Hà Nội, Ngày 05/10/2024

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay

Ngày đăng: 06/09/2024   14:53
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội là lực lượng nòng cốt trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, sĩ quan trong các đơn vị quân đội. Vì vậy, cần thiết phải nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường với đơn vị trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn cách mạng hiện nay.  

Từ khóa: Bồi dưỡng; đội ngũ giảng viên; khoa học xã hội và nhân văn; trường sĩ quan quân đội.

Abstract: The team of lecturers of social sciences and humanities in military officer schools is the core force in training and fostering cadres and officers in military units. Therefore, it is necessary to improve the effectiveness of coordination between schools and units in fostering the team of lecturers of social sciences and humanities in military officer schools to meet the requirements and tasks of building up a regular, elite, and modern Vietnam People's Army in the current revolutionary period.

Keywords: Fostering; team of lecturers; social sciences and humanities; military officer schools.

Ảnh minh hoạ: Internet.

Vai trò của mối quan hệ giữa các nhà trường và đơn vị quân đội trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên khoa học xã hội và nhân văn

Lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn với đơn vị, với chiến trường, là một trong những kinh nghiệm quý báu, vấn đề có tính nguyên tắc trong giáo dục và đào tạo của các nhà trường quân đội. Sự gắn kết giữa nhà trường với đơn vị trong xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là phương châm, đồng thời là một nguyên tắc cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ về chỉ huy, chính trị, chuyên môn kỹ thuật, thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ của các học viện, nhà trường quân đội là cơ sở, tiền đề, có ý nghĩa quyết định; còn đơn vị chính là nơi rèn luyện, kiểm chứng chất lượng giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vì vậy, công tác ĐTBD ở nhà trường quân đội nếu không gắn với đơn vị thì sẽ thiếu đi tính thực tiễn.    

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lý luận phải liên hệ với thực tế. Học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận”1. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ phương châm, nguyên tắc đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn”2. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới cũng khẳng định cần phải: “Gắn nhà trường với chiến trường và đơn vị; gắn đào tạo với bồi dưỡng và sử dụng, coi chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị; gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và đào tạo trong nhà trường với bồi dưỡng tại đơn vị và tự học, tự rèn trong quá trình công tác…”3

Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về giáo dục và đào tạo, các nhà trường quân đội luôn xác định cần xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng toàn diện, có phương pháp, tác phong công tác tốt, năng lực hoạt động thực thiễn tốt, tự lực, chủ động, sáng tạo có hiệu quả; có khả năng xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tế. Những năm qua, các đơn vị cơ sở và các trường sĩ quan quân đội đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác giáo dục và đào tạo đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Hàng năm, theo chỉ tiêu cán bộ của cơ quan các cấp, các quân khu, quân đoàn, quân chủng và binh chủng đều lựa chọn nguồn ĐTBD giáo viên tại Học viện Chính trị theo các chuyên ngành khác nhau; hoặc cử hạ sĩ quan, binh sĩ trúng tuyển vào các kỳ thi đại học tham gia đào tạo tại các trường sĩ quan quân đội. Sự phối hợp, gắn kết đó được xác định là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, một yêu cầu khách quan trong quy trình ĐTBD, cung cấp những bài học thực tiễn, trực quan sinh động, cập nhật thông tin mới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên các nhà trường. Thông qua các đợt thực tập, thực tế của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn tại các đơn vị, địa phương của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng đã đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn sinh động ở đơn vị, nhất là hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ. Đó là những “bài học thực tiễn” để người học cùng trao đổi, thảo luận, tập bài, diễn tập sát với thực tế; đồng thời, trực tiếp bổ sung thông tin cho các chuyên đề của đội ngũ giảng viên ở nhà trường, bảo đảm tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học hiện nay ở các nhà trường quân đội.

Bên cạnh đó, thông qua đội ngũ học viên từ nhiều nguồn khác nhau về các trường sĩ quan học tập đã tạo cơ hội thuận lợi cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có điều kiện tiếp xúc với từng đối tượng cán bộ ở từng loại hình cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Thực tế cho thấy, ở một số trường sĩ quan, có một bộ phận giảng viên trẻ là học viên mới tốt nghiệp ra trường, chưa từng đi thực tế hoặc công tác tại các đơn vị cơ sở ngoài quân đội, do đó còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Trong quá trình tiến hành các hoạt động sư phạm trên giảng đường như trao đổi, trả lời vấn đáp cũng như tiến hành các hoạt động sau bài giảng như xêmina, hướng dẫn viết thu hoạch... đội ngũ học viên sẽ góp phần cung cấp cho các giảng viên lên lớp những kinh nghiệm thực tiễn, những mô hình, phương pháp, cách làm hiệu quả hoặc các tình huống điển hình mà trực tiếp họ đã tham gia hoặc trên cương vị cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giải quyết. Những hoạt động như vậy không chỉ làm tăng tính hấp dẫn của giờ giảng, mà còn mở rộng tri thức, bổ sung kinh nghiệm cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn các nhà trường quân đội. 

Tuy nhiên, việc kết hợp giữa các đơn vị với các nhà trường trong bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn vẫn còn một số hạn chế, như giảng viên thực tập ở các đơn vị chưa mạnh dạn, chủ động trao đổi với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, do đó chưa kịp thời định hướng, rút kinh nghiệm trong quá trình thực tế, thực tập. Một số lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chưa mạnh dạn giao nhiệm vụ quản lý, chỉ huy, điều hành đơn vị, tham gia huấn luyện và các hoạt động của đơn vị cho giảng viên đến thực tập, thực tế. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đơn vị chưa chủ động, linh hoạt. Kỹ năng thuyết trình trước tập thể, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống còn hạn chế. Một số giảng viên trong quá trình công tác tại đơn vị, rèn luyện sức khỏe chưa tốt nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác của đơn vị; một số giảng viên trẻ mới tốt nghiệp ra trường khi ra đơn vị còn chưa bắt nhịp được với thực tiễn đơn vị, kiến thức, năng lực, kinh nghiệm, phương pháp, tác phong công tác và trách nhiệm còn hạn chế; chưa giải quyết phù hợp mối quan hệ công tác giữa chính ủy, chính trị viên với chỉ huy đơn vị và cơ quan dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chưa cao. Mặt khác, sự phối hợp giữa đơn vị trong bồi dưỡng đội ngũ giảng viên với các trường sĩ quan chỉ dừng lại ở từng giai đoạn, theo từng góc độ mà chưa thực sự trở thành hoạt động phổ biến trên diện rộng. 

Đó là những lý do, yêu cầu khách quan phải quan tâm chú trọng và nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa đơn vị với các trường sĩ quan quân đội trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.

Một số giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đơn vị với các trường sĩ quan quân đội trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn 

Một là, tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và nhà trường trong nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, làm cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học khoa học xã hội và nhân văn trong các nhà trường quân đội. 

Thực tiễn tại các đơn vị cơ sở trong toàn quân hiện nay đã và đang nảy sinh những vấn đề rất mới trên nhiều lĩnh vực hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, công tác đảng, công tác chính trị... Nhiệm vụ của các nhà trường là đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, của đơn vị thông qua giáo dục và đào tạo; học viên không chỉ được trang bị đầy đủ, toàn diện những kiến thức cơ bản về chuyên ngành, mà còn phải được bồi dưỡng kỹ năng thực hành các hoạt động ở đơn vị, đảm bảo sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhiệm ngay chức trách, nhiệm vụ được giao. Do đó, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong nghiên cứu thực tiễn, góp phần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng vừa thiết thực, vừa chuyên sâu, nội dung không trùng lặp giữa các bậc học. 

Đồng thời, đổi mới quy trình dạy học cho người học theo hướng tăng thêm hình thức tập bài, tập giảng, nêu vấn đề, xây dựng tình huống sát với thực tiễn ở đơn vị, qua đó rèn luyện tinh thần tự giác nghiên cứu, tìm tòi những nội dung tri thức, kinh nghiệm trong thực tiễn, tự liên hệ với các đơn vị cơ sở bên ngoài hoặc xác định phương pháp nâng cao hiệu quả trao đổi để người học tham gia tích cực hơn vào hoạt động học tập như trả lời câu hỏi, trao đổi với người dạy, trên cơ sở đó rèn luyện tư duy linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh, tự tin trong xử lý những vấn đề thực tiễn ở đơn vị đặt ra trên cương vị công tác.

Hai là, phối hợp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.

Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa nền tảng trong nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các nhà trường quân đội cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục rà soát, đánh giá thực chất đội ngũ giảng viên làm cơ sở cho việc quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ chủ trì, cán bộ khoa học đầu ngành, giảng viên nòng cốt, giảng viên trẻ có năng lực toàn diện… đảm bảo đồng bộ, có cơ cấu, độ tuổi hợp lý, hình thành lớp cán bộ đương nhiệm, có tính kế thừa liên tục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác quy hoạch, tuyển dụng, ĐTBD, tập huấn, các trường cần chủ động bố trí giảng viên đi thực tế ở các đơn vị cơ sở, tham quan học tập tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, trong và ngoài nước để có điều kiện nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn. 

Cần vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tạo nguồn đội ngũ cán bộ, giảng viên, trong đó coi trọng lựa chọn những học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, những cán bộ có năng lực, trình độ học vấn, khả năng phát triển lâu dài… từ các đơn vị, nhà trường trong và ngoài Quân đội để bồi dưỡng làm giảng viên và đưa vào nguồn quy hoạch. Đội ngũ cán bộ khoa, bộ môn phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, qua thực tế chỉ huy tại đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên; có phương pháp giảng dạy tiên tiến, khoa học, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực đảm nhiệm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện chuẩn hóa chức danh, đánh giá, sử dụng đúng năng lực, trình độ, tạo động lực để đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn phấn đấu vươn lên. Quá trình đánh giá, nhận xét, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ, giảng viên phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, chính xác, đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn vi phạm kỷ luật, đã được nhắc nhở, uốn nắn nhưng không có dấu hiệu, biểu hiện sửa chữa, khắc phục, chuyển biến, tiến bộ.

Ba là, phối hợp trong xây dựng các chuyên đề giảng dạy theo mục tiêu, yêu cầu để nâng cao trình độ cho giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.

Để việc phối hợp trong nội dung này có hiệu quả, cần đổi mới phương thức, nội dung các chuyên đề giảng dạy theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn. Ở mỗi cấp đào tạo, cần xây dựng những chuyên đề chuyên sâu về tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức hoạt động thực tiễn ở đơn vị để làm cơ sở minh chứng cho lý luận. Các chuyên đề nghiên cứu cần được xây dựng trên ý tưởng thống nhất giữa thực tiễn của các đơn vị và khung kiến thức lý luận của nhà trường. Tùy theo đối tượng lên lớp và đặc thù đơn vị công tác sau khi ra trường để phối hợp xác định nội dung các chuyên đề cho phù hợp. Theo đó, các chuyên đề cần xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, đối tượng quản lý, từ mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên để các nhà trường xác định hình thức ĐTBD phù hợp. Những chuyên đề sát thực tiễn đơn vị này sẽ tạo tiền đề để nâng cao khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, giữa trang bị kiến thức với bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ giảng viên. 

Bốn là, phối hợp tổ chức tốt các đợt thực tế của giảng viên. 

Thực tế của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn là một khâu quan trọng trong quá trình bồi dưỡng tại các nhà trường quân đội. Để nâng cao hơn nữa chất lượng thực tế của giảng viên, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học các môn khoa học xã hội và nhân văn theo mô hình, mục tiêu, yêu cầu đào tạo của mỗi trường, mỗi chuyên ngành cụ thể, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành có liên quan, nhất là giảng viên, khoa giáo viên, đơn vị cơ sở đến thực tế về mục đích thực tế của giảng viên. Cần kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị và nhà trường trong bố trí cương vị thực tế cho giảng viên, tạo điều kiện cho giảng viên được “thử sức”, thể hiện kiến thức đã được tiếp thu trong quá trình tích lũy tại nhà trường. Trước mỗi đợt thực tế, giảng viên cần được bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết trong thực hành chức trách theo cương vị tại đơn vị. Các đơn vị nhận giảng viên đến thực tế, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, phải đề cao trách nhiệm bồi dưỡng kiến thức, phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên, mạnh dạn giao nhiệm vụ, tạo điều kiện để giảng viên hoàn thành nhiệm vụ thực tế. Với giảng viên thực tế, phải có tư duy thực tiễn, kiểm nghiệm những kiến thức được trang bị trong quá trình tích lũy tại trường với thực tiễn phong phú tại đơn vị để tự hoàn thiện kiến thức của bản thân.

Phối hợp giữa đơn vị với nhà trường trong bồi dưỡng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn luôn là vấn đề có tính thời sự cấp thiết, nhằm nâng cao hơn nữa “sản phẩm” đào tạo của các trường sĩ quan quân đội. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của nhà trường, của các đơn vị, mà còn là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chức năng trong soạn thảo, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong ban hành và tổ chức thực hiện quy định về nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện mối quan hệ phối hợp, chương trình phối hợp công tác giữa nhà trường với đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng ĐTBD đội ngũ cán bộ quân đội nói chung, đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

------------------------

Ghi chú: 

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.94-95.

(2) Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XI, Nxb CTQG-ST, H.2013, tr.78.

(3) Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Vũ Minh Thành - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Khai mạc Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo Việt Nam - Lào

Ngày đăng 25/09/2024
Ngày 25/9/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo Việt Nam - Lào. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tăng cường chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong tình hình mới

Ngày đăng 26/09/2024
Tóm tắt: Chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng khoa học và công nghệ, mà còn là quá trình thay đổi cách thức, tư duy làm việc một cách hiệu quả cho mọi công việc nói chung. Đặc biệt, trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở Việt Nam thời gian qua, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng vào việc giúp các cấp bộ đoàn tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tổ chức các hoạt động phong trào. Từ khóa: Chuyển đổi số; công tác đoàn; đoàn viên, thanh niên.

Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản

Ngày đăng 17/09/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, xây dựng Học viện thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; hình mẫu về giữ gìn kỷ cương học đường, kỷ luật học tập, địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản.

Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030

Ngày đăng 28/08/2024
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng, góp phần phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Thực trạng và giải pháp trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày đăng 23/08/2024
Công tác cán bộ dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ ở những nơi này chưa đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Do vậy, cần xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm và các chính sách khác có liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ DTTS&MN.