Hà Nội, Ngày 11/12/2024

Đánh giá cán bộ bằng “thước đo về sự ngay thẳng”

Ngày đăng: 31/03/2024   16:28
Mặc định Cỡ chữ

Về việc lựa chọn cán bộ chiến lược của Đảng cho tương lai gần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu: Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có khuyết điểm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV ngày 13/3/2024.

Trong số các khuyết điểm có việc kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc.

Tác dụng kép

Điều 4 Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc minh bạch tài sản, thu nhập quy định: Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tự kê khai các thông tin theo quy định tại mẫu Bản kê khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.

Thông thường, hành vi tham nhũng là để thỏa mãn lòng tham về của cải, vật chất. Bởi vậy, việc kê khai tài sản là để xác minh tính minh bạch đối với nguồn tài sản mà cán bộ đang nắm giữ, một trong các giải pháp để có thể phát hiện cán bộ có tham ô, tham nhũng hay không.

Bên cạnh việc phòng ngừa tham nhũng thì việc kê khai tài sản cũng chính là một cách bảo vệ sự trong sạch của cán bộ khi họ có khối tài sản minh bạch, nguồn thu nhập chính đáng. Cán bộ cũng có ý thức giữ mình hơn khi việc kê khai và xác minh tài sản được thực hiện nghiêm túc, công tâm.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), người kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến…

Thước đo về “lòng ngay dạ thẳng”

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ ngày 08/02/2022 đến ngày 30/4/2023, có hơn 13.000 người đã được xác minh tài sản, thu nhập, trong số này có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Điển hình là trường hợp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Tại Hội nghị Trung ương 8 (từ ngày 02 đến ngày 08/10/2023), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ do “kê khai, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định”. Dĩ nhiên, người cán bộ từng thuộc hàng ngũ lãnh đạo tầm chiến lược này có lý do để gian dối trong việc kê khai tài sản. Ngày 14/12/2023, do hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” ông Thọ đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tuy nhiên, không nhiều trường hợp gian dối trong kê khai tài sản bị phát hiện qua việc kiểm tra, xác minh thông thường. Phần lớn là khi cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị điều tra hình sự thì hành vi thiếu ngay thẳng trước đó mới bị đưa ra ánh sáng.

Một số hạn chế, bất cập trong thực thi Nghị định số 78/2013/NĐ-CP khiến việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, viên chức, đảng viên chưa đạt mục đích và đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là khâu kiểm tra, xác minh, đánh giá, kết luận của bộ phận chức năng về việc kê khai bị bỏ ngỏ. Số liệu, thông tin kê khai tài sản gần như là “đường một chiều”, chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai. Số người được kiểm tra, xác minh về nguồn gốc tài sản chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng khổng lồ các bản kê khai.

Khi đóng góp ý kiến với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các biện pháp phòng, chống tham nhũng và lựa chọn cán bộ, nhiều chuyên gia, đảng viên lão thành, cử tri đề xuất: Để việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản phát huy hiệu quả thì cần thực hiện sâu sát Chỉ thị số 33-CT/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó nhấn mạnh tới cách thức hạn chế hành vi kê khai tài sản không trung thực.

Cụ thể, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, để uốn nắn, xử lý kịp thời những vi phạm; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, thậm chí tịch thu tài sản, thu nhập không được chứng minh về nguồn gốc chính đáng.

Trong bối cảnh việc kiểm tra, xác minh kê khai tài sản, thu nhập còn nhiều hạn chế thì tính trung thực của cán bộ, đảng viên trong việc tự kê khai càng được đề cao. Cán bộ càng nắm giữ vị trí quan trọng càng phải nêu gương về sự minh bạch đối với nguồn tài sản mà mình đang nắm giữ.

Không gian dối trong việc kê khai và giải trình về nguồn gốc tài sản chính là thước đo đơn giản và rõ ràng về “lòng ngay dạ thẳng” của cán bộ, đảng viên. Ngược lại, những người thiếu trung thực trong kê khai thì phải được xem là không có đủ phầm chất đạo đức để đứng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước chứ chưa nói đến việc được lựa chọn vào hàng ngũ cán bộ tầm chiến lược. Nếu để lọt vào đội hình tinh hoa của Đảng những người thiếu ngay thẳng từ hành vi rất cơ bản là kê khai tài sản thì sự nghiệp cách mạng chẳng những bị tổn hại nặng nề mà uy tín của Đảng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không coi việc kê khai tài sản, thu nhập là “thủ tục hình thức”, “đến hẹn lại lên” mà nghiêm túc thực hiện chính là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và củng cố phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Các vụ việc Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, FLC, Vạn Thịnh Phát, SCB, Phúc Sơn… một lần nữa cho thấy rằng không ít cán bộ, kể cả lãnh đạo cấp cao, cán bộ tầm chiến lược, nếu tránh được “những viên đạn bọc đường” thì vẫn có thể gục ngã bởi “những viên đạn bọc rất nhiều đường”.

Còn nếu việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên được thực hiện có hiệu quả thì những dấu hiệu bất thường về sự “giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc” sẽ bị phát lộ trước khi cơ quan điều tra phải tốn biết bao thời gian, công sức để lần ra những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đương sự./.

Theo: vietnam.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Kế hoạch định hướng mới về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

Ngày đăng 06/12/2024
Ngày 06/12/2024, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban Chỉ đạo của Chính phủ) ban hành Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 140/KH-BCĐTKNQ18 ngày 05/12/2024 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ. 

Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

Ngày đăng 05/12/2024
Ngày 05/12/2024, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã ban hành KẾ HOẠCH ĐỊNH HƯỚNG sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. 

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC BỘ, CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ

Ngày đăng 04/12/2024
Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ, thuộc bộ, các đơn vị sự nghiệp thuộc bộ.

Tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 01/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương

Ngày đăng 01/12/2024
Ngày 01/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư.

Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết của Đảng

Ngày đăng 01/12/2024
Sáng nay (01/12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.