Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước, năm 2025 có thể tạm dừng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc điều chỉnh lương cơ sở hằng năm phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước. |
Ngày 26/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở tổ về các vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025.
Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho biết, chúng ta đặt việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh cực kỳ khó khăn thì mới thấy hết sự nỗ lực của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
Theo Bộ trưởng, nước ta đã đạt được kết quả rất tích cực, toàn diện về kinh tế - xã hội. Đây là một năm có sự phát triển đồng bộ, toàn diện theo các nghị quyết đề ra.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh nước ta đã kiểm soát rất tốt lạm phát khi thực hiện cải cách tiền lương. Năm 2023, nước ta đã tăng 20,8% lương cơ sở, năm 2024 từ ngày 01/7 tăng lên 30% lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công. Đồng thời, nước ta cũng điều chỉnh chế độ lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng khác.
"Có thể nói bình thường sẽ có dấu hiệu rất mạnh mẽ trong việc tăng giá, nhưng chúng ta kiềm chế được lạm phát. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị", Bộ trưởng nêu.
"Vừa qua chúng ta đã thực hiện được chính sách tiền lương. Khó khăn như vậy nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỉ đồng và đến năm 2026 là 930.000 tỉ đồng cho việc thực hiện điều chỉnh tiền lương, trợ cấp bảo hiểm, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh đây là nguồn kinh phí rất lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trên thực tiễn vấn đề này vẫn đang còn bất cập. Cơ quan thẩm quyền đã báo cáo Bộ Chính trị và được cho chủ trương nên tới đây sẽ rà soát một số đối tượng bất cập như nhân viên hành chính sự nghiệp, đối tượng giáo viên, nhân viên y tế.
"Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp với tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là những kết luận Bộ Chính trị đã ban hành. Trong đó, với những đối tượng mang tính đặc thù phải có sự quan tâm hơn để đảm bảo đời sống của họ một cách tốt hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về tổng thể, Bộ trưởng cho rằng vừa qua đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở với mức tăng lên 50,8% - đây là con số rất lớn, thể hiện sự nỗ lực cao.
Theo Bộ trưởng, đến năm 2026 sẽ đánh giá Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện cho phù hợp.
Về vấn đề có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không, Bộ trưởng cho biết việc này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước. Trước mắt năm 2025 có thể tạm dừng lại, sau đó điều chỉnh với một số đối tượng.
Còn sang đến năm 2026, chúng ta có thể tiếp tục điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công đảm bảo tương đồng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đây là chủ trương lớn, vấn đề khó, nhạy cảm nhưng vừa qua nhiều địa phương đã rất nỗ lực thực hiện.
Trong 54 địa phương nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có 51 địa phương thực hiện. Còn 3 địa phương như Bình Phước, Điện Biên, Lai Châu do có những yếu tố không thể thực hiện được, có liên quan đến việc mở rộng địa giới hành chính của thành phố (hay còn gọi là đô thị) với một đơn vị hành chính nông thôn để tạo ra không gian phát triển mới nhưng lại không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nên phải dừng lại để tiếp tục hoàn thiện.
Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính của 38 địa phương. Còn lại 13 địa phương, trong đó 10 địa phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp nhận hồ sơ./.
Theo: laodong.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục