Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách "Khung thiết kế nghiên cứu ứng dụng nền tảng G-LCDP xây dựng quy trình nghiệp vụ trong Chính phủ số" của TS Phạm Ngọc Huyền.
Bìa cuốn sách. |
Bối cảnh cải cách hành chính, ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đang hướng tới và cũng là xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Cuốn sách là công trình nghiên cứu chuyên sâu, vừa tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, vừa phân tích và đề xuất nền tảng mới ứng dụng trong xây dựng Chính phủ số.
Low Code Deverlopment Platform có tính điều chỉnh linh hoạt, tạo ra những ứng dụng phức tạp mà không cần lập trình viết mã từ đầu, thay vào đó là tính năng kéo thả khối trên một giao diện đồ họa. Nền tảng có khả năng dùng chung, kết nối và chia sẻ dữ liệu, góp phần thay đổi hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, giảm thời gian và tiết kiệm chi phí, đem đến hiệu quả phát triển bền vững, tạo môi trường phát triển ổn định, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Cuốn sách hệ thống các nội dung, gồm:
I. Luận giải các nội dung để xác định vấn đề nghiên cứu và thiết kế nghiên cứu, gồm: 1) Xác định cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu; 2) Cách tìm kiếm và xác định vấn đề nghiên cứu; 3) Xây dựng giả thuyết nghiên cứu; 4) Xác định mục tiêu của đề tài nghiên cứu; 5) Xác định đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu; 6) Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu; 7) Xác định khoảng trống nghiên cứu; 8) Luận giải về những nội dung cần nghiên cứu đề tài; 9) Tìm kiếm và liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài đã trích dẫn khi đánh giá tổng quan; 10) Xây dựng Khung thiết kế nghiên cứu và mô tả chi tiết Khung thiết kế nghiên cứu.
II. Luận giải các nội dung và các thức xác định nội dung nghiên cứu và các hoạt động, nguồn lực triển khai nghiên cứu, gồm: 1) Xác định những công việc của từng nội dung nghiên cứu và triển khai thực nghiệm; 2) Xác định thông tin, tính chất đề tài nghiên cứu và dự kiến nguồn lực tham gia; 3) Xác định các hoạt động phục vụ nội dung nghiên cứu; 4) Xây dựng Phương án thử nghiệm kết quả nghiên cứu; 5) Xây dựng Phương án phối hợp với các tổ chức nghiên cứu; 6) Xây dựng Phương án hợp tác quốc tế; 7) Xây dựng Phương án thuê chuyên gia.
III. Luận giải cách thức xác định sản phẩm khoa học và công nghệ của nghiên cứu, cụ thể:
1) Xác định sản phẩm khoa học và công nghệ chính của đề tài và yêu cầu chất lượng cần đạt; 2) Xác định khả năng ứng dụng và phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu; 3) Mô tả phương thức chuyển giao; 4) Phạm vi và địa chỉ (dự kiến) ứng dụng các kết quả nghiên cứu.
Cuốn sách “Khung thiết kế nghiên cứu ứng dụng nền tảng G-LCDP xây dựng quy trình nghiệp vụ trong Chính phủ số” do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản và gửi tới bạn đọc nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết kế và xây dựng một nghiên cứu vừa có tính khoa học, vừa có tính ứng dụng trong thực tiễn góp phần vào việc nâng cao hiệu quả triển khai các quy trình thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước và đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích trong nghiên cứu và giảng dạy môn học Phương pháp nghiên cứu khoa học, Chính sách chuyển đổi số quốc gia thuộc chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Chính sách công định hướng ứng dụng; chuyên đề Chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số thuộc Chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính. Ngoài ra, cuốn sách phù hợp tham khảo để xây dựng, thiết kế một nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là nghiên cứu phát triển nền tảng ứng dụng trong xử lý quy trình, thủ tục hành chính nội bộ trong Chính phủ và các bộ./.
Nhật Nam
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục