Tỉnh Bạc Liêu nằm ở vị trí gần cuối cùng trên bản đồ đất nước. Những năm gần đây, vượt qua nhiều khó khăn về vị trí địa lý, Bạc Liêu từng bước vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển điện gió, du lịch và ngành công nghiệp tôm.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiểm tra một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. |
Để có được thành công trên, ngoài những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thì không thể không nhắc đến tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị toàn tỉnh.
Từ trung tâm thành phố Bạc Liêu hướng ra phía biển không xa, hàng chục turbine điện gió sừng sững trước biển như những chiếc chong chóng khổng lồ. Ít ai biết rằng, nơi đây trước kia là những cánh rừng bần, rừng đước trải dài, hoang vắng.
Đến cuối năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu có 8 dự án điện gió đã đưa vào vận hành với tổng công suất lên tới gần 500MW, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như toàn vùng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 7,3%/năm trong hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Khi được hỏi về bí quyết mang lại thành công cho ngành công nghiệp năng lượng của Bạc Liêu, đội ngũ cán bộ các cấp đều khẳng định, đó là nhờ có tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Đồng chí Phan Thanh Duy, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Giai đoạn 2020-2021, tại nhiều địa phương, những dự án điện gió đang thi công buộc phải tạm dừng do dịch COVID-19. Nhưng đối với Bạc Liêu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, mạnh dạn cho phép lực lượng kỹ sư, công nhân, trong đó có cả các chuyên gia nước ngoài tự cách ly, tự tổ chức làm việc để kịp hoàn thành các dự án điện gió và đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh tiên phong cả nước phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu có sự đóng góp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó, vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt rất quan trọng. Đơn cử như trong lĩnh vực du lịch, ngay sau khi cả nước đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19, đội ngũ cán bộ chủ chốt các sở, ngành đã họp bàn và tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương sớm mở cửa du lịch.
Từ những tham mưu đúng, trúng, kịp thời, Bạc Liêu là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước mở cửa du lịch từ rất sớm. Để kích cầu du lịch sau đại dịch, tỉnh Bạc Liêu đã khởi xướng hoạt động ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, năm 2022 và 2023, du lịch là một trong những ngành nằm trong tốp có mức tăng trưởng cao của tỉnh Bạc Liêu.
Những kết quả trên là minh chứng cho tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lan tỏa đến đội ngũ cán bộ các cấp. Nhất là từ sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/3/2018 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Bạc Liêu ngày càng đi vào nền nếp.
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh, triển khai Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các quy định của Trung ương, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều đồng chí cán bộ lăn xả, bám sát cơ sở, bám công việc, thực hiện phương châm “làm hết việc chứ không làm hết giờ”. Nhất là thời gian gần đây, mặc dù các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên tăng cường kiểm tra, đôn đốc công việc, nhất là những dự án cấp bách nhưng đội ngũ cán bộ các cấp không cảm thấy áp lực mà coi đó là động lực để làm việc tốt hơn.
Nhờ có bầu không khí dân chủ, cởi mở trong giải quyết công việc chung nên những vấn đề còn vướng mắc, chưa tìm ra hướng giải quyết, đội ngũ cán bộ sẽ trao đổi, xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp từ các đồng chí lãnh đạo, công việc vì thế trôi chảy hơn rất nhiều. Qua đó đã khắc phục đáng kể tình trạng giấu giếm, không dám hỏi, sợ sai không dám làm. Đặc biệt, để chấn chỉnh kỷ cương, đạo đức công vụ, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu chủ trương xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Ngay khi có dấu hiệu là sẽ có biện pháp xử lý kịp thời chứ không đợi đến khi đã gây ra hậu quả.
Kết quả đạt được là thế, nhưng trong hai năm vừa qua, tỷ lệ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị tỉnh Bạc Liêu được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên lại giảm so với năm 2021. Sở dĩ như vậy là bởi công tác đánh giá cán bộ được siết chặt hơn, không còn tình trạng nể nang, cảm tính, cào bằng trong đánh giá, nhận xét cán bộ như trước đây. Tỉnh ủy Bạc Liêu chủ trương siết chặt đánh giá cán bộ để làm cơ sở thực hiện tinh giản biên chế; qua đó góp phần cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh. /.
Theo: xaydungdang.org.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục