Hà Nội, Ngày 15/09/2024

Các tài liệu lưu trữ cần được và phải được phát huy giá trị

Ngày đăng: 08/08/2024   15:09
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 21/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lưu trữ. Ngày 01/7/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Lệnh số 03/2024/L-CTN về việc công bố Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Phóng viên Tạp chí Tổ chức nhà nước đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước về một trong những điểm mới của Luật Lưu trữ năm 2024 là quy định về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng.

Phóng viên: Một trong những điểm mới của Luật Lưu trữ năm 2024 so với Luật Lưu trữ năm 2011 là quy định về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung mới này?

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng: Lĩnh vực lưu trữ của một quốc gia quan trọng ở hai điểm: Thứ nhất, gìn giữ tài liệu lưu trữ như là những bằng chứng lịch sử, bằng chứng về hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước và các hoạt động văn hóa, chính trị của một quốc gia. Thứ hai, việc truyền lại các giá trị thông tin, lịch sử cho các thế hệ sau như là những giá trị nhân văn, những giá trị tiến bộ để một dân tộc, một đất nước có được nền tảng, sức mạnh mềm cho sự phát triển sau này. 

Chính vì vậy, dưới triều đại của các vị vua thì công tác lưu trữ hồ sơ văn bản tài liệu đã được chú trọng. Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng tầm nhìn của mình đã xác định việc lưu trữ giấy tờ, tài liệu quan trọng cho phương diện kiến thiết quốc gia, do đó cơ quan lưu trữ sớm được thành lập, cùng với đó là hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật dần được hình thành và hoàn thiện. 

Năm 2011, Luật Lưu trữ được ban hành là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho ngành Lưu trữ cũng như cho sự phát triển của việc gìn giữ và phát huy thông tin lịch sử, truyền thống của dân tộc; khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, sứ mệnh phát huy giá trị tài liệu lưu trữ được các cơ quan lưu trữ chú ý, quan tâm và được tổ chức thực hiện nhiều hơn, không phải chỉ ở trung ương mà lan tỏa, rộng khắp ở các địa phương trong cả nước và ở nước ngoài.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lưu trữ năm 2024, trong đó có một chương quy định về “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ”. Đây là giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành Lưu trữ để không phải chỉ làm tốt sứ mệnh gìn giữ thông tin quá khứ, mà còn khẳng định và định hướng những hoạt động phát huy giá trị tài liệu để GÌN GIỮ và PHÁT HUY sẽ trở thành 2 thành tố không thể thiếu, cơ hữu và quan trọng như nhau.

Phóng viên: Điều 40 Luật Lưu trữ năm 2024 quy định tài liệu lưu trữ được phát huy giá trị. Những nội dung đó đã đầy đủ chưa, thưa ông? 

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng: Nhận thức là một quá trình. Ở thời điểm hiện tại, bằng việc nắm bắt các yêu cầu và xu hướng của sự phát triển thực tiễn xã hội, đã quy định các tài liệu lưu trữ CẦN được và PHẢI được phát huy giá trị. Các tài liệu này là những tài liệu có nội dung thông tin thực sự có ích cho hiện tại, tương lai, ảnh hưởng đến xã hội ở một phạm vi rộng lớn, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước. Những tài liệu này sẽ được đưa ra giới thiệu lại, trình bày dưới các hình thức phù hợp với nhiều đối tượng, từ đó xã hội có thêm được nguồn thông tin quá khứ chính thống, quan trọng, là nền tảng cho nhận thức, cho những thay đổi, diễn biến tích cực của đất nước ở thời điểm hiện tại cũng như có gợi ý cho việc xây dựng chiến lược và sự phát triển tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn của đất nước.

Phóng viên: Việc bổ sung quy định trên có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với công tác lưu trữ, thưa ông?

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng: Đây là nội dung mới, lần đầu tiên được quy định trong Luật, ngoài việc nhấn mạnh trách nhiệm chủ động của cơ quan lưu trữ trong việc phát huy, lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ trong đời sống xã hội thì quy định tài liệu lưu trữ được phát huy giá trị cũng đánh dấu sự thay đổi căn bản về nhận thức của những người làm công tác lưu trữ, mở ra giai đoạn mới cho ngành Lưu trữ, cùng với sứ mệnh GÌN GIỮ thì sứ mệnh PHÁT HUY giá trị của tài liệu được đặt lên hàng đầu. Không chỉ với mục đích là trao truyền lại những thông tin, hồn cốt của dân tộc, điều đó còn có ý nghĩa hết sức tiến bộ và nhân văn là đảm bảo và thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của nhân dân.

Về mặt chuyên môn, với việc nhấn mạnh trách nhiệm CẦN và PHẢI phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, thì đặt ra yêu cầu đối với các khâu nghiệp vụ khác. Ngành Lưu trữ sẽ phải nghiên cứu nhiều chất liệu vật mang tin và các thiết bị lưu trữ có độ an toàn cao, thân thiện với môi trường; đồng thời phải nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để lưu trữ lâu dài, đáp ứng được yêu cầu về sự hiển thị, thân thiện người dùng… Cùng với đó, sẽ kéo theo những yêu cầu về việc đào tạo, bồi dưỡng trang bị tư duy mới, năng lực xử lý công việc cần thiết trong môi trường số cho nhân lực ngành Lưu trữ.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Lưu trữ năm 2024 (ngày 22/7/2024).

Phóng viên: Luật Lưu trữ năm 2024 đã quy định các hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Vậy, những tài liệu lưu trữ có nội dung như nào sẽ được phát huy bằng các hình thức theo quy định, thưa ông? 

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng: Như quy định trong Luật Lưu trữ năm 2024, các hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ bao gồm: Công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ; Công bố tài liệu lưu trữ; Triển lãm, giới thiệu tài liệu lưu trữ; Biên soạn, xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm lưu trữ; Lồng ghép trong hoạt động của cơ sở giáo dục; các hình thức khác.

Luật Lưu trữ năm 2024 cũng quy định những tài liệu lưu trữ có nội dung như sau sẽ được phát huy bằng các hình thức theo quy định: (1) Tài liệu lưu trữ về lịch sử dựng nước, giữ nước, xác lập và thực thi chủ quyền; quá trình hình thành phát triển quốc gia, dân tộc và giá trị truyền thống của đất nước, con người Việt Nam; (2) Những tài liệu về các sự kiện tiêu biểu, dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam; các ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan tổ chức thuộc các chế độ chính trị - xã hội, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng qua các thời kỳ lịch sử; (3) Các tài liệu có nội dung về thành tựu tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phóng viên: Với các hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ như trên, theo ông hình thức nào mang lại hiệu quả nhất?

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng: Thật khó để khẳng định hình thức nào mang lại hiệu quả rõ nhất. Bởi lẽ, với mỗi mục đích, đối tượng sẽ có một chủ đề khác nhau. Dựa trên mục đích, đối tượng hướng tới và chủ đề đó, sẽ áp dụng những hình thức và quy mô phù hợp. Theo tôi, sự phù hợp là yếu tố quan trọng để tạo nên hiệu quả mong muốn.  

Nếu như việc công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ giúp công chúng có cái nhìn tổng thể về những gì cơ quan lưu trữ bảo quản thì các triển lãm tài liệu lưu trữ trong nhà, ngoài trời hoặc triển lãm online theo từng chủ đề khác nhau sẽ phù hợp trong các dịp tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc và phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan. 

Nếu việc biên soạn, xuất bản các ấn phẩm có hiệu quả tốt với những nhà nghiên cứu, với học sinh, sinh viên hoặc những ai muốn tìm hiểu sâu về các chủ đề thì việc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục lại có hiệu quả rõ rệt trong việc làm sinh động các giờ học lịch sử, góp phần giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống một cách hiệu quả cho học sinh, sinh viên,…

Để các tài liệu lưu trữ tiếp tục phát huy hiệu quả giá trị, phục vụ đời sống xã hội, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền của quốc gia, mong rằng trong thời gian tới, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Lưu trữ sẽ được tiếp tục phối hợp, nhận được sự ủng hộ, chung tay của nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân, từ các nguồn vốn đầu tư công cũng như các nguồn lực khác. Qua đó, tạo sự cộng hưởng để đánh thức, thổi hồn cho tài liệu lưu trữ đi vào đời sống xã hội một cách tự nhiên, gần gũi và hữu ích.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.

Trí Đức

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Lãnh đạo và chức năng của lãnh đạo

Ngày đăng 13/09/2024
Tóm tắt: Lãnh đạo là hoạt động tất yếu của đời sống xã hội nhằm liên kết, phát huy tối đa tiềm năng của một nhóm, một cơ quan, tổ chức hay cộng đồng trong hoạt động thực tiễn. Hoạt động lãnh đạo là quá trình tương tác giữa chủ thể lãnh đạo với đối tượng trong quá trình thực hiện mục tiêu với vai trò chủ đạo của người lãnh đạo. Để đảm bảo cho sự vận hành quá trình lãnh đạo, chủ thể lãnh đạo - nhất là người đứng đầu cần nắm vững chức năng lãnh đạo thuộc chức trách, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Từ khóa: Lãnh đạo, chức năng lãnh đạo, mục tiêu lãnh đạo.

Coi trọng tiêu chí liêm chính trong tạo nguồn và quy hoạch cán bộ

Ngày đăng 06/09/2024
PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, cần coi trọng các tiêu chí về sự liêm, chính của nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch và của cán bộ trong quy hoạch; thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có biểu hiện rõ về sự liêm, chính, có tâm huyết vào nhà nước.

Phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Ngày đăng 04/07/2024
Bài viết tập trung làm rõ thực trạng phát huy vai trò của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khẳng định cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc và phát triển đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để góp phần hạn chế vi phạm về tư tưởng chính trị của tổ chức đảng và đảng viên

Ngày đăng 21/06/2024
Những năm qua, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã quan tâm, chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến về công tác kiểm tra, giám sát, đem lại những hiệu quả thiết thực, có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, đặc biệt là những vi phạm về tư tưởng chính trị. Qua đó đã giúp cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày đăng 10/06/2024
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, cơ quan, tổ chức, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Bài viết phân tích thực trạng và kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.