Đó là phương án quy hoạch hệ thống đô thị được nêu trong Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
![]() |
Một góc thành phố Yên Bái. Ảnh: yenbai.gov.vn |
Nội dung Quy hoạch nêu rõ, mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"; phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Yên Bái nằm trong nhóm 05 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị đồng bộ, thông minh, hiện đại; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội hài hòa với thiên nhiên; đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị
Đến năm 2030, toàn tỉnh có 26 đô thị, gồm:
01 đô thị loại II (thành phố Yên Bái): Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chí đô thị loại II, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế giáo dục của tỉnh Yên Bái; là đô thị văn hóa, sinh thái kết hợp phát triển kinh tế, trong đó công nghiệp hỗ trợ cho phát triển nông nghiệpvà dịch vụ mang tính đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc; là trung tâm giao lưu, kết nối giữa vùng Tây Bắc với vùng Đông Bắc; vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với vùng Thủ đô Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ; là đầu mối giao thông trung chuyển quan trọng gắn với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
01 đô thị loại III (thị xã Nghĩa Lộ): Là vùng du lịch văn hóa nhân văn, sinh thái bền vững, gắn với bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên; là đô thị vệ tinh cầu nối trong chuỗi đô thị của hành lang Đông Tây.
04 đô thị loại IV: thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình), thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên), thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên).
20 đô thị loại V: 03 thị trấn huyện lỵ (thị trấn Mù Cang Chải, thị trấn SơnThịnh, thị trấn Trạm Tấu); 02 thị trấn nông trường (thị trấn nông trường Liên Sơn, thị trấn nông trường Trần Phú), huyện Văn Chấn; 01 thị trấn trực thuộc huyện (thị trấn Thác Bà), huyện Yên Bình; 14 đô thị mới (đô thị Hưng Khánh, đô thị Báo Đáp, đô thị Vân Hội, huyện Trấn Yên; đô thị An Thịnh, đô thị Xuân Ái, đô thị An Bình (Trái Hút), huyện Văn Yên; đô thị Khánh Hòa, huyện Lục Yên; đô thị Cảm Ân, đô thị Cảm Nhân, huyện Yên Bình; đô thị Tú Lệ, đô thị Cát Thịnh, đô thị Tân Thịnh, đô thị Gia Hội, huyện Văn Chấn; đô thị Púng Luông, huyện Mù Cang Chải).
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện
Tỉnh Yên Bái có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện, phương án sắp xếp thời kỳ 2023-2030:
Giai đoạn 2023-2025: Không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.
Giai đoạn 2026-2030: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Tỉnh Yên Bái có 173 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn. Phương án sắp xếp thời kỳ 2023-2030:
Giai đoạn 2023-2025: Có 12 đơn vị hành chính cấp xã (01 phường, 01 thị trấn và 10 xã thuộc diện phải sắp xếp), gồm: Thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu; xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn; xã Đào Thịnh, xã Việt Thành, xã Nga Quán, xã Cường Thịnh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên; xã Yên Bình, huyện Yên Bình; xã Nghĩa Phúc, xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ và xã Tuy Lộc, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Trong đó: Thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh; xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn có vị trí biệt lập, có đặc điểm về văn hóa, dân tộc và phong tục tập quán riêng biệt và xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ được quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị (quy hoạch lên phường) giai đoạn 2023-2030.
Dự kiến sắp xếp 09 xã, phường, gồm: Xã Đào Thịnh, xã Việt Thành, xã Nga Quán, xã Cường Thịnh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên; xã Yên Bình, huyện Yên Bình; xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ và xã Tuy Lộc, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.
Giai đoạn 2026-2030: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định./.
Hoàng Hà
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục