Hà Nội, Ngày 25/03/2025

Những yếu tố tác động đến đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của giảng viên ở Học viện Chính trị hiện nay

Ngày đăng: 28/10/2024   14:41
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giúp tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển và giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đồng thời định hướng sự phát triển trong hiện tại và tương lai của khoa học cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Hoạt động này chịu sự chi phối của các yếu tố tác động đến quá trình nghiên cứu khoa học nói chung, của đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị nói riêng, từ đó đặt ra cho công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời gian tới. 

Từ khóa: Đổi mới sáng tạo; giảng viên; Học viện Chính trị; nghiên cứu khoa học.

Abstract: Innovation is playing an increasingly important role in all fields of social life, especially in scientific research, as it creates new values, promotes development, and addresses practical issues. At the same time, it guides the present and future development of science and other areas of social life. This activity is influenced by factors affecting the scientific research process in general and the teaching staff of the Academy of Politics in particular. This, in turn, poses various issues for the leadership and management of scientific research activities that need attention and resolution to contribute to the achievement of goals, requirements, and tasks of education, training, and scientific research in the coming period.

Keywords: Innovation; teaching staff; Academy of Politics; scientific research.

 

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên ở Học viện Chính trị (Học viện) có vai trò quan trọng tạo ra chất lượng, hiệu quả về tư duy, trí tuệ, khả năng sáng tạo trong hoạt động lý luận và thực tiễn chính trị quân sự của giảng viên. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, hoạt động NCKH. Nhận thức rõ vấn đề này, các chủ thể ở Học viện luôn quan tâm, coi trọng, khuyến khích ĐMST trong NCKH của đội ngũ giảng viên và đã đạt được một số kết quả rất đáng trân trọng. 

Tuy nhiên, trước yêu cầu từ thực tiễn, ĐMST trong NCKH của giảng viên ở Học viện vẫn còn những hạn chế, bất cập như: hàm lượng khoa học trong các nghiên cứu chưa cao; chưa đảm bảo tính mới, tính độc đáo, tính hữu ích. Việc khám phá, tìm tòi cái mới về hướng nghiên cứu, cách tiếp cận mới hoặc các luận điểm, giải pháp, cách luận lập mới chưa nhiều. Khả năng ứng dụng rộng rãi của các sản phẩm khoa học còn ở mức độ khiêm tốn, còn trùng lặp, giao thoa về nội dung, hình thức kết cấu giữa các sản phẩm, công trình khoa học của người nghiên cứu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của đào tạo và NCKH. Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn, bài viết tập trung làm rõ các yếu tố tác động đến ĐMST trong NCKH của giảng viên ở Học viện Chính trị. Cụ thể là:

Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ 4.0. 

Cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ 4.0 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến đời sống văn hóa, xã hội của con người; tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho đất nước chúng ta. Theo đó, giáo dục, đào tạo và NCKH ở Học viện Chính trị cũng không nằm ngoài sự tác động đó, trong đó có đội ngũ giảng viên của Học viện. Điều này, tạo ra cơ hội và những điều kiện thuận lợi cho giảng viên ở Học viện phát huy, khẳng định vai trò của mình trong giảng dạy và ĐMST trong NCKH theo hướng hiện đại. Nhờ sự có phát triển tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ, nhất là sự gia tăng của hệ thống internet kết nối, tích hợp với lượng dữ liệu khổng lồ giúp giảng viên tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu phong phú, đa dạng của nước ngoài và trong nước, phục vụ tốt cho ĐMST trong NCKH. Mỗi giảng viên có thể tìm hiểu sâu sắc hơn vấn đề nghiên cứu theo nhiều hướng, cách thức tiếp cận khác nhau, giúp họ tiếp nhận, tích lũy và chuyển hóa tri thức, củng cố, hoàn thiện kỹ năng, phương pháp tư duy, rèn luyện bản lĩnh, phương pháp, tác phong trong NCKH. 

Sự tác động của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ điện tử viễn thông tạo ra sự biến đổi sâu sắc hình thức khai thác, sử dụng thông tin, giảng viên có thể tiếp nhận và sử dụng các phương pháp, phương tiện kỹ thuật hiện đại áp dụng vào ĐMST trong NCKH. Với nhiều phần mềm tìm kiếm, xử lý số liệu, hỗ trợ nghiên cứu hiện đại như: Microsoft Excel, SPSS, Stata, R, Chat GPT... đội ngũ giảng viên có nhiều lựa chọn các phương tiện kỹ thuật phù hợp, để tìm hiểu, vận dụng linh hoạt tạo ra hiệu quả nghiên cứu cao nhất. Do đó, đội ngũ giảng viên phải luôn thay đổi, thích ứng nhanh, tận dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại vào ĐMST trong NCKH, giúp họ nâng cao hiệu suất, hiệu quả nghiên cứu, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí, mở ra nhiều cơ hội hơn, cùng lúc có thể tham gia vào nhiều công việc NCKH khác nhau, khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò của họ trong giảng dạy và NCKH.

Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang tạo ra những thách thức mới, đòi hỏi giảng viên ở Học viện cần nỗ lực hơn nữa trong giảng dạy và ĐMST trong NCKH. Thực tế hiện nay, đội ngũ giảng viên đang chịu sự chi phối từ nhiều phía, từ chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu, đấu tranh tư tưởng lý luận và nhiều hoạt động khác trong môi trường quân sự, cùng với cuộc sống, hậu phương gia đình làm ảnh hưởng đến vai trò và sự phấn đấu của họ. Áp lực công việc thời đại 4.0 đòi hỏi cán bộ, sĩ quan trong Quân đội nói chung, đội ngũ giảng viên của Học viện Chính trị nói riêng phải có trình độ chuyên môn cao, sự hiểu biết sâu rộng về nhiều mặt, song thực tế họ lại bị giới hạn và gặp nhiều trở ngại, thách thức cả chủ quan và khách quan.

Mặt tác động không thuận chiều của cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là việc khai thác, sử dụng thông tin của họ chủ yếu nhằm vào mục đích bổ sung thông tin, cung cấp luận cứ, luận giải, minh họa cho vấn đề, nội dung nghiên cứu. Song do các nguồn thông tin đó rất đa dạng, phức tạp, có thể chưa được kiểm chứng chặt chẽ, hoặc do sơ suất, thiếu sót, chủ quan của giảng viên, nhận thức chưa thấu đáo dẫn đến có thể bị chệch hướng, không giữ được tính định hướng chính trị, tính bảo mật trong lĩnh vực quân sự; hoặc không thường xuyên cập nhật, tiếp nhận thông tin mới, có nhiều nội dung thông tin cũ, lạc hậu, không còn phù hợp, nhưng vẫn tiếp nhận và viện dẫn trong nghiên cứu. Điều này đặt ra yêu cầu cần ĐMST trong NCKH của giảng viên ở Học viện và cần bổ sung, hoàn thiện vào quy chế, quy định về đào tạo, hoạt động NCKH. 

Bên cạnh đó, nguồn thông tin được khai thác từ hệ thống thư viện, trung tâm lưu trữ... cũng góp phần không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng của hoạt động ĐMST trong NCKH. Ngoài ra, tài liệu được khai thác từ mạng internet rất phong phú, đa dạng, nhưng việc kiểm duyệt các nguồn thông tin đó gặp nhiều khó khăn, ít có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm kiểm duyệt, đảm bảo về mặt nội dung và định hướng chính trị, định hướng khoa học. Do đó, khai thác nguồn tài liệu này tác động lớn đến người nghiên cứu, đòi hỏi họ phải có bản lĩnh, có khả năng đánh giá, phân loại các tài liệu, tiếp nhận khai thác, sử dụng, tránh tình trạng tràn lan, nhiễu loạn thông tin, sai lệch, chệch hướng trong nghiên cứu. 

Thứ hai, mục tiêu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Đảng ta đã chỉ ra mục tiêu, phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang, trực tiếp là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và đội ngũ cán bộ”(1)

Thực hiện mục tiêu trên, cấp ủy đảng các cơ quan, đơn vị trong Quân đội đã quán triệt và vận dụng phù hợp vào thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Đối với đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội, trong đó có đội ngũ giảng viên của Học viện Chính trị đã tích cực tìm hiểu, tiếp cận các phương pháp giáo dục, đào tạo, NCKH tiên tiến, hiện đại, không ngừng đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, NCKH; tích cực nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giáo trình, bổ sung những vấn đề mới của khoa học quân sự hiện đại và thực tiễn công tác tại các đơn vị vào giảng dạy, nghiên cứu. Không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy và NCKH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp cho Quân đội.

Trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, có sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Những điều đó đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ giảng viên nói riêng, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục và đào tạo, NCKH và xây dựng nhà trường quân đội. Vì vậy, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp ở Học viện cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục và đào tạo, NCKH, bảo đảm quá trình ĐMST trong NCKH của giảng viên ở Học viện diễn ra một cách thuận lợi.

Theo đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên ở Học viện tập trung hơn nữa, phát huy cao độ năng lực giảng dạy và NCKH, góp phần xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt”.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đặt ra yêu cầu cho công tác giáo dục và đào tạo, NCKH, trong đó có ĐMST trong NCKH của giảng viên ở Học viện. Vì vậy, lực lượng giảng viên của Học viện phải có trình độ tri thức, kỹ năng, phương pháp tư duy, sức sáng tạo, thường xuyên nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, có nhiều đóng góp, cống hiến mới có giá trị cao về khoa học. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ chủ trì, các cơ quan, khoa, đơn vị ở Học viện cần phải phát huy các thành tích đã đạt được, tích cực nghiên cứu, cụ thể hóa thành các giải pháp để thực hiện hiệu quả các vấn đề nêu trên, bảo đảm không ngừng ĐMST trong NCKH, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, bảo đảm cho quân đội có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ ba, yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị. 

Cùng với các nhà trường quân đội, Học viện Chính trị đang tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm giáo dục và đào tạo, về phát triển khoa học và công nghệ. Học viện đã và đang đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, lấy người học làm trung tâm; tiếp tục đổi mới quy trình, bổ sung, cập nhật, phát triển các chương trình đào tạo khoa học xã hội và nhân văn, bảo đảm phù hợp với các đối tượng theo hướng tinh giảm nội dung, rút ngắn thời gian đào tạo; sửa đổi quy chế, quy định đào tạo, ban hành chuẩn đầu ra chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng đề thi và đáp án, kiểm định, đánh giá chất lượng người học; tích cực triển khai thực hiện đề án xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại; áp dụng hiệu quả khoa học và công nghệ vào các khâu, các bước của quá trình đào tạo đại học và sau đại học. Báo cáo của Đảng ủy Học viện Chính trị về đánh giá triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã chỉ rõ: Thực hiện đổi mới chương trình, nội dung các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn sát với chuẩn đầu ra của từng đối tượng người học. Mặt khác, chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, nhất là nghiên cứu cơ bản nắm chắc giá trị cốt lõi, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, có những bổ sung phát triển phù hợp với thực tiễn. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến ĐMST trong NCKH của đội ngũ giảng viên ở Học viện.

Các sản phẩm, kết quả từ NCKH ở Học viện Chính trị phần lớn đều hướng đến phục vụ cho hoạt động giáo dục và đào tạo, bao gồm: nội dung chương trình, các chuyên đề, tập bài giảng, giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo, luận văn, luận án... Đồng thời, trong quá trình giáo dục và đào tạo làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, tình huống phát sinh, đòi hỏi khoa học cần nghiên cứu giải quyết. Vì vậy, cần đẩy mạnh ĐMST trong NCKH để thực hiện thắng lợi chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo ở Học viện. Do đó, ĐMST trong NCKH của giảng viên cần tập trung đề xuất các vấn đề nghiên cứu, giải đáp những vấn đề của giáo dục và đào tạo đang đặt ra như: bổ sung, cập nhật, phát triển, hoàn thiện mô hình, mục tiêu đào tạo; hoàn chỉnh chương trình, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với các đối tượng cán bộ, giảng viên, đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo học vấn với đào tạo chức vụ; có giải pháp đột phá nâng cao chất lượng tự học, tự bồi dưỡng của các đối tượng học viên; nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học; khắc phục sự trùng lặp trong chương trình, nội dung giảng dạy giữa các bậc học.

Một trong những nhân tố tác động, thôi thúc ĐMST trong NCKH là phải coi trọng xây dựng tiềm lực khoa học, mở rộng quan hệ hợp tác NCKH; đột phá “đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nâng cao chất lượng các công trình khoa học”(2). Qua đó, góp phần xây dựng Học viện xứng đáng là một trung tâm lớn về nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn quân sự trong quân đội và quốc gia, hiện thực hóa phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để  phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng thực hiện đồng bộ các hoạt động, thúc đẩy quá trình ĐMST trong NCKH của giảng viên ở Học viện Chính trị đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong tình hình mới./. 

-----------------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.157-158.

(2) Đảng bộ Học viện Chính trị, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), H.2020.

TS Đoàn Đức Khánh - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Vị trí của người làm báo trong thế kỷ 21

Ngày đăng 22/03/2025
Cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đã đưa các ngành, trong đó có ngành báo chí đứng trước nhiều thay đổi lớn: công nghệ tự động hóa, các tòa soạn sáp nhập, cắt giảm nhân sự. Những chuyển biến ấy tác động như thế nào đến vị trí của người lao động trong ngành? Chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với nhà báo Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động để tìm hiểu quan điểm của ông về vấn đề này.

Định hướng sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Bảo đảm bộ máy từ Trung ương tới cơ sở hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/03/2025
PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, chủ trương sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là chủ trương rất lớn và hệ trọng, một chủ trương đúng và trúng.

Phát triển văn hóa ứng xử trên không gian mạng của đội ngũ cán bộ trẻ ở nước ta hiện nay

Ngày đăng 28/02/2025
Tóm tắt: Văn hóa ứng xử trên không gian mạng là những quy chuẩn về thái độ, hành vi xử sự đặt ra đối với mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Trên cơ sở đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ trẻ ở nước ta, góp phần sử dụng không gian mạng hiệu quả, tích cực, an toàn và lành mạnh. Từ khóa: Cán bộ trẻ; không gian mạng; phát triển văn hóa ứng xử. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Sáp nhập tỉnh là tất yếu

Ngày đăng 21/02/2025
Cho rằng sáp nhập tỉnh trở về con số 38 tỉnh, thành phố như trước đây là phù hợp, nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lưu ý cần sắp xếp phù hợp với đặc điểm của các tỉnh.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Thời điểm chín muồi, phù hợp thế giới

Ngày đăng 20/02/2025
Giáo sư Trần Ngọc Đường nêu rõ đây là thời điểm chín muồi nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, bỏ cấp huyện. Việc này sẽ giúp tạo động lực, không gian phát triển mới.

Tiêu điểm

Vị trí của người làm báo trong thế kỷ 21

Cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đã đưa các ngành, trong đó có ngành báo chí đứng trước nhiều thay đổi lớn: công nghệ tự động hóa, các tòa soạn sáp nhập, cắt giảm nhân sự. Những chuyển biến ấy tác động như thế nào đến vị trí của người lao động trong ngành? Chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với nhà báo Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động để tìm hiểu quan điểm của ông về vấn đề này.