Triển khai Quyết định số 591/QĐ-BNV ngày 23/8/2024 của Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, Tạp chí Tổ chức nhà nước đăng tải toàn văn nội dung Luật Thủ đô đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 28/6/2024.
Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) gồm 07 chương, 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật số 39/2024/QH15 tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật Thủ đô năm 2024 dành riêng Chương II quy định về: (1) Tổ chức chính quyền đô thị. (2) Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Trong đó, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 03 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định, bảo đảm không quá 11 người. Hội đồng nhân dân thành phố được thành lập không quá 06 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể. Ban của Hội đồng nhân dân thành phố gồm Trưởng ban do Hội đồng nhân dân bầu; Phó Trưởng ban và các Ủy viên do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố phê chuẩn. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố quyết định số lượng Phó Trưởng ban bảo đảm bình quân không quá 02 người trên một Ban.
(3) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. (4) Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Trong đó, Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không quá 09 người do Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố quyết định; được thành lập không quá 03 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể.
(5) Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội. (6) Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường. Trong đó, Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban nhân dân phường gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. Phường loại I và loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, phường loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
(7) Phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân. (8) Tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. (9) Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao./.
Nhật Nam
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục