Hà Nội, Ngày 01/12/2023

Đổi mới hoạt động của cụm, khối thi đua đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước hiện nay

Ngày đăng: 21/11/2023   16:36
Mặc định Cỡ chữ

Đổi mới hoạt động của cụm, khối thi đua ở nước ta hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng để khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các giai cấp, tầng lớp nhân dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Cụm thi đua Sở Nội vụ các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh minh họa.

Việc đổi mới hoạt động của cụm, khối thi đua đòi hỏi phải đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cụm, khối thi đua và các phong trào thi đua trong cả nước, phù hợp với quan điểm định hướng của Đảng, Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Để việc đổi mới hoạt động cụm, khối thi đua đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra cần: 

Một là, xây dựng quy chế hoạt động và nội dung, tiêu chí thi đua.

Quy chế hoạt động là cơ sở để tổ chức các hoạt động của cụm, khối thi đua. Vì vậy, xây dựng quy chế có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua. Để quy chế hoạt động của cụm, khối được đầy đủ, chặt chẽ, toàn diện, việc xây dựng các quy chế phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị thành viên trong việc xây dựng quy chế hoạt động; nội dung quy chế phải quy định cụ thể, đầy đủ về nguyên tắc, tổ chức hoạt động, chế độ làm việc của cụm, khối thi đua; trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ của từng thành viên trong các hoạt động của cụm, khối thi đua, đặc biệt là trách nhiệm, quyền hạn của cụm trưởng, cụm phó, khối trưởng, khối phó trong việc phối hợp, điều hành các hoạt động chung của cụm, khối thi đua; xây dựng nội dung, tiêu chí thi đua phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi khu vực, địa bàn đặt ra.

Hai là, về ký kết giao ước thi đua và tổ chức triển khai phong trào thi đua.

Trong đổi mới hoạt động của cụm, khối thi đua, việc ký kết giao ước thi đua và tổ chức triển khai phong trào thi đua là nội dung trọng tâm, có tính chất quyết định trong trong đánh giá hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua. Hoạt động của cụm, khối thi đua hiệu quả phải xuất phát từ chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua. Giao ước thi đua được ký kết trên cơ sở nội dung và các tiêu chí thi đua đã được thống nhất và phải được thực hiện ngay từ đầu năm, để kịp thời triển khai các phong trào thi đua, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của cụm, khối thi đua cũng như các đơn vị thành viên. Đối với các các phong trào thi đua: Căn cứ nội dung, tiêu chí thi đua mà cụm, khối đã đề ra và nhiệm vụ chính trị được giao, các đơn vị thành viên chủ động tổ chức phát động và triển khai các phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua cần tập trung về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua cụ thể; hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những khó khăn vướng mắc, những mặt còn tồn tại, yếu kém, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của phong trào thi đua. 

Việc lựa chọn nội dung, hình thức, phạm vi của mỗi phong trào thi đua phải phù hợp với định hướng, nội dung thi đua của cụm, khối thi đua, có thể để tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua phạm vi toàn quốc hoặc phong trào thi đua phạm vi cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc có thể phát động các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, theo chuyên đề căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phong trào thi đua do các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phát động và triển khai thực hiện vừa phải bảo đảm thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề cấp bách đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải bảo đảm đạt kết quả cao để thi đua với các cơ quan, đơn vị, địa phương khác trong cụm, khối thi đua, điều này tạo động lực không chỉ trong nội bộ mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị mà còn tạo động lực phấn đấu giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cụm, khối thi đua. 

Trong quá trình triển khai tổ chức phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhằm phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị thành viên trong việc thực hiện các mục tiêu thi đua chung của cụm, khối; đồng thời có trao đổi thường xuyên về nghiệp vụ, kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai phong trào thi đua, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua tại mỗi đơn vị thành viên và của cụm, khối thi đua. 

Phát hiện, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến có vai trò rất quan trọng, được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua nói chung và của các cụm, khối thi đua nói riêng. Điển hình tiên tiến là một trong những nhân tố quan trọng, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua. Phong trào thi đua mà không có điển hình tiên tiến, thì phong trào đó không có sức sống, tác dụng, hiệu quả; mặt khác, các phong trào thi đua chính là môi trường, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến có cơ hội được tôn vinh, nhân rộng, để mọi người biết, học tập và làm theo, từ đó phát huy, nhân rộng cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở và phát triển nhiều thêm, cái xấu bị đẩy lùi, thu hẹp. Như vậy, phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến không phải là cái đích của phong trào thi đua, mà là để nhân rộng, tạo ra được nhiều điển hình tiên tiến thúc đẩy phong trào thi đua liên tục phát triển... Xuất phát từ vai trò quan trọng của điển hình tiên tiến, trong tổ chức các hoạt động của cụm, khối, đặc biệt trong tổ chức phong trào thi đua, mỗi đơn vị thành viên cần lựa chọn, xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu, xuất sắc, gương người tốt, việc tốt trong cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời giới thiệu, tuyên truyền trong các hoạt động chung của cụm, khối, tạo sự lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ, thúc đẩy các phong trào thi đua của cụm, khối phát triển hiệu quả, bền vững.

Công tác nhân rộng điển hình tiên tiến phải luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để động viên các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu trong lao động sáng tạo. Hoạt động tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến phải duy trì thường xuyên, liên tục và phải luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng, nhưng phải có điểm nhấn về nội dung và hình thức. Chú trọng tuyên truyền trước, trong và sau các hoạt động thi đua, lựa chọn địa điểm, đối tượng và cách thức tuyên truyền phù hợp. Trong tổ chức phong trào thi đua cũng cần tránh nhầm lẫn giữa điển hình với thành tích. Điển hình tiên tiến thì phải có thành tích, nhưng có thành tích thì chưa hẳn đã bật lên thành điển hình. Thực tế của phong trào thi đua cho thấy, có thể phát hiện được điển hình toàn diện nhưng cũng có điển hình từng mặt, từng lĩnh vực công tác chứ không nhất thiết phải toàn diện.

Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết trong tổ chức phong trào thi đua cần được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Các đơn vị thành viên khi tổ chức phong trào thi đua cần chủ động đôn đốc, kiểm tra để các phong trào thi đua triển khai thực hiện liên tục, có hiệu quả. Các cụm, khối thi đua có thể thống nhất trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra chéo giữa các đơn vị trong quá trình tổ chức phong trào thi đua, nhằm tìm ra các giải pháp chung trong quá trình triển khai phong trào thi đua ở mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Ba là, về tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và hoạt động của cụm, khối thi đua. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua, công tác sơ kết, tổng kết phải bảo đảm một số nội dung sau:

Việc tổ chức sơ kết, tổng kết phải thực hiện theo đúng thời gian, thành phần, nội dung đã đề ra. Đề cao vai trò, trách nhiệm của đơn vị cụm trưởng, khối trưởng trong việc chủ trì, chủ động phối hợp với các đơn vị thành viên trong công tác sơ kết, tổng kết, bảo đảm đúng quy chế, thiết thực, hiệu quả, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức triển khai thực hiện. 

Nội dung sơ kết, tổng kết phải đúng trọng tâm, đánh giá sát thực kết quả triển khai thực hiện, những việc đã làm được và chưa làm được, những thuận lợi, khó khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh phong trào tại mỗi cụm, mỗi đơn vị. Các cụm, khối thi đua cần thực hiện đầy đủ các nội dung sơ kết, tổng kết theo hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tổ chức cụm, khối thi đua và quy chế hoạt động. Bên cạnh việc đánh giá kết quả hoạt động và bàn biện pháp triển khai công tác, cần đưa nội dung phát hiện, tuyên truyền giới thiệu điển hình tiên tiến thành một hoạt động bắt buộc trong hoạt động sơ kết, tổng kết cụm, khối thi đua. Đồng thời, căn cứ quy chế của cụm, khối thi đua, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động như: Tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị trao đổi nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng; tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình, cách làm hiệu quả, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội... Khi tổ chức sơ kết, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, các cụm, khối thi đua tiến hành rà soát, thảo luận, thống nhất điều chỉnh các tiêu chí chấm điểm, thang, bảng điểm của năm trước cho phù hợp với thực tiễn, sửa đổi quy chế hoạt động của cụm, khối thi đua trong trường hợp cần thiết. Đối với tổng kết, các cụm, khối thi đua đánh giá, chấm điểm, xếp loại thi đua; thống nhất cụm trưởng, khối trưởng, cụm phó, khối phó; ký kết giao ước thi đua và phát động triển khai phong trào thi đua của năm tiếp theo.  

Cách thức tiến hành: Các cụm, khối thi đua tiến hành sơ kết, tổng kết trên cơ sở hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tổ chức cụm, khối thi đua; đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn để triển khai thực hiện. Đối với sơ kết, trong trường hợp có sự thống nhất của các đơn vị thành viên và đồng ý của cơ quan tổ chức cụm, khối, để bảo đảm cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, việc sơ kết có thể tiến hành trực tiếp hoặc trực tuyến, nhưng vẫn phải bảo đảm các nội dung sơ kết theo quy định. Hội nghị tổng kết được tổ chức trực tiếp, trước khi tổ chức chính thức, cần tổ chức hội nghị trù bị hoặc có văn bản để thống nhất một số nội dung như: Đánh giá kết quả thực hiện giao ước thi đua và hoạt động của cụm, khối thi đua; lựa chọn mô hình, điển hình tiên tiến để giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến; giới thiệu cụm trưởng, cụm phó, khối trưởng, khối phó; chuẩn bị các nội dung để tiến hành các hoạt động của cụm, khối thi đua.  

Bốn là, về chấm điểm thi đua và bình xét khen thưởng. 

Kết quả chấm điểm thi đua và bình xét khen thưởng phải phản ánh đúng kết quả, thành tích của các cơ quan, đơn vị, địa phương; việc chấm điểm, bình xét khen thưởng thực hiện chính xác, kịp thời, đúng quy định sẽ có tác dụng động viên, khuyến khích, thúc đẩy phong trào thi đua nói chung và hoạt động của các cụm, khối thi đua nói riêng. 

Chấm điểm thi đua phải căn cứ vào các tiêu chí thi đua đã được thống nhất trong cụm, khối thi đua, kết quả các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cụm, khối thi đua phải thống nhất thang, bảng điểm, nguyên tắc và phương pháp chấm điểm ngay từ khi xây dựng tiêu chí thi đua; đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn, thường xuyên xem xét, rà soát, để thống nhất việc điều chỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện. Thang, bảng điểm phải cụ thể, phù hợp và tương ứng với từng nội dung, tiêu chí thi đua, quy định cụ thể về điểm thưởng (đối với một số nội dung trọng tâm, cần tập trung hoặc cơ quan, đơn vị thực hiện vượt chỉ tiêu) và điểm trừ (nếu cơ quan, đơn vị thực hiện không đạt chỉ tiêu hoặc không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm đã thống nhất). 

Việc chấm điểm thi đua phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy chế hoạt động, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của từng đơn vị thành viên, thông qua cơ chế tự chấm điểm và chịu trách nhiệm về kết quả điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời có sự so sánh, đối chiếu kết quả thực hiện thông qua công tác tổng hợp, rà soát của đơn vị cụm trưởng, khối trưởng và trao đổi, thống nhất của các đơn vị thành viên. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có thẩm quyền tổ chức cụm, khối thi đua (hoặc cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng được giao nhiệm vụ) tiến hành rà soát, thẩm định kết quả chấm điểm, điều chỉnh và quyết định kết quả chấm điểm của cụm, khối thi đua. 

Về bình xét, đề nghị khen thưởng: Hằng năm đơn vị cụm trưởng, khối trưởng các cụm, khối thi đua chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động của cụm, khối thi đua, tổ chức bình xét, lựa chọn các đơn vị tiêu biểu, xuất sắc để đề nghị khen thưởng. Việc bình xét, đề nghị khen thưởng phải thực hiện theo quy định của pháp luật, phản ánh đúng kết quả phong trào thi đua của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và trên cơ sở kết quả tổng số điểm thi đua của mỗi đơn vị thành viên. Việc bình xét khen thưởng phải bảo đảm bình đẳng, công khai, dân chủ, khách quan và tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao giữa các cơ quan, đơn vị; tập thể được đề nghị khen thưởng phải thực sự là đơn vị tiêu biểu trong các phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động của cụm, khối thi đua. Trong quá trình tổ chức bình xét thi đua, bên cạnh kết quả chấm điểm của cụm, khối thi đua, cần tổng hợp, tìm hiểu nhiều kênh thông tin để thẩm định một cách khách quan các kết quả, thành tích của cơ quan, đơn vị, địa phương; tránh tình trạng nể nang, cảm tính, đề nghị khen thưởng mang tính chất "luân phiên".

Bình xét, đề nghị khen thưởng đối với tập thể trong cụm, khối thi đua phải đảm bảo đúng hình thức, số lượng, điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Cụm, khối thi đua ở Trung ương tổ chức bình xét và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, ban, ngành, tỉnh theo quy định và hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Đối với cụm, khối thi đua do bộ, ban, ngành tỉnh tổ chức, chỉ lựa chọn một đơn vị tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua hằng năm của cụm, khối thi đua để đề nghị Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh; sau đó trên cơ sở kết quả bình xét, đề nghị của cụm, khối thi đua, các bộ, ban, ngành, tỉnh lựa chọn không quá 20% trong tổng số đơn vị được đề nghị tặng Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh để đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ; khắc phục tình trạng đề nghị tặng Cờ thi đua vượt quá tỷ lệ quy định, cá biệt có trường hợp đề nghị cho 2 tập thể trong cùng một cụm, khối thi đua của bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, không bảo đảm tính tiêu biểu, xuất sắc. Đồng thời, căn cứ quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, bộ, ban, ngành, tỉnh xem xét, tặng thưởng Bằng khen cho đơn vị tiêu biểu xuất sắc đứng nhì cụm, khối thi đua hoặc đơn vị có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong từng lĩnh vực./.

ThS Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương)

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Một số giải pháp tiếp tục thực hiện cải cách tài chính công giai đoạn 2021 - 2030

Ngày đăng 27/11/2023
Cải cách tài chính công là một trong 6 nội dung của cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu cải cách tài chính công, cần xác định yêu cầu và căn cứ vào tình hình thực tiễn tài chính công hiện nay để đề ra các giải pháp phù hợp.

Xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 23/10/2023
Quan điểm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện Đại hội Đảng khóa IX, X, XI, XII, XIII. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên cần tiếp tục có những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng 31/10/2023
Dư luận xã hội là một hiện tượng trong đời sống xã hội, phản ánh nhận thức, thái độ và tình cảm của các nhóm công chúng đối với những sự kiện, hiện tượng xuất hiện trong đời sống được xã hội quan tâm. Một trong những ý nghĩa của dư luận xã hội là giúp cho các chủ thể lãnh đạo, quản lý biết được nhận thức, tâm tư, tình cảm và thái độ của các nhóm công chúng, làm cơ sở cho những quyết định lãnh đạo, quản lý.

Tổ chức đơn vị hành chính trong bối cảnh cải cách hành chính ở nước ta hiện nay

Ngày đăng 24/10/2023
Sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Để góp phần cung cấp luận cứ khoa học về sắp xếp các đơn vị hành chính, bài viết hệ thống hoá quan niệm về đơn vị hành chính và phân tích làm rõ những đặc điểm của đơn vị hành chính trong bối cảnh cải cách hành chính nước ta hiện nay.  

NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA 10/10

Ngày đăng 09/10/2023
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số cơ quan nhà nước, bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định. Những bước tiến này đã đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với công chức về phong cách làm việc thích ứng với bối cảnh này. Đổi mới phong cách làm việc của công chức được biểu hiện ở một số xu hướng, như: thích ứng với môi trường làm việc linh hoạt, thích ứng với công việc linh hoạt, chia sẻ thông tin mở, trao cơ hội cho công chức phát triển, thay đổi nghề nghiệp và hình thành các phẩm chất đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.