Hà Nội, Ngày 05/10/2024

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII

Ngày đăng: 27/09/2023   11:56
Mặc định Cỡ chữ

Chuyến đi nhằm cụ thể hóa, triển khai những thỏa thuận trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil và quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển đất nước, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tại Tây bán cầu, tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 và tiến hành các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 17 - 23/9, thăm chính thức Brazil từ ngày 23 - 26/9.

Chuyến đi nhằm cụ thể hóa, triển khai những thỏa thuận trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil và quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển đất nước, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Chuyến đi đã hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra ở mức rất cao

Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay có sự tham dự của hơn 150 lãnh đạo các nước, diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, cục diện địa chính trị đang chuyển biến sâu sắc. Các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng và lương thực, dịch bệnh có tác động cộng hưởng và đe dọa sự phát triển bền vững toàn cầu, trong khi nguồn lực cho phát triển bị thiếu hụt khiến cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được đánh giá là khó có thể đạt được vào năm 2030.

Các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ của Thủ tướng diễn ra ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình hợp tác và phát triển bền vững. Sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, phát triển sâu rộng, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực quan trọng ở cả 3 cấp độ song phương, khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng là bước triển khai thiết thực chủ trương đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó có việc tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống mà Brazil là đối tác quan trọng hàng đầu. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, khi hai nước hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 16 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện trong năm 2024. Đồng thời, đây cũng là hành trình theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi năm 1912, Người đã từng lưu lại Brazil trên hành trình tìm đường cứu nước.

Với các hoạt động dày đặc (riêng tại Hoa Kỳ có khoảng 60 hoạt động trong 113 giờ làm việc, ngày cao điểm có tới gần 20 hoạt động), chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.  

Điều đặc biệt là trong suốt hành trình dài từ Đông bán cầu tới Tây bán cầu, từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ, cả 6 lần di chuyển của Đoàn công tác bằng máy bay khi khởi hành và trở về Việt Nam, cũng như giữa các thành phố của Hoa Kỳ và Brazil, đều là “những chuyến bay đêm” để dành toàn bộ thời gian ban ngày cho các hoạt động làm việc. Chuyến công tác không có thời gian trống, các hoạt động diễn ra liên tục từ sáng sớm tới tối muộn, rất nhiều sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp ăn sáng làm việc, ăn trưa làm việc, ăn tối làm việc. Tất cả các cuộc làm việc đều bảo đảm thực chất, hiệu quả nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Truyền tải thông điệp, thể hiện hình ảnh và khẳng định vai trò Việt Nam

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các phiên họp của Liên hợp quốc, nhất là Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng và các bài phát biểu chính sách tại Hoa Kỳ và Brazil đã truyền tải những thông điệp lớn về quan điểm, chính sách cụ thể của Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Chuyến thăm thể hiện hình ảnh một Việt Nam trân trọng sự quý giá của hòa bình, ổn định, đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; đồng thời có vai trò, vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Trong các bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, sự chia cắt, bao vây, cấm vận trong thế kỷ trước, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của hoà bình, hợp tác và phát triển. Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, bằng sự kiên trì, cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác, và được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hoà giải sau chiến tranh vì sự phát triển và thịnh vượng chung của các bên. Hình mẫu Việt Nam cho thấy “không có gì là không thể trong quan hệ quốc tế” để tìm đến hòa bình, hợp tác và phát triển.

Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đã nêu đậm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh Lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là một minh chứng cho việc, các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương. Từ bài học kinh nghiệm này, Tổng thống Joe Biden khẳng định, Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết các tranh chấp và Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Đặc biệt, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 với chủ đề “Cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển”.

Đánh giá về những khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thế giới hiện đang ẩn chứa những yếu tố khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin, về hợp tác đa phương, về nguyên tắc, và về nguồn lực. Chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia, mới giúp cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới, mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trên thế giới là phải cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương; ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển. 

Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm.

Thứ nhất là lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng, trong đó các nước lớn đóng vai trò hết sức quan trọng, tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan toả sự chân thành và tinh thần trách nhiệm.

Thứ hai là giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, ủng hộ Kế hoạch thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững; đồng thời, cần lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập.

Thứ ba là giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động; không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư là cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, tăng cường các Hiệp định thương mại tự do, cải tổ các thể chế tài chính - tiền tệ quốc tế.

Thứ năm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh; đồng thời, các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh… cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị điều phối.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của Liên hợp quốc, trong đó có đẩy mạnh tham gia gìn giữ hòa bình, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Trong các bài phát biểu chính sách tại Hoa Kỳ (Đại học Georgetown, Đại học tổng hợp San Francisco) và tại Bộ Ngoại giao Brazil, Thủ tướng đã nêu bật những điểm tương đồng giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và Việt Nam - Brazil; chia sẻ về quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, quá trình đổi mới, hội nhập, những bài học kinh nghiệm, những mục tiêu, những giá trị cốt lõi, những định hướng lớn trong bảo vệ và phát triển đất nước của Việt Nam.

Các thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự đồng tình, chia sẻ của lãnh đạo các nước, các đối tác quốc tế. Nhiều bè bạn quốc tế bày tỏ sự cảm kích trước những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam và đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Tổng thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đều đánh giá cao sự hợp tác và ủng hộ tuyệt vời của Việt Nam dành cho Liên hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên, đặc biệt là gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người…, nhất là những cam kết mạnh mẽ về thực hiện SDGs, hành động ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam đã đổi thay, phát triển phi thường, từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình và năng động với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ; hoàn toàn chia sẻ các quan điểm Việt Nam về đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nước đang phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.

Cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Với Hoa Kỳ, đây là chuyến công tác đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, góp phần triển khai các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là nền tảng, trọng tâm, là động lực, là “động cơ vĩnh cửu”, hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là đột phá, tiếp tục hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đã có hàng chục cuộc gặp và tham dự sự kiện tại San Francisco, Washington DC và New York, với sự hiện diện của các quan chức cao cấp của chính quyền, Quốc hội liên bang, các tiểu bang, giới doanh nghiệp, trí thức, các bạn bè lâu năm tại Hoa Kỳ.

Các đối tác Hoa Kỳ đều khẳng định coi trọng Việt Nam và phát triển quan hệ hai nước có được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, thống nhất cao về việc cần khẩn trương triển khai thực hiện khuôn khổ quan hệ mới để sớm đạt kết quả cụ thể, đặc biệt là trên các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế - môi trường, giao lưu nhân dân...

Phía Hoa Kỳ phản hồi tích cực đối với các ưu tiên cao của Việt Nam về việc sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại, mở cửa hơn nữa thị trường cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái bán dẫn và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh...

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có rất nhiều hoạt động tiếp xúc, trao đổi, tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn công nghệ khổng lồ, các quỹ đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ như Microsoft, NVIDIA, Synopsys, Facebook, Apple, Google, Boeing, SpaceX, Coca Cola…

Thủ tướng dành thời gian thăm và làm việc tại thung lũng Silicon, rung chuông khai mạc các phiên giao dịch tại Sàn chứng khoán New York (NYSE) và Sàn chứng khoán NASDAQ - hai sàn chứng khoán lớn nhất thế giới với tổng mức vốn hóa lên tới 40 nghìn tỷ USD và 30 nghìn tỷ USD, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người.

Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao đã được ký kết và trao đổi.

Đáng chú ý, các tập đoàn Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn khẳng định có quyết tâm cao với thị trường Việt Nam, đánh giá tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ hai nước trong thời kỳ mới. Cho rằng Việt Nam có khả năng và cần hướng tới những vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng công nghệ cao, các doanh nghiệp đã đưa ra các khuyến nghị chính sách, đề xuất những phương thức, dự án hợp tác cụ thể nhằm phát triển thành công hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.

Chuyến thăm chính thức Brazil đạt kết quả thực chất, toàn diện, hướng tới khuôn khổ hợp tác mới

Chuyến thăm chính thức lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là chuyến thăm Brazil lần thứ 5 của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989, và là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau 16 năm.

Tổng thống Brazil đã tổ chức đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta trọng thị, chu đáo, thân tình, ấm áp. Chuyến thăm đã đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, nghị viện, giao lưu nhân dân và nhiều lĩnh vực hợp tác chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch, thể thao… và mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số.

Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung, văn kiện quan trọng, thể hiện tầm vóc của quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời định hướng cho hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng tới khuôn khổ quan hệ mới phù hợp trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2024; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước về tham khảo chính trị và hợp tác kinh tế - thương mại, sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Brazil về Hợp tác kinh tế - thương mại; phấn đấu tăng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy khởi động đàm phán một Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); đánh giá Hiệp định này sau khi được đàm phán ký kết và có hiệu lực sẽ tạo động lực tăng cường hợp tác kinh doanh, thương mại và đầu tư, mang lại kết quả thực chất cho doanh nghiệp và người dân của Việt Nam và các nước thành viên MERCOSUR, đồng thời tăng cường các mối liên kết kinh tế liên khu vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Brazil tạo điều kiện tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Tổng thống Brazil và Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí hai bên thúc đẩy trao đổi để sớm đạt thỏa thuận về việc Brazil công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thông qua việc thúc đẩy đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác liên quan; phối hợp trong các cơ chế và hoạt động đa phương hai bên cùng tham gia.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác mới mà hai bên cùng quan tâm. Theo đó, hai bên đánh giá cao các văn kiện quan trọng liên quan đến lĩnh vực ngoại giao, giáo dục - đào tạo, quốc phòng, nông nghiệp… được ký kết nhân dịp chuyến thăm lần này; nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, thể thao, bóng đá, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, nhiên liệu sinh học, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học rừng nhiệt đới, hợp tác bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong - sông Amazon.

Trao đổi về hợp tác đa phương và khu vực, hai bên đánh giá cao việc hai nước thường xuyên phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Hợp tác Nam - Nam, Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC)…; Việt Nam ủng hộ và chúc mừng Brazil trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Brazil trong quá trình hợp tác với ASEAN, cũng như thúc đẩy quan hệ ASEAN - Mercosur phát triển xứng với tiềm năng hợp tác và thế mạnh của mỗi bên.

Các nhà lãnh đạo, bạn bè, đối tác của Brazil đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, cũng như triển vọng hợp tác không chỉ song phương, mà còn ở phạm vi khu vực và quốc tế; bày tỏ sự ngưỡng mộ to lớn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Nhân dân Việt Nam - vừa mềm dẻo vừa kiên cường như “cây tre Việt Nam” - đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhân dân Brazil, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình của Brazil và khu vực Mỹ Latinh.

Một lực lượng hùng hậu các hãng thông tấn lớn của thế giới, truyền thông của Brazil và của khu vực rất quan tâm đến chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, nhất là các thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa hai bên.

Tranh thủ tối đa mọi cơ hội, huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước

Một điểm rất đáng chú ý khác, Thủ tướng và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tranh thủ tối đa chuyến công tác để phát triển hơn nữa và mở mới quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác. Thủ tướng và các thành viên đoàn chính thức đã có hàng chục hoạt động tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.

Tại các cuộc gặp, các đối tác đều thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam, thống nhất tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Lãnh đạo nhiều nước ủng hộ tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Trong dịp này, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao thêm với Tonga, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên 193 nước. Việt Nam cũng là một trong số những nước đầu tiên ký Hiệp định về Biển cả (BBNJ), là điều ước quốc tế có ý nghĩa lịch sử điều chỉnh việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gen biển tại các vùng biển quốc tế.

Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian gặp gỡ kiều bào tại Hoa Kỳ, tại Brazil, đối thoại với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ, gặp gỡ những người bạn Hoa Kỳ, Brazil yêu mến ủng hộ Việt Nam, góp phần thắt chặt tình cảm quê hương với kiều bào và tình đoàn kết với bạn bè quốc tế; huy động sức mạnh đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và vun đắp quan hệ Việt Nam với hai nước.

Theo Thủ tướng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù ở đâu, dù đông đảo như ở Hoa Kỳ (với hơn 2 triệu người, là cộng đồng người Việt lớn nhất ở nước ngoài) hay là cộng đồng nhỏ như ở Brazil (khoảng 150 người) cũng đều được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm. Người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều có điểm chung là con Lạc cháu Hồng, mang trái tim Việt Nam, dòng máu Việt Nam, dù ở đâu cũng hướng về Việt Nam và trong bối cảnh hiện nay thì dù ở đâu cũng có thể giúp được đất nước.

Đáng chú ý, nhiều hoạt động triển lãm, biểu diễn, giao lưu văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tại Hoa Kỳ và Brazil nhân dịp chuyến công tác. Với những hình ảnh, tiết mục giàu bản sắc, mang đậm tính dân tộc, tinh túy và độc đáo, các hoạt động này đã góp phần giới thiệu tới nhân dân Brazil, nhân dân Hoa Kỳ và bạn bè quốc tế về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy một Việt Nam năng động và phát triển, yêu chuộng hòa bình, tích cực hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn với các tiến trình quốc tế, đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc, Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Brazil theo đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.

Theo: dangcongsan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Coi trọng vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Ngày đăng 19/09/2024
Đảng ta nhận thức sâu sắc và khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, coi việc củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Ngày đăng 04/08/2024
Trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hoàn thiện thể chế liên kết vùng trước yêu cầu phát triển hiện nay ở Việt Nam

Ngày đăng 18/07/2024
Liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo lợi thế cạnh tranh, động lực phát triển cho vùng thông qua việc kết nối về không gian kinh tế - tự nhiên - văn hóa - xã hội giữa các địa phương trong vùng là một trong những yêu cầu tất yếu đặt ra hiện nay, đặc biệt trong điều kiện xây dựng nền quản trị hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế liên kết vùng đáp ứng yêu cầu quản trị hiệu lực, hiệu quả rất cần phải được xem xét, nghiên cứu đầy đủ, nhiều chiều, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho phát triển vùng, liên vùng trong thời gian tới. 

Những điểm mới của Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Ngày đăng 12/07/2024
Sáng 09/7/2024, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhân dịp này, đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Báo cáo viên Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng đã thông tin với phóng viên về tầm quan trọng và những điểm mới của Chỉ thị số 35-CT/TW.

Nhân dân kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Ngày đăng 03/07/2024
Bài viết phân tích cơ sở chính trị, pháp lý và các giải pháp để Nhân dân kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.