Công tác xây dựng pháp luật, thể chế ngành Nội vụ trong những năm qua luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đang xây dựng, triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, thể chế ngành Nội vụ thực sự hiệu lực, hiệu quả để phát triển đất nước nói chung, ngành Nội vụ nói riêng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai và tuyên truyền, phổ biến thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ năm 2023. Ảnh minh họa |
Công tác xây dựng pháp luật, thể chế của ngành Nội vụ thời gian qua
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành Nội vụ nói chung và tại Bộ Nội vụ nói riêng thời gian qua luôn được Ban Cán sự đảng Bộ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, góp phần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ, tạo khung khổ, hành lang pháp lý để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ. Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ động tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và đề xuất thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Bộ Nội vụ đã kịp thời tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành Nội vụ; tập trung vào việc xây dựng các đạo luật triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong lĩnh vực tổ chức hành chính nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật này.
Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)(1) và kế hoạch công tác pháp chế của Bộ Nội vụ, trong đó nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo từng lĩnh vực và phân công việc tổ chức thực hiện đối với từng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật lĩnh vực nội vụ và theo yêu cầu của thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng văn bản QPPL(2).
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo(3) các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện thể chế pháp luật, kịp thời rà soát, sửa đổi các bất cập, vướng mắc trong các văn bản QPPL hiện hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống văn bản QPPL lĩnh vực Nội vụ. Hàng tháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ đạo công tác theo dõi, đôn đốc và báo cáo tiến độ xây dựng văn bản QPPL của Bộ Nội vụ theo chương trình công tác, chương trình xây dựng văn bản QPPL đã ban hành. Đồng thời, hàng năm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đều ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bảo đảm sự tham gia, phối hợp giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; các tổ chức, cá nhân có liên quan; kết hợp chặt chẽ giữa theo dõi tình hình thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản QPPL; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của từng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện công việc được giao trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo với các nội dung thanh tra, kiểm tra khác.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, ngày 19/7/2019 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 819/QĐ-BNV về việc ban hành Quy chế xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nội vụ (Quy chế 819). Theo Quy chế 819, từng thành viên Ban Cán sự đảng Bộ chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra trên các lĩnh vực công tác và đơn vị được phân công; đồng thời phối hợp chặt chẽ và tham gia ý kiến có trách nhiệm đối với công tác xây dựng thể chế, chính sách của Bộ, phát huy trí tuệ tập thể, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ(4). Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế 819 đã quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Cán sự đảng Bộ, việc báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ trong các giai đoạn xây dựng văn bản QPPL(5).
Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ luôn xác định công tác pháp chế có vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách lĩnh vực Nội vụ; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và Nghị định số 55/2011/NĐ-CP(6) để xây dựng kế hoạch công tác pháp chế hàng năm của Bộ(7), báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ phụ trách để hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện. Với sự lãnh đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế lĩnh vực Nội vụ nói chung, công tác pháp chế nói riêng được tổ chức triển khai theo kế hoạch, bảo đảm tiến độ, từng bước nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế và các nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống văn bản QPPL lĩnh vực Nội vụ nói riêng, tạo khung khổ, hành lang pháp lý để thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được ban hành trong bối cảnh qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); nhận thức, lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật đã được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu trọng tâm là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”.
Ngày 28/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, với mục đích nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Kế hoạch này, Bộ Chính trị giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật; đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 27-NQ/TW liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ thành nhiệm vụ, đề án triển khai công việc cụ thể; giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Chương trình đưa ra sáu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phát huy vai trò của Chính phủ trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; phát huy vai trò của Chính phủ trong xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; phát huy vai trò của Chính phủ trong hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của Chính phủ trong tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong đó, Chính phủ sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giám sát việc thực hiện Nghị quyết; xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính về tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra; đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án; hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Với quan điểm nhất quán, Chính phủ kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức thực hiện các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực…
Chương trình hành động của Chính phủ đã giao cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ… có trách nhiệm xây dựng, ban hành chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý của mình để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm; đối với những nhiệm vụ đã rõ, đã có văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải tổ chức triển khai ngay, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung liên quan trong chương trình hành động của Chính phủ và chương trình hành động của bộ, ngành.
Một số giải pháp tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, thể chế ngành Nội vụ gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW
Để góp phần hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, thể chế ngành Nội vụ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW, cũng như các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã triển khai xây dựng và ban hành Quyết định số 422/QĐ-BNV ngày 14/6/2023 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Việc ban hành Kế hoạch nhằm cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, lộ trình và thời gian thực hiện để các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Kế hoạch đã xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Nội vụ bảo đảm nghiêm minh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong cơ quan, đơn vị; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong thực thi Hiến pháp, pháp luật.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước, nhất là hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị; công vụ, công chức; phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, điều hành; phát triển đào tạo nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ Nội vụ, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng văn bản QPPL.
Thứ năm, tăng cường công tác tham mưu, xây dựng các văn bản QPPL có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; khắc phục tình trạng luật thiếu tính ổn định, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản QPPL trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng văn bản QPPL.
Có thể nói, một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam. Tại Bộ Nội vụ, Ban Cán sự đảng Bộ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đặc biệt coi trọng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, coi đây là một trong ba đột phá trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023. Cùng với việc quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW và các văn bản triển khai, Bộ Nội vụ đã và đang cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, lộ trình và thời gian thực hiện để các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Vì vậy, mỗi đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ cần nâng cao nhận thức về pháp luật, các đặc trưng và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với tình hình thực tiễn của Bộ Nội vụ. Qua đó, từng bước hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, thể chế ngành Nội vụ, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn cách mạng mới./.
---------------
Ghi chú:
(1) Bộ Nội vụ, Danh mục các văn bản QPPL năm 2021 ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-BNV ngày 01/01/2021; Quyết định số 70/QĐ-BNV ngày 31/01/2022 ban hành Danh mục Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2022; Quyết định số 1261/QĐ-BNV ngày 16/12/2021 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch công tác pháp chế năm 2022; Quyết định số 32/QĐ-BNV ngày 19/01/2023 ban hành Danh mục Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2023 của Bộ Nội vụ.
(2) Bộ Nội vụ, Quyết định số 760/QĐ-BNV điều chỉnh, bổ sung Chương trình công tác năm 2021; Quyết định số 563/QĐBNV ngày 19/7/2022 về việc điều chỉnh, bổ sung Chương trình công tác của Bộ Nội vụ năm 2022.
(3) Bộ Nội vụ, Công văn số 1532/BNV-PC ngày 19/4/2022 về việc triển khai thực hiện công tác xây dựng thể chế, pháp luật; Công văn số 2415/BNV-PC ngày 09/6/2022 về công tác xây dựng pháp luật; Công văn số 5649/BNV-PC ngày 10/11/2022 về công tác xây dựng pháp luật.
(4) Bộ Nội vụ, Quy chế 819: Điều 3. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL: (1) Bộ trưởng phụ trách chung, lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, ban hành, hợp nhất VBQPPL; (2) Thứ trưởng được giao phụ trách đơn vị trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản QPPL thuộc phạm vi được phân công; (3) Đối với những dự án, dự thảo văn bản QPPL có nội dung phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc các vấn đề quan trọng khác, Thứ trưởng được giao phụ trách quyết định việc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng; lấy ý kiến các đồng chí Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực có liên quan. Nội dung đề nghị lấy ý kiến phải xác định rõ những vấn đề cần lấy ý kiến; sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc thay thế bãi bỏ đối với chính sách, quy định được đề nghị xây dựng hoặc đang soạn thảo.
(5) Bộ Nội vụ, Quy chế 819: Điều 8. Tổ chức đánh giá tác động của chính sách; Điều 22. Quy trình soạn thảo văn bản; Điều 23. Soạn thảo văn bản theo trình tự rút gọn; Điều 26. Tổng hợp, tiếp thu ý kiến và chỉnh lý dự thảo; Điều 36. Trình lãnh đạo Bộ ký, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL.
(6) Chính phủ, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
(7) Bộ Nội vụ, Quyết định số 2702/QĐ-BNV ngày 28/12/2018; Quyết định số 1080/QĐ-BNV ngày 13/12/2019; Quyết định số 1086/QĐ-BNV ngày 16/12/2020; Quyết định số 1261/QĐ-BNV ngày 16/12/2021.
Lê Thanh Thủy - Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ
tcnn.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục