Hà Nội, Ngày 22/06/2025

TOÀN VĂN: Quy định 145-QĐ/TW về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Ngày đăng: 31/05/2024   09:08
Mặc định Cỡ chữ

Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu toàn văn Quy định số 145-QĐ/TW ngày 10/5/2024 của Bộ Chính trị quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

QUY ĐỊNH
về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Bộ Chính trị quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về đối tượng, nội dung, thời gian, hình thức và phân cấp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, cơ quan tham mưu của cấp ủy các cấp, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

b) Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được phân thành 3 nhóm bồi dưỡng như sau:

- Nhóm 1: Lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Nhóm 2: Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

- Nhóm 3: Cán bộ thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm góp phần nâng cao năng lực, tư duy, tầm nhìn, chất lượng, hiệu quả công tác và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

2. Yêu cầu

a) Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng là chế độ bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ và cấp ủy, tổ chức đảng.

b) Việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng là hoạt động củng cố, bổ sung kiến thức cần thiết, kiến thức mới về lý luận chính trị, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới (không bao gồm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp, quản lý nhà nước, dự nguồn, kiến thức quốc phòng và an ninh, quán triệt nghị quyết,...).

2. Phân cấp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng là việc giao thẩm quyền, trách nhiệm cho cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan liên quan và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Điều 4. Nội dung bồi dưỡng

1. Định hướng nội dung bồi dưỡng

a) Kết quả tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về quan điểm, đường lối của Đảng và những kiến thức góp phần nâng cao năng lực, tư duy, tầm nhìn, kinh nghiệm, kỹ năng về khoa học lãnh đạo, quản trị, quản lý; về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách.

b) Nội dung mới được ban hành trong các nghị quyết, văn bản của Đảng gắn với đường lối, chủ trương, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở từng cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương.

c) Tình hình thế giới, khu vực, trong nước và địa phương.

d) Kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến; kinh nghiệm xử lý vấn đề phức tạp phát sinh trong công tác lãnh đạo, quản trị, quản lý.

2. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cụ thể hóa, định hướng nội dung phù hợp thành các chuyên đề bồi dưỡng cho đối tượng tham gia.

Điều 5. Báo cáo viên

1. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (đương chức và nguyên chức); nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng trình bày chuyên đề.

2. Báo cáo viên nước ngoài có uy tín, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với chương trình bồi dưỡng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6. Thời gian, hình thức

1. Thời gian

a) Nhóm 1: Thời gian cụ thể do Bộ Chính trị quyết định.

b) Nhóm 2: Ít nhất 5 ngày/nhiệm kỳ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.

c) Nhóm 3: Ít nhất 7 ngày/nhiệm kỳ do cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ quyết định.

2. Hình thức

Tổ chức bồi dưỡng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Điều 7. Phân cấp bồi dưỡng

1. Đối với Nhóm 1 và Nhóm 2

- Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hằng năm và chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chịu trách nhiệm định hướng về nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng và phối hợp thẩm định nội dung. Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hằng năm.

- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hằng năm; chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nội dung và đề xuất báo cáo viên.

2. Đối với Nhóm 3

a) Ban Tuyên giáo Trung ương chịu trách nhiệm định hướng về nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng và phối hợp thẩm định nội dung. Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hằng năm.

b) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp, hướng dẫn các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương xây dựng và thẩm định nội dung chuyên đề; giới thiệu báo cáo viên.

c) Các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cụ thể hóa việc thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng. Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lựa chọn nội dung, chuyên đề. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền.

d) Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:

- Lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc cụ thể hóa, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng. Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lựa chọn nội dung, chuyên đề và tổ chức triển khai thực hiện bồi dưỡng đối với cán bộ thuộc quyền quản lý.

- Chỉ đạo ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan, trường chính trị cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, thẩm định nội dung chương trình bồi dưỡng và tổ chức thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh phối hợp với trường chính trị cấp tỉnh và các cơ sở đào tạo có liên quan khác tổ chức thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và bảo đảm chế độ, chính sách theo quy định.

2. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng; đề cao ý thức tự học tập, rèn luyện.

3. Kinh phí bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước.

4. Định kỳ cuối năm, cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả bồi dưỡng.

5. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc triển khai thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và phổ biến đến chi bộ./.

Theo: chinhphu.vn

Bình luận

Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu toàn văn Quy định số 145-QĐ/TW ngày 10/5/2024 của Bộ Chính trị quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

" />

Tin tức cùng chuyên mục

Một số bài học kinh nghiệm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Học viện Chính trị

Ngày đăng 19/06/2025
Tóm tắt: Phổ biến, giáo dục pháp luật là nội dung, biện pháp quan trọng để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Qua đó, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bài viết làm rõ vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ ở Học viện Chính trị; thực trạng phổ biến, giáo dục pháp luật ở Học viện Chính trị thời gian qua; từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Học viện Chính trị hiện nay. 

Quản trị nhân lực tại các bệnh viện công lập ở Việt Nam trước tác động của cách mạng 4.0: cơ hội và thách thức

Ngày đăng 13/06/2025
Tóm tắt: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đang tạo ra những biến đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế Việt Nam. Hệ thống bệnh viện công lập đang chịu áp lực lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới quản trị nhân lực, lấy con người làm trung tâm và công nghệ làm động lực. Nghiên cứu này phân tích cơ hội và thách thức của công tác quản trị nhân lực trong bệnh viện công lập và đề xuất các định hướng, giải pháp phù hợp để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.  

Kinh nghiệm lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên từ năm 2020 đến nay

Ngày đăng 11/06/2025
Tóm tắt: Công tác giáo dục và đào tạo là nội dung quan trọng trong các hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp để nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Thực tiễn đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ để tiếp tục có những định hướng mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Từ khóa: Công tác giáo dục và đào tạo; Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; kinh nghiệm lãnh đạo.

Đổi mới chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp bối cảnh chuyển đổi số và nhu cầu nhân lực thời đại phát triển trí tuệ nhân tạo

Ngày đăng 30/05/2025
Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 dưới góc nhìn chuyển đổi số và sự chuyển dịch nhu cầu nhân lực trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), bài viết tập trung làm rõ những đổi mới trong quy chế tuyển sinh, ảnh hưởng của công nghệ đến cách thức tổ chức thi, xét tuyển và yêu cầu đặt ra trong việc đảm bảo công bằng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Qua đó, đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách tuyển sinh phù hợp với xu thế chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Kinh nghiệm xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học công an nhân dân hiện nay

Ngày đăng 16/05/2025
Tóm tắt: Đội ngũ giảng viên là lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục và đào tạo ở các học viện, trường đại học công an nhân dân. Bài viết phản ánh thực trạng và rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học công an nhân dân hiện nay, qua đó tiếp tục có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ này đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới. 

Tiêu điểm

Lời cảm ơn của Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động vui mừng và vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ, nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ; bạn bè đồng nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cộng tác viên, bạn đọc đã đến thăm, tặng hoa và gửi lẵng hoa, cùng những tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, viên chức, người lao động Tạp chí hiện nay và các thời kỳ.