Tóm tắt: Bài viết đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và đảng bộ cấp xã nhằm phát huy nguồn lực tôn giáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; làm rõ những kết quả tích cực, phân tích những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng về “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Từ khóa: Đảng bộ cấp xã; phát huy nguồn lực tôn giáo; tỉnh Vĩnh Long.
Abstract: The article assesses the current leadership of the Provincial Party Committee and the Communal Party Committee in promoting religious resources in Vinh Long province; It clarifies the positive results, analyzes the shortcomings and limitations, and proposes solutions to implement effectively the Party's guiding viewpoint of "promoting good culture and ethical values, and resources of religions for the national development."
Keywords: Communal Party Committee; promoting resources of religions; Vinh Long province.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh minh họa: VGP |
Khái quát công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đối với tôn giáo trên địa bàn
Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long hiện có 11 đảng bộ trực thuộc, gồm 08 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 03 đảng bộ ngành (Đảng bộ Công an tỉnh, Đảng bộ Quân sự tỉnh, Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh). Có 456 tổ chức cơ sở đảng, gồm 219 đảng bộ cơ sở, 237 chi bộ cơ sở; có 1.975 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn; trong đó có 749/752 ấp, khóm, khu thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng ấp; 100% ấp, khóm, khu đều có chi bộ(1). Quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/5/1993 về công tác tôn giáo trong tình hình mới; trong đó xác định rõ nhiệm vụ chung của Đảng bộ là phải quán triệt nhận thức sâu sắc các quan điểm đổi mới của Đảng về công tác tôn giáo nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể đối với công tác tôn giáo. Để triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 09/5/2003.
Qua 15 năm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho thấy đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế của đất nước, ngày 10/01/2018 Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tôn giáo, ngày 11/5/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Công văn số 1118-CV/TU về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) để chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 4230/2003/QĐ-UB ngày 01/12/2003 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long về công tác tôn giáo. Các cấp ủy đảng cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU và Quyết định số 4230/2003/QĐ-UB ngày 01/12/2003 phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị; đồng thời chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước; xem đây là việc làm tự giác, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Song song với việc triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác tôn giáo của các cấp đảng thì chính quyền tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện chính sách về quản lý các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm chính sách tôn giáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đặc biệt, nhằm phát huy vai trò của cá nhân và tổ chức tôn giáo đối với các hoạt động hướng đích đời sống xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 157/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 quy định hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND ngày 11/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho tổ chức tôn giáo hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Thực trạng công tác lãnh đạo của đảng bộ cấp xã ở tỉnh Vĩnh Long đối với việc phát huy nguồn lực tôn giáo
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 08 tôn giáo đang hoạt động, với 384 cơ sở tôn giáo, 485 chức sắc, 2.857 chức việc và 307.514 tín đồ, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh(2). Để có cơ sở đánh giá thực trạng về công tác lãnh đạo của đảng bộ cấp xã ở tỉnh Vĩnh Long đối với công tác phát huy nguồn lực tôn giáo; cùng với tổng hợp thông tin từ các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Long và báo cáo của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn, tác giả đã thực hiện khảo sát, điều tra xã hội học tại 20 đơn vị cấp xã có số lượng lớn đồng bào tôn giáo, với quy mô là 200 phiếu, gồm 03 đối tượng (mỗi đơn vị cấp xã thực hiện khảo sát 04 phiếu dành cho cán bộ lãnh đạo cấp xã; 03 phiếu dành cho chức sắc/chức việc và 04 phiếu dành cho người dân có đạo).
Đã tiến hành điều tra xã hội học được: (i) 80 cán bộ lãnh đạo cấp xã, bao gồm 55 nam và 25 nữ, có tuổi đời trung bình là 43, trong đó có 04 người có trình độ chuyên môn cao đẳng, 64 người đại học và 12 thạc sĩ; 13 có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 63 người trung cấp lý luận chính trị và 01 người sơ cấp lý luận chính trị. (ii) 40 chức sắc, chức việc của các tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam); trong đó có 33 nam và 07 nữ, có tuổi đời trung bình là 52,3 tuổi. (iii) 80 người dân có đạo (Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hòa hảo, Cao Đài); trong đó có 41 nam và 39 nữ, có tuổi đời trung bình là 49,7 tuổi. Những thông tin cơ bản của các đối tượng được khảo sát đảm bảo tính khách quan cho việc lựa chọn những thông tin trả lời trên phiếu khảo sát. Kết quả cụ thể như sau:
Những kết quả đạt được
Đối với phương thức lãnh đạo phát huy nguồn lực tôn giáo: Qua thông tin và số liệu khảo sát trên 03 đối tượng là cán bộ lãnh đạo cấp xã, chức sắc, chức việc tôn giáo và người dân có đạo tại 20 đơn vị cấp xã có đông đồng bào tôn giáo, có 92,5% cán bộ lãnh đạo cấp xã trả lời là đã nhận được văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về phát huy nguồn lực tôn giáo từ cấp trên; có 95% cán bộ lãnh đạo cấp xã trả lời “có” chủ động ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nguồn lực tôn giáo tại địa phương và 100% cán bộ lãnh đạo cấp xã cho rằng đảng bộ cấp xã có quan tâm đến việc vận động các nguồn lực của các tôn giáo ở trong và ngoài địa bàn. Đối chiếu số liệu khảo sát 40 đối tượng là chức sắc, chức việc thì có 94% cho rằng địa phương tạo điều kiện về cơ sở pháp lý để tôn giáo hoạt động; 85% cho rằng địa phương thường xuyên và rất thường xuyên đến vận động tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội.
Kết quả khảo sát 80 đối tượng là người có đạo cho thấy có đến 90% đánh giá hoạt động hỗ trợ của địa phương đối với tổ chức tôn giáo ở mức “Tốt” và “Rất tốt”. Điều này cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long và các đảng bộ cấp trên, theo đó đảng bộ cấp xã của tỉnh cũng đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo; đồng thời đã chủ động ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quan điểm “phát huy nguồn lực tôn giáo” được tín đồ các tôn giáo tại địa phương đồng tình, ủng hộ.
Đối với nội dung lãnh đạo phát huy nguồn lực tôn giáo: Hàng năm, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh Vĩnh Long đều có kế hoạch, tổ chức họp mặt nhân dịp, thăm mừng nhân dịp các ngày lễ trọng của các tôn giáo; đáp lại, các tôn giáo đã phối hợp tổ chức đoàn đến thăm, chúc mừng nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước. Đặt biệt, tại các cuộc lễ, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đều có mời đại diện chức sắc, chức việc tôn giáo tham dự; qua đó mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã với các tôn giáo ngày càng gắn bó hơn.
Khảo sát về mức độ sự gắn kết giữa tổ chức tôn giáo với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thì có 93,75% đối tượng là lãnh đạo cấp xã đánh giá “tốt” và “rất tốt”; 100% chức sắc, chức việc được khảo sát đánh giá “tốt” và “rất tốt”; 95% chức sắc, chức việc cho rằng cấp ủy địa phương thường xuyên quan tâm thăm chức mừng nhân dịp ngày lễ trọng của tôn giáo. Có 97,5% người có đạo cho rằng chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức đoàn thăm và chúc mừng nhân dịp các ngày lễ tôn giáo; có 91,25% cho rằng địa phương có đến vận động gia đình tham gia “mô hình tổ phụ nữ tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo gắn với xây dựng gia đình 05 có, 03 sạch” và 90% đánh giá về những hoạt động hỗ trợ của địa phương đối với tổ chức tôn giáo là “tốt” và “rất tốt”.
Những thông tin, số liệu này cho thấy sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền địa phương và các tổ chức tôn giáo trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, tin cậy. Các đảng bộ cấp xã đã thực hiện tốt nội dung lãnh đạo công tác tôn giáo nói chung, công tác phát huy nguồn lực tôn giáo nói riêng trên địa bàn phụ trách. Kết quả đã vận động các cá nhân, tổ chức tôn giáo trên địa bàn, từ năm 2017 đến nay được hơn 500 tỷ đồng, cụ thể đối với Phật giáo (giai đoạn 2017-2022) trên 174 tỷ đồng(3); Công giáo (giai đoạn 2018-2023) trên 137 tỷ đồng(4); Phật giáo Hòa Hảo (đoạn 2018-2023) trên 155 tỷ đồng(5); Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (giai đoạn 2018-2023) trên 60,4 tỷ đồng(6); Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo (giai đoạn 2017-2022) gần 440 triệu đồng(7)...; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2023 còn 0,95%(8).
Nhìn chung kết quả triển khai thực hiện quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có liên quan đến tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nói chung, đảng bộ cấp xã nói riêng đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên về công tác tôn giáo được nâng lên. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy được phát huy; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; số lượng cán bộ, đảng viên là người có tôn giáo tăng hơn trước; công tác quản lý nhà nước được tăng cường; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo được chú trọng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động đồng bào tôn giáo thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng tôn giáo từng bước được cải thiện; đa số đồng bào đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh. Đây là một trong những cơ sở để Tỉnh ủy Vĩnh Long nhấn mạnh: “Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng với các nội dung được Điều lệ Đảng quy định đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương”(9).
Bất cập, hạn chế
Kết quả điều tra, khảo sát cũng cho thấy còn một số bất cập, hạn chế trong phương thức và nội dung lãnh đạo của đảng bộ cấp xã đối với việc phát huy nguồn lực tôn giáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cụ thể là: Có 7,5% cán bộ lãnh đạo cấp xã cho rằng trong giai đoạn 2017-2022, đảng bộ cấp xã nơi họ đang công tác không nhận được văn bản nào của đảng bộ cấp trên liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nguồn lực tôn giáo; có 5% cho rằng đảng bộ cấp xã nơi họ đang công tác không chủ động ban hành văn bản nào liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nguồn lực tôn giáo tại địa phương.
Mặt khác, có 6,25% cán bộ lãnh đạo cấp xã đánh giá về sự phối hợp thực hiện công tác tôn giáo giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị là “tương đối tốt”; có 6,25% đánh giá nhận thức của cán bộ, đảng viên ở cấp xã đối với quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo ở mức “tương đối tốt”. Điều đó cho thấy một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm sâu sắc đến công tác tôn giáo, thiếu sự quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở. Công tác phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa thực sự đồng bộ mà nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về công tác tôn giáo của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được tốt; cụ thể khi khảo sát lãnh đạo cấp xã thì có 10% đánh giá năng lực tham mưu của cán bộ, đảng viên phụ trách công tác tôn giáo tại địa phương “không tốt” và “tương đối tốt”.
Việc tham mưu, đề xuất giải quyết những vụ việc liên quan đến tôn giáo có lúc, có nơi còn chậm, xử lý chưa kịp thời dẫn đến hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động tôn giáo chưa cao, vẫn còn một số vụ việc chưa xử lý dứt điểm. Nguyên nhân của những hạn chế này cũng được chỉ ra trong Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 27/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long về tăng cường củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, với 03 nội dung cơ bản như sau(10):
Một là, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc, tôn giáo chưa thật sâu sắc, chưa đầy đủ, toàn diện; tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo tuy vẫn còn bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ.
Hai là, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi lúc chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành pháp luật của một số nơi còn chưa cao; nguồn lực đầu tư cho các xã vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo còn hạn chế.
Ba là, việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc đổi mới phương thức vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao.
3. Giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo của đảng bộ cấp xã ở tỉnh Vĩnh Long trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(11), trong thời gian tới đảng bộ cấp xã ở tỉnh Vĩnh Long cần tăng cường công tác lãnh đạo để thực hiện tốt 05 nội dung sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị đối với công tác tôn giáo; quan tâm kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác dân tộc, tôn giáo các cấp; tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng đảng bộ cấp xã của tỉnh Vĩnh Long thật sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm chất lượng.
Thứ hai, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy nguồn lực tôn giáo; chủ động, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ ba, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của Nhân dân, gắn với việc giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo; xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến tôn giáo, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Thứ năm, phối hợp nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo; thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng đồng bào có đạo. Chú trọng công tác phát triển đảng viên là người có tôn giáo; quan tâm bồi dưỡng, phát triển lực lượng cốt cán trong các tôn giáo làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện các hoạt động tôn giáo đúng theo quy định của pháp luật.
Cả năm nội dung này có mối quan hệ biện chứng và kết nối thành một hệ thống, để tiếp tục phát huy nguồn lực tôn giáo thì cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị của tỉnh Vĩnh Long, trong đó có vai trò rất quan trọng của các đảng bộ cấp xã để thực hiện trách nhiệm đối với công tác tôn giáo nói chung, phát huy nguồn lực của các tôn giáo nói riêng theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần thiết thực cùng Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đưa đất nước tiến bước vững chắc vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.
‐--------------------
Ghi chú:
(1), (8), (9) Tỉnh ủy Vĩnh Long, Báo cáo số 541-BC/TU ngày 10/6/2024 về tổng kết 15 năm thi hành Điều lệ Đảng (2011-2025), tr. 11, tr.2, tr.12.
(2) Trần Văn Biết, Thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công, Học viện khoa học xã hội, H.2022.
(3) Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Văn kiện Đại hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027.
(4) Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Vĩnh Long, Văn kiện Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Vĩnh Long lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028.
(5) Tỉnh ủy Vĩnh Long, Báo cáo số 400-BC/TU ngày 25/7/2023 về Tổng kết 25 năm thực hiện Thông báo số 165-TB/TW của Thường vụ Bộ Chính trị về chủ trương đối với Phật giáo Hòa Hảo trong tình hình mới.
(6) Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Văn kiện Đại hội đại biểu Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh, nhiệm kỳ IV (2023-2028).
(7) Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo tỉnh Vĩnh Long, Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ III (2017-2022) và phương hướng chương trình đạo sự của Ban Trị sự tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ IV (2022-2027).
(10) Tỉnh ủy Vĩnh Long, Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 27/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, tr.01-02.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, H.2021, tr.171.
TS Bạch Thanh Sang - Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục