Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong chi chuyển nguồn lớn từ năm 2022 sang năm 2023, thì nguồn cải cách tiền lương chiếm 37,7%, tương đương 432.000 tỷ đồng.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh). |
Sáng 07/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh), số liệu báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 còn chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách.
Đặc biệt, số quyết toán chi NSNN giảm 407.317 tỷ đồng, số bội chi giảm 49.317 tỷ đồng, là giảm nhiều so với dự toán.
Theo đại biểu, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán NSNN, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Giải trình về việc chuyển nguồn sang năm sau lớn, có xu hướng tăng qua các năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 sang năm 2023 là hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Trong số chuyển nguồn này, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương là lớn nhất, với 432.350 tỷ đồng (chiếm 37,7%); chi đầu tư phát triển là 313.165 tỷ đồng (chiếm 27,3%); nguồn tăng thu, tiết kiệm chi 287.374 tỷ đồng (chiếm 25%).
Các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%; kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan Nhà nước chiếm 0,87%...
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương rất cao.
Những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau.
Về nợ xây dựng cơ bản, theo Bộ trưởng, số nợ ở Trung ương rất ít, nhưng ở địa phương nhiều.
"Khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, lại bố trí thiếu, sót hoặc chưa bố trí. Rồi có dự án thủ tục đầu tư có thiếu sót, cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, ngân sách địa phương không bố trí kịp thời", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay./.
Theo: giaoducthoidai.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục