Đội ngũ cán bộ hậu cần giữ vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Hậu cần quân đội. Vì vậy, trước yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ hậu cần để họ thực sự vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng ngành Hậu cần quân đội chính quy, hiện đại.
Thiếu tướng Phạm Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) kiểm tra chất lượng quân trang chiến sĩ tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148. Nguồn: quankhu2.vn |
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đối với cán bộ hậu cần quân đội, Người căn dặn: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”(1); “Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng sự đại đa số của bộ đội, tức là người binh nhì, phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì”(2). Người nhấn mạnh: “Cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính… cần phải thực hành kiểm tra, phê bình và tự phê bình”(3). Đặc thù của công tác hậu cần là trực tiếp quản lý tài chính, vật chất quân sự, nếu cán bộ không liêm chính sẽ dẫn đến tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng, không chỉ gây tổn hại, mất mát tài sản, trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động huấn luyện và khả năng chiến đấu của quân đội.
Cán bộ hậu cần quân đội có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác bảo đảm hậu cần cho toàn quân; trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, bảo quản và cấp phát một khối lượng lớn cơ sở vật chất hậu cần phục vụ cho các nhiệm vụ: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống bộ đội… ở các cấp, các đơn vị. Những phẩm chất đạo đức của cán bộ hậu cần quân đội phải trải qua học tập, rèn luyện thường xuyên, bền bỉ mà xây dựng, hình thành nên giá trị truyền thống.
Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác cán bộ; bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch, xác định chỉ tiêu, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần vững mạnh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Bởi vậy, về cơ bản đội ngũ cán bộ hậu cần luôn có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt; chủ động, tích cực trong thực hiện chức trách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý và phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi nhiệm vụ, cán bộ hậu cần luôn thể hiện rõ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, tự lực trong công việc, sâu sát với bộ đội, thích ứng với phương thức bảo đảm hậu cần trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động trong chỉ đạo tổ chức kế hoạch khai thác, tạo nguồn, xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần khu vực phòng thủ. Chất lượng công tác hậu cần từng bước được nâng lên, đã khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, quân lương, quân trang, bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu. Nhiều cán bộ hậu cần là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy trong lao động, học tập, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Tuy nhiên, trên thực tiễn công tác bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội vẫn còn những hạn chế như: việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của một số cán bộ có lúc chưa thường xuyên; chưa ý thức đầy đủ về vị trí, trách nhiệm của mình, lơ là trong tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực công tác, nhất là những kiến thức về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Một số cán bộ chưa gương mẫu, còn có biểu hiện nói chưa đi đôi với làm, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, ý thức thực hành tiết kiệm chưa cao; chưa thực sự nỗ lực, sáng tạo trong nắm bắt, tìm hiểu, vận dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ vào công tác; khi gặp khó khăn thì dao động, chùn bước, thoái thác nhiệm vụ; vẫn còn cán bộ vi phạm kỷ luật phải xử lý… ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống vẻ vang của ngành Hậu cần quân đội.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, để xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần quan đội vừa “hồng”, vừa “chuyên”, tiêu biểu về đạo đức cách mạng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chỉ huy các cấp trong triển khai, hiện thực hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần quân đội.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chỉ huy các cấp trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị hậu cần - kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng định hướng nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần quân đội. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp phải có nhận thức đúng, xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết phải xây dựng, hiện thực hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần quân đội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới. Trong đó, cần triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Bên cạnh đó, xác định rõ tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần theo Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của ngành Hậu cần quan đội.
Đưa việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ hoặc trong các buổi sinh hoạt, giáo dục chuyên đề của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị hậu cần - kỹ thuật sát với đặc điểm, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Gắn việc học tập, nâng cao nhận thức với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình về kết quả thực hiện chuẩn mực đạo đức trong thực tiễn theo chức trách, nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì trong chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Việc đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ hậu cần là giải pháp rất quan trọng. Trong những năm qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức ở các đơn vị hậu cần đã được Tổng cục Chính trị và Tổng cục Hậu cần phối hợp thực hiện tốt. Ngoài những nội dung chương trình do Tổng cục Chính trị quy định, Tổng cục Hậu cần đã chủ động biên soạn những tài liệu chuyên đề về giáo dục truyền thống, giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng của người làm công tác hậu cần quân đội. Nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạnh của cán bộ hậu cần tập trung vào giáo dục, rèn luyện những giá trị đạo đức của cán bộ quân đội là “trung với nước, hiếu với dân”, đức “liêm”, đức “kiệm”, tinh thần phục vụ cao cả, thương yêu bộ đội như là “người mẹ, người chị”. Trong giáo dục cần chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; bồi dưỡng kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành... chuyên môn nghiệp vụ, phong cách lãnh đạo. Giáo dục toàn diện, giúp cán bộ hậu cần quân đội có đủ khả năng phát triển tư duy khoa học, tạo cơ sở nền tảng để nhận thức, giữ vững đạo đức cách mạng góp phần khắc phục biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng.
Để công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức đạt hiệu quả, phải vận dụng tổng hợp nhiều phương pháp, trọng tâm là phương pháp thuyết phục, phương pháp nêu gương, phương pháp phê bình và tự phê bình. Chú trọng vận dụng tốt phương pháp nêu gương, mỗi cán bộ hậu cần quân đội phải làm gương trước quần chúng, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, nhất là cán bộ chủ trì. Việc làm gương của cán bộ hậu cần quân đội phải toàn diện, từ việc nhỏ đến việc lớn, trong mọi lúc, mọi nơi. Để tự phê bình và phê bình có chất lượng nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, các cơ quan, đơn vị hậu cần phải thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực góp ý xây dựng cho đội ngũ cán bộ hậu cần. Thực hành tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, của Quân đội và của ngành Hậu cần. Kết quả của tự phê bình và phê bình nhằm góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần quân đội trong giai đoạn mới.
Tính chất, đặc điểm nhiệm vụ của ngành Hậu cần quân đội liên quan trực tiếp đến việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, tài chính, xây dựng cơ bản… nên yêu cầu đối với cán bộ hậu cần là phải xác định tốt trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nếu không sẽ dễ dẫn đến vi phạm, khuyết điểm, ảnh hưởng đến phẩm chất, danh dự của cán bộ hậu cần quân đội. Phát huy vai trò tích cực, chủ động của cán bộ hậu cần trong quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tiễn thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần ở các đơn vị trong toàn quân luôn vận động biến đổi theo yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ hậu cần phải tự mình vươn lên, nhất là tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng để phát triển và hoàn thiện nhân cách.
Để tự giáo dục đạo đức đạt kết quả tốt, mỗi cán bộ hậu quân đội cần phải được giáo dục, bảo đảm hoạt động tự giáo dục đạo đức đúng định hướng, có cơ sở khoa học; xây dựng cho mình lòng tin vào bản thân, vào khả năng tự học, tự rèn luyện, tự vượt qua mọi sự cám dỗ, lôi kéo, mua chuộc của các thế lực bên ngoài và sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân từ bên trong, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cán bộ hậu cần phải lập kế hoạch tự giáo dục, đặt ra mục đích phấn đấu rèn luyện trong từng thời gian phù hợp với bản thân và điều kiện của đơn vị. Vận dụng các phương pháp tự thuyết phục, tự rèn luyện, tự kiềm chế, tự điều chỉnh, tự phê bình; nêu cao tinh thần tự tu dưỡng về đạo đức lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chấp hành nghiêm túc Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật Quân đội, gương mẫu gìn giữ phẩm chất người cán bộ.
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong giáo dục, bồi dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội.
Đơn vị chính trị các cấp cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, trực tiếp tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị chủ trương, giải pháp hiện thực hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ hậu cần quân đội trong giai đoạn mới. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng trong mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên, mọi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm việc nhận xét, đánh giá tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, tổ chức quần chúng, gắn với làm tốt công tác thi đua, khen thưởng...
Các tổ chức quần chúng trong cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, chương trình, kế hoạch giáo dục chính trị cho đoàn viên, thanh niên, hội viên hàng năm. Tăng cường bồi dưỡng động cơ, trách nhiệm, ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ; phát huy tốt vai trò của Hội đồng Quân nhân trong thực hiện dân chủ trên các mặt và nền nếp hoạt động. Hội đồng Quân nhân ở các cơ quan, đơn vị hậu cần phải luôn lắng nghe ý kiến, nắm chắc tình hình tư tưởng, ưu điểm và hạn chế của họ trong thực hành tu dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng, kịp thời giải quyết băn khoăn, vướng mắc của họ; tích cực tham gia xây dựng đơn vị có bầu không khí dân chủ tốt, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ hậu cần tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng. Quan tâm xây dựng đồng bộ các yếu tố của môi trường văn hóa, đặc biệt chú trọng xây dựng quan hệ ứng xử văn hóa, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân; thường xuyên chăm lo, bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp, lành mạnh, phong phú. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa quân sự.
Nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội trong giai đoạn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đã và đang được các cấp ủy Đảng trong Quân đội tổ chức thực hiện có hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng ngành Hậu cần quân đội vững mạnh, chính quy, hiện đại trong tình hình mới, đòi hỏi cán bộ hậu cần phải tự giác rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, vượt qua mọi cám dỗ về vật chất, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.
------------------
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.179.
(2),(3) Sđd, tập 6, tr.296, tr.297.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, (tập I, tập II), Nxb CTQG-ST, H.2021.
2. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2022 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
3. Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 21-KL ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn diến”, “tự chuyển hóa”.
4. Quân ủy Trung ương, Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
5. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb QĐND, H.2020.
TS Bùi Nam Hưng - Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng
tcnn.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục