Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Xu hướng phát triển hệ thống đô thị trên thế giới - kinh nghiệm đối với Việt Nam

Ngày đăng: 14/06/2024   12:26
Mặc định Cỡ chữ

Đô thị có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Nội dung bài viết khái lược xu hướng phát triển hệ thống đô thị trên thế giới, trong đó “đô thị thông minh” là xu hướng nhiều quốc gia lựa chọn;  dựa vào kinh nghiệm các nước, cũng như xu thế phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Singapore đã triển khai hệ thống giao thông: One Monitoring - cổng thông tin toàn diện, có thể truy cập thông tin giao thông thu thập từ các camera giám sát lắp đặt trên đường và xe taxi bằng GPS.

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, xu hướng đô thị hóa trên thế giới cũng như xu hướng phát triển đô thị ở mọi quốc gia đều gia tăng. Việc gia tăng đô thị và phát triển đô thị đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu về đô thị tìm kiếm những giải pháp cho việc phát triển các loại hình đô thị trong tương lai, bảo đảm tính bền vững: đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị đáng sống… là những loại đô thị mà ngày nay nhiều nơi trên thế giới đang hướng tới, trong đó có Việt Nam. 

Xu hướng phát triển hệ thống đô thị trên thế giới

Từ lâu, các nhà nghiên cứu về đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới đã đi sâu nghiên cứu quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống các loại đô thị và tìm kiếm những giải pháp cho việc phát triển các loại hình đô thị trong tương lai, bảo đảm tính bền vững. Vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết với một số xu hướng phổ biến sau: 

Đô thị xanh. Theo hiệp hội của những nhà kiến trúc và quy hoạch, “đô thị xanh”phải là đô thị được công nhận và đạt chuẩn xanh với 7 tiêu chí. Đó là: không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường(1).

Đô thị sinh thái. Đó là một hệ thống quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong môi trường nhất định. Đây là hệ sinh thái nhân tạo, bao gồm yếu tố hữu sinh chủ yếu là con người và môi trường và cùng sống hạn chế trong một không gian hẹp. Khái niệm đô thị sinh thái đầu tiên được tập trung vào sự trao đổi về những hoạt động diễn ra trong đô thị (như vòng tròn năng lượng, nước, chất thải, khí thải…). Theo đó, một đô thị sinh thái được tạo dựng dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản sau: 1) Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên. 2) Đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người. 3) Trong điều kiện cho phép, cần giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng. 4) Giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu.

Đô thị bền vững. Là những đô thị được quy hoạch và xây dựng theo hướng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân thành phố, như: cơ sở hạ tầng, tiện nghi sinh hoạt, sức khỏe và chăm sóc y tế, nhà ở, giáo dục, giao thông, việc làm… kết hợp quản lý tốt nhằm bảo đảm lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội. Có thể kể đến các thành phố như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Copenhagen (Đan Mạch).

Đô thị tri thức. Hướng tới sự phát triển dựa trên tri thức, bằng cách khuyến khích sáng tạo liên tục, chia sẻ, đánh giá, đổi mới và cập nhật kiến ​​thức thường xuyên.

Đô thị thông minh (tiếng Anh là Smart city). Được hiểu là khu vực áp dụng các phương pháp điện tử và các loại cảm biến khác nhau để thu thập dữ liệu. Dữ liệu thu thập từ người dân, thiết bị, tòa nhà và tài sản được xử lý và phân tích nhằm quản lý và cải thiện hoạt động trên toàn thành phố một cách hiệu quả. Theo đó, các tiêu chí đối với đô thị thông minh bao gồm(2): 1) Quản lý - tổ chức: chính quyền bắt buộc phải sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý. 2) Công nghệ: Các dịch vụ và hạ tầng trọng yếu được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh. 3) Cộng đồng dân cư là chủ thể chính trong đô thị thông minh là những công dân hiện đại, có khả năng tham gia giám sát, thậm chí có thể tham gia vào công tác quản lý thành phố. 4) Kinh tế: lợi ích kinh tế là động lực chính thúc đẩy việc xây dựng khu đô thị thông minh. 5) Hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông: ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phát triển của đô thị thông minh. 6) Môi trường tự nhiên: là giá trị cốt lõi mà đô thị thông minh  hướng tới. 

“Đô thị thông minh” - xu hướng phát triển mới ở nhiều nơi trên thế giới 

Dựa vào những tiêu chí trên, hiện đã có nhiều thành phố trên thế giới xây dựng và áp dụng, có thể kể đến một số thành phố nổi tiếng sau:

Thành phố New York (Mỹ).

Thành phố nhiều năm liên tiếp luôn giữ vững thứ hạng đầu bảng trong danh sách các đô thị thông minh bậc nhất thế giới. Các giải pháp thông minh được ứng dụng tại đây tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến việc bảo tồn nước, quản lý chất thải và an toàn công cộng. Với dân số hơn 8,5 triệu người, mỗi ngày thành phố tiêu tốn đến 3,8 tỷ lít nước(3). Do đó, Cục Bảo vệ môi trường đã triển khai hệ thống đọc đồng hồ tự động quy mô lớn để thu thập thông tin nhanh chóng về lượng tiêu thụ. Các thùng rác thông minh hoạt động nhờ năng lượng mặt trời được đặt tại nhiều nơi nhằm theo dõi mức độ xả rác và bảo đảm việc thu gom rác diễn ra thực hiện thường xuyên. Để cải thiện việc phát hiện tội phạm, thành phố triển khai Dự án HunchLab - giải pháp phần mềm sử dụng dữ liệu lịch sử và mô hình địa điểm để dự đoán sự cố xảy ra. Giải pháp giúp xác định các điểm nóng về tội phạm giúp cảnh sát tăng cường an toàn trong khu vực công cộng.

Thành phố London (Vương quốc Anh).

London là đô thị thông minh hàng đầu châu Âu, xếp thứ hai ngay sau New York. Đây là thành phố đông dân nhất ở Anh và cũng là trung tâm đầu não của nhiều lĩnh vực trọng điểm. Để giải quyết áp lực trong giao thông vận tải, thành phố đã triển khai Heathrow pods – hệ thống xe điện không người lái, không phát ra khí thải. Heathrow pods có khả năng tự động vận chuyển hành khách trên tuyến đường dài 3,9 km chỉ trong 5 phút. Nhờ hệ thống này, London đã loại bỏ được 70.000 chuyến xe bus ~ tương đương với 100 tấn khí thải carbon dioxide thải ra môi trường tính từ năm tháng 5/2011(4). 

Thành phố Singapore.

Đây vừa là thành phố vừa là đất nước, có diện tích khiêm tốn nhưng “Đảo quốc sư tử” đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc phát triển công nghệ, tiếp cận quốc tế và bảo vệ môi trường. Singapore đã triển khai hệ thống giao thông: One Monitoring - cổng thông tin toàn diện, có thể truy cập thông tin giao thông thu thập từ các camera giám sát lắp đặt trên đường và xe taxi bằng GPS. Ngoài ra, Singapore cũng triển khai các hệ thống khác, như: hệ thống hướng dẫn đỗ xe, cung cấp cho các tài xế thông tin real-time về tình trạng chỗ đỗ xe; ứng dụng thùng rác thông minh cho phép quản lý các loại chất thải thông minh. Virtual Singapore - bản sao kỹ thuật số có thể tương tác, được hiển thị dưới dạng hình ảnh 3 chiều, cho phép Chính phủ theo dõi hoạt động của toàn bộ kết cấu hạ tầng trong thành phố theo thời gian thực. Qua đó, phân tích tất cả yếu tố: tình hình an ninh, mật độ dân cư, chất lượng không khí… 

Ngoài những đô thị trên, Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha), Amsterdam (Hà Lan) cũng đều là những đô thị luôn được nằm trong các bảng xếp hạng thành phố thông minh trên thế giới.

Kinh nghiệm đối với Việt Nam

Ở nước ta, “đô thị thông minh”, ‘đô thị xanh”… vẫn còn là một vấn đề mới mẻ chỉ mới được quan tâm thời gian gần đây. Nhưng đây chắc chắn là một xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai đáp ứng nhu cầu nhà ở của cư dân và góp phần bảo vệ môi trường, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cả một đô thị, một thành phố, một đất nước. Kiểu mô hình đô thị này ở một số tỉnh, thành phố cũng đang dần phát triển và triển khai xây dựng. Tuy chỉ dừng lại ở việc thí điểm trên khu vực quy mô hẹp, nhưng đây sẽ là bước đệm để đất nước tiến xa hơn trong tương lai. 

Theo thống kê, đến nay, cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh, thành phố đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra, còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như: giáo dục thông minh, y tế thông minh…(5). 

Việt Nam đã có các khu đô thị đang phát triển theo xu hướng phát triển mới như nhiều khu đô thị trên thế giới, như:  

Khu đô thị EcoPark (Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên). Đây là khu đô thị đầu tiên ở Việt Nam nhận giải thưởng “Thiết kế cảnh quan khu đô thị tốt nhất thế giới”, lẽ dĩ nhiên Khu đô thị EcoPark có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là không gian xanh, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.

Vinhomes Smart City - Thành phố quốc tế của công dân toàn cầu, với vị trí tọa lạc tại trung tâm khu vực Mỹ Đình, thành phố Hà Nội. Cơ chế vận hành của Vinhomes Smart City bao gồm: an ninh, an toàn thông minh (ứng dụng trí tuệ nhân tạo thiết lập hệ thống an ninh thông minh 24/7); vận hành thông minh (cuộc cách mạng giám sát và vận hành đô thị một cách chuyên nghiệp), căn hộ thông minh (dù bạn đang làm gì, ở đâu, căn hộ thông minh thế hệ mới luôn không ngừng kết nối, sẵn sàng hoạt động theo ý muốn của bạn qua ứng dụng tiện lợi trên điện thoại thông minh, qua giọng nói/ cảm biến tự động); cộng đồng thông minh…

The Peak Garden - hội tụ không gian sống chuẩn mực, an toàn dành cho mọi gia đình tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội. Các căn hộ tại The Peak Garden có “chỉ số bảo vệ sức khỏe” nằm trong top đầu khi sở hữu không gian sống biệt lập, thân thiện với thiên nhiên với lớp hành lang xanh bao bọc cùng hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Có thể nói, các khu đô thị nêu trên cũng như những kiểu thành phố khác trên thế giới đã ra đời và phát triển để giải quyết các vấn đề đô thị được tạo ra trong quá trình phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của dân cư đô thị hoặc tăng cao những giá trị đặc trưng của kiểu đô thị mới với mục tiêu cuối cùng đó là phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị trong tương lai. Tuy vậy, các đô thị ở Việt Nam hiện vẫn tồn tại những bất cập: chưa đồng bộ về quy hoạch, nơi thì chỉ có nhà ở mà thiếu trường học, cơ sở y tế, hoặc chỉ có một vài tiện ích; tình trạng quá tải (có thể khu đô thị không quá tải nhưng xung quanh quá tải); chất lượng hạ tầng bên trong khu đô thị chưa đúng với mong muốn của người dân (như: vấn đề nước sạch, vấn đề rác thải…) 

Để hướng tới phát triển hệ thống đô thị tiên tiến, hiện đại, xanh, sạch, thông minh, Việt Nam cần thực hiện được một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần xác định rõ việc xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh… là nhiệm vụ của tất cả các cấp các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào. Việc xây dựng đô thị gắn liền với việc chuyển đổi số. Vì vậy, cần có sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương để đạt được mục tiêu đặt ra. Thực hiện nghiêm chủ trương xây dựng và phát triển đô thị thông minh đã được xác định tại các nghị quyết của Đảng, như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Hai là, xây dựng một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị. Hệ thống hạ tầng thông tin đô thị cần phải được kết nối, chia sẻ giữa các cấp chính quyền, giữa các ngành, lĩnh vực tại địa phương để phục vụ cho mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Các giải pháp thông minh được ứng dụng tại đây tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến việc bảo tồn nước, quản lý chất thải và  an toàn công cộng.

------------------------

Ghi chú:

(1) Đô thị xanh: Làm gì để đạt mục tiêu “xanh”? https://baoxaydung.com.vn/do-thi-xanh-lam-gi-de-dat-muc-tieu-xanh-287266.html, ngày 24/8/2020.
(2) Các tiêu chuẩn của thành phố thông minh trong thời đại mới. https://luci.vn/cac-tieu-chuan-cua-thanh-pho-thong-minh-trong-thoi-dai-moi, ngày 18/02/2024.
(3), (4) Đô thị thông minh là gì? Một số khu đô thị thông minh điển hình. https://eco-smart.biz/vi/do-thi-thong-minh-la-gi, ngày 29/11/2021.
(5) Xây dựng và phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/10/28/xay-dung-va-phat-trien-do-thi-thong-minh-o-viet-nam-hien-nay/ngày 28/10/2022.

Tài liệu tham khảo:

1. Công văn số 344/TTg-CV ngày 19/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Quy hoạch tổng thể quốc gia cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. https://dangcongsan.vn, ngày 26/7/2022.

4. Xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/31/xay-dung-do-thi-thong-minh-trong-boi-canh-chuyen-doi-so, ngày 31/10/2023.

Theo: quanlynhanuoc.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Ban hành văn bản dưới luật theo pháp luật của Canada dưới góc độ so sánh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Ngày đăng 25/11/2024
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bao gồm luật và văn bản dưới luật được điều chỉnh thống nhất bởi một văn bản luật là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần đưa ra quy định để thống nhất cách hiểu và áp dụng thuật ngữ “văn bản dưới luật”. Trong đó, quy định văn bản dưới luật là văn bản được luật của Quốc hội ủy quyền, hay bao hàm cả việc ban hành để thực hiện chức năng, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền.

Thiết chế Tổng Thư ký Hạ viện Canada - Kiến nghị đối với mô hình bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội Việt Nam

Ngày đăng 16/10/2024
Mô hình Ban Thư ký giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội hiện nay có nhiều điểm khá tương đồng với Nhóm quản trị của Tổng Thư ký Hạ viện Canada. Tuy nhiên, theo yêu cầu tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết 27-NQ/TW, nhiệm vụ hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội đã được đặt ra, đòi hỏi có sự nghiên cứu, đề xuất một mô hình bộ máy tham mưu, giúp việc mới cho Quốc hội.

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng thể chế và chính sách phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn và gợi ý cho Việt Nam

Ngày đăng 11/10/2024
Việt Nam lựa chọn chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong điều kiện chưa sẵn sàng các yếu tố tiền đề căn bản, như: thể chế và chính sách, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật,… do đó rất cần những bài học kinh nghiệm hữu ích từ các nước đi trước đã có sự phát triển, thành công và có kinh nghiệm trong thực tiễn xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách. Bài viết giới thiệu kết quả khảo cứu kinh nghiệm từ Trung Quốc để đúc rút kinh nghiệm cho Việt Nam1.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thấp nhất trong 15 năm qua

Ngày đăng 13/08/2024
Báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 12/8 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 giảm còn 13%, thấp nhất trong 15 năm qua nhưng tình trạng thanh niên không có việc làm, không được đào tạo vẫn đáng lo ngại.

Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về nâng cao sự hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ công

Ngày đăng 05/07/2024
Sự hài lòng với các dịch vụ công là một trong những thước đo quan trọng về chất lượng quản trị công; phản ánh nhận thức của người dân về năng lực của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công. Bài viết phân tích, đánh giá những kinh nghiệm trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công ở một số quốc gia trên thế giới, qua đó đưa ra những gợi mở đối với Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ công.