Hà Nội, Ngày 15/09/2024

Phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Ngày đăng: 04/07/2024   11:11
Mặc định Cỡ chữ

Bài viết tập trung làm rõ thực trạng phát huy vai trò của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khẳng định cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc và phát triển đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ảnh minh họa

Thực trạng phát huy vai trò của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Sinh thời, khi nói về vai trò của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội, C.Mác nhận định: “Ngay trong một nước mà giải phóng chính trị đã hoàn thành, tôn giáo không những vẫn tồn tại mà còn biểu hiện sức sống và sức mạnh, thì điều đó chứng tỏ rằng tồn tại của tôn giáo không mâu thuẫn với tính chất hoàn thiện của nhà nước”(1). Khi nghiên cứu đạo Cơ Đốc sơ kỳ, Ph.Ăngghen cho rằng: “Trong lịch sử đạo Cơ Đốc sơ kỳ có những điểm giống đáng lưu ý với phong trào công nhân hiện đại,... Cả đạo Cơ Đốc lẫn chủ nghĩa xã hội công nhân đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ”(2). V.I.Lênin cũng trực tiếp chỉ ra rằng: “Trong tôn giáo, ngoài ảo tưởng mặt thực tế, tìm tòi cái tốt hơn, tìm tòi sự che chở, sự giúp đỡ, là cực kỳ quan trọng”(3). 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận thức đúng đắn vai trò của tôn giáo và luôn chú trọng phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của tôn giáo vào sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc. Người căn dặn: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”(4). Người luôn khuyến khích, động viên đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia vào phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” vì một lý tưởng, mục đích chung là lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền lợi của toàn thể Nhân dân, cả đồng bào có đạo và không có đạo. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hướng dẫn, phát  huy vai trò của các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc”, tham gia kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và phát triển đất nước. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các tôn giáo đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn hưởng ứng tham gia, đóng góp sức người, sức của vào hai cuộc kháng chiến để đấu tranh với cái tà, cái ác, bảo vệ hòa bình, hạnh phúc cho Nhân dân. Nhiều ngôi  chùa, nhà thờ, cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã trở thành cơ sở cách mạng, dự trữ quân lương, nuôi giấu cán bộ, bộ đội... nhiều chức sắc, tín đồ, giáo dân trực tiếp cầm súng ra trận cứu nước, nhiều người trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Dũng sĩ diệt Mỹ... Nhiều bà mẹ của các chức sắc tôn giáo được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Nhiều phong trào đấu tranh trên lĩnh vực chính trị của các tôn giáo, các chức sắc phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình... Tiêu biểu như Phật giáo miền Nam tích cực tham gia đấu tranh chống chính quyền Mỹ - ngụy, đỉnh cao là sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại Việt Nam; hay đồng bào Phật giáo Hòa Hảo đấu tranh đòi lật đổ chế độ Mỹ - Diệm, chống “quốc sách” ấp chiến lược của Mỹ - ngụy; Cao Đài Tiên thiên phối hợp với các lực lượng yêu nước trong các phái khác đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ... đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Trong giai đoạn cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các tôn giáo cùng toàn dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước. Với nguồn lực của mình, các tôn giáo đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước trên các mặt của đời sống xã hội. Trong những năm qua diện mạo văn hóa của các tôn giáo ngày một khởi sắc, góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa dân tộc, tăng thêm trí tuệ cho tôn giáo và cho đất nước. Đội ngũ chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo ở Việt Nam được đào tạo bài bản đáp ứng nhu cầu hoạt động của các tôn giáo và hứa hẹn tiềm năng đóng góp trí tuệ cho đất nước. Thái độ, ý thức chính trị của tổ chức, chức sắc, nhà tu hành và các tôn giáo ngày càng được nâng cao, đồng bào tôn giáo thực hiện tốt trách nhiệm của tín đồ và nghĩa vụ công dân đối với đất nước. Các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tham gia tích cực vào các tổ chức chính trị - xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự phát triển đất nước; tham gia tích cực vào hoạt động giáo dục đạo đức, xây dựng nhân cách, lối sống hướng thiện cho cộng đồng tín đồ và Nhân dân; tích cực tạo nguồn lực vật chất cho các hoạt động phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước; tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, hưởng ứng tích cực chủ trương bảo vệ, phát triển bền vững đất nước; đặc biệt các tổ chức, cá nhân chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tham gia tích cực vào quá trình xã hội hóa giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo. 

Những kết quả đó đã minh chứng các tôn giáo thực sự đóng vai trò quan trọng và đã được phát huy một cách tích cực, đúng đắn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận khách quan những hạn chế, bất cập trong việc phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua. Trước hết, đó là nguồn lực của các tôn giáo thực sự to lớn, cả về khía cạnh vật chất và tinh thần nhưng chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng. Chính sách, pháp luật về phát huy vai trò của các tôn giáo đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn thiếu cụ thể, nên khó áp dụng trong thực tiễn. 

Những hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân: do những chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến tôn giáo và phát huy vai trò của các tôn giáo khi ban hành chưa sát với thực tiễn, tình hình tôn giáo của đất nước; khi thực hiện có bất cập thì chậm sửa đổi, tạo ra điểm nghẽn trong quá trình thực thi. Vai trò của hệ thống chính trị tại một số nơi tập trung đông đồng bào có đạo chưa được phát huy đầy đủ, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tham gia vào các hoạt động, phong trào của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở một số nơi chưa thực hiện tốt, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động tôn giáo vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cùng với đó, việc lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta từ các thế lực thù địch vẫn thường xuyên diễn ra, gây nên những bất ổn về chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như cản trở việc phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo vào xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Giải pháp tiếp tục phát huy nguồn lực của các tôn giáo để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức của hệ thống chính trị về vị trí, vai trò nguồn lực của các tôn giáo trong hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thực tế cho thấy, với phương châm hành đạo tiến bộ, các tôn giáo ở Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, nhất là an sinh và từ thiện nhân đạo. Cùng với đó, các tôn giáo đã chủ động tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, bảo trợ xã hội… nhằm chia sẻ gánh nặng với Nhà nước bằng nguồn lực tự thân của mình. Những giá trị về văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo đã góp phần nuôi dưỡng, xây dựng đạo đức, nhân cách con người và làm giàu thêm văn hóa của dân tộc. Điều đó cho thấy tiềm năng to lớn của tôn giáo trong đời sống hiện thực ngày nay như là một nguồn lực xã hội, kinh tế, tri thức, văn hóa… quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Vì vậy, sự thống nhất trong nhận thức của hệ thống chính trị khi đánh giá và nhìn nhận đúng đắn vai trò của các tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng để lôi cuốn, thu hút các tôn giáo tham gia thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào việc phát huy nguồn lực của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo gắn với thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo(5), xem đây là nội dung then chốt để phát huy vai trò của các tôn giáo nói chung và phát huy vai trò của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, bên cạnh hướng dẫn, tổ chức cho các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật thì cũng cần định hướng, dẫn dắt các tôn giáo tham gia tích cực vào xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Các tổ chức chính trị - xã hội cần tích cực phối hợp với chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo, đồng bào có đạo sống “tốt đời đẹp đạo”, làm tròn nghĩa vụ công dân đối với quê hương, đất nước. Đặc biệt đối với những người trực tiếp làm công tác tôn giáo cần tích cực, chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết hài hòa nhu cầu, mong muốn chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Cần thống kê, đánh giá đúng thực trạng nguồn lực của các tôn giáo, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp nhằm phát huy những giá trị vật chất và tinh thần, trí tuệ của các tôn giáo. Thường xuyên biểu dương, khen thưởng và lan tỏa những tấm gương tiêu biểu, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, có nhiều đóng góp cho sự phát triển quê hương, đất nước.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế về phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trên cơ sở những chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy nguồn lực các tôn giáo, Nhà nước cần thể chế hóa thành quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo phát huy những giá trị tích cực trong trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng và cụ thể hóa hơn nữa địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo để họ có thể tham gia mạnh mẽ, tích cực và chủ động hơn vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội như y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo - những lĩnh vực mà nếu tôn giáo tham gia sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng với Nhà nước hiện nay. 

Thứ tư, phát huy vai trò các tôn giáo trong đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc(6). Để công tác đấu tranh, ngăn chặn những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước ta, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan từ lý luận đến thực tiễn, trên môi trường không gian mạng và đời sống hiện thực. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở cần xây dựng, củng cố mối liên hệ mật thiết, gắn bó với các cơ sở, tổ chức tôn giáo, vùng giáo dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo để kịp thời nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, những khó khăn của giáo dân; kịp thời nắm bắt nhưng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động, chia rẽ, bạo loạn loạn lật đổ... Từ đó, sớm đề ra cách thức, biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

Phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của tín đồ tôn giáo để sớm giải quyết các khúc mắc, tránh bị lợi dụng; trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả tình trạng truyền đạo trái phép, các hiện tượng biến tướng về tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Qua đó hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Tôn giáo vẫn luôn hiện hữu và tham gia, tác động lên đời sống hiện thực, phát huy hiệu quả to lớn trong thực tiễn dẫu chúng ta có bàn hay không bàn về việc phát huy nguồn lực của các tôn giáo. Tuy nhiên, nguồn lực của các tôn giáo được phát huy đúng đắn, phù hợp, đặc biệt trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc khi có sự dẫn dắt, định hướng bởi những chủ trương, quyết sách sáng suốt và được quản lý linh hoạt, hiệu quả. Do đó, trong hoạt động thực tiễn cần quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo theo chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm mới của Đảng tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII để đưa tôn giáo trở thành một nguồn lực quan trọng, phát huy đầy đủ những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

---------------------

Ghi chú:

(1) C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.1995, tr.532 - 533.

(2) C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 22, Nxb CTQG-ST, H.1995, tr.663.

(3) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.63.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.454.  

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H. 2021, tr.141.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.171.

 

TS Trần Viết Quân - Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS Lê Văn Phục - Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Lãnh đạo và chức năng của lãnh đạo

Ngày đăng 13/09/2024
Tóm tắt: Lãnh đạo là hoạt động tất yếu của đời sống xã hội nhằm liên kết, phát huy tối đa tiềm năng của một nhóm, một cơ quan, tổ chức hay cộng đồng trong hoạt động thực tiễn. Hoạt động lãnh đạo là quá trình tương tác giữa chủ thể lãnh đạo với đối tượng trong quá trình thực hiện mục tiêu với vai trò chủ đạo của người lãnh đạo. Để đảm bảo cho sự vận hành quá trình lãnh đạo, chủ thể lãnh đạo - nhất là người đứng đầu cần nắm vững chức năng lãnh đạo thuộc chức trách, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Từ khóa: Lãnh đạo, chức năng lãnh đạo, mục tiêu lãnh đạo.

Coi trọng tiêu chí liêm chính trong tạo nguồn và quy hoạch cán bộ

Ngày đăng 06/09/2024
PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, cần coi trọng các tiêu chí về sự liêm, chính của nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch và của cán bộ trong quy hoạch; thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có biểu hiện rõ về sự liêm, chính, có tâm huyết vào nhà nước.

Các tài liệu lưu trữ cần được và phải được phát huy giá trị

Ngày đăng 07/08/2024
Ngày 21/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lưu trữ. Ngày 01/7/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Lệnh số 03/2024/L-CTN về việc công bố Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Phóng viên Tạp chí Tổ chức nhà nước đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước về một trong những điểm mới của Luật Lưu trữ năm 2024 là quy định về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để góp phần hạn chế vi phạm về tư tưởng chính trị của tổ chức đảng và đảng viên

Ngày đăng 21/06/2024
Những năm qua, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã quan tâm, chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến về công tác kiểm tra, giám sát, đem lại những hiệu quả thiết thực, có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, đặc biệt là những vi phạm về tư tưởng chính trị. Qua đó đã giúp cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày đăng 10/06/2024
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, cơ quan, tổ chức, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Bài viết phân tích thực trạng và kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.