Hà Nội, Ngày 05/10/2024

Thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8

Ngày đăng: 28/09/2024   14:23
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 28/9/2024, cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: QH

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Thừa Thiên Huế luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận quan trọng về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh… Vì vậy, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thành lập 02 quận, 01 thị xã, 01 huyện và 11 phường, 01 xã, 01 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có liên quan.

Tại Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã có phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc Trung ương và các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc; bố trí, giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; trụ sở, tài sản công dôi dư và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về chủ trương, sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8; tiêu chuẩn, điều kiện của các ĐVHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Đồng thời, cho ý kiến về quy trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận về nội dung các Đề án của tỉnh Thừa Thiên Huế mà Chính phủ trình.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nội dung Đề án cần tập trung đậm nét vào những yêu cầu lớn để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, yêu cầu cần chú trọng, quan tâm về chất lượng đô thị; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; rà soát kỹ lưỡng các tiêu chuẩn, chỉ tiêu, phản ánh đúng bản chất. 

Về sắp xếp các ĐVHC, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết được vấn đề trụ sở và cán bộ dôi dư. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân địa phương thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết về mặt nguyên tắc đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: QH

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời, giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn thiện Báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thiện dự thảo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình ký ban hành theo quy định.

Cũng tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết về mặt nguyên tắc đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương./.

Duy Thái

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thủ tướng: Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới

Ngày đăng 02/10/2024
Chiều 01/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan với mục tiêu chậm nhất tới ngày 31/12/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.

Những dấu ấn nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác cán bộ

Ngày đăng 30/09/2024
Tóm tắt: Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho chúng ta di sản tư tưởng, lý luận quý báu, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà đã vươn đến tầm vóc quốc tế; không chỉ cho hôm nay mà với cả mai sau, trong đó có những di sản lý luận về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Từ khóa: dấu ấn nổi bật; di sản lý luận về công tác cán bộ; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Công bố Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước

Ngày đăng 30/09/2024
Sáng 30/9/2024, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 02 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2024. 

Việt Nam tiếp tục thăng hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Ngày đăng 27/09/2024
Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 cho thấy, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới. Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển.

Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững

Ngày đăng 26/09/2024
Chiều 25/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững.