Hungary thuộc khu vực Trung Âu, là một cường quốc tầm trung trong các vấn đề quốc tế, được coi là một quốc gia phát triển với nền kinh tế thu nhập cao và xếp hạng "rất cao" trong Chỉ số phát triển con người. Khái niệm, định nghĩa về khen thưởng và khen thưởng cấp Nhà nước được đề cập trong Hiến pháp. Công tác khen thưởng của Cộng hòa Hungary được điều chỉnh bởi Luật Khen thưởng và Luật Giải thưởng Corvin.
Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary. |
Luật Khen thưởng hiện hành được ban hành năm 2011, bao gồm các quy định về việc sử dụng quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, các biểu trưng quốc gia và hình thức khen thưởng cấp Nhà nước đối với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong từng lĩnh vực cụ thể. Luật này được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2022. Có Nghị định của Chính phủ quy định về cơ cấu, trình tự thủ tục khen thưởng, trao thưởng, thành phần của Ủy ban Khen thưởng Quốc gia. Luật về Giải thưởng Corvin được thông qua năm 2023 (Hình thức này được Chính phủ đề nghị khôi phục từ năm 2001).
Về nguyên tắc xét khen thưởng
Không khen thưởng cho tập thể, chỉ khen thưởng cho cá nhân. Đối với giải thưởng Corvin, có thể khen cho một nhóm nghệ thuật, nhưng rất hiếm, và hồ sơ xét trình khen thưởng phải thực hiện riêng đối với từng cá nhân và tiền thưởng được chia theo từng người.
Không truy tặng (chỉ khen thưởng đối với người còn sống).
Mang tính chất tưởng thưởng, cá nhân được nhận hình thức khen thưởng không kèm tiền thưởng hay đãi ngộ nào (trừ Giải thưởng Corvin).
Ai cũng có quyền đề cử người khác, nếu thấy xứng đáng; nhưng không được đề cử khen thưởng cho bản thân và người thân.
Cá nhân chỉ được nhận một mức hạng Huân chương một lần.
Cá nhân đã được nhận hình thức khen thưởng cấp Nhà nước thì trong vòng 10 năm sau mới được đề cử hình thức khen thưởng nhà nước và phải chứng minh được thành tích nổi bật, vượt trội hơn thành tích đã được ghi nhận tại hình thức trước.
Không đưa vào danh sách đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho cá nhân có tiền án, tiền sự (trừ trường hợp đặc biệt xứng đáng được công nhận).
Về các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước
Huân chương Thánh Stephano: Là Huân chương cao quý nhất của Hungary, dành tặng cho các cá nhân có công lao đặc biệt to lớn đối với Hungary, cá nhân có những đóng góp xuất sắc trong cuộc sống, mang lại những giá trị quan trọng trên trường quốc tế vì lợi ích của Hungary. Mỗi năm, Tổng thống Hungary trao tặng tối đa 03 Huân chương Thánh Stephano. Huân chương Thánh Stephano thường dành tặng cho Tổng thống, Thủ tướng Hungary hoặc gần đây trao tặng cho một số cá nhân có thành tích đặc biệt, đóng góp to lớn cho đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn thế giới trong các lĩnh vực.
Giải thưởng Corvin: dành tặng cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật, giúp thúc đẩy danh tiếng của Hungary trên thế giới. Cùng 1 thời điểm, chỉ có 15 cá nhân được trao tặng Giải thưởng Corvin. 15 cá nhân này tạo thành một Hội đồng để tham mưu xét chọn những cá nhân được đề cử nhận Giải thưởng Corvin. Mỗi cá nhân được trao Giải thưởng sẽ được khắc tên trên hiện vật của Giải thưởng. Khi Giải thưởng khắc đủ 04 tên người được nhận Giải thưởng lên hiện vật (chuỗi vòng Corvin) thì sẽ được bảo quản, lưu trữ vĩnh viễn. Khi một trong 15 cá nhân đã được trao tặng không còn thì mới trao tặng để bổ sung người mới từ trong danh sách đã được duyệt.
Huân chương Danh dự Hungary: nhằm ghi nhận sự phục vụ xuất sắc của cá nhân hoặc những hành động anh hùng của cá nhân vì lợi ích của quốc gia Hungary. Hàng năm, Tổng thống Hungary trao tặng tối đa 15 Huân chương Danh dự Hungary.
Huân chương Công trạng Hungary: gồm Huân chương Công trạng Thánh giá lớn; Huân chương Công trạng Thánh giá Tư lệnh, Huân chương Công trạng Thánh giá chỉ huy, Huân chương Công trạng sĩ quan, Huân chương Công trạng hiệp sĩ. Chủ yếu dành cho lực lượng vũ trang. Hàng năm, Tổng thống Hungary trao tặng không quá 05 Huân chương Công trạng Thánh giá lớn, 20 Huân chương Công trạng Thánh giá Tư lệnh, 40 Huân chương Công trạng Thánh giá chỉ huy, 140 Huân chương Công trạng sĩ quan, 300 Huân chương Công trạng hiệp sĩ.
Huân chương Chữ thập Hungary: gồm Huân chương Chữ thập Vàng, Huân chương Chữ thập Bạc, Huân chương Chữ thập Đồng. Huân chương Chữ thập Hungary tặng cho các cá nhân để ghi nhận những hoạt động xuất sắc, mẫu mực của cá nhân đó trong phục vụ đất nước góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước và các giá trị nhân loại. Hàng năm, Tổng thống Hungary trao tặng không quá 250 Huân chương Chữ thập Vàng, 250 Huân chương Chữ thập Bạc, 250 Huân chương Chữ thập Đồng.
Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) làm việc với Văn phòng Thủ tướng Hungary. |
Trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong công tác khen thưởng
Trách nhiệm của các cơ quan
Ủy ban Khen thưởng Quốc gia: có trách nhiệm tổng hợp và xét từng trường hợp đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước. Ủy ban gồm 01 Phó Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban và các ủy viên. Các ủy viên Ủy ban gồm các Bộ trưởng, 01 Phó Quốc Vụ khanh thuộc Văn phòng Thủ tướng làm Tổng Thư ký, 01 Vụ trưởng Vụ Khen thưởng và 01 cá nhân đại diện Văn phòng Tổng thống.
Các Bộ: chịu trách nhiệm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ qua Ủy ban Khen thưởng Quốc gia để xét, trình Tổng thống khen thưởng cấp Nhà nước. Đây là bộ lọc về chuyên môn (các cá nhân, cơ quan, tổ chức đề cử đều phải thông qua bộ lọc này để xem xét, đánh giá uy tín và mức độ thành tích của cá nhân với hình thức khen thưởng đề nghị). Chỉ Bộ trưởng phụ trách ngành, lĩnh vực đó mới có quyền đề nghị khen thưởng lên Ủy ban Khen thưởng Quốc gia. Các bộ có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ nhằm mục đích chuẩn bị trao tặng và tránh trao tặng Huân chương nhiều lần cho 01 cá nhân. Các bộ có bộ phận giúp việc cho Bộ trưởng về công tác khen thưởng.
Vụ Khen thưởng trực thuộc Văn phòng Thủ tướng: có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ đề nghị khen thưởng; kiểm tra lý lịch tư pháp của các cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp nhà nước và trực tiếp giúp việc cho Ủy ban Khen thưởng Quốc gia.
Bộ phận giúp việc tại Văn phòng Tổng thống: có trách nhiệm rà soát những đề nghị khen thưởng của Thủ tướng, đối chiếu với các quy định pháp luật để tham mưu cho Tổng thống ban hành quyết định khen thưởng.
Hội đồng xét Giải thưởng Corvin: có trách nhiệm tham gia ý kiến trong việc xem xét thành tích của các cá nhân được đề cử trước khi báo cáo lên Ủy ban Khen thưởng Quốc gia. Hội đồng gồm 15 người đã được trao tặng Giải thưởng Corvin. Người đứng đầu Hội đồng xét Giải thưởng Corvin do Tổng thống bổ nhiệm.
Quyền và trách nhiệm của cá nhân được khen thưởng:
Quyền của cá nhân: Được giữ giải thưởng suốt đời (trừ Giải thưởng Corvin phải trả lại sau khi mất vì Giải thưởng Corvin được coi là tài sản quốc gia); được đeo giải thưởng vào các ngày lễ quốc gia và địa phương. Được tham gia các sự kiện cấp Nhà nước trong các ngày lễ quốc gia và địa phương với tư cách khách mời.
Trách nhiệm: Cung cấp sơ yếu lý lịch và thành tích xuất sắc được đề cử khen thưởng của cá nhân; cam kết đồng ý việc được đề cử và tuyên bố sẽ nhận hình thức khen thưởng cấp Nhà nước nếu được duyệt; cho phép các cơ quan cập nhật vào cơ sở dữ liệu cá nhân để tìm hiểu thành tích và đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân, những thành tích xuất sắc của cá nhân để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng.
Quy trình, thủ tục khen thưởng theo Luật Khen thưởng
(Huân chương Thánh Stephano, Huân chương Danh dự Hungary, Huân chương Công trạng Hungary và Huân chương Công trạng Chữ thập Hungary)
Đề cử: Dựa trên giá trị tinh thần và các điều của Hiến pháp, bất cứ cá nhân, tổ chức nào của Hungary cũng có quyền được đề cử khen thưởng cấp Nhà nước cho các cá nhân mà họ thấy xứng đáng và gửi tới các Bộ trưởng phụ trách các ngành, lĩnh vực. Thủ tục gồm: Sơ yếu lý lịch và bản báo cáo thành tích của người được đề cử khen thưởng.
Trình đề nghị khen thưởng: Các Bộ trưởng xem xét thành tích của các cá nhân được đề cử khen thưởng cấp Nhà nước, đối chiếu với các quy định của Luật Khen thưởng. Nếu thấy xứng đáng thì gửi về Ủy ban Khen thưởng Quốc gia.
Xét khen thưởng: Ủy ban Khen thưởng Quốc gia xem xét từng trường hợp đề nghị khen thưởng, nếu thấy xứng đáng thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, trình Tổng thống khen thưởng cho các cá nhân. (Vụ Khen thưởng giúp kiểm tra lý lịch tư pháp của các cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước).
Thủ tướng ký tờ trình trình Tổng thống khen thưởng.
Tổng thống ban hành Quyết định khen thưởng.
(Văn phòng Tổng thống đăng công báo các trường hợp được khen thưởng; đi kèm là các hoạt động truyền thông).
Quy trình, thủ tục khen thưởng theo Luật về Giải thưởng Corvin
Đề cử: Bất cứ cá nhân, tổ chức nào của Hungary cũng có quyền được đề cử Giải thưởng Corvin cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật mà họ thấy xứng đáng và gửi tới Hội đồng xét Giải thưởng Corvin. Thủ tục gồm: Sơ yếu lý lịch và bản báo cáo thành tích của người được đề cử khen thưởng.
Tham mưu xét chọn: Hội đồng gồm 15 người đã được nhận Giải thưởng Corvin tham gia ý kiến đối với từng trường hợp được đề cử nhận giải thưởng này tiếp theo. Với những cá nhân có thành tích xứng đáng thì Hội đồng gửi tới các Bộ trưởng phụ trách các ngành, lĩnh vực.
Đề nghị khen thưởng: Các Bộ trưởng xem xét thành tích của các cá nhân được đề cử Giải thưởng Corvin. Nếu thấy xứng đáng thì gửi về Ủy ban Khen thưởng Quốc gia.
Xét khen thưởng: Ủy ban Khen thưởng Quốc gia xem xét từng trường hợp đề nghị khen thưởng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, trình Tổng thống khen thưởng cho các cá nhân xứng đáng (Vụ Khen thưởng kiểm tra lý lịch tư pháp của các cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.)
Thủ tướng ký tờ trình trình Tổng thống khen thưởng.
Tổng thống ban hành Quyết định khen thưởng.
(Văn phòng Tổng thống đăng công báo các trường hợp được khen thưởng; đi kèm là các hoạt động truyền thông).
Việc trao tặng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước
Huân chương Thánh Stephano, Giải thưởng Corvin và Huân chương Danh dự Hungary: được Tổng thống trao tặng vào dịp trọng thể của đất nước: ngày 15/3 (ngày Quốc lễ) và 20/8 (ngày Quốc khánh).
Các hình thức khen thưởng còn lại: Tổng thống ủy quyền cho các bộ hay các cơ quan liên quan tổ chức trao tặng theo kênh ngành, lĩnh vực phụ trách.
Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) khảo sát thực tế tại Phòng họp Quận IV, thành phố Budapest - nơi tổ chức nghi lễ trao thưởng trang trọng. |
Một số điểm cần quan tâm khi nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm về công tác khen thưởng cấp Nhà nước của Hungary
Sự tham gia của Chính phủ và các cơ quan Chính phủ khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Khen thưởng và Luật Giải thưởng Corvin.
Cũng như các đạo luật khác, Luật Khen thưởng và Luật Giải thưởng Corvin do Quốc hội xây dựng, gồm 4 bước. Bước 1. Thảo luận về sự cần thiết xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật: Sau khi có hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể và đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến. Bước 2: Tiếp thu, chỉnh sửa: Tùy theo lĩnh vực, một Ủy ban được giao tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội vào dự thảo Luật, trình Quốc hội. Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật. Bước 3: Thảo luận tại Ủy ban Xây dựng pháp luật của Quốc hội. Bước 4: Phiên họp toàn thể Quốc hội, bỏ phiếu quyết định thông qua Luật. Trong các giai đoạn xây dựng và thông qua Luật của Quốc hội đều có sự tham gia ý kiến của đại diện Chính phủ, các cơ quan Chính phủ có liên quan. Đây là trách nhiệm tham gia theo Luật định. Tại Phiên họp toàn thể, Quốc Vụ khanh, Phó Quốc Vụ khanh và Bộ trưởng chuyên ngành tham dự.
Tính tưởng thưởng và ý nghĩa của các hình thức khen thưởng.
Thể hiện xuyên suốt trong Luật Khen thưởng và Luật Giải thưởng Corvin là giá trị tinh thần, mang tính danh dự rất cao. Luật quy định số lượng cụ thể tối đa một năm được khen thưởng đối với từng hình thức nhằm đảm bảo chất lượng, tránh tràn lan. Số lượng khen thưởng cấp Nhà nước rất ít, không đi kèm tiền thưởng hay đãi ngộ nào, được vinh danh và trao những dịp trang trọng. Số lượng người được tặng thưởng Giải thưởng Corvin không được quá 15 người tại cùng một thời điểm. Giải thưởng Corvin chỉ được trao tặng khi có một người đã được nhận giải thưởng qua đời, bị cấm hành nghề hoặc từ chối Giải thưởng. Việc từ chối Giải thưởng thực hiện khi cá nhân đó có văn bản gửi tới Văn phòng xét Giải thưởng Corvin.
Tính cá nhân hóa trong công tác khen thưởng và việc đề cao trách nhiệm thẩm định về chuyên môn của các Bộ.
Chỉ được đề cử khen thưởng cá nhân, không được đề cử khen thưởng tập thể và coi trọng khả năng đánh giá sát thực về chuyên môn của các bộ đối với thành tích của người được đề cử khen thưởng. Tất cả các cá nhân có đóng góp xuất sắc thì đều được khen thưởng thông qua bộ lọc về uy tín khi được đề cử khen thưởng và về chuyên môn của các bộ phụ trách ngành, lĩnh vực. Các bộ có trách nhiệm xem xét thành tích có xứng đáng hay không để trình Thủ tướng Chính phủ xét và trình Tổng thống khen thưởng. (Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như chính quyền các tỉnh, thành phố đều đề cử qua các bộ, không trình thẳng lên Ủy ban Khen thưởng Quốc gia). Trong các quyết định khen thưởng cấp Nhà nước có chữ ký của Tổng thống và chữ ký xác nhận của đại diện Văn phòng Thủ tướng để thể hiện trách nhiệm của cơ quan trình khen thưởng.
Quy định về trách nhiệm và sự phối hợp giữa Văn phòng Thủ tướng và Văn phòng Tổng thống.
Tổng thống chỉ quyết định khen thưởng những trường hợp do Thủ tướng trình. Quyết định khen thưởng có chữ ký của đại diện Văn phòng Thủ tướng để xác nhận việc trình. Văn phòng Tổng thống chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đề nghị khen thưởng có phù hợp hay không, có thể trả lại Tờ trình không đảm bảo yêu cầu, nhưng thực tế chưa xảy ra. Không có quy định về việc hủy quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật khen thưởng sau khi được trao thưởng (Chỉ có thể kêu gọi tự nguyện trả lại hiện vật).
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác khen thưởng.
Luật quy định rõ ai được tiếp cận, cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu điện tử trong trường hợp cá nhân được đề cử đồng ý cung cấp dữ liệu phục vụ việc xét khen thưởng (vì liên quan đến quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân). Hungary đã và đang thực hiện số hóa toàn bộ quy trình khen thưởng. Các bộ đã triển khai từ 10 năm nay, hiện nay Văn phòng Thủ tướng đang tiến hành. Hướng tới, từng bước loại bỏ thói quen sử dụng văn bản giấy để các đề cử khen thưởng cũng được điện tử hóa./.
TS Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ)
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục