Ngày 16/9/2024, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ nhằm nắm bắt tình hình và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Duy Thăng, Vũ Chiến Thắng, Trương Hải Long; người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
![]() |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thu Vân; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương; đại diện các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc. |
Báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ từ năm 2021 đến nay, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, toàn ngành Nội vụ đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được cấp có thẩm quyền giao; chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông các quy định pháp luật với quy định của Đảng.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, nhiệm vụ chính trị quan trọng luôn được Bộ Nội vụ ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện nhằm đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả nền hành chính nhà nước theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; theo đó đã tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách pháp luật bảo đảm tính khả thi, đến nay các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ đã cơ bản đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của nền hành chính nhà nước và sự phát triển của đất nước.
Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương triển khai cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình hợp lý, từng bước, thận trọng, chắc chắn, khả thi và hiệu quả được cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang và xã hội thống nhất, đồng thuận cao, thiết thực góp phần nâng cao đời sống các đối tượng hưởng lương và chính sách trợ cấp, phụ cấp nhiều đối tượng liên quan.
Tập trung tham mưu hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; đồng thời, đã chủ động tham mưu cho Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến sắp xếp ĐVHC.
Triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; việc tinh giản biên chế công chức và giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu được Bộ Chính trị giao; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với quy định cụ thể trách nhiệm và kiểm soát quyền lực chặt chẽ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác quản lý đội ngũ CBCCVC có nhiều đổi mới; tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất và năng lực, có cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từng bước tạo lập khung pháp lý để xây dựng đội ngũ CBCCVC tinh thông nghiệp vụ.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) được triển khai quyết liệt, đặc biệt là cải cách TTHC. Kết quả CCHC của các bộ, ngành, địa phương cơ bản được lượng hóa, thể hiện thông qua điểm, xếp hạng chỉ số CCHC hàng năm. Đây là thước đo quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, từ đó có giải pháp nâng cao công tác quản lý nhà nước của mình. Đến nay các địa phương cơ bản đã hoàn thành việc triển khai hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.
Công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng được đổi mới; chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phát động nhiều đợt thi đua đặc biệt có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội to lớn.
Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được duy trì ổn định, tuân thủ pháp luật, chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp, nhạy cảm về tôn giáo.
Công tác văn thư, lưu trữ, quản lý hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ, công tác thanh niên, thanh tra, pháp chế, nghiên cứu khoa học... đã có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Cũng tại buổi làm việc, xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ đề xuất Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: 1) Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. 2) Chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thành dứt điểm việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành hoạt động không hiệu quả; tổ chức họp Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ. 3) Xem xét 02 dự thảo Nghị định Bộ Nội vụ đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Chính phủ gồm: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/11/2019 quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. 4) Tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số bộ, địa phương hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC để đối khớp, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 5) Quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại học thi đua yêu nước toàn quốc bảo đảm đúng tiến độ; khẩn trương trình hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp nhà nước nhân dịp các ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước năm 2025.
![]() |
Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đã bổ sung, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ đã và đang triển khai thực hiện; đồng thời nêu lên một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện và có những kiến nghị, đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.
![]() |
Đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả đạt được trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ trong thời gian qua. Đặc biệt, đánh giá cao Bộ Nội vụ luôn có tinh thần đổi mới, quyết liệt, sáng tạo, chủ động phối hợp và tinh thần đoàn kết, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tốt. Các đại biểu cũng chia sẻ khó khăn với Bộ Nội vụ trong một số nhiệm vụ còn chậm do đây là những việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 56/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, nhất là nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là nhiệm vụ khó khăn, gấp rút nhằm chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội Đảng các cấp tiến hành từ năm 2025, do đó khi Bộ Nội vụ trình xin ý kiến thành viên Chính phủ cần được thực hiện kịp thời. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế đối với công chức cũng mong muốn được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, đồng thời phù hợp với thực tiễn.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, tình hình tôn giáo, tín ngưỡng cơ bản ổn định, các tổ chức tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng chống phá Nhà nước. Năm 2025, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ VESAK tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện này.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc. |
Về lĩnh vực công chức, viên chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, hiện nay có một số người làm việc trong các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước nhưng đang hưởng chế độ của viên chức. Bộ Nội vụ đã tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để xin ý kiến giải quyết; đồng thời, sẽ nghiên cứu để đưa nội dung này vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong thời gian tới.
![]() |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Bộ Nội vụ luôn nhận thức rõ và quan tâm quán triệt các chủ trương của Đảng, tham mưu kịp thời để thể chế hóa chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Bộ Nội vụ luôn nhận thức rõ và quan tâm quán triệt các chủ trương của Đảng, tham mưu kịp thời để thể chế hóa chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống. Cùng với đó, Bộ Nội vụ xác định tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới, phát triển, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn, khó khăn như xây dựng và hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực công chức, viên chức, tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương, cải cách hành chính, chính sách tiền lương, thi đua, khen thưởng, tín ngưỡng, tôn giáo... Điển hình trong việc giảm tổ chức bộ máy hành chính, giảm ĐVSNCL, sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, thực hiện 4/6 nội dung tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương...
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của Chính phủ để linh hoạt xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Quan tâm chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp. Tiến hành tổng kết 20 năm cơ cấu tổ chức Chính phủ và tổng kết 10 năm Chỉ thị số 34-CT/TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng...
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ Nội vụ cho buổi làm việc, các nội dung báo cáo đầy đủ, đánh giá sâu sắc những thành quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và có những kiến nghị, đề xuất cụ thể trong việc hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng, Bộ Nội vụ đóng vai trò rất quan trọng, quản lý về con người, tổ chức bộ máy và nhiều lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, quyết liệt, Bộ Nội vụ đã đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Thứ nhất, có đội ngũ đoàn kết, tâm huyết, chuyên nghiệp, tham mưu các nhiệm vụ bám sát chủ trương của Đảng và thực tiễn; phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, chấp nhận nhiều khó khăn, phức tạp, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Thứ ba, các nhiệm vụ được giao hoàn thành tốt trên các lĩnh vực như công tác xây dựng thể chế với nhiều dự án luật, nghị định, thông tư; đã làm thay đổi căn bản việc quản lý CBCCVC và có đóng góp thiết thực trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy; sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, góp phần tinh gọn bộ máy.
Thứ tư, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương mặc dù chưa được trọn vẹn các nội dung tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, nhưng Bộ Nội vụ đã có sự tham mưu hợp lý, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của đội ngũ CBCCVC.
Thứ năm, công tác CCHC được đẩy mạnh, đặc biệt là cải cách TTHC đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ sáu, Bộ Nội vụ là một trong những bộ đi đầu trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý CBCCVC.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ cần đột phá hơn nữa trong việc xây dựng thể chế để góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Phó Thủ tướng khẳng định sẽ đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để Bộ Nội vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; cũng như trong các mặt công tác của Bộ Nội vụ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tin tưởng với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm của tập thể lãnh đạo Bộ Nội vụ, của đội ngũ CBCCVC Bộ, ngành Nội vụ sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.
Hoài Nga
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục