường công vụ, hành vi giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là toàn bộ cách thức giao tiếp, ứng xử của họ biểu hiện ra bên ngoài có thể quan sát được trong thực thi công vụ.

Trong thực thi công vụ, CBCCVC được yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ với thái độ nhiệt tình, tận tụy, đúng quy trình đáp ứng được yêu cầu chung, làm hài lòng khách hàng, người dân và đảm bảo kết quả, hiệu quả. Hành vi thực thi công vụ tốt này được coi là chuẩn hành vi, là khuôn mẫu mà mọi CBCCVC cần tuân thủ, phát huy. 

Chuẩn hành vi chính là chuẩn mực do quy ước của cộng đồng, tổ chức hay xã hội đặt ra, dựa trên cơ sở những yêu cầu chung của cộng đồng, tổ chức, xã hội nhằm định hình khuôn mẫu của cá nhân phải tuân theo. Như vậy, trong môi trường công vụ, chuẩn hành vi của CBCCVC chính là những chuẩn mực do nền công vụ đưa ra tạo thành những khuôn mẫu nhất định mà CBCCVC phải tuân theo. Thông thường được chia thành 3 loại chuẩn hành vi: 1) Chuẩn mực hành vi do quy ước của tổ chức, cộng đồng đặt ra theo những yêu cầu chung nhằm định dạng hành vi mẫu; 2) Chuẩn mực theo số đông của tổ chức, cộng đồng, nghĩa là đại đa số hành vi của cá nhân trong tổ chức tương tự nhau, được lặp đi lặp lại giống nhau trong những tình huống cụ thể xác định thì hành vi đó là phù hợp là chuẩn; 3) Chuẩn mực hành vi theo chức năng, nghĩa là cá nhân xác định hành vi theo mục đích hoạt động của mình, hành vi chuẩn là phù hợp với mục tiêu đặt ra.

Rõ ràng, trong thực thi công vụ, CBCCVC phải thi hành những chuẩn hành vi do tổ chức đưa ra và có thể theo những hành vi hợp chuẩn của tổ chức đó phù hợp với quy chuẩn chung và có thể là những hành vi cá nhân xác định theo mục tiêu của mình nhưng phù hợp với quy chuẩn. Song, thực tiễn có nhiều lý do khác nhau mà có những CBCCVC không thực hiện theo những chuẩn mực đó, làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công việc, làm xấu đi hình ảnh của Nhà nước, của đội ngũ CBCCVC thì đó là sự lệch chuẩn.

Hành vi lệch chuẩn là những hành vi thể hiện sai lệch chuẩn mực, quy định, quy tắc văn hóa công vụ của ngành, của cơ quan, tổ chức; lợi dụng các quy định, quy tắc của ngành, của cơ quan, tổ chức để trục lợi cho bản thân và nhóm.

Loại hành vi lệch chuẩn gây ảnh hưởng không tốt, làm xấu đi đối với hoạt động công vụ của CBCCVC cần được nghiên cứu xem xét thấu đáo để có những biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu và chấm dứt nó trong hoạt động công vụ. Thông thường, các nhà nghiên cứu cho rằng có hai loại lệch chuẩn khác nhau là lệch chuẩn thụ động và lệch chuẩn chủ động. Trong đó, lệch chuẩn thụ động là những hành vi cá nhân có sai lệch do nhận thức chưa đầy đủ, nhận thức sai các chuẩn mực đạo đức, văn hóa; còn lệch chuẩn chủ động là những hành vi cá nhân cố ý làm khác so với người khác. Họ nhận thức được yêu cầu của cộng đồng, tổ chức nhưng họ vẫn hành động theo ý mình dù biết là không phù hợp.

Thực tiễn hoạt động giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ có thể xác định các loại lệch chuẩn hành vi ở cấp độ cá nhân và nhóm. Lệch chuẩn cá nhân được xác định là những hành vi của cá nhân không phù hợp với quy tắc văn hóa, đạo đức, các quy định của nhóm, của tổ chức đã được xác lập trong thực tế. Lệch chuẩn nhóm chính là những hành vi của nhóm (đội, phòng, tổ chức, đơn vị...) trái với quy tắc chung của hệ thống, của xã hội đã được thừa nhận.

Tuy nhiên, trong hoạt động giao tiếp, ứng xử công vụ cũng có lệch chuẩn nhóm tích cực và tiêu cực. Lệch chuẩn nhóm tích cực là những lệch chuẩn mang tính đột phá, tiên phong so với các hành vi chuẩn mực sẵn có. Những lệch chuẩn này mang tính thúc đẩy sự phát triển. Lệch chuẩn nhóm tiêu cực chính là những lệch chuẩn đi ngược lại với sự tiến bộ của hoạt động công vụ, của xã hội nói chung.

Hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử công vụ của cán bộ, công chức, viên chức

Giao tiếp, ứng xử công vụ của cán bộ, công chức, viên chức

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta”(1). Trong giao tiếp, ứng xử công vụ, Người luôn thể hiện phong thái giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, chu đáo với mọi người; luôn có thái độ chân thành, khoan dung độ lượng và xử lý khéo léo, hiệu quả các tình huống giao tiếp(2). Như vậy, trong giao tiếp, ứng xử công vụ, đội ngũ CBCCVC cần lưu ý đến những yếu tố cơ bản như: các nguyên tắc đạo đức ứng xử cốt lõi: trung thành, tận tụy, tôn trọng, lễ phép, quan tâm giúp đỡ…; các yếu tố, các phẩm chất nhân cách làm nền tảng cho giao tiếp ứng xử: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; các kỹ năng giao tiếp, ứng xử linh hoạt, khéo léo, thay đổi theo từng loại đối tượng. Với những nội dung cơ bản này, giao tiếp, ứng xử công vụ của CBCCVC có các đặc trưng chủ yếu sau: 1) Giao tiếp, ứng xử hướng vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả, trung thành. 2) Văn hóa giao tiếp, ứng xử thể hiện sự tận tụy, tận tâm, liêm chính, chuyên nghiệp, trách nhiệm. 3) Văn hóa giao tiếp, ứng xử trong công vụ là hướng đến phục vụ nhân dân, đất nước, hết lòng tin yêu, giúp đỡ nhân dân và được nhân dân tin yêu.

Qua đó có thể thấy, giao tiếp, ứng xử công vụ làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi, góp phần hình thành phẩm chất đạo đức của CBCCVC; giúp xây dựng và củng cố mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân, cá nhân, tổ chức khác, tạo ra sự tôn trọng, hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, tương tác; là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi công vụ; là một biện pháp giáo dục hiệu quả...

Nhận diện các hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử công vụ của cán bộ, công chức, viên chức - nguyên nhân và hậu quả

Các hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử của CBCCVC có thể nhận diện thông qua các cách thức như: qua báo cáo kết quả kiểm tra, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ, qua công tác tự phê bình và phê bình... Nhìn chung, các hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử của CBCCVC có thể nhận diện qua các hành vi vi phạm các quy định chung, các quy tắc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử sau:

Một là, nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao tiếp ứng xử chung: quy chế làm việc, quy trình công tác, quy định về bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ. 

Hai là, các hành vi vi phạm, thực hiện chưa chuẩn quy tắc ứng xử trong nội bộ: ứng xử với cấp trên, ứng xử với cấp dưới, ứng xử cùng cấp.

Ba là, các hành vi vi phạm, thực hiện chưa chuẩn quy tắc yêu cầu trong thực thi công vụ: ứng xử, giao tiếp qua các phương tiện thông tin liên lạc, ứng xử với nhân dân, ứng xử với người vi phạm pháp luật, ứng xử với tổ chức, cá nhân nước ngoài...

Bốn là, các hành vi chưa đúng trong giao tiếp, ứng xử trong gia đình, ứng xử nơi cư trú, ứng xử nơi công cộng, ứng xử với môi trường tự nhiên.

Những hành vi lệch chuẩn của CBCCVC trong thực thi công vụ có thể xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau: 1) Do cá nhân nhận thức sai, không đầy đủ các chuẩn mực; 2) Do quan điểm riêng của cá nhân khác với chuẩn mực chung; 3) Do cá nhân biết mình sai lệch nhưng vẫn cố tình vi phạm; 4) Có thể do biến dạng của các chuẩn mực chung, các chuẩn mực không còn phù hợp với điều kiện xã hội lịch sử cụ thể, hoặc không ổn định, không rõ rệt.

Từ những hành vi lệch chuẩn của CBCCVC trong thực thi công vụ, có thể dẫn đến những hậu quả như: vi phạm pháp luật, gây tổn thất cho xã hội, làm tổn hại đến hoạt động công vụ, đến an ninh, trật tự xã hội; tham ô, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực gây tổn thất về kinh tế, mất lòng tin của nhân dân, của công chúng vào đội ngũ CBCCVC và nền công vụ, vào Nhà nước; vi phạm chuẩn đạo đức, gây những hậu quả trực tiếp, gián tiếp ảnh hưởng công việc, làm nguy hại đến chất lượng, hiệu quả hiệu lực trong thực thi công vụ, làm suy thoái nhân cách, nêu gương xấu cho thế hệ trẻ...

Tuy nhiên, khi xem xét hậu quả của hành vi lệch chuẩn cần nhìn nhận trên hai phương diện sau: 1) Hậu quả của hành vi lệch chuẩn có thể mang nội dung, tính chất tích cực, tiến bộ, cách tân nếu như nó phá vỡ hiệu lực, sự chi phối của các chuẩn mực xã hội đã lạc hậu, lỗi thời, đang kìm hãm phát triển của các cá nhân và xã hội. Khi đó hành vi sai lệch có thể góp phần làm thay đổi nhận thức chung của cộng đồng xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội trong cộng đồng. 2) Hậu quả của hành vi lệch chuẩn có thể mang lại nội dung và tính chất tiêu cực, ảnh hưởng xấu hoặc nguy hiểm cho hệ thống, tổ chức, cho xã hội nếu nó vi phạm, phá hoại tính ổn định, sự tác động của những chuẩn mực xã hội phù hợp, tiến bộ, đang phát triển, thịnh hành và được thừa nhận rộng rãi trong xã hội.

Một số biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử công vụ của cán bộ, công chức, viên chức

Để tổ chức thực hiện tốt các chuẩn hành vi, các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, các quy định về quy tắc giao tiếp, ứng xử của CBCCVC trong thực thi công vụ nhằm hạn chế, loại bỏ, ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi lệch chuẩn có ảnh hưởng làm hại, làm xấu đi kết quả, hiệu quả thực thi công vụ, xin đề xuất một số biện pháp sau:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý, các quy định, quy tắc, yêu cầu về giao tiếp ứng xử trong hoạt động công vụ của đội ngũ CBCCVC. Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, ứng xử trong công vụ đảm bảo sáng tạo, hấp dẫn, linh hoạt thu hút sự chú ý, tập trung của CBCCVC.    

Hai là, thực hiện giáo dục nhận thức sâu rộng trong đội ngũ CBCCVC về chuẩn hành vi giao tiếp ứng xử trong thực thi công vụ. Nâng cao nhận thức, giáo dục, bồi dưỡng CBCCVC thực hiện tốt các quy định, các chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; đồng thời phát huy lan tỏa hành vi đẹp, gương mẫu trong đội ngũ CBCCVC. Lãnh đạo, quản lý các cấp cần quan tâm, chú trọng đến việc hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi những suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng lối sống văn hóa, nhân văn trong thực thi công vụ, thể hiện qua tác phong, cử chỉ, lời nói thường ngày.

Ba là, thực hiện nghiên túc công tác khen thưởng, kỷ luật trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động giao tiếp, ứng xử, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thoái hóa biến chất,... để giáo dục, răn đe làm gương. Xây dựng hình ảnh người CBCCVC mẫu mực thông qua phát động phong trào “Xây dựng hình ảnh người CBCCVC” và vinh danh cá nhân đạt chuẩn đại diện hình ảnh người CBCCVC cấp huyện, cấp tỉnh và toàn ngành. Hình thành bộ phận “đạo đức và văn hóa công vụ” giúp lãnh đạo các cấp về thực thi văn hóa, đạo đức công vụ, nhằm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả và thực tài, hướng tới những giá trị cao cả: Quốc gia, Danh dự, Liêm chính, Phục vụ./.

------------------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, tập 4, tr.48

(2) https://tienphong.vn/net-dac-sac-trong-van-hoa-giao-tiep-ho-chi-minh-post714782.tpo
 

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.

2. Học viện Hành chính Quốc gia (2020), Tài liệu bồi dưỡng Văn hóa công vụ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. 

3. Học viện Hành chính (2012), Giáo trình Đạo đức công vụ, Nxb Lao động, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Ngô Thành Can (chủ biên), Đạo đức công chức trong thực thi công vụ, Nxb Tư pháp (2016), tái bản các năm 2019, 2023.

6. Luật Công vụ Anh quốc (2015). https://www.gov.uk/government/publications/civil-service-code/the-civil-service-code 

7. Luật Giá trị và đạo đức công vụ Canada (2003). https://www.tbs-sct.canada.ca/pubs_pol/hrpubs/tb_851/vec-cve-eng.pdf 

8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025. 

9. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-10-chuan-muc-giao-tiep-ung-xu-cua-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-119230319094925977.htm 

PGS.TS Ngô Thành Can - giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thực hiện phân cấp, phân quyền và việc lựa chọn nhân sự

Ngày đăng 01/11/2024
Ngoài các vấn đề liên quan tới cơ chế, chính sách, một trong những yếu tố quan trọng trong thực hiện phân cấp, phân quyền là nhân lực. Theo chuyên gia, cần áp dụng công cụ quản trị nguồn nhân lực khoa học, để họ không né tránh, chây ì mà quyết tâm thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.

Phương pháp thiết kế và xây dựng nội dung nghiên cứu khoa học

Ngày đăng 31/10/2024
Trải qua các giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn mang tầm vóc thời đại. Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII thống nhất khẳng định Việt Nam bước vào kỷ nguyên đổi mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bên cạnh các chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, thì chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ ưu tiên, đặc biệt là tập trung phát  triển khoa học ứng dụng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ. Trong tiến trình đó, vai trò của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ cần được phát huy, thay đổi cách nghĩ, cách nghĩ cách làm, đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo.

Những yếu tố tác động đến đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của giảng viên ở Học viện Chính trị hiện nay

Ngày đăng 28/10/2024
Tóm tắt: Đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giúp tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển và giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đồng thời định hướng sự phát triển trong hiện tại và tương lai của khoa học cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Hoạt động này chịu sự chi phối của các yếu tố tác động đến quá trình nghiên cứu khoa học nói chung, của đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị nói riêng, từ đó đặt ra cho công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.  Từ khóa: Đổi mới sáng tạo; giảng viên; Học viện Chính trị; nghiên cứu khoa học.

Vai trò lãnh đạo của đảng bộ cấp xã ở tỉnh Vĩnh Long trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo 

Ngày đăng 26/10/2024
Tóm tắt: Bài viết đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và đảng bộ cấp xã nhằm phát huy nguồn lực tôn giáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; làm rõ những kết quả tích cực, phân tích những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng về “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.   Từ khóa: Đảng bộ cấp xã; phát huy nguồn lực tôn giáo; tỉnh Vĩnh Long.

Quan điểm, giải pháp áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày đăng 22/10/2024
Tóm tắt: Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã nhấn mạnh đến giải pháp nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải tích cực đổi mới, năng động, phát huy nội lực để hoạt động hiệu quả hơn. Bài viết nêu lên một số quan điểm và đưa ra các giải pháp trong việc áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta. Từ khóa: Áp dụng mô hình; đơn vị sự nghiệp công lập; quản trị doanh nghiệp.