Thành phố Hà Nội cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan đặc biệt là nguyên nhân chủ quan để có các giải pháp hiệu quả khắc phục, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) chia sẻ về một số giải pháp nâng cao Chỉ số SIPAS. |
Sáng 29/8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PCI, PGI của thành phố Hà Nội và các giải pháp nâng cao các chỉ số. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, tại kết luận của phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ "5 đẩy mạnh" thời gian tới để mang lại hiệu quả thiết thực, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ba chuyển đổi; quyết liệt để tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính trên 6 trục nội dung theo đúng phương châm của năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững".
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX năm 2021, 2022, 2023 của Hà Nội đứng trong top 10, đặc biệt năm 2022 và năm 2023, PAR INDEX của Thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021.
Chỉ số SIPAS của thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì năm thứ 5 liên tiếp đạt trên 80%, năm 2023 tăng 9 bậc so với năm 2022, xếp vào nhóm các thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số Hài lòng cao.
Kết quả Chỉ số PCI của Hà Nội năm 2023 đạt 67,15 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố - tăng 0,41 điểm.
Công tác chuyển đổi số, Đề án 06 được triển khai quyết liệt, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (thí điểm như sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID…). Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) - kênh tương tác giữa chính quyền với người dân, các vấn đề về đời sống dân sinh, công khai minh bạch để người dân tham gia đóng góp cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Tuy nhiên nhiều nội dung, tiêu chí các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PCI, PGI chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Tiêu biểu như nội dung liên quan đến chính sách phát triển kinh tế, quản trị môi trường, tiếp cận đất đai, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị có chỉ số thấp.
Chỉ số PCI, PGI Có 05/10 chỉ số thành phần giảm bậc trong đó có các chỉ số thành phần xếp thứ hạng rất thấp ("Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự" xếp thứ 62/63; "Tiếp cận đất đai" giảm 02 bậc, xếp thứ 61/63). Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) có sự cải thiện nhưng vẫn xếp ở vị trí 30/63 tỉnh, thành phố.
Vẫn còn những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ giao tiếp, ứng xử chưa đúng mực, gây bức xúc đối với công dân, đặc biệt một số lĩnh vực như đầu tư, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhận định, Thành phố cần cùng nhận thức đầy đủ thống nhất các tồn tại, hạn chế, phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan đặc biệt là nguyên nhân chủ quan để có các giải pháp hiệu quả khắc phục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Có hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết công việc
Tại Hội nghị, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, năm 2023, Bộ đã tiến hành khảo sát về SIPAS (Chỉ số sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) với trên 39.000 phiếu trên cả nước, trong đó có 2.700 phiếu tại Hà Nội.
Kết quả cho thấy, về chỉ số hài lòng chung, cả nước đạt 82,66%, tại Hà Nội đạt 83,57% (tăng 3,41% so với năm 2022), xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc so với năm 2022). Chỉ số hài lòng về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, chỉ số hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công đều xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố.
Qua khảo sát, khoảng 11.38% người dân tại địa bàn Hà Nội trả lời rằng có hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết công việc, cao hơn 5.93 % so với 2022 (5.45%).
Người dân cũng nêu mong muốn như: 60,69% mong muốn nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức; 60,24% mong nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến; 59,58% mong đợi nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị…
Hà Nội còn công khai, cập nhật thủ tục hành chính chậm ở một số lĩnh vực; tình trạng trễ hẹn thủ tục hành chính còn ở cả 3 cấp; một số lãnh đạo, quản lý có vi phạm dẫn đến phải kỷ luật; thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán chưa hoàn thành; đánh giá của một số nhóm lãnh đạo, quản lý còn thấp…
Về giải pháp nâng cao các chỉ số, ông Phạm Minh Hùng nêu cần đổi mới phương thức lãnh đạo, nắm sát thực tiễn, chuyển hóa thành hành động, kết quả cụ thể. Chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ.
Bên cạnh đó, cần cải cách hành chính đồng bộ, quyết liệt, bám sát các chỉ đạo của Trung ương; ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan thường trực cải cách hành chính với các đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở các ngành, lĩnh vực…./.
Theo: chinhphu.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục