Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký xác thực Văn bản hợp nhất Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Hợp nhất Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. |
Cụ thể, Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BNV ngày 17/10/2024 hợp nhất Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2020, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2023; Nghị định số 116/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, có hiệu lực kể từ ngày 17/9/2024.
Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BNV nêu rõ: Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.
Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quyết định tuyển dụng theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm: 1) Số lượng biên chế được giao và số lượng biên chế chưa sử dụng của cơ quan sử dụng công chức. 2) Số lượng biên chế cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định cụ thể vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau (nếu có). 3) Số lượng biên chế, vị trí việc làm tuyển dụng riêng đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định cụ thể chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển. 4) Số lượng biên chế, vị trí việc làm thực hiện xét tuyển (nếu có) đối với từng nhóm đối tượng: Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. 5) Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định cụ thể yêu cầu về thang điểm kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức (nếu có); yêu cầu về ngoại ngữ dự thi đối với từng vị trí việc làm (nếu có). 6) Hình thức và nội dung tuyển dụng (thi tuyển hoặc xét tuyển); trường hợp thi tuyển thì xác định cụ thể hình thức tổ chức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành. 7) Các nội dung khác (nếu có).
Kế hoạch tuyển dụng khi xét tuyển đối với nhóm đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Về sử dụng công chức, Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BNV quy định: Việc bố trí, phân công công tác cho công chức phải theo yêu cầu của vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phù hợp giữa quyền hạn và nhiệm vụ được giao với chức danh, chức vụ và ngạch công chức tương ứng. Trường hợp công chức được bổ nhiệm, bố trí vào vị trí việc làm mới thì cấp có thẩm quyền thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm mới.
Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức chịu trách nhiệm bố trí, phân công công tác, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để công chức thi hành nhiệm vụ và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức.
Việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây: 1) Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; 2) Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; 3) Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Đảng và pháp luật.
Biệt phái công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây: 1) Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách; 2) Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.
Về quản lý công chức, Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BNV nêu rõ, nội dung quản lý công chức, gồm: 1) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công chức. 2) Xây dựng kế hoạch, quy hoạch công chức. 3) Quy định ngạch, chức danh, mã số công chức; vị trí việc làm và cơ cấu công chức. 4) Xác định số lượng và quản lý biên chế. 5) Tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng công chức. 6) Tổ chức thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức. 7) Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức. 8) Tổ chức thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật đối với công chức. 9) Thực hiện chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức. 10) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và quản lý hồ sơ công chức. 11) Thanh tra, kiểm tra việc thi hành quy định của pháp luật về công chức. 12) Chỉ đạo, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức./.
Nhật Nam
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục