Hà Nội, Ngày 02/11/2024

ĐBQH Ma Thị Thúy: Đề nghị cân nhắc việc thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7

Ngày đăng: 28/03/2024   12:15
Mặc định Cỡ chữ

Chiều ngày 27/3, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý đề nghị xem xét, cân nhắc thông qua dự thảo Luật sau khi cải cách tiền lương và cần có thời gian điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng Luật vừa thông qua lại phải rà soát, sửa đổi.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời góp ý một số nội dung vào dự thảo Luật, cụ thể:

Về vấn đề trợ cấp hưu trí: Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, mức trợ cấp hưu trí xã hội chưa đảm bảo nguyên tắc an sinh xã hội vì chỉ là trợ cấp cho người cao tuổi chuyển sang từ Luật Người cao tuổi, sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu hoặc gần tiệm cận mức sống tối thiểu của nhóm người cao tuổi này. Do đó, nếu chỉ thay đổi về hình thức mà không có thay đổi căn bản về chính sách thì đây cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đại biểu, ít nhất mức hưu trí xã hội cũng phải cao hơn so với mức trợ cấp xã hội… đề nghị Chính phủ cần xem xét kỹ, đánh giá báo cáo rõ ràng hơn để Quốc hội xem xét quyết định.

Về bảo hiểm xã hội bắt buộc: Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang cho rằng, dự thảo Luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác, thu nhập ổn định thường xuyên là không phù hợp, vì đây là thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ. Trên thực tế, các đối tượng có thu nhập ổn định như lao động công nghệ (Grab, Shipper, bán hàng online...), số lượng lao động lớn, thu nhập ổn định, thậm trí còn cao hơn cả nhóm lao động phổ thông làm việc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa có giải pháp kịp thời để đưa đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc… Do đó, đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, có lộ trình cụ thể áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm lao động công nghệ (Grab; Shipper…) vào năm 2026.

Liên quan đến việc quy định mức lương hưu thấp nhất: đại biểu băn khoăn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở. Dự thảo Luật mới bỏ quy định này thì tính mức lương hưu thấp nhất ra sao? Có đảm bảo cuộc sống của người lao động về hưu không? Nếu như chúng ta chỉ tính tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội mà không chú trọng tới chất lượng an sinh như vậy thì không thể bền vững. Như các đối tượng người hoạt không chuyên trách, hay chủ hộ kinh doanh cá thể khi đến tuổi nghỉ hưu thì lương thấp phải điều chỉnh cao mà không đủ tiền từ Quỹ. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nó bảo vệ mức sàn an sinh tối thiểu… Do vậy đề nghị Chính phủ cần có cân nhắc khi bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất được quy định tại Khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Vấn đề liên quan đến chi phí quản lý bảo hiểm xã hội: đề nghị cần có sự kiểm soát chi, nhất là đối với định mức chi cho các hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm, chi cho cơ sở vật chất, cho hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho các tổ chức ngoài ngành Bảo hiểm xã hội. Vì đây không phải là tiền ngân sách, không có cơ quan nào kiểm soát, cần quy định rõ trong Luật vấn đề này, tránh bị lạm dụng.

Về thời điểm thông qua dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua sau khi cải cách tiền lương, vì cải cách tiền lương là một chính sách lớn, khó và phức tạp, tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực, nhóm lao động khác nhau trên toàn xã hội, do đó cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn để phát sinh (nếu có) cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng Luật vừa thông qua lại phải rà soát, sửa đổi. Do vậy đề nghị Quốc hội chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (thời điểm tháng 10 - 11/2024)./.

Theo: quochoi.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về điều chỉnh lương cơ sở năm 2025

Ngày đăng 26/10/2024
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước, năm 2025 có thể tạm dừng.

Kiến nghị năm 2025 chưa tăng lương hưu, lương công chức

Ngày đăng 22/10/2024
Chính phủ kiến nghị chưa tăng lương hưu, công chức, trợ cấp xã hội năm 2025 và sẽ xử lý bất hợp lý của một số ngành như y tế, giáo dục.

Chính sách tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương

Ngày đăng 14/10/2024
Kết luận về dự án Luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với nhà giáo theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, có sự đột phá. Chính sách tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại thời điểm ngày 31/12/2023

Ngày đăng 12/10/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại thời điểm ngày 31/12/2023. Đồng thời, giao Bộ Nội vụ đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp chung danh sách, mức độ vi phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Chưa xem xét tăng lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trong năm 2025

Ngày đăng 04/10/2024
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với những kiến nghị của Chính phủ trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp người có công.